Cập nhật tình hình virus Corona trên Thế giới (13/02 - 22:00) - Nhật Bản xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà là trường hợp tử vong đầu tiên tại Nhật và thứ hai ngoài Trung Quốc. Trường hợp đầu tiên là tại Philippines...

Số ca mắc Số ca tử vong
Đại Lục 59.657 1.363
Các khu vực châu Á khác 267 2
Châu Âu 46 -
Châu Úc 15 -
Châu Mỹ 21 -
Các nơi khác trên thế giới 175 -
Tổng 60.179 1.365

Nhật Bản xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19

Thứ Năm (13/02), cơ quan chức năng Nhật Bản đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do chủng virus mới khởi phát tại Trung Quốc. Nạn nhân của con virus là một cụ bà 80 tuổi công dân Nhật Bản.

Tờ Japan Times cho biết: cụ qua đời trước khi có kết quả xét nghiệm, theo lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato trong cuộc họp báo tại Kyodo.

Ông cho biết thêm: cụ bà được điều trị tại một bệnh viện gần Tokyo từ đầu tháng Hai, sau khi biểu hiện một số triệu chứng của chủng virus mới, COVID-19.

Đây là ca tử vong đầu tiên tại Nhật và thứ hai ngoài Trung Quốc. Trường hợp đầu tiên ở Philippines, nạn nhân là một nam giới Trung Quốc 44 tuổi đến từ Vũ Hán - tâm chấn của dịch virus Corona 2019.

Hồng Kông có 51 trường hợp nhiễm coronavirus

Hôm thứ Năm, một ca mới nhiễm COVID-19 xuất hiện ở Hồng Kông, theo thông tin từ ông Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu chi nhánh Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe. Tổng số mắc bệnh của thành phố đã lên tới 51 ca.

Đó là một người đàn ông 43 tuổi, làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm địa phương, sống ở khu Tuen Mun và không có tiền sử đi du lịch ra ngoài Hồng Kông.

Ông Chuang bắt đầu bị ho ngày 29/1. Ngày hôm sau ông dùng bữa cùng với 12 thành viên khác trong gia đình, một người trong số đó đã xét nghiệm dương tính với virus.

Ông đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm thứ Năm

Hơn 1.000 người được yêu cầu tự cách ly tại quận Los Angeles

Hơn 1.000 khách du lịch được yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày sau khi trở về từ Trung Quốc, dù có triệu chứng của Coronavirus mới hay không - Los Angeles Times đưa tin hôm 12/02, trích dẫn bình luận của bà Barbara Ferrer, giám đốc Sở Y tế công cộng Los Angeles.

Họ được quản lý bởi một y tá y tế công cộng, và tất cả được yêu cầu không đi học hoặc đi làm trong thời gian hai tuần.

"Đây là một động thái tích cực và nó sẽ tác động đến tất cả những ai từng đến quận L.A." - Báo cáo của Los Angeles Times cho hay.

Có it nhất 20 ca nhiễm virus trên tàu lữ hành ở Campuchia

Theo tờ báo địa phương Khmer Times đưa tin hôm thứ Năm (12/02), trên con tàu khách sạn bị mắc kẹt nhiều ngày ở Biển Đông, có ít nhất 20 hành khách bị nghi ngờ nhiễm COVID-19.

Sau khi bị Thái Lan, Philippines, Đài Loan, và đảo Guam thuộc Hoa Kỳ từ chối cập cảng trước những lo ngại về dịch COVID-19, tàu khách sạn Westerdam thuộc công ty tàu lữ hành Holland America cuối cùng đã cập bến tại Sihanoukville, một thành phố cảng thuộc Campuchia.

Tờ báo địa phương Khmer Times đưa tin hôm thứ Năm, cho biết các hành khách đang được sắp xếp để kiểm tra sức khỏe.

"Chúng tôi nghi ngờ rằng 20 trong số các hành khách có thể bị nhiễm COVID-19, và xét nghiệm máu của họ sẽ được gửi đến Phnom Penh để được xử lý" - Thiếu tướng Chuon Narin cho hay.

Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm soát buôn bán thuốc hạ sốt và thuốc ho

Theo tuyên bố từ tỉnh Cát Lâm vào ngày 13/02, toàn bộ các nhà thuốc thuộc tỉnh sẽ phải liệt kê danh sách những ai đến mua thuốc hạ sốt.

Thành phố Tiên Đào thuộc tỉnh Hồ Bắc và quận Trường Phong thuộc tỉnh An Huy, đã công bố vào sáng thứ Năm rằng các hiệu thuốc trong vùng phải ghi lại tên, số chứng minh, địa chỉ, và số điện thoại của người mua thuốc sốt và ho.

Trong khi đó, giới chức địa phương ở quận Giang Đô tại Giang Tô, một thành phố ven biển ở Tỉnh Giang Tô, thông báo tất cả các hiệu thuốc phải bỏ các loại thuốc ho sốt khỏi giá trưng bày, đồng thời tạm dừng bán những loại thuốc này.

Lệnh cấm tương tự cũng được thông báo ở Nam Kinh, một thành phố của tỉnh Giang Tô.

Giới chức của hai thành phố Giang Đô và Nam Kinh đã yêu cầu những người bị ho và sốt cần đến bệnh viện để điều trị

Một số cư dân mạng đã biểu lộ mối lo ngại về lệnh cấm bán thuốc đăng trên tài khoản Weibo chính thức ở Nam Kinh.

Một cư dân mạng đặt câu hỏi: “làm thế nào để hạ một cơn sốt thông thường nếu như không có thuốc, hay phải đến bệnh viện khám để đối mặt với nguy cơ bị nhiễm Coronavirus".

Việt Nam công bố ca thứ 16 nhiễm virus tại tỉnh thành đang bị cách ly với 10.000 nhân khẩu

Trường hợp thứ 16 là một nam giới 50 tuổi tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, theo tin đăng hôm thứ Năm (13/02) trên VnExpress, trích dẫn thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam.

Ông là bố của nữ bệnh nhân 23 tuổi nhiễm virus trước đó. Cô là một trong 8 nhân viên của công ty Nhật Bản Nihon Plast đi tập huấn tại Vũ Hán hồi tháng trước.

Khi họ trở về Việt Nam vào ngày 17/02, 6 người trong đó đã có xét nghiệm dương tính với virus 2019 Vũ Hán.

Cô cũng đã lây virus cho mẹ và em gái, cũng như hai người hàng xóm khác. Một người hàng xóm đã lây virus cho cháu gái mình mới 3 tháng tuổi.

Hiện nay, Việt nam đã có tổng cộng 16 ca nhiễm Coronavirus, với 8 người thuộc xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chính quyền thông báo tại thời điểm ngày 13/2, Sơn Lôi đóng cửa cách ly trong 20 ngày, theo thời báo Bangkok Post đưa tin. Chính quyền địa phương sẽ tăng số lượng các điểm kiểm soát sàng lọc tại tại thành phố này từ 5 lên 8 điểm.

Sơn Lôi, một thị trấn gồm nhiều làng xã, cách thủ đô Hà nội khoảng 40 Km

Bắc Kinh cải tổ ban lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch COVID-19

Thị trưởng tiền nhiệm thành phố Thượng Hải, ông Anh Vĩnh (Ying Yong) đã được chỉ định thay thế ông Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang) - bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch virus Vũ Hán, theo thông tin của Tân Hoa Xã vào ngày 13/02.

Thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc cũng sẽ có một bí thư mới: ông Vương Trọng Lâm (Wang Zhonglin) - cựu bí thư thành ủy thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Ông Vương sẽ thế chỗ của ông Mã Quốc Cường, cũng theo thông báo trên.

Ông Mã sẽ rời khỏi vị trí phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc. Tân Hoa Xã không nêu tên người nào sẽ đảm nhiệm vị trí phó bí thư tỉnh ủy.

Tân Hoa Xã chỉ đưa ra lời giải thích mơ hồ cho sự cải tổ ban lãnh đạo một cách đột ngột, nói rằng việc bổ nhiệm ông Anh là cần thiết cho những nhu cầu phòng chống dịch bệnh.

Bắc Kinh miễn nhiệm quan chức cấp cao lãnh đạo Hồng Kông

Ngày 12/03, Hội đồng nhà nước Trung Quốc tuyên bố cách chức giám đốc đương nhiệm của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, Trương Tiểu Minh (Zhang Xiaoming) - quan chức cấp cao của Bắc Kinh quản lý các vấn đề Hồng Kông.

Hạ Bảo Long (Xia Baolong) - Phó chủ tịch và Tổng bí thư Ban cố vấn Chính trị Trung Quốc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), và Bí thư tiền nhiệm của tỉnh Chiết Giang, phía Đông Trung Quốc - sẽ thay thế vị trí của ông Trương.

Ông Trương sẽ nhận vị trí mới, phó giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Đặc khu hành chính Hồng Kông, bên trưởng Đặc khu Lã Huệ Ninh (Luo Huining), và trưởng Đặc khu hành chính Ma Cao, ông Phú Tự Anh (Fu Ziying).

Thêm 44 ca bệnh trên con tàu lữ hành ngoài khơi Nhật Bản

Đã có thêm 44 người xét nghiệm dương tính với COVID-19 trên tàu khách sạn Diamond Princess đậu tại Nhật Bản - trích dẫn của Bộ Y tế địa phương, theo báo cáo từ báo Japan Times.

Trong số đó có 29 công dân Nhật Bản và một thủy thủ đoàn. Cho đến nay, tổng cộng đã có 218 người nhiễm virus trên tàu lữ hành Diamond Princess.

“Chúng tôi hiện nay sắp xếp bệnh viện cho những người xét nghiệm dương tính với virus” - Bộ trưởng Bộ Y tế Katsunobu Kato, cũng theo Japan Times.

Các bệnh nhân còn lại đều đã rời khỏi tàu và cách ly tại các bệnh viện trên khắp Tokyo, theo những báo cáo trước đây.

Hồng Kông: Trường học sẽ đóng cửa tới 16/03

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Y tế Hồng Kông Kevin Yeung trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (13/02), tất cả các trường học trong thành phố sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 16/03.

Trước đó, chính phủ Hồng Kông đã hoãn việc học sinh quay lại trường tới ngày 17/02 sau lịch nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, rồi đẩy lùi lịch một lần nữa đến ngày 03/02.

Một quận thuộc tỉnh Hồ Bắc tuyên bố “Luật thời chiến”

Quan chức y tế tại quận Trương Loan, thành phố Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc đã thông báo 8 biện pháp để thúc đẩy “Luật thời chiến” tại quận này. Những biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ thứ Năm (13/02) và kéo dài trong ít nhất 14 ngày.

Một biện pháp trong đó yêu cầu “quản lý cách ly” ở mọi tòa nhà. Ngoại trừ nhân viên, cán bộ y tế, công nhân thuộc các lĩnh vực điện, nước, viễn thông... và những nhân sự phục vụ các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, tất cả những đối tượng khác đều bị cấm ra vào các tòa nhà này.

Một phần của “luật thời chiến” yêu cầu quan chức chính phủ có trách nhiệm mua các nhu yếu phẩm, bao gồm cả thuốc, cho cư dân địa phương.

Tất cả xe ô tô - ngoại trừ xe y tế, xe cảnh sát, xe chữa cháy, xe tải và xe của chính phủ - sẽ bị cấm ra vào khu dân cư tại địa phương.

Mọi người sẽ bị giam giữ nếu cố gắng xâm nhập vào bất cứ khu vực cách ly nào.

Tất cả các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng được yêu cầu nên “tuân theo vô điều kiện” các mệnh lệnh được đưa ra bởi quan chức chính phủ tại xã phường và khu dân cư.

Hàng không Hoa Kỳ kéo dài thời gian “bế quan tỏa cảng” đối với Hồng Kông và Trung Quốc

Trong tuyên bố ngày 12/02, United Airlines cho biết sẽ tạm ngừng dịch vụ cho đến ngày 14/02, đối với Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải, thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên phía Tây Nam Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng này và sẽ đánh giá các lịch trình của mình trong duy trì việc trao đổi với CDC cũng như các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khác trên toàn thế giới”.

Loại trừ ca nghi nhiễm bệnh tại New York

Ngày 12/02, Sở Y tế và Vệ sinh New York đã thông báo trường hợp thứ 7 nghi ngờ nhiễm COVID-19 đã xét nghiệm âm tính.

“Hiện chúng tôi không còn trường hợp nghi nhiễm nào”.

Theo CDC Hoa Kỳ, hiện có 14 trường hợp nhiễm COVID-19 tại Mỹ, trong đó 8 ca tại bang California.

Thông tin đã biết về COVID-19 và những chú ý để đảm bảo an toàn

Mặc dù các chuyên gia y tế chưa biết rõ về nguy cơ tiềm ẩn của COVID-19, nhưng vẫn có thể biết được một số thông tin khác về chúng."

“Vật chủ” có thể đã nhiễm virus mà không biểu hiện triệu chứng trên cơ thể, hầu hết thường gặp: sốt, ho, và khó thở. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết bệnh nhân cũng biểu hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, tiêu chảy, tức ngực, và đau đầu.

Thời gian ủ bệnh tính từ khi nhiễm virus đến khi có biểu hiện lâm sàng đã từng được cho là 14 ngày; gần đây được nâng lên tới 24 ngày - theo ý kiến của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Theo nghiên cứu sơ bộ về tốc độ lây nhiễm của COVID-19, các nhà khoa học cho rằng chủng virus này có tốc độ lây nhiễm trung bình. Mỗi bệnh nhân có thể lây sang từ 1,5 đến 3,5 người khác nếu không có biện pháp phòng ngừa - tức là tương tự SARS.

Theo CDC Hoa Kỳ, lây truyền ở người cho đến nay đều xảy ra ở những người tiếp xúc với bệnh nhân có khả năng lây lan qua giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Các nhà khoa học Trung Quốc đưa bằng chứng cho thấy virus có thể lây nhiễm qua phân.

Hiện vẫn chưa rõ COVID-19 có thể tồn tại bao lâu ở đồ vật, nhưng một chuyên gia thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc gần đây đã xác định thời gian là từ vài giờ cho đến 05 ngày.

Để đảm bảo an toàn, khuyến cáo người dân không nên đi du lịch tới Trung Quốc và tránh tiếp xúc với người nhiễm virus; đồng thời thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây khi đến nơi công cộng.

CDC cho biết: hiện chưa cần khuyến cáo đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ.

Số ca nhiễm bệnh tại Đại Lục tăng thêm gần 15.000 sau khi chỉnh sửa số liệu

Tỉnh Hồ Bắc thuộc Trung Quốc - trung tâm của ổ dịch virus Corona, đã báo cáo 14.840 ca nhiễm mới khi thay đổi phương pháp tính người nhiễm.

Theo số liệu được sửa đổi này, số ca tử vong đã tăng lên tới 1.355 người. Riêng tại tỉnh Hồ Bắc, số ca tử vong đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 242 vào ngày 12/02.

Tỉnh Hồ Bắc cho biết họ đã tiến hành rà soát lại các trường hợp nghi nhiễm trước đây, và sửa đổi dữ liệu để bổ sung thêm số ca bệnh được chẩn đoán lâm sàng theo công bố hàng ngày.

Cư dân Mỹ từ Vũ Hán trở về dương tính với COVID-19 - Tổng số ca bệnh ở Hoa Kỳ tăng lên 14

CDC Hoa Kỳ đã xác nhận thêm một ca nữa xét nghiệm dương tính với Coronavirus mới.

Đây là một trong những người Mỹ sơ tán khỏi Vũ Hán và cách ly tại căn cứ Không quân Thủy quân lục chiến Miramar, phía nam California, hạt San Diego vào ngày 07/02.

Một người sơ tán khác tại Căn cứ Không quân Miramar cũng đã xét nghiệm dương tính với virus vào ngày 10/02.

CDC thông báo hai bệnh nhân này đến từ những chuyến bay khác nhau và được cách ly ở những vị trí khác nhau trong căn cứ.

“Đến thời điểm này, không có dấu hiệu virus lây truyền từ người sang người tại cơ sở cách ly. Nhưng CDC sẽ thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ về đường tiếp xúc, đây là một phần trong chiến lược đối phó hiện tại, để phát hiện và kiểm soát bất kỳ trường hợp nào nhiễm virus." - Chris Braden, trưởng nhóm CDC tại đây tuyên bố.

Đây là trường hợp thứ 14 được phát hiện tại Hoa Kỳ và là trường hợp thứ tám ở California.

Hủy bỏ Đại hội Thế giới Di động

Nhà tổ chức hội chợ công nghệ di động lớn nhất thế giới đang lo lắng về vụ dịch virus COVID-19 đến từ Trung Quốc.

Theo kế hoạch hàng năm, triển lãm của Đại hội Di động Thế Giới sẽ được tổ chức tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha, từ ngày 24 đến 27 tháng Hai; nhưng không phải trong năm nay.

“Do hiểm họa toàn cầu trước vụ dịch virus Corona, nguy cơ từ du lịch và những nguy cơ khác đã khiến GSMA không thể tổ chức sự kiện này”, theo lời ông John Hoffman - người đứng đầu tổ chức, tuyên bố vào thứ Tư (12/02).

Quyết định này được đưa ra sau khi hàng chục công ty công nghệ và nhà mạng không dây đã bỏ cuộc; mà gần đây nhất là sự rút lui từ Vodafone, Deutsche Telekom, và Britain ED BT vào thứ Tư. Những tên tuổi lớn khác cũng đã rời đi, bao gồm: Ericsson, Nokia, Sony, Amazon, Intel, và LG. Các công ty bày tỏ mối quan tâm đối với sự an toàn của nhân viên và du khách.

Các nhà tổ chức đã nỗ lực chống đỡ áp lực ngày càng tăng về việc hủy bỏ chương trình công nghệ hoành tráng hàng năm này, nơi dự kiến ​​sẽ thu hút hơn 100.000 du khách từ 200 quốc gia, trong đó có 5.000 đến 6.000 du khách đến từ Trung Quốc.

Tàu khách sạn đã được phép cập bến

Hãng tàu lữ hành Holland America cho biết: tàu du lịch Westerdam của họ đã bị khoảng 6 nước từ chối cập cảng trước mối lo ngại về COVID-19 - chủng virus đã tàn phá các vùng của Trung Quốc. Cuối cùng, con tàu sẽ được cập bến tại Campuchia.

Ban quản lý cho biết tàu sẽ cập cảng vào thứ Năm (13/02), khi đó hành khách có thể lên bờ - công ty thuộc sở hữu của tập đoàn tàu lữ hành Carnival tuyên bố.

Mặc dù không có ai trên tàu xác nhận nhiễm virus 2019, nhưng Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines và khu tự trị đảo Guam đều đã từ chối, không cho phép con tàu cập cảng - Holland America cho hay.

Trung Quốc: Giải Grand Prix F1 bị hoãn

Theo nhà tổ chức cho biết, giải đua Grand Prix Công thức Một của Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng Tư tới đã phải lùi lịch - do sự bùng phát dịch COVID-19 tại quốc gia này, theo nhà tổ chức thông báo hôm thứ Tư.

Do tầm quan trọng của thị trường đối với giải Công thức Một, nên ban đầu cuộc đua được ấn định tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 19/04, nhưng ban quản lý FIA và Công thức Một cho biết họ đã đồng ý hoãn lại.

“Dựa trên mối quan tâm đối với sức khỏe cộng đồng, và tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới về hiểm họa coronavirus là một trường hợp khẩn cấp đối với sức khỏe toàn cầu, nên FIA và Công thức Một đã đưa ra biện pháp này” - cả hai tổ chức cùng thống nhất tuyên bố..

“Các bên sẽ dành thời gian để tìm ra ngày tổ chức thích hợp cho Grand Prix vào dịp khác trong năm, nếu tình hình được cải thiện”.

Một loạt các sự kiện thể thao quốc tế đã bị hủy do dịch virus Corona. Giải đua xe motor công thức E chạy điện cũng hủy bỏ kế hoạch tổ chức ở thành phố Tam Á (Trung Quốc) vào tháng tới.

WHO: “Mối lo lớn nhất” khi bùng phát dịch ở các nước trang bị lạc hậu

Đối với các quan chức WHO, “mối lo lớn nhất” là những vụ dịch virus 2019 bùng phát ở những quốc gia mà trang bị y tế nghèo nàn - Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố trong một buổi họp báo vào thứ Tư (12/02).

“Mối lo lớn nhất của chúng tôi chính là sự thiệt hại do chủng Coronavirus này gây ra cho những quốc gia như Congo” - ông phát biểu tại trụ sở của WHO tại Geneva, sau khi đã đề cập tới đại dịch Ebola.

Bác sĩ Michael Ryan - giám đốc Ủy ban Khẩn cấp của WHO, trả lời báo giới hồi đầu tuần cho biết: tại Trung Quốc, nơi số lượng bệnh nhân cao nhất thế giới, hệ thống y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng cao.

“Hãy thử tưởng tượng nếu dịch bệnh xảy ra ở một quốc gia với hệ thống y tế lạc hậu...” - ông nói.

“Dịch bệnh có thể xảy ra ở mức độ tương đối nhẹ với một hệ thống y tế hiện đại; nhưng nó sẽ không như vậy nếu xảy ra ở một hệ thống y tế yếu kém so với Trung Quốc”.

Phòng thí nghiệm phát hiện vấn đề từ Kit xét nghiệm COVID-19 của Hoa Kỳ

Nhiều phòng xét nghiệm tiểu bang đã phát hiện thấy lỗi trong bộ kit xét nghiệm virus mới do CDC cung cấp: sản phẩm không kết luận được kết quả xét nghiệm - Tiến sĩ Nancy Messonnier - một trong những giám đốc trung tâm của CDC, tuyên bố vào ngày 12/2.

Các bộ Kit đã gửi đến toàn bộ 50 tiểu bang, một số bang cũng như nhiều quốc gia sử dụng chúng bình thường; nhưng một số phòng thí nghiệm đã báo cáo về những trường hợp “không thể rút ra kết luận từ kết quả xét nghiệm” - bà Mess Messier trả lời phóng viên trong cuộc điện đàm.

“Chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ suôn sẻ khi chúng tôi nhanh chóng xử lý vấn đề này” - bà Mess Messonnier nói.

Tất cả các mẫu bệnh phẩm vẫn được gửi đến CDC để thẩm định. CDC sẽ tiếp tục xác minh đối chứng kết quả ngay cả khi phòng thí nghiệm của các bang đã nhận và sử dụng bộ kit xét nghiệm, bà Messonnier cho hay.

Không có chuyên gia người Mỹ nào trong nhóm WHO

Không có chuyên gia người Mỹ nào trong Nhóm làm việc do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được gửi đến Trung Quốc để nghiên cứu coronavirus, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert Brien tuyên bố.

“Nhóm làm việc WHO không bao gồm các bác sĩ người Mỹ”, ông cho biết trong một cuộc trò chuyện tại Washington. “Chúng tôi mang đến cho Trung Quốc cơ hội được làm việc với các bác sĩ Hoa Kỳ thuộc CDC, NIH và những chuyên gia khác. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa chấp thuận điều đó".

Đội tiên phong của WHO đã hạ cánh vào đầu tuần (10/02), đội thứ hai vẫn chưa rõ kế hoạch khi nào đến nơi.

Những bình luận của ông O’Brien, được đưa ra với tư cách đại diện cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cho biết các quan chức Trung Quốc đã bật đèn xanh tiếp nhận các chuyên gia Mỹ đến nước này.

“Theo tôi hiểu, đã có dấu hiệu tiếp nhận trong nội dung của các cuộc thảo luận mới nhất", tiến sĩ Anne Schuchat - phó giám đốc CDC (Hoa Kỳ), tuyên bố với các phóng viên ở Washington. Thêm vào đó, bà cho biết tên của các chuyên gia Mỹ đã được WHO gửi đến Trung Quốc.

Cả hai quan chức đều phát biểu vào hôm thứ Ba.

COVID19 lây lan nhanh hơn nhiều so với SARS

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về coronavirus mới, nhưng các quan chức biết rằng, nó lây lan nhanh hơn nhiều so với SARS, theo bác sĩ Tony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng & Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ.

“Bệnh dịch này chắc chắn nguy hiểm hơn bệnh cúm thông thường, nhưng không gây tử vong nhiều như SARS với tỷ lệ tử vong khoảng 9 đến 10%. Tuy nhiên SARS không lây lan nhanh như chủng virus này, ông Fauci tuyên bố trên Bloomberg TV vào ngày 12/02.

“Ví như trong cả một năm, chỉ có 8.000 trường hợp mắc bệnh SARS, sau đó căn bệnh giảm dần rồi biến mất hẳn. Còn lần này, trong 2 tháng hoặc bảy tuần đầu tiên đã có 45.000 trường hợp mắc bệnh. Như vậy, số ca mắc bệnh trong một tháng rưỡi gấp năm lần số ca mắc bệnh SARS trong cả năm".

Con số 45.000 ca bệnh này là thông báo chính thức từ chính quyền Trung Quốc. Nhưng trên thực tế con số này “lớn hơn rất nhiều”, ông Fauci nói, bởi vì số người biểu hiện ít hoặc không biểu hiện triệu chứng thì không thể xác định được.

Trong một chừng mực nào đó, đây là một tin mừng. Bởi vì có rất nhiều người bị nhiễm mà không phát bệnh nặng, mà tỷ lệ tử vong chung 2,4% lại chỉ tính những trường hợp thăm khám tại bệnh viện. Tỷ lệ này là rất cao khi so với tỷ lệ 0,1% của virus cúm mùa, ông Fauci cho biết.

Máy bay Nhật Bản tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc và Hồng Kông

Hãng hàng không giá rẻ Nhật Bản Peach Aviation hôm thứ tư tuyên bố, đình chỉ một số chuyến bay giữa Nhật Bản với Hồng Kông, và với Trung Quốc, nhằm đề phòng lây truyền Novel Coronavirus.

Từ ngày 10 tháng 2 đến 27 tháng 3, cũng tạm hoãn Peach 079 bay tuyến Osaka - Thượng Hải.

Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 28 tháng 3, tạm hoãn Peach 080 bay tuyến Thượng Hải - Osaka, Peach 899 tuyến Tokyo - Thượng Hải, và Peach 898 tuyến Thượng Hải - Tokyo.

Từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 28 tháng 3, tạm hoãn Peach 963 bay tuyến Okinawa - Hồng Kông, Peach 964 tuyến Hồng Kông - Okinawa, Peach 063 và 065 tuyến Osaka - Hồng Kông, và Peach 064 và 060 tuyến Hồng Kông - Osaka.

"Để đối phó với sự lây lan của loại coronavirus mới, chúng tôi đã quyết định tạm thời đình chỉ hoặc cắt giảm dịch vụ trên các tuyến Hồng Kông.

Chúng tôi chân thành xin lỗi tất cả các Quý khách hàng bị ảnh hưởng bởi quyết định này".

Hồng Kông thêm một trường hợp nhiễm coronavirus

Một trường hợp mới mắc bệnh ở Hồng Kông, theo Ông Chuang Shuk-kwan, người đứng đầu Chi nhánh Bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, nâng tổng số người mắc bệnh trên toàn thành phố lên 50 ca.

Bệnh nhân nam 51 tuổi, là đồng nghiệp của một bệnh nhân đã xét nghiệm dương tính với virus trước đó.

Chính phủ Hồng Kông cũng xác nhận rằng 10 người Hồng Kông nhiễm virus, hiện đang ở tỉnh Hồ Bắc, China, đều không bị lây nhiễm bệnh ở Hồng Kông.

Sara Ho, quản lý cấp cao của Cơ quan quản lý bệnh viện Hồng Kông tuyên bố, một bệnh nhân nam 25 tuổi, xét nghiệm dương tính vào ngày 4 tháng 2, đã hồi phục và xuất viện. Đây là trường hợp hồi phục đầu tiên kể từ khi virus xuất hiện trong thành phố.

Ông Ho nói thêm, có bốn bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, còn hai bệnh nhân khác ở tình trạng nghiêm trọng.

Airbnb kéo dài thời gian tạm dừng dịch vụ tại Bắc kinh

Ngày 12 tháng Hai, nhà cung cấp dịch vụ lưu trú Airbnb tuyên bố toàn bộ dịch vụ đặt phòng tại Bắc Kinh sẽ kéo dài thời gian ngừng hoạt động đến ngày 30 tháng Tư - Reuters đưa tin.

Trước đó, vào ngày 10 tháng Hai, Airbnb đã tuyên bố tạm ngừng cung cấp dịch vụ ở Bắc Kinh cho đến ngày 29 tháng Hai.

Một phát ngôn viên của Airbnb cho biết chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu đình chỉ dịch vụ đặt phòng ở Vô Tích, thành phố ven biển Trung Quốc; tỉnh Giang Tô và quận Vĩnh Xuyên ở đô thị Trùng Khánh cũng được yêu cầu tương tự.

Đức báo cáo về 02 ca bệnh mới

Ngày 11/02, dẫn lời từ Sở Y tế bang Bavaria, thời báo Süddeutsche Zeitung đưa tin về 02 trường hợp nhiễm COVID-19 tại miền nam nước Đức, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại Bavaria lên tới 14 người, tại Đức lên 16 người.

Tất cả bọn họ đều có liên quan tới một nhà cung cấp ô tô địa phương, Webasto. Ít nhất 8/14 người này là nhân viên của Webasto.

Sự lây nhiễm virus được phát hiện bắt nguồn từ một nữ nhân viên người Trung Quốc. Cô bị ốm khi ở Đức từ ngày 19 đến 23 tháng Một. Trong thời gian đó, cô đã tham gia khóa đào tạo tại trụ sở của Webasto ở Stockdorf, gần Munich. Cô nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus mới sau khi trở về Trung Quốc.

10 người Hồng Kông nhiễm virus mới tại Hồ Bắc

Hồng Kông đã phát hiện 10 người chẩn đoán dương tính với virus Corona 2019 - 07 người đang ở Vũ Hán và 03 người khác ở một thành phố tên là Ân Thi, theo đài truyền hình RTHK đưa tin, từ Ban Nội chính (Trung Quốc)

Tất cả bọn họ đều đang trong tình trạng ổn định, theo Ban Nội chính thông báo.

Hiền Anh - Tiểu Tuệ.



BÀI CHỌN LỌC

Cập nhật tình hình virus Corona trên Thế giới (13/02 - 22:00) - Nhật Bản xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19