Chúng ta nên hiểu và bảo quản thức ăn thừa đúng cách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người nghĩ chỉ cần cho thức ăn vào tủ lạnh là có thể ngăn thực phẩm không bị hỏng, nhưng thực tế không phải vậy. Có rất nhiều tiểu tiết cần chúng ta chú ý hơn...

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trước năm 2016, Việt Nam mỗi năm trung bình có khoảng từ 7.000 đến 10.000 người bị ngộ độc. Trong đó, số ca tử vong dao động trong khoảng từ 100 đến 200. Trong những năm gần đây, tỷ lệ và số trường hợp ngộ độc thực phẩm nói chung có phần giảm Riêng năm 2019, toàn quốc ghi nhận có 76 vụ ngộ độc thực phẩm và có tới 1.918 người phải đi viện và có 8 trường hợp tử vong.

Không chỉ tại Việt Nam mới có nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cứ 6 người dân thì có 1 người bị ngộ độc thực phẩm. Các trường hợp ngộ độc thực phẩm thường liên quan đến việc ăn thực phẩm tươi.

Bác sĩ dinh dưỡng Lisa Wartenberg chia sẻ trên Heathline rằng các loại thực phẩm khác nhau có những đặc điểm khác nhau. Vì vậy, khi muốn bảo quản thức ăn thừa, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ về thời hạn và phương pháp bảo quản tương ứng của chúng.

Rau củ, cơm, hải sản… có thể để được bao lâu?

Thực phẩm được chia làm ba nhóm nguy cơ. Để hiểu ra thực phẩm có thể để trong thời gian bao lâu, chúng ta cần biết chúng thuộc nhóm nguy cơ nào.

1. Nhóm nguy cơ thấp
    • Rau tươi: sau khi được nấu chín rồi bỏ vào hộp và để trong tủ lạnh, rau có thể để từ 3 đến 7 ngày; còn đậu thì trung bình từ 7 đến 10 ngày. Thời gian bảo quản còn tùy thuộc vào hàm lượng nước trong rau củ. Các loại rau củ chứa nhiều nước như dưa chuột và cà chua thường không thể để lâu bằng khoai tây và cải xoăn, những loại rau củ chứa ít nước.
    • Bánh mì: là một loại thực phẩm dễ bảo quản, có thể để được 5-7 ngày ở nhiệt độ phòng, còn trong tủ lạnh thì để thêm được 3-5 ngày. Nhưng nếu chúng ta phát hiện thấy có nấm mốc trên bánh mì, thì không nên ăn mà bỏ đi.
2. Nhóm nguy cơ trung bình

Mì ống nấu chín hoặc kiều mạch và các loại ngũ cốc khác có thể giữ được 3 ngày nếu bảo quản lạnh đúng cách. Thời gian sử dụng có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng, nếu chúng được đặt trong tủ đông. Riêng các món tráng miệng thì thường chỉ có thể giữ được từ 3 đến 4 ngày trong tủ lạnh.

3. Nhóm nguy cơ cao

Nhóm này thường gồm những thực phẩm chứa nhiều nước, giàu chất đạm. Nếu chúng ta bảo quản không đúng cách thì vi khuẩn dễ sinh sôi, phát triển và có thể gây bệnh. Thực phẩm loại này bao gồm:

    • Trứng: loại thực phẩm này rất dễ chứa vi khuẩn Salmonella. Vì vậy, cần luộc trứng chín kỹ trước khi ăn. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì tốt nhất nên ăn trong vòng 7 ngày.
    • Thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm: thịt xay nấu chín và thịt gia cầm nếu để trong tủ lạnh dưới 5°C thì có thể bảo quản trong 2 ngày. Các sản phẩm thịt khác như thịt nướng thì giới hạn bảo quản là từ 3 đến 4 ngày.
    • Hải sản: Động vật có vỏ và cá cũng như các loại hải sản khác có thể chứa nhiều mầm bệnh và độc tố. Những món ăn này chỉ nên tiêu thụ trong vòng 3 ngày.
    • Cơm nấu chín: Mặc dù cơm không phải là thực phẩm giàu đạm nhưng lại rất dễ sinh vi khuẩn Bacillus cereus - một loại vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm. Cơm đã nấu chín, nếu chúng ta không ăn thì nên cho vào tủ lạnh trong vòng một giờ và tiêu thụ trong vòng 3 ngày. Nếu để ngoài 1 tiếng mà chưa cho vào tủ lạnh thì nên bỏ đi.

Bí quyết bảo quản thức ăn thừa

Để giữ thức ăn thừa được đảm bảo thì kiểm soát nhiệt độ là một chìa khóa quan trọng.

Thức ăn thừa cần được cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt. Thức ăn thừa còn nóng hoặc ấm thì tốt nhất là cho vào hộp nông. Sau đó để nguội hoặc cũng có thể cho vào ngăn đá để làm nguội, sau đó cho vào ngăn mát để bảo quản. Khi cho vào tủ lạnh, bát đĩa cần được đậy kín để tránh bị lẫn mùi vào các thức ăn khác trong tủ lạnh.

Thức ăn thừa trước khi hâm nóng nếu lấy ra khỏi ngăn đá thì không nên rã đông ở nhiệt độ phòng, cách tốt nhất là cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc ngâm vào nước lạnh để khử cặn.

Mẹo hâm nóng thức ăn thừa

Khi hâm nóng thức ăn thừa, nhiều người thường giao hết nhiệm vụ cho lò vi sóng, kết quả làm mất đi chất dinh dưỡng của thức ăn, độ ngon cũng theo đó mà bốc hơi. Một tiêu chí quan trọng để làm nóng thức ăn thừa là duy trì nguồn nhiệt như khi nấu chín lần đầu - tức là dùng nồi để nấu súp, cho đồ nướng trở lại lò nướng, và dùng chảo để rán lại thịt.

Website dạy nấu ăn The Kitchen gợi ý cho chúng ta một số mẹo để hâm nóng thức ăn thừa như sau:

    1. Lò vi sóng: là phương tiện làm nóng nhanh và tiện lợi nhất, nhưng cũng là phương tiện dễ làm thức ăn mất đi kết cấu và mùi vị ban đầu. Thực phẩm thích hợp để hâm nóng bằng lò vi sóng bao gồm súp, món xào nóng, cơm trắng, mì ống và món hầm.

      Khi hâm nóng, thức ăn thừa nên được xếp đều ở trong hộp, đậy kín nắp để giữ độ ẩm cho thức ăn, chọn chế độ hâm nóng từ từ để thức ăn nóng đều.
    2. Lò nướng: cũng là một công cụ hâm nóng rất tiện lợi, thực phẩm thích hợp bao gồm bánh mì, đồ nướng, và thức ăn chiên giòn.

      Làm nóng lò trước và đậy thức ăn thừa bằng giấy nhôm để có thể giữ độ ẩm. Cố gắng sử dụng chế độ nướng có nhiệt độ thấp để tránh nấu quá chín hoặc làm thức ăn bị cháy.
    3. Bếp gas: một phương pháp hâm nóng hữu ích cho các món hầm, rán và các món thịt. Tuy nhiên, hiệu quả hâm nóng lại phù thuộc rất nhiều vào cách chọn nồi sao cho phù hợp. Ví dụ: sử dụng nồi sâu để nấu súp, sử dụng chảo để rang cơm hoặc rán thịt.

Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh các dụng cụ bếp núc - ví dụ: bọt biển, giẻ lau, dao, thớt, hộp đựng thức ăn, tủ lạnh - để tránh làm cho thức ăn bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm, mầm bệnh rất dễ để sinh sôi, chúng ta cần chú ý phòng bệnh khi không may ăn uống bất cẩn.

Minh Sang
- Theo NTD tiếng Trung.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Chúng ta nên hiểu và bảo quản thức ăn thừa đúng cách