Chuyên gia y tế Mỹ: Đo thân nhiệt không mấy hiệu quả trong việc sàng lọc ca nhiễm COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi xuất hiện đại dịch, người dân Mỹ được yêu cầu đo nhiệt độ cơ thể khi vào phòng khám, bệnh viện, thư viện và nhiều nơi khác để sàng lọc và phát hiện ca nhiễm COVID-19. Nhưng hiện nay, CDC và một số chuyên gia y tế của Mỹ cho rằng việc kiểm tra nhiệt độ là vô ích (useless) và thậm chí gây hiểu lầm.

NBC đưa tin ngày 3/6, Tiến sĩ Jeff Klausner, một chuyên gia y tế dự phòng tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California (University of Southern California), cho biết: “Việc kiểm tra nhiệt độ sẽ bỏ sót nhiều người bị nhiễm bệnh”.

Trong những ngày đầu bùng phát, nhiều doanh nghiệp và cơ sở y tế yêu cầu người dân phải đo thân nhiệt trước khi vào trong, một khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 100,4 độ F (38 độ C), họ sẽ bị từ chối cho vào.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy trong năm 2020, CDC Hoa Kỳ đã kiểm tra trường hợp của 766.044 hành khách tới Hoa Kỳ. Những người này đã được kiểm tra nhiệt độ cơ thể và các triệu chứng khác. Báo cáo cho biết chỉ có 1 trường hợp COVID-19 được tìm thấy trong mỗi 85.000 khách được kiểm tra. Do đó, hiện CDC kết luận rằng, “Các chương trình sàng lọc dựa trên triệu chứng không hiệu quả”.

Tiến sĩ Klausner của Đại học Nam California cho biết thêm: “Tôi cho rằng việc kiểm tra nhiệt độ có vấn đề, bởi vì nhiều khi mọi người có thể nhiễm virus COVID-19 mà không bị sốt”.

Đo thân nhiệt bằng nhiệt kế không tiếp xúc có chính xác?

Đồng thời, NBC cũng đưa tin về một vấn đề khác liên quan tới đo thân nhiệt, đặc biệt là độ chính xác của nhiệt kế không tiếp xúc được sử dụng ở hầu hết các nơi.

Vào mùa hè năm 2020, ông Joel Grover của nhóm điều tra truyền thông I-Team thuộc NBC4 đã thử nghiệm 5 loại nhiệt kế không tiếp xúc phổ biến nhất trên các gian hàng trực tuyến tại Mỹ, với sự giúp đỡ của Giáo sư Charles R. Drew thuộc Đại học Y khoa và Khoa học (University of Medicine and Science) và y tá có giấy phép hành nghề Alice Benjamin.

Đầu tiên, y tá Benjamin đo nhiệt độ cho ông Grover bằng một nhiệt kế đo miệng tiêu chuẩn. Kết quả là 98,5 độ F (khoảng 36,9 độ C), nằm trong mức bình thường.

Tuy nhiên, 2 trong số 5 nhiệt kế không tiếp xúc cho kết quả thấp hơn khoảng 3 độ F, nằm ngoài phạm vi bình thường.

Benjamin nói rằng với tư cách là một chuyên gia y tế, điều này khiến cô lo lắng. Các chuyên gia y tế khác cũng nói với I-Team rằng họ cũng lo lắng về độ chính xác của nhiệt kế không tiếp xúc.

Tiến sĩ James Lawler thuộc Trung tâm Toàn cầu về An ninh Y tế (Global Center for Health Security) của Đại học Nebraska cho biết: “Tôi nghĩ rằng các thiết bị này nhìn chung là kém tin cậy và kém chính xác”.

Mặc dù hiện giờ CDC Mỹ nói rằng việc kiểm tra nhiệt độ không hiệu quả, nhưng Sở Y tế Công cộng của hạt Los Angeles vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp nên kiểm tra thân nhiệt. Biện pháp này có thể thay đổi vào ngày 15/6, khi bang California sẽ mở cửa lại hoàn toàn và cập nhật thêm các phương án để phòng chống virus.

Đông Phương

Theo Vision Times

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia y tế Mỹ: Đo thân nhiệt không mấy hiệu quả trong việc sàng lọc ca nhiễm COVID-19