Cách xử lý tình huống và nên ăn gì sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian. Nếu mua phải thực phẩm độc hại không rõ nguồn gốc, thêm vào đó là bảo quản và chế biến không đúng cách thì rất dễ bị ngộ độc. Vậy làm thế nào để hạn chế ngộ độc thực phẩm và chúng ta nên ăn gì sau khi bị ngộ độc?

Sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, chứa chất bảo quản, phụ gia hoặc thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, bạn sẽ bị các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau bụng…, khiến cơ thể mệt mỏi. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Một số vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm gồm:

  • Campylobacte: Là vi khuẩn được tìm thấy trong thực phẩm và đồ uống đã bị ôi thiu, bị hỏng quá hạn sử dụng hoặc chế biến không vệ sinh.
  • Escherichia coli (E. coli): Thường được tìm thấy trong rau sống và thịt chưa nấu chín.
  • Listeria: Có thể có trong thịt đóng gói sẵn và pho mát mềm.
  • Norovirus: Có thể xuất hiện từ thịt động vật nấu chưa chưa chín.
  • Salmonella: Thường được tìm thấy trong thịt gia cầm nấu chưa chín và trứng sống.
  • Staphylococcus aureus: Có thể gây nhiễm trùng do tụ cầu.

Đối tượng có nguy cơ cao thường là người già, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch kém. Để hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bạn cần:

  • Thường xuyên rửa tay và bát đĩa bằng xà phòng.
  • Rửa sạch rau sống và trái cây.
  • Xử lý thực phẩm sống - đặc biệt là thịt - một cách vệ sinh.
  • Làm lạnh hoặc đông lạnh kịp thời các thực phẩm dễ hỏng.
  • Thịt được nấu đến nhiệt độ thích hợp.
  • Rã đông thực phẩm đông lạnh một cách an toàn và nấu ngay khi rã đông.
  • Nếu bạn thấy thực phẩm hay đồ ăn trông có vấn đề, đừng ngần ngại mà hãy bỏ đi.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết những biện pháp khắc phục nếu chẳng may bị ngộ độc thực phẩm.

  1. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là một trong những cách giúp cơ thể được chữa lành do ngộ độc thực phẩm. Hãy nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.

Ngoài ra, không ăn hoặc uống trong vài giờ sau khi có các triệu chứng ngộ độc cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn và không còn nôn mửa nữa. Hãy thử những món ăn nhẹ và nhạt, như cháo trắng, bánh mì nướng, bánh quy giòn,...

  1. Bù nước chứa điện giải

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước do nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược và đôi khi nhịp tim không đều, thậm chí là gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trừ tình trạng mất nước nghiêm trọng cần đến phòng khám hoặc bệnh viện ngay để được truyền dịch kịp thời, bạn có thể bù nước tại nhà và theo hướng dẫn của bác sĩ. Uống nước điện giải sẽ giúp cải thiện tình trạng mất nước nhẹ.

  1. Thực hiện chế độ ăn BRAT

Khi cơ thể bạn vẫn chưa ổn, bạn nên thực hiện chế độ ăn BRAT - là chế độ ăn nhẹ nhàng cho dạ dày, gồm chuối, cơm, và bánh mì nướng. Bạn cũng có thể dùng thêm nước hầm xương.

Chế độ ăn BRAT chứa các loại thực phẩm giúp làm cho phân cứng hơn và giúp bổ sung các chất dinh dưỡng đã mất. Hoặc bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn và đảm bảo ít chất béo cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.

  1. Bổ sung lợi khuẩn đường ruột vào bữa ăn

Lợi khuẩn đường ruột giúp kiểm soát hệ sinh vật đường ruột, vi khuẩn sống bên trong ruột gồm cả vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu. Ngộ độc thực phẩm có thể làm mất cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong ruột.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn có thể ngăn ngừa và phục hồi ngộ độc thực phẩm bằng cách bổ sung thực phẩm có chứa lợi khuẩn đường ruột. Thực phẩm giàu lợi khuẩn bao gồm sữa chua, Kefir (sữa lên men), và các thực phẩm lên men chẳng hạn như dưa cải bắp, súp miso, kombucha...

  1. Uống trà gừng hoặc trà bạc hà

Gừng là một nguyên liệu chính trong y học cổ truyền của nhiều nền văn hóa. Các nghiên cứu cho thấy trà gừng làm giảm buồn nôn.

Bạc hà cũng là một loại thảo mộc mà theo y học cổ truyền, giúp làm dịu đường tiêu hóa. Uống trà bạc hà cũng giúp bạn bù nước trong tình trạng bị mất nước do ngộ độc thực phẩm.

  1. Các thực phẩm cần tránh sau khi bị ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm thường gây kích thích, làm viêm dạ dày và ruột, vì vậy bạn nên tránh những thực phẩm gây kích thích và khó chịu cho dạ dày.

Các loại thực phẩm cần tránh gồm:

  • Thực phẩm từ sữa như sữa, pho mát, kem.
  • Thực phẩm giàu chất béo như gà rán, khoai tây chiên và các món giàu chất béo khác.
  • Thức ăn cay.
  • Các thực phẩm gây đầy hơi như đậu, cải bắp, hành, tỏi.
  • Các loại đồ uống chứa cafein như cà phê, trà có caffein.

Mai Trang

Theo WebMD



BÀI CHỌN LỌC

Cách xử lý tình huống và nên ăn gì sau khi bị ngộ độc thực phẩm