Châu Âu phê duyệt vaccine chống COVID-19 thứ hai, vaccine của Moderna

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ủy ban điều hành của Liên minh châu Âu đã bật đèn xanh cho vaccine của Moderna, trong bối cảnh khối 27 quốc gia thành viên này đang có tỷ lệ lây nhiễm virus Vũ Hán cao ở nhiều nước...

Ngày 6/1, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna điều chế.

Chúng tôi đang cung cấp thêm vaccine COVID-19 cho người châu Âu. Với vaccine Moderna, vaccine thứ hai hiện được cấp phép tại EU, chúng tôi sẽ có thêm 160 triệu liều nữa. Và nhiều vaccine hơn nữa sẽ đến.” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen phát biểu.

Emer Cooke, Giám đốc điều hành EMA cho biết: “Vaccine cung cấp cho chúng tôi công cụ khác để vượt qua tình trạng khẩn cấp hiện tại. Nó là minh chứng cho nỗ lực và cam kết của chúng tôi nhằm ra mắt vaccine thứ hai chỉ sau một năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch”.

EU đã đặt hàng 80 triệu liều vaccine Moderna, với tùy chọn mua thêm 80 triệu liều trong tương lai. Khối cũng đã cam kết mua 300 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nước này dự kiến vaccine Moderna sẽ bắt đầu được phân phối tại các nước EU vào tuần tới. Đức sẽ nhận được 2 triệu liều trong quý đầu tiên và 50 triệu liều trong cả năm 2021.

Kết quả ban đầu của các nghiên cứu lâm sàng, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, cho thấy cả vaccine Moderna và Pfizer đều có vẻ an toàn, hiệu quả. Các liều tiêm của Moderna dễ bảo quản hơn, không cần trữ đông trong tủ siêu lạnh chuyên dụng.

Cơ quan EU đã bật đèn xanh cho việc sử dụng vaccine Moderna với những người từ 18 tuổi trở lên. Họ cho biết các tác dụng phụ "thường nhẹ hoặc trung bình và sẽ thuyên giảm trong vài ngày sau khi tiêm chủng."

Các tác dụng phụ thường gặp nhất là đau sưng tại vùng tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, nhức đầu, đau cơ, khớp, buồn nôn và ói mửa, theo EMA.

Giám đốc Emer Cooke nhấn mạnh các nhà chức trách EU sẽ giám sát chặt chẽ các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, đảm bảo công chúng được bảo vệ khỏi mầm bệnh. "Chúng tôi làm việc dựa trên bằng chứng khoa học và cam kết về sức khỏe cộng đồng", bà khẳng định.

Trước đó, vaccine của Moderna đã được chấp thuận tại Mỹ, Canada và Israel. Cả 2 sản phẩm của Moderna và Pfizer/BioNTech đều được phát triển bằng công nghệ mới mRNA. Một đoạn mã di truyền được sử dụng để “huấn luyện” hệ thống miễn dịch nhận ra các protein gai trên bề mặt của virus, sẵn sàng tiêu diệt nếu mầm bệnh thực sự xuất hiện.

Trước đó, vào ngày 27/12, EU chính thức bắt đầu tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, nhưng tốc độ của chương trình tiêm chủng tại mỗi quốc gia rất khác nhau. Tính đến ngày 5/1, Pháp đã tiêm vaccine cho khoảng 5000 người, trong khi số lượng của Đức là 367.331. Hà Lan chỉ mới bắt đầu tiêm vaccine vào thứ Tư (6/1) và là quốc gia EU cuối cùng bắt đầu chiến dịch tiêm chủng.

Minh Nhật
- Theo AP.



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu phê duyệt vaccine chống COVID-19 thứ hai, vaccine của Moderna