Chữa tâm bệnh, chỉ có tâm dược

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bậc cha mẹ thì áp lực về công việc, tài chính gia đình, nuôi dạy con cái. Giới trẻ thì áp lực về học hành thi cử, tình cảm không như ý... Tất cả các vấn đề gặp phải trong cuộc sống thường ngày đều chi phối đến tâm...

Tâm bệnh là bệnh lý gây ra bởi những sang chấn về tâm lý. Theo Đông y, chứng bệnh này là do nội nhân thất tình (bảy thứ tình cảm của con người biến chuyển thái quá) mà sinh ra, vậy nên cũng chỉ có “tâm dược” (liệu pháp tâm lý) mới có thể tác động đến gốc rễ sinh ra bệnh, nhờ đó mà bệnh khỏi...

Tâm bệnh gây ra bởi nội thương thất tình, bệnh muốn khỏi được phải điều dưỡng Tâm

Thời đại ngày nay, trong vòng xoáy công việc, lợi ích tiền bạc và tình cảm khiến bản thân mỗi người đều có những sang chấn về tâm lý. Các bậc cha mẹ thì áp lực về công việc, tài chính gia đình, nuôi dạy con cái. Giới trẻ thì áp lực về học hành thi cử, tình cảm không như ý... Tất cả các vấn đề gặp phải trong cuộc sống thường ngày đều chi phối đến tâm.

Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một giới hạn chịu đựng nhất định. Khi vượt qua hạn độ ấy sẽ sinh ra bệnh lý như bệnh tâm căn suy nhược, rối loạn lo âu, trầm cảm,... Điều đáng lo ngại là những căn bệnh này hiện đang ngày càng phổ biến.

Có thể thấy những trường hợp bệnh nhân tuy vẫn đi làm nơi công sở hay đi học trên trường lớp... nhưng lại luôn có tâm lý cô lập, không muốn tiếp xúc với ai, về nhà thì ngủ vùi, không muốn làm bất kể việc gì, tính tình cáu gắt hay lo nghĩ và sợ hãi... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc, học tập và chất lượng sống của mỗi người.

Tâm bệnh thuộc phạm trù bệnh “thất thương” trong y học cổ truyền (bệnh lý phát sinh bởi bảy thứ tình cảm bị thương tổn). Trong cuốn y thư Tử Siêu y thoại” (*), có ghi:

Thất thương là nói về sự thiên thắng của thất tình. Ngẫm như hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh... ai mà không có lúc gặp những trường hợp đó. Nhưng nếu đáng hỷ mà hỷ (đáng mừng mà mừng), đáng nộ mà nộ (đáng giận mà giận), đáng ưu mà ưu (đáng buồn mà buồn)... đều chỉ một vừa hai phải, thì tức như Trung Dung có câu “hỷ nộ ai lạc phát sinh đều đúng mức”. Trường hợp rất bình hòa như vậy, thì đâu gọi là thương?

Chỉ có là việc chưa đến thì sớm đã dự nghĩ, việc khi đã qua mà vẫn còn lưu luyến mãi không nguôi... thì suốt tháng suốt năm không lúc nào thoát ra khỏi vòng hỷ nộ ưu tư... Tấm lòng (tâm) kia mà không được chút nào thênh thang thoải mái, thì muốn cho khỏi “thương” làm sao được?

Song lẽ, thất tình làm thương, tuy phân phối về 5 tạng, mà rút cục cũng đều trở về Tâm. Như hỷ (mừng) thì thương Tâm, đó chính là bệnh của bản tạng. Vì hỷ quá thì dương khí phù quá, mọi luồng mạch trống rỗng, Tâm sẽ do đó mà bị thương. Đến như nộ (giận) làm thương Can, Can vốn không biết là nên nộ, Tâm biết là nên nộ, nên mới nộ quá nhiều, do đó thành ra Can bị thương mà Tâm cũng bị thương. Ưu (buồn) làm thương Phế, Phế vốn không biết là nên ưu, vì Tâm biết là nên ưu, nên mới ưu quá nhiều, do đó thành ra Phế bị thương mà Tâm cũng bị thương...Cứ thế mà suy thì như tư, như bi, như khủng, như kinh...cũng đều thống thuộc về Tâm cả. Phương ngôn ta có câu “Trăm dâu đổ vào đầu tằm” cũng cùng một nghĩa. Cho nên điều trị thất thương, tuy có nhận thấy là bệnh thuộc Can, Tỳ, Phế, Thận...nhưng chủ yếu là phải chữa cả Tâm, mới mong thu được kết quả”.

Đây chính là việc chưa đến mà tâm sớm đã dự nghĩ, hay việc đã qua mà lòng lưu luyến mãi không thôi.

Tâm bệnh chỉ có thể chữa khỏi bằng tâm dược

“Thắt nút ở đâu thì gỡ ở đó”. Bệnh phát sinh do tâm lý thì chỉ có thể chữa bằng tâm lý, giải tỏa nút thắt trong tâm mới thu được công hiệu. Tuy nhiên, độc gây ra bệnh lại nằm chính ở bệnh nhân.

Muốn trừ dứt bệnh, thì người chữa phải hiểu sâu biết rộng, tận tâm với bệnh nhân, áp dụng kiến thức cũng phải linh hoạt thì mới có kết quả. Thường các thầy thuốc hay chuyên gia tâm lý chỉ có thể tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà, không phải thầy thuốc nào cũng có thể mở khóa trong tâm của người bệnh.

Trong Đông y, nguyên tắc trị liệu thất tình sớm đã được bàn tới trong “Nội Kinh”, phần nhiều dựa trên các quy luật sinh, khắc, chế, hóa của Ngũ hành như: ưu thắng nộ (buồn rầu lấn át giận dữ), khủng thắng hỉ (kinh sợ thắng được quá vui), nộ thắng tư (tức giận trấn áp lo nghĩ), hỷ thắng ưu (mừng vui xua tan buồn khổ), tư thắng khủng (lo nghĩ làm quên đi sợ hãi)...

Các Danh y đời trước đã sử dụng khá nhiều phương pháp trên để điều trị cho bệnh nhân, vừa đỡ tiền thuốc men mà công hiệu thu được lại to lớn. Thí dụ, một y án của cụ Đan Khê (**) có ghi lại:

Một thiếu phụ mới về nhà chồng được ít lâu, chồng đi buôn luôn 2 năm không về. Thiếu phụ dần dần biếng ăn, cứ nằm li bì suốt ngày như người ngây, mà phần nhiều chỉ nằm ngoảnh mặt vào trong... Ngoài ra không có bệnh gì hết.

Đan Khê chẩn mạch, thấy Can mạch huyền quá ra ngoài thốn khẩu. Ông nói:

"Đây là một bệnh phát sinh bởi nhớ chồng quá độ, khí kết tại Tỳ, không thể chỉ đơn thuần dùng thuốc mà chữa được, chỉ có mừng mới giải quyết được bệnh kết đó. Nếu không có cách gì làm cho mừng được, thì phải làm cho giận. Tỳ chủ về tư, tư lự quá độ Tỳ khí kết lại, thành chứng không ăn được. Giận thuộc Can mộc, mộc khắc được thổ. Giờ làm cho giận thì Can khí sẽ bốc lên mạnh, xâm phạm sang Tỳ thổ, tức là “mộc năng sơ thổ”...Chứng kết ở Tỳ sẽ nhờ đó mà khai tiết (mở để thoát ra) được".

Người bố chồng nghe lời liền kiếm cớ quở mắng nàng dâu thậm tệ, đồng thời lại tát luôn cho nàng mấy cái. Nàng kêu khóc luôn 2,3 giờ liền, người nhà phải khuyên nhủ, dỗ dành mãi mới nín. Thừa thế lúc đó, Đan Khê cắt cho một thang giải uất, bệnh giảm nhẹ ngay, đã biết đòi ăn và ăn rất ngon.

Đan Khê bảo ông bố: "Tư khí (cái khí phát sinh bởi nghĩ ngợi) tuy đã giải, nhưng phải cần được mừng, bệnh thế mới khỏi tái phát".

Ông bố chồng liền nói dối nàng: “Chồng nàng sắp về, đã biên thư về báo tin trước…” May sao, sau đó 3 ngày thì người chồng về thật. Bệnh của thiếu phụ từ đó khỏi hẳn.

Tâm bệnh là căn bệnh nguy hại nhất đối với sức khỏe con người. Bởi nếu không giữ tinh thần cho tốt thì có uống linh đan diệu dược nào cũng vô dụng. Chỉ có phương pháp tu dưỡng bản thân, hiểu thấu quy luật nhân quả và làm mọi việc thuận theo tự nhiên mới có thể giải quyết căn nguyên bệnh của tự thân. Đó có chăng lại là phương thuốc rẻ tiền nhất mà mọi người vẫn tìm kiếm.

Chú thích:
(*) Tử Siêu y thoại là tác phẩm của Lương y Nguyễn Tử Siêu.
Nguyễn Tử Siêu (1887-1965), nguyên quán xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Nho học, Ông làm việc trong lĩnh vực viết văn dạy học và làm nghề Đông y.

(**) Y án được trích dẫn trong cuốn “Tử Siêu y thoại”
Chu Đan Khê (1281~1358) tên là Chấn Hanh, tự Ngạn Tu, người Xích Ngạn, Nghĩa Ô, nay là thành phố Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang. Ông là một trong tứ đại gia, sáng lập phái ‘tư âm’, đời Kim, Nguyên.

Thiên Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Chữa tâm bệnh, chỉ có tâm dược