Cân bằng các yếu tố của tự nhiên - bí quyết giữ gìn sức khỏe của người xưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xa xưa, tổ tiên chúng ta ở khắp nơi trên trái đất đều có những bí quyết giữ gìn sức khỏe. Một trong những bí quyết đó chính là sự cân bằng các yếu tố chính trong vũ trụ - cũng chính là cách con người kết nối với thế giới tự nhiên...

Từ thế kỷ V TCN, Hippocrates - cha đẻ của nền y học phương Tây, đã tuyên bố sức khỏe của một người phụ thuộc vào sự cân bằng của bốn chất dịch trong cơ thể, tương ứng với các yếu tố tự nhiên: đất, nước, lửa, khí (tứ đại). Ông chỉ rõ: chúng ta có thể cải thiện sức khỏe của mình bằng cách chú ý đến sự cân bằng giữa các yếu tố này.

Triết lý y học cổ xưa của Ấn Độ (Yoga, Ayurveda, Vastu) cũng có cùng ý tưởng nhưng bổ sung thêm một thành tố thứ năm - ánh sáng.

Đương nhiên, không thể bỏ qua triết lý của nền y học cổ truyền lớn nhất trên thế giới - nền y học hàng nghìn năm của Hoa Hạ. Trong hàng ngàn năm, cả hai tộc Hoa và Việt đã biết cách sống hài hòa và điều chỉnh lối sống thuận theo 5 yếu tố mà họ cho là căn bản của mọi sự vật, hiện tượng: Ngũ Hành - Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tương ứng với kim loại, gỗ, nước, lửa và đất.

Việc sống hài hòa và thuận theo các yếu tố tự nhiên của vũ trụ đã được người xưa tổng kết và ứng dụng từ rất lâu - thông qua quan sát quy luật của vũ trụ. Những điều xưa cũ mà cha ông truyền lại tưởng chừng như ít có giá trị, nhưng lại càng ngày càng có nhiều người quay trở lại tìm hiểu, và tìm thấy rất nhiều điều hữu ích cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của chúng ta.

Hãy cùng tìm hiểu mối liên hệ giữa Ngũ Hành, cơ thể người và các mùa, sự cân bằng tự nhiên sẽ mang lại sức khỏe và cả niềm hạnh phúc thật sự.

Mộc - mùa xuân

Mộc đặc trưng cho mùa xuân, mùa mà vạn vật bắt đầu sự sống và sinh sôi nảy nở. Tiến sĩ Elson M. Haas, tác giả của cuốn Staying Healthy With the Seasons, đã nói: “Mộc đại diện cho sự sống, vạn vật đang phát triển: hoa lá, cây cỏ, và cả cơ thể người”.

Theo y học cổ truyền, mùa xuân là thời điểm thích hợp để phát triển sâu từ gốc rễ, hướng ra bên ngoài và duy trì sự linh hoạt. Trong cơ thể người, điều này tương ứng với việc chúng ta cần chú ý đến sự vững chắc của cột sống, hệ cơ, xương, khớp và các dây chằng. Ngoài ra, bạn cũng cần để ý đến hoạt động của lá gan. Bởi vì gan là nơi thải độc, tạo mật và và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa các carbohydrate, chất béo và protein.

Để kích hoạt chức năng gan, cần nghĩ đến việc làm sạch nó trong mùa xuân bằng nhiều cách. Nên có kế hoạch bắt đầu tập luyện thể thao thường xuyên và áp dụng chế độ ăn để thanh lọc gan từ mùa xuân. Ví dụ như: uống nhiều nước và có thể thêm một chút chanh, nhưng không quá nhiều, vì vị chua từ chanh hay các thực phẩm có vị chua sẽ giúp nuôi dưỡng gan. Nên ăn những thực phẩm dễ tiêu và tươi như rau xanh, các loại cải, trái cây, các loại hạt. Tránh những thức ăn khó tiêu hóa, có nhiều hóa chất phụ gia và có chứa cồn.

“Mộc đại diện cho sự sống, vạn vật đang phát triển: hoa lá, cây cỏ, và cả cơ thể người”... (Pixabay)

Buổi sáng mùa xuân là thời điểm đặc trưng của yếu tố Mộc, cũng là thời điểm tuyệt vời để thức dậy sớm, tận hưởng không khí ban mai, ngẫm nghĩ về cuộc đời và tương lai tươi sáng trước mắt. Bỏ chút thời gian viết nhật ký về cảm xúc hiện tại, ước muốn và dự định về cuộc sống trong tươi lai vào một buổi sáng mùa xuân, cũng làm cho tâm hồn bạn thêm tươi mới.

Hỏa - mùa hè

Hỏa tượng trưng cho sự ấm áp, chuyển đổi, vận động và chuyển mình mạnh mẽ. Yếu tố Hỏa của mùa hè chính là một ngày dài ngập tràn ánh nắng và năng lượng. Tác giả Gail Reichstein đã viết trong cuốn sách Wood Becomes Water: Chinese Medicine in Everyday Life (Kodansha, 1998), “Trong Ngũ Hành thì Hỏa chính là lúc năng lượng vượng nhất”.

Quả tim và ruột non chính là hai cơ quan được điều hòa bởi Hỏa. Theo y học truyền thống, Hỏa điều hòa hoạt động của tim và sự lưu thông máu trong cơ thể. Trong khi đó, ruột non có vai trò tiêu hóa thực phẩm mà chúng ta ăn vào và chuyển chúng thành các chất đi thẳng vào máu. Máu di chuyển đến tim và cung cấp các chất dinh dưỡng cho toàn bộ cơ thể.

Chúng ta cần cung cấp cho cơ thể các thức ăn bổ dưỡng suốt cả năm, nhưng trong mùa hè, điều này đặc biệt quan trọng. Nếu Hỏa khí bị suy giảm do thiếu hoạt động, cơ thể chúng ta sẽ biểu hiện lạnh, yếu nhược, giảm hoạt động hoặc sẽ biểu hiện những triệu chứng do hệ tuần hoàn giảm nuôi dưỡng cho cơ thể. Trong trường hợp này, Reichstein, một nhà châm cứu tại Trung tâm Núi Đông ở Croton-on-Hudson cho biết, các loại thực phẩm như ớt, gừng, cam, bơ, thịt, bắp, đào và gạo basmati có thể mang lại Hỏa khí cho cơ thể.

Yếu tố Hỏa của mùa hè chính là một ngày dài ngập tràn ánh nắng và năng lượng... (Pixabay)

Tuy nhiên, khi Hỏa khí quá vượng, nó thường biểu hiện sự kích động quá mức, và sự rối loạn. Để trung hòa lại trạng thái này, Reichstein khuyên nên ăn những thực phẩm có vị cay đắng như rau diếp, lá bồ công anh, hạnh nhân và các loại thực phẩm có tính mát như dưa leo, cải, dưa hấu, táo và chanh. Tránh ăn những loại thực phẩm khó tiêu như thịt, trứng và dầu.

Mùa hè cũng là thời gian lý tưởng cho bữa ăn trưa đầy năng lượng, cuộc trò chuyện vui vẻ và những cuộc họp ấm áp với bạn bè, bởi vì Hỏa tượng trưng cho buổi trưa và sự kết nối. Mùa hè cũng là một mùa thích hợp để thực hành các bài tập tốt cho hệ tim mạch bởi vì nó có liên quan đến Hỏa.

Thổ - cuối hè

Thổ là yếu tố duy nhất trong Ngũ Hành tương ứng với hai khoảng thời gian bất thường trong năm. Đầu tiên là một mùa ngắn gọi là “Mùa hè Ấn Độ”. Đó là những ngày ấm áp cuối cùng, những ngày nắng nhẹ của tháng 9 hoặc tháng 10, ngay trước khi thời tiết mát mẻ của mùa thu đến. Thứ hai là những giai đoạn giao mùa: từ mùa thu sang đông, đông sang xuân và xuân sang hè.

Trái đất có một sự ổn định trong những thời gian chuyển đổi này. Sau mùa xuân và mùa hè, thời gian phát triển tự nhiên của vạn vật, cây cối ra hoa, kết trái, thì mùa hè muộn là khoảng thời gian trái đất giúp chúng ta tập trung và cân bằng trước khi chuẩn bị thu hoạch vào mùa thu và bắt đầu chuẩn bị nghỉ ngơi vào mùa đông.

Trong y học châu Á cổ xưa, Thổ được gắn với lá lách, tụy và dạ dày, các cơ quan tiêu hóa và dinh dưỡng. Dạ dày chứa thức ăn mà bạn ăn vào và bắt đầu nghiền nguyễn nó. Lá lách và tụy sau đó góp phần phân phối dinh dưỡng khắp cơ thể. Tuyến tụy cũng điều chỉnh mức đường máu của bạn.

Bạn nên chọn loại đường phù hợp trong cuối hè để giúp tuyến tụy hoạt động tốt. Một số thực phẩm mà người Hoa Hạ coi là có vị ngọt, như táo, bắp cải, cà rốt, chà là, sung, nho, đậu tây, xà lách, sữa, ô-liu, đào, lê, quả bí, đậu cô-ve, khoang lang, cà chua, và hạt óc chó rất tốt cho mùa này.

Không chỉ là loại thực phẩm mà cách ăn cũng rất quan trọng. Ăn một cách khoan thai, chậm rãi, sẽ làm thức ăn được cắt nhỏ hơn, giúp cho dạ dày và lá lách không phải làm việc quá sức. Sau khi ăn và một khoảng thời gian thư giãn ngắn, cơ thể cần vận động một chút vì sự vận động sẽ hỗ trợ cho tiêu hóa, đồng hóa và phân phối chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Trái với giữa hè, hè muộn là thời gian lý tưởng để chia sẻ bữa tối với hàng xóm và bạn bè, đương nhiên, đi dạo sau khi ăn thì rất lý tưởng.

Kim - mùa thu

Mùa thu là mùa thu hoạch, và chuẩn bị cho mùa đông. Hành Kim, kim loại từ quặng thô đến đá quý, tượng trưng cho quá trình tinh luyện thành sản phẩm cuối cùng. Mùa thu là thời gian để bảo đảm rằng tất cả mọi thứ đều tinh khiết, và sẵn sàng để sử dụng một cách tối ưu mà không bị bỏ đi hay lãng phí.

Mùa thu là mùa thu hoạch, và chuẩn bị cho mùa đông... (Pixabay)

Người Á Đông không tính không khí vào Ngũ Hành như hệ thống của người phương Tây. Nhưng Kim có những yếu tố tương tự không khí. Janice MacKenzie tác giả cuốn Discovering the Five Elements: One Day at a Time cho biết: “Nguồn năng lượng từ cả không khí và Kim đều bao gồm hoạt động tinh thần, hoạt động trí óc, và sự giao tiếp”. “Không có khả năng tạo ra những ý tưởng mới hay giữ lại những ý tưởng cũ cứng ngắc đều cho thấy sự mất cân bằng trong yếu tố Kim”.

Hơn nữa, Kim được liên kết với không khí qua phổi. Trong y học cổ truyền, phổi và ruột già gắn với Kim, cả hai đều liên quan đến với sự thanh lọc và loại loại trừ. Phổi lấy oxy và thải CO2 qua đường thở. Ruột già hấp thụ nước và hoàn thành việc hấp thụ chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Nó cũng giữ và loại bỏ chất thải.

Ăn rau và ngũ cốc lúc nào cũng cần thiết cho cơ thể của chúng ta. Đặc biệt vào mùa thu, vì chúng có lợi cho ruột già, nên chúng giúp cân bằng yếu tố Kim trong cơ thể. Chế độ ăn cân bằng hành Kim bao gồm các thực phẩm nóng, giàu năng lượng và ấm, như thịt, các loại hạt, cá và dầu, với ăn kèm với gia vị mạnh như pho mát sữa cừu, tiêu và mù tạt. Các loại rau củ – như khoai tây, cà rốt, tỏi và hành tây là những loại thực phẩm thuộc hành Kim có lợi cho sức khỏe. Các loại trái cây có vỏ dày như chuối và xoài cũng tương tự. Ớt cayenne, gừng và cà ri thúc đẩy tiêu hóa và thải trừ tốt.

Bạn cũng có thể thử luyện tập một dạng thở thiền cho sức khỏe của phổi. Cử tạ cũng là một bài tập hữu ích vì nó giúp cân bằng lượng protein và calo lớn mà bạn cần chuẩn bị cho mùa đông. Đây là thời điểm tốt của năm để tận hưởng buổi chiều muộn và buổi tối, thời điểm gắn hành Kim, bằng cách thư giãn, buông bỏ những lo lắng và chuẩn bị cho giấc ngủ ngon.

Thủy - mùa đông

Mùa đông, mùa lạnh và tối, là thời điểm phản ánh nội tâm, nghỉ ngơi và phục hồi. Nó liên quan đến hành Thủy (nước), yếu tố tập trung, sự yên bình và sự lưu chuyển. Trong cơ thể, hành Kim liên quan đến lưu thông máu, mồ hôi, nước mắt, bàng quang và đặc biệt là thận.

Trong y học cổ truyền, thận đặc biệt được coi trọng. “Thận tập trung năng lượng gốc của tất cả các cơ quan và đốt năng lượng của toàn bộ cơ thể” - Shoshanna Katzman, tác giả của cuốn sách Qigong for Staying Young viết.

Để giữ thận khỏe mạnh, bạn nên giữ ấm cho thận và không để nó bị thiếu nước. Khi bạn đang tận hưởng các hoạt động ngoài trời trong mùa đông, bạn nên đảm bảo rằng phần lưng được giữ ấm. Tương tự, uống nhiều nước giúp rửa sạch bàng quang và thận nhưng uống nước đá lại làm nó bị lạnh.

Mùa đông có thể là thời gian để tiết kiệm năng lượng... (Pixabay)

Vào mùa đông, cơ thể bạn sẽ cần những thực phẩm nóng ấm như súp nóng, ngũ cốc nguyên hạt và hạt được rang lên, trà gừng hoặc trà quế. Để bổ thận, bạn nên ăn đậu đen, đậu thận hoặc đậu đỏ cùng với rong biển và rau xanh hấp. Cá và hải sản là nguồn protein tốt vào thời điểm này trong năm. Một cách đơn giản để cảm thấy được kết nối với hành Thủy là sử dụng muối biển thay vì muối tinh trong thức ăn. Một lượng thức ăn mặn vừa phải có thể giúp nuôi dưỡng thận, nhưng hãy nhớ rằng ăn quá mặn sẽ hại thận.

Mùa đông có thể là thời gian để tiết kiệm năng lượng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần phải ở nhà hoàn toàn. Chúng ta cũng có thể học cách di chuyển nhẹ nhàng và ít trở lực nhất như sự di chuyển theo dòng nước. Thái cực quyền, khí công, yoga là những môn tập rất tuyệt vời cho những tháng mùa đông.

Liên quan đến thế giới nội tâm, sự cảm thụ và ban đêm, mùa đông là một mùa đặc biệt để chú ý đến giấc mơ của bạn. Thử viết về những giấc mơ hay biến chúng thành những hoạt động sáng tạo khác xem, có thể sẽ cực kỳ thú vị!

Ngũ Hành tương sinh, nhưng cũng tương khắc. Nước nuôi dưỡng gỗ, củi tạo ra lửa, lửa cháy tạo ra đất, đất tạo ra kim loại, và kim loại tạo ra nước. Nhưng khi các nguyên tố không cân bằng, chúng lại phá hoại lẫn nhau. Nước dập lửa, gỗ tách đất ra, kim loại chẻ gỗ, lửa làm tan chảy kim loại và đất hấp thu nước. Do đó, bảo đảm sự cân bằng 5 yếu tố tự nhiên - Ngũ Hành, trong cơ thể sẽ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt và lâu dài. Để có thể giữ được sự hài hòa và cân bằng liên tục trong quá trình sống không phải là việc đơn giản, nhưng thành quả mà chúng ta gặt hái được sẽ thực sự là phần thưởng lành mạnh cho sức khỏe.

Mỹ Tâm
- Theo Experience Life.



BÀI CHỌN LỌC

Cân bằng các yếu tố của tự nhiên - bí quyết giữ gìn sức khỏe của người xưa