Cha mẹ lưu ý: Những rủi ro nguy hiểm khi sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới công bố trên Mayo Clinic Proceedings cho thấy, sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ sẽ làm gia tăng các bệnh mãn tính thời thơ ấu như hen suyễn, dị ứng, béo phì và rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD). Ngoài ra các tác dụng phụ thường gặp như rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nôn, dị ứng, nhiễm độc gan, thận, sốc phản vệ, thậm chí tử vong…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức ở trẻ nhỏ có thể phá hủy hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ trong những năm đầu đời. Một phần quan trọng giúp trẻ hình thành và phát triển khả năng miễn dịch, trao đổi chất, hành vi và các chức năng quan trọng khác trong cơ thể.

Lập luận này ngày càng được ủng hộ bởi những phát hiện dựa trên công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại Mayo Clinic và Đại học Rutgers.

Tiếp xúc sớm với kháng sinh và nguy cơ sức khỏe thời thơ ấu của trẻ

Nghiên cứu thực hiện trên một nhóm trẻ em sinh ra ở hạt Olmsted (bang Minnesota, Mỹ) từ ngày 1/1/2003 đến ngày 31/12/2011. (i) Các nhà nghiên cứu thu thập thông tin trên kê đơn thuốc kháng sinh và phân tích tác động của kháng sinh đối với một số nguy cơ bất lợi liên quan đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Kết quả cho thấy, trong số 14.572 trẻ em thì có tới 70% số trẻ được kê đơn ít nhất một loại thuốc kháng sinh trong hai năm đầu đời, chủ yếu là do nhiễm trùng đường hô hấp hoặc viêm tai. Việc sử dụng thuốc kháng sinh sớm có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thời thơ ấu của trẻ: Hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm hoặc viêm da, bệnh Celiac, béo phì hoặc thừa cân và ADHD. Tất cả nguy cơ này liên quan đến thời gian tiếp xúc, số lượng, và loại kháng sinh trẻ được dùng.

Các nguy cơ này tăng lên khi trẻ được dùng nhiều loại thuốc kháng sinh hoặc tiếp xúc kháng sinh sớm hơn, đặc biệt là trong vòng 6 tháng đầu đời. Mặt khác, trẻ cũng có khả năng mắc cùng lúc nhiều bệnh, đặc biệt là khi bị kê quá nhiều toa kháng sinh. Trong các loại kháng sinh, nghiên cứu cho thấy, nhóm cephalosporin có nguy cơ cao nhất khiến trẻ mắc nhiều bệnh bao gồm chứng tự kỷ và dị ứng thức ăn.

Liều lượng và thời điểm sử dụng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ

Các nghiên cứu trước đây quan sát thấy, điều trị kháng sinh ngắn hạn hoặc liều thấp có thể làm thay đổi vĩnh viễn hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ. Điều này đã chứng tỏ những loại kháng sinh thường được kê đơn không nên được coi là vô hại (ii), mà nên được sử dụng một cách thận trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Năm 2019, một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMC Pediatrics đã kết luận, việc sử dụng kháng sinh trong năm đầu đời và trong suốt cuộc đời của các trẻ nghiên cứu có liên quan đến bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng.(iii) Ngay cả, khi thai nhi của các bà bị dị ứng tiếp xúc kháng sinh trước khi sinh cũng có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm da dị ứng của trẻ trong vòng 18 tháng đầu đời sau sanh.(iv)

Trước đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Journal of Pediatrics vào năm 2017 cho thấy, có mối liên quan việc sử dụng kháng sinh trong thai kỳ với nguy cơ cao trẻ bị viêm tai giữa. Đồng thời, nghiên cứu cũng nhấn mạnh khả năng lây truyền môi trường vi khuẩn không thân thiện từ mẹ sang con. (v)

Vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột

Nhiều bằng chứng cho thấy, thuốc kháng sinh không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống miễn dịch mà còn ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng và tiêu hóa thức ăn của cơ thể. (vi) Do đó, điều cực kỳ quan trọng là phải xem lại cách chúng ta sử dụng kháng sinh.

Hệ vi sinh vật đường ruột bắt đầu được hình thành trong thai kỳ, ngay khi sinh và dễ bị tác động trong những năm đầu đời.(vii) Lạm dụng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng bất lợi đến hệ vi sinh vật đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột, do đó làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh dị ứng ở trẻ em.

Sự lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em là nguyên nhân chính khiến các vi khuẩn trở nên kháng thuốc và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác cho sức khoẻ của trẻ sau này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhiễm khuẩn đề kháng kháng sinh đang ảnh hưởng đến ít nhất 2,8 triệu người Mỹ, trong đó gây tử vong cho hơn 35.000 người mỗi năm.(viii)

Nhiễm trùng do vi trùng kháng thuốc gây ra rất khó điều trị, và đôi khi không thể điều trị được. Nhiều trường hợp, bệnh nhân phải nằm viện một thời gian lâu, phải trải qua chế độ chăm sóc đặc biệt và tốn kém hơn.

Tác giả nghiên cứu Martin Blaser, giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học và Y học Tiên tiến tại Rutgers cho biết, sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc đã minh họa cho tác dụng “ngoài ý muốn” của việc lạm dụng kháng sinh.

Ông cho biết thêm, “những vấn đề sức khỏe bắt đầu từ thời thơ ấu ngày càng phổ biến đã gây ra lo ngại về việc phơi nhiễm kháng sinh trong các giai đoạn phát triển quan trọng vì tác động của chúng lên hệ vi sinh vật.”(ix)

Biểu hiện của lạm dụng kháng sinh chính là “Chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn”, là nguyên tắc đầu tiên khi sử dụng kháng sinh. Nhưng đây cũng là nguyên tắc bị vi phạm nhiều nhất và gây nên nhiều hậu quả nhất, đặc biệt đối với trẻ nhỏ…

Hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ nhỏ dễ gây ngộ độc: Thuốc kháng sinh đưa vào cơ thể theo bất cứ đường nào như uống, tiêm, bôi ngoài da... đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận trong khi chức năng của gan và thận ở trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ còn rất yếu, do đó khả năng thải trừ thuốc chậm hơn nhiều so với người lớn và trẻ lớn. Vì vậy thuốc dễ bị tích tụ trong cơ thể từ đó gây ra ngộ độc nhất là khi trẻ dùng thuốc kéo dài.

Ngoài ra khi sử dụng kháng sinh không đúng, trẻ càng có nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp như rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nôn, dị ứng, nhiễm độc gan, thận, sốc phản vệ, thậm chí tử vong…

Thiện Đức

Theo ET tiếng Anh

Tài liệu tham khảo

(i) Aversa Z et al “Association of Infant Antibiotic Exposure With Childhood Health Outcomes” Mayo Clinic Proceedings, 2020; DOI: 10.1016/j.mayocp.2020.07.019

(ii) Nature Research June 17, 2019

https://www.nature.com/articles/d42859-019-00019-x#:~:text=The%20observation%20that%20the%20gut,children%20and%20pregnant%20women%2C%20and

(iii) Ni J et al “Early antibiotic exposure and development of asthma and allergic rhinitis in childhood” BMC Pediatr. 2019 Jul 5 ;19(1):225. Epub 2019 Jul 5.

(iv) Timm S et al “Prenatal antibiotics and atopic dermatitis among 18-month old children in the Danish National Birth Cohort” Clin Exp Allergy. 2017 Mar 9. Epub 2017 Mar 9.

(v) Pedersen T et al “Antibiotics in Pregnancy Increase Children’s Risk of Otitis Media and Ventilation Tubes” J Pediatr. 2017 Jan 11. Epub 2017 Jan 11.

(vi) Langdon A et al “The effects of antibiotics on the microbiome throughout development and alternative approaches for therapeutic modulation” Genome Med. 2016 ;8(1):39. Epub 2016 Apr 13.

(vii) Ni J et al “Early antibiotic exposure and development of asthma and allergic rhinitis in childhood” BMC Pediatr. 2019 Jul 5 ;19(1):225. Epub 2019 Jul 5.

(viii) CDC, Antibiotic/Antimicrobial Resistance https://www.cdc.gov/drugresistance/index.html

(ix) Science Daily November 16, 2020

https://www.sciencedaily.com/releases/2020/11/201116075732.htm



BÀI CHỌN LỌC

Cha mẹ lưu ý: Những rủi ro nguy hiểm khi sử dụng và lạm dụng thuốc kháng sinh ở trẻ nhỏ