Cảnh giác với bệnh lý bàn chân đái tháo đường - Một vết thương có thể khiến bạn phải cắt chi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một người đàn ông bị thương trên ngón chân, nhưng vì miệng vết thương không sâu, anh liền chủ quan và cho rằng đây chỉ là một vết thương nhẹ. Anh chỉ rửa sạch và sát trùng vết thương bằng một ít cồn y tế. Tuy nhiên, một thời gian sau, vết thương trên ngón chân của người đàn ông này trở nên đỏ, sưng tấy và thâm đen, thậm chí có thể nhìn thấy xương bên trong; ngoài ra anh cũng bị sốt cao.

Thực tế, người đàn ông này có bệnh tiểu đường. Ngay khi nhận thấy các triệu chứng trên, anh liền được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

1 - Những ‘vết thương nhẹ’ kéo theo rắc rối lớn

Khi người đàn ông đến bệnh viện, kết quả đo khám cho thấy đường huyết lên tới 20mmol/L, vết thương ở ngón chân có biểu hiện hoại tử, có nhiều mủ chảy ra, thậm chí cũng có thể nhìn thấy xương ngón chân bên trong, kèm theo đó là các triệu chứng của viêm tủy xương.

Sau khi sát trùng, thay băng và điều trị bằng thuốc, tình trạng nhiễm trùng vẫn không được kiểm soát hiệu quả. Cuối cùng, người đàn ông phải cắt cụt chi theo lời tư vấn của các bác sĩ.

Người đàn ông này phát hiện bệnh tiểu đường cách đây mấy năm, tự mua thuốc uống nhưng không chú trọng đo đường huyết để biết cách điều chỉnh phù hợp.

Cách đây khoảng một tháng, ngón chân cái của anh đột ngột bị thương. Nhưng vì miệng vết thương nông nên anh chỉ rửa sát trùng đơn giản và không để ý đến nó.

Tuy nhiên vết thương mãi không lành, sưng tấy và lở loét, vùng da xung quanh thậm chí còn chuyển sang màu đen, nhưng do cảm giác đau nhức không mạnh nên bị trì hoãn và dẫn đến hậu quả phải cắt cụt chi.

2. Vì sao lại xuất hiện bệnh lý bàn chân đái tháo đường?

Theo thống kê, 15% bệnh nhân tiểu đường sẽ xuất hiện bệnh lý bàn chân đái tháo đường.

Nguyên nhân là tình trạng kiểm soát đường huyết lâu dài không tốt sẽ dẫn đến bệnh lý thần kinh ngoại biên, xơ cứng và hẹp mạch máu ngoại vi, dễ gây ra những bất thường đối với các dây thần kinh xa chi dưới; từ đó phá hủy mô bàn chân, làm biến dạng xương khớp, thậm chí gây loét chân và nhiễm trùng.

Hơn nữa, sau khi vết thương xuất hiện trên bàn chân, bệnh lý thần kinh ngoại biên khiến cơ thể mất đi cơ chế bảo vệ thần kinh bình thường, làm người bệnh lầm tưởng vết thương không nghiêm trọng và bỏ qua việc điều trị.

Do bệnh lý liên quan đến mạch máu nên sẽ gây rối loạn tuần hoàn ngoại vi, hàm lượng đường cao tại các mô cục bộ dễ khiến vi khuẩn sinh sôi, từ đó dẫn đến vết thương khó lành, có thể gây nhiễm trùng huyết và nguy hiểm đến tính mạng.

3. Phòng ngừa bệnh tiểu đường ở chân là chìa khóa

Một khi xuất hiện bệnh lý bàn chân đái tháo đường thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, chu kỳ điều trị thường kéo dài và tiên lượng rất xấu, vì vậy việc phòng ngừa trước khi bệnh khởi phát là quan trọng nhất.

Người bệnh tiểu đường phải kiểm soát và theo dõi đường huyết, sử dụng insulin càng sớm càng tốt khi thuốc uống không kiểm soát được đường huyết.

Đồng thời, huyết áp và lipid máu phải được coi trọng để duy trì cân nặng hợp lý. Thuốc lá cũng cần phải bỏ, bệnh nhân tiểu đường hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bàn chân cao gấp 15 lần so với người không hút thuốc.

Luôn chú ý tự kiểm tra, khi bệnh tiểu đường gây ra bệnh mạch máu, mắt sẽ bị mờ, và động mạch chi dưới cũng bị suy yếu hoặc biến mất. Lúc này hãy đi khám bác sĩ kịp thời.

Nhìn chung, người bị tiểu đường nên kiểm tra bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan mỗi năm một lần.

Chú ý hơn đến việc bảo vệ bàn chân, trong quá trình vận động hàng ngày, tránh đi lại nhiều gây mệt mỏi.

Bạn cũng cần chú ý vệ sinh chân, không đun nước rửa chân quá nóng. Chọn giày và tất vừa vặn thoải mái và kiểm tra bàn chân của bạn mỗi ngày để xem có chấn thương hoặc áp lực hay không.

Nếu chân bị thương, bạn cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý, lau khô, dùng băng y tế và thay băng hàng ngày.

Nếu vết thương ở chân không có dấu hiệu cải thiện trong vòng 2 ngày, hoặc có dấu hiệu tấy đỏ, sưng tấy, nóng… thậm chí không còn đau thì nên đến bệnh viện để điều trị, vì bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường có thể gây mất cảm giác đau.

Tóm lại, bệnh nhân đái tháo đường không nên xem nhẹ tình trạng đường huyết, phải theo dõi và biết cách kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó phòng ngừa các biến chứng.

Luôn chú ý bảo vệ đôi chân, xử lý kịp thời nếu phát hiện có vấn đề, đề phòng bệnh lý bàn chân đái tháo đường. Khi thuốc hạ đường huyết không đủ tác dụng, cần nhanh chóng sử dụng insulin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với bệnh lý bàn chân đái tháo đường - Một vết thương có thể khiến bạn phải cắt chi