5 điều bạn không nên bỏ qua để phòng tránh đại dịch truyền nhiễm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng và các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị, do vậy việc phòng tránh dịch bệnh đóng vai trò then chốt. Để phòng tránh dịch một cách hiệu quả thì cần hiểu rõ các nguyên lý gây bệnh, đường lây truyền của virus từ đó thực hiện các biện pháp dự phòng tương ứng. Bài viết này chúng tôi cung cấp cho quý độc giả những hiểu biết cơ bản để phòng tránh đại dịch một cách hiệu quả hơn.

1. Con người bị bệnh nhiễm trùng như thế nào?

Cơ thể của con người có tồn tại cơ chế tự bảo vệ tính từ ngoài vào trong bao gồm các ngăn trở cơ học và hệ miễn dịch. Hệ hô hấp (đường thở) của chúng ta có các hàng rào bảo vệ như sau [1]:

  • Hàng rào cơ học bao gồm: lông mao, chất nhầy, niêm mạc.
  • Hàng rào miễn dịch bao gồm: các hoá chất phản ứng viêm và các tế bào miễn dịch.

Trong đó hàng rào miễn dịch đóng vai trò chủ chốt. Trên bề mặt, thậm chí cả bên trong cơ thể con người luôn có tồn tại vi khuẩn, virus ở vị trí nào đó. Bình thường khi cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh thì các hàng rào bảo vệ hoạt động đầy đủ và hiệu quả, do đó các mầm bệnh không xâm nhập, không phát tác được. Nhưng khi cơ thể suy yếu cũng chính là lúc hàng rào bảo vệ này hoạt động kém đi, lúc ấy các vi khuẩn và virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh; hoặc là khi đó có một loại virus hoặc vi khuẩn có độc lực cao có thể phá vỡ ngay cả cơ chế bảo vệ của một người ở trạng thái khỏe mạnh. Như vậy bệnh sinh ra là do sự tương tác giữa hai yếu tố: môi trường bên ngoài (mầm bệnh) và bên trong cơ thể (cơ địa).

Vậy tại sao trong bệnh dịch có người bị nặng, bị nhẹ và cũng có người không bị? Các nhà khoa học hiện nay giải thích rằng phần lớn là do yếu tố di truyền (hoặc do gen) [2]. Yếu tố di truyền này quyết định khả năng đáp ứng miễn dịch của một người. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch cũng bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như tình trạng dinh dưỡng, lối sống… Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra nhiều hành vi và lối sống giúp tăng cường hoặc làm tổn hại hệ miễn dịch của con người.

2. Virus lây truyền từ người sang người như thế nào?

Virus được lây từ người sang người chủ yếu qua tiếp xúc gần. Thế nào là tiếp xúc gần? Khi một người đang bị nhiễm bệnh hoặc là đang mang mầm bệnh mà hắt hơi hoặc ho thì sẽ tạo ra các giọt nước nhỏ ti li trong không khí hoặc sau đó rơi xuống đất trong phạm vi khoảng 1,83 m ( tương đương 6 feet). Người ở gần trong phạm vi này có thể hít phải, hoặc là tiếp xúc với niêm mạc miệng, mắt, hoặc là thông qua tay chạm vào các vật dụng gần người bệnh rồi lại đưa lên miệng, mũi, mắt từ đó có thể nhiễm mầm bệnh. [3]

3. Phòng tránh virus như thế nào?

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thì cách phòng tránh hữu hiệu nhất là tránh tiếp xúc với virus. Sau đây là những lời khuyên mà các chuyên gia khuyên chúng ta thực hành hàng ngày để phòng tránh bệnh [4].

  • Rửa tay bằng xà bông ít nhất 20 giây sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi xì mũi, sau khi ho và sau khi hắt hơi.
  • Khi không có nước và xà bông thì có thể dùng dung dịch sát khuẩn có nồng độ cồn ít nhất 60%. Khi thấy tay bẩn thì phải rửa bằng xà bông.
  • Không đưa tay chưa được rửa sạch lên mắt, mũi và miệng.
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
  • Ở nhà khi thấy không khỏe.
  • Dùng khăn giấy che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó bỏ vào sọt rác.
  • Rửa sạch và khử trùng thường xuyên những vật dụng và nơi hay được tiếp xúc trong nhà như tay nắm cửa.

4. Khẩu trang được sử dụng như thế nào cho đúng?

Như trình bày ở trên, cách lây lan của virus là tiếp xúc gần với người mang bệnh thông qua các giọt nhỏ. Do vậy khẩu trang chỉ phát huy tác dụng trong các phương diện sau:

  • Người có chỉ định cách ly như: người đang có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh hoặc người trở về từ nơi đang có dịch bệnh.
  • Người tiếp xúc, chăm sóc người đang bị bệnh.

Không phải loại khẩu trang nào cũng có tác dụng ngăn chặn giọt nhỏ. Chỉ có khẩu trang N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng khác dùng trong Y tế mới có tác dụng ngăn chặn các giọt nhỏ.

Ngoài hai trường hợp kể trên thì các trường hợp khác nên được cân nhắc bởi vì đeo khẩu trang có thể tạo ra một cảm giác yên tâm ảo và lơ là các biện pháp dự phòng khác. Tuy nhiên việc đeo khẩu trang cũng giúp làm cho người đeo ít đưa tay lên môi, mũi hơn [5]. Cần thay khẩu trang khi bị ho, hắt xì, hay khi thấy khẩu trang bị vấy bẩn.

5. Có cách nào để giúp cơ thể đề kháng tốt hơn không?

Đặc điểm của việc mắc những bệnh viêm đường hô hấp do virus là khả năng tái nhiễm nhanh. Do đó việc nâng cao sức đề kháng bằng cách thực hiện những thói quen sinh hoạt tốt là điều hết sức quan trọng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu một số thói quen có thể giúp tăng cường miễn dịch làm giảm khả năng mắc nhiễm trùng hô hấp.

  • Trà xanh có tác dụng kháng virus: Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chất Catechins trong trà xanh có tác dụng ức chế sự phát triển của virus gây bệnh cúm và cảm lạnh thông thường, một số nghiên cứu dịch tễ học trên người cho thấy uống trà xanh thường xuyên giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cúm và cảm lạnh thông thường [6]. Một nghiên cứu phân tích gộp các kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng gần đây cũng cho thấy súc miệng bằng nước trà xanh cũng có thể góp phần làm giảm tỉ lệ bị mắc bệnh cúm [7].
  • Thiền định, tập thể dục giúp làm giảm khả năng bị viêm hô hấp: Nghiên cứu của Bác sĩ Bruce Barrett của Đại học Wisconsin-Madison năm 2012 khi tiến hành đối với hơn 150 người trên 50 tuổi cho thấy tỷ lệ viêm đường hô hấp ở nhóm thực hành thiền hay luyện tập đã giảm từ 40-50% [8]. Một nghiên cứu khác của tác giả tiến hành trên 390 người năm 2018 cũng cho thấy tỷ lệ viêm hô hấp giảm rõ rệt ở nhóm thiền định và luyện tập [9]. Trong cả hai nghiên cứu thì nhóm người thiền định có tỷ lệ giảm mắc viêm đường hô hấp cao hơn hẳn. Các môn tập thiền, tĩnh tâm phổ biến bao gồm Yoga, Thái cực quyền hay Pháp Luân Công. Đặc biệt Pháp Luân Công là môn dễ tập, miễn phí, hiện đã được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
  • Rượu làm suy yếu hệ miễn dịch và làm dễ bị viêm hô hấp: Năm 2015 tổ chức nghiên cứu về tác hại của rượu đã đăng tải nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng rượu làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó những người lạm dụng rượu có nguy cơ bị mắc viêm phổi do virus, lao, và các nhiễm trùng khác. Ngoài ra lạm dụng rượu còn gây ra các bệnh lý khác như xơ gan, viêm tụy, bệnh tim, bệnh thần kinh [10].
  • Stress tâm lý làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hô hấp: một nghiên cứu phân tích gộp từ nhiều nghiên cứu xuất bản năm 2010 cho thấy, stress tâm lý là một nhân tố làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng hô hấp trên. Do vậy giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng cũng có tác dụng tích cực trong việc phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp [11].

Anh Đức

Tài liệu tham khảo:

  • Anne Meneghetti: Upper Respiratory Tract Infection
    .In. https://emedicine.medscape.com/article/302460-overview#a3; 2018.
  • Chung LP, Waterer GW: Genetic predisposition to respiratory infection and sepsis. Critical Reviews in Clinical Laboratory Sciences 2011, 48(5-6):250-268.
  • CDC: How 2019-nCoV Spreads. In. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/transmission.html; 2020.
  • CDC: About 2019-nCoV: Prevention & Treatment
    .In. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/prevention-treatment.html; 2020.
  • Pathak N: Can Wearing a Mask Protect You From Coronavirus? . In.https://www.medscape.com/viewarticle/924531; 2020.
  • Furushima D, Ide K, Yamada H: Effect of Tea Catechins on Influenza Infection and the Common Cold with a Focus on Epidemiological/Clinical Studies. Molecules (Basel, Switzerland) 2018, 23(7):1795.
  • Ide K, Yamada H, Kawasaki Y: Effect of gargling with tea and ingredients of tea on the prevention of influenza infection: a meta-analysis. BMC Public Health 2016, 16:396.
  • Barrett B, Hayney MS, Muller D, Rakel D, Ward A, Obasi CN, Brown R, Zhang Z, Zgierska A, Gern Jet al: Meditation or exercise for preventing acute respiratory infection: a randomized controlled trial. Ann Fam Med 2012, 10(4):337-346.
  • Barrett B, Hayney MS, Muller D, Rakel D, Brown R, Zgierska AE, Barlow S, Hayer S, Barnet JH, Torres ER et al: Meditation or exercise for preventing acute respiratory infection (MEPARI-2): A randomized controlled trial. PLOS ONE 2018, 13(6):e0197778.
  • Sarkar D, Jung MK, Wang HJ: Alcohol and the Immune System. Alcohol Research : Current Reviews 2015, 37(2):153-155.
  • Pedersen A, Zachariae R, Bovbjerg DH: Influence of psychological stress on upper respiratory infection--a meta-analysis of prospective studies. Psychosom Med 2010, 72(8):823-832.



BÀI CHỌN LỌC

5 điều bạn không nên bỏ qua để phòng tránh đại dịch truyền nhiễm