Cập nhật tình hình virus Corona tại Việt Nam (tối 09/02)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm virus Corona thứ 14, là một phụ nữ 55 tuổi tại Vĩnh Phúc, nâng tổng số ca nhiễm virus tại đây tăng lên 09 trường hợp.

Đường lây nhiễm của ca thứ 14

N.T.D là một trong 03 bệnh nhân đầu tiên nhiễm Coronavirus tại Việt Nam. Cô là một trong 06 người trở về từ Vũ Hán trên chuyến bay CZ8315, mà 05 người đã xét nghiệm dương tính với nCoV tại Vũ Hán.

Không lâu sau, cả mẹ và em gái của N.T.D đã có triệu chứng và chẩn đoán dương tính với virus Corona. Một người hàng xóm sau đó cũng cho kết quả xét nghiệm tương tự.

Ngày 28/01/2020, một hàng xóm khác đã đến nhà NTD chúc Tết khoảng 1 tiếng rồi về. Ngày 09/02, người hàng xóm này trở thành ca nhiễm virus nCoV thứ 14 tại Việt Nam.

"Aerosol" là đường lây virus Corona - theo các nhà nghiên cứu Thượng Hải

Trước thông tin này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giải thích: "Nếu hiểu theo thuật ngữ aerosol theo nghĩa 'bụi khí' thì sự phát tán dịch là vô cùng khủng khiếp. Tuy nhiên, trên thực tế thuật ngữ aerosol hiểu chính xác là 'khí dung', không liên quan gì đến người bình thường".

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhu Trung ương cũng trả lời rằng: nếu 02 người dùng chung sẽ bị lây bệnh, còn chỉ một người dùng riêng một bầu khí dung thì không sao. "Do vậy cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn", ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: có nhiều con đường có thể lấy nhiễm virus khi sử dụng các thủ thuật, trong đó có khí dung; và hiện nCoV lây qua đường không khí là đối với những giọt bắn từ người bị nhiễm bệnh trong phạm vi 2m, trên 2m là an toàn.

Bộ Y tế cho biết: có 3 phương thức lây truyền chủ yếu (1) qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt nước bọt từ ho, hắt hơi, sổ mũi; (2) qua da khi tiếp xúc với người bệnh, như bắt tay người bệnh mà trên tay họ có virus; và (3) lây truyền từ bề mặt đã nhiễm bẩn.

Nông sản Việt Nam

Ngày 08/02, cửa khẩu Tân Thanh đã có khoảng 40 xe container rời bến để đưa hoa quả về nội địa tiêu thụ. Dưa hấu được "giải cứu" với giá 4000 đồng/kí. Đến sáng ngày 09/02, vẫn còn trên 180 xe container chở thanh long vẫn đang bám trụ, khi Trung Quốc vẫn tiếp tục lùi thời gian thông quan đến cuối tháng.

Việc này làm tăng chi phí tiền dầu chạy máy lạnh để bảo quản thanh long, lên đến gần 1 triệu VND/ngày.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Tháng 02/2020 sẽ có một đoàn đi Dubai của Bộ Nông nghiệp, đi Mỹ. Tháng Ba sẽ đi Brazil, tháng Tư sẽ đi Nga và các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và tất cả các thị trường ngách đều được phát huy một cách tối đa nhất".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói: "Chúng ta cần tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp hướng dẫn các tỉnh tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, và các tỉnh nên thận trọng hơn trong khâu sản xuất, làm sao điều tiết được sản lượng sản xuất.

Ví dụ như bây giờ là thôi đừng tìm cách kích thích cây để tăng sản lượng nữa. Nếu mà trồng thanh long thì hãy để thanh long lớn bằng ánh sáng tự nhiên, đừng chiếu đèn cả ban đêm..."

Mặt khác, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục vận động các chủ hàng tại biên giới chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch với các lô hàng đủ điều kiện - đủ bao bì, đủ nguồn gốc xuất xứ - để được giải tỏa, trước tình hình dịch bệnh có thể kéo dài.

Dòng người nơi cửa khẩu

Ngoài ra, tại biên giới, hệ thống kiểm dịch giám sát cho biết: từ 13/01 đến 08/02, tổng số khách nhập cảnh tại Hà Giang là 519 người, tại Thanh Thủy là 402 người, Xín Mần là 117 người.

Lại chuyện khan hiếm cung ứng vật tư y tế

Khẩu trang đang dần khan hiếm tại hầu hết các nhà thuốc. Trong khi đó, các sai phạm vẫn xảy ra như một số khẩu trang vẫn tìm cách "Bắc tiến" bởi nhu cầu và lợi nhuận của "thị trường".

Sáng 09/02, tổ công tác Đội Quản lý Thị trường số 06 (Hà Nội) đã xác định được một thanh niên Trung Quốc mua gom 50 thùng khẩu trang, tập kết tại 1 căn biệt thự liền kề ở quận Hà Đông.

Chiều 08/02, Hà Nội cũng phát hiện được một cơ sở sản xuất đã lấy cồn 90 độ, dung dịch glycerin, pha với nước tinh khiết rồi đóng chai, lọ để bán ra thị trường. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị thu giữ.

Tại Đà Nẵng, nhiều cửa hàng cũng đã đề bảng thông báo hết hàng khẩu trang y tế, gây ảnh hưởng mạnh đến người dân và nhiều tour du lịch đã bị hủy bỏ.

Tại Sài Gòn, quận 10 nhiều người phải xếp hàng mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn; các trung tâm dược phẩm và trang thiết bị y tế tại đây hầu hết đã đóng cửa.

Vũ Phong (tổng hợp)
- Cập nhật lúc 21:40.



BÀI CHỌN LỌC

Cập nhật tình hình virus Corona tại Việt Nam (tối 09/02)