Cách nhận biết và điều trị thiếu hụt vitamin D trong mùa COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi chờ phương pháp điều trị đặc hiệu cho virus Vũ Hán hoặc vaccine, hãy để ý xem mình có bị thừa hay thiếu vitamin D không. Nó có thể giúp chúng ta ngăn ngừa hoặc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19...

Vitamin D giúp chúng ta tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tim mạch, ung thư ruột và các bệnh mãn tính khác. Vai trò của nó đã được nhắc đến rất nhiều trong đại dịch COVID-19.

Vai trò của vitamin D trong mùa COVID-19

Tại Mỹ, Tiến sĩ Kecia Gaither là trưởng khoa chăm sóc trước sinh tại Trung tâm Sức khỏe tâm thần và Y tế Lincoln (New York). Trong email trao đổi với Epoch Times, cô cho biết:

“Những bệnh nhân đủ vitamin D có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ít hơn so với những người bị thiếu hụt vitamin này khi nhiễm phải COVID-19”. Vì lý do này, Tiến sĩ Gaither cho biết cô đã kiểm tra mức vitamin D của tất cả bệnh nhân, đặc biệt phụ nữ mang thai và cho con bú.

Tại Israel, một nghiên cứu đã xét nghiệm virus Vũ Hán và đo nồng độ vitamin D ở 7.807 người. Có 782 người đã chẩn đoán dương tính với virus, họ có mức vitamin D huyết tương ở mức độ trung bình hoặc thấp hơn đáng kể so với 7.025 người còn lại (âm tính). Nghiên cứu này đã phân tích và chỉ ra rằng đây là một mối liên quan độc lập.

Nhận biết thiếu hụt vitamin D và cách điều trị

Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến các vấn đề sau: loãng xương, nhức xương, đau cơ, trầm cảm, mệt mỏi, nhiễm trùng hoặc thường xuyên mắc bệnh. Nhiều trường hợp khác thiếu hụt vitamin D thậm chí còn không có triệu chứng.

Do đó, trong mùa dịch này, chúng ta nên bổ sung vitamin D thông qua phơi nắng, dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin D như cá hồi, nấm trắng và dầu cá; hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tiến sĩ Abe Malkin là giám đốc của Concierge MD LA - trung tâm chăm sóc sức khỏe từ xa và tại nhà - đã chia sẻ với Epoch Times qua email rằng: “Liều lượng vitamin D bổ sung an toàn hàng ngày là 2.000 IU mỗi ngày. Nhưng đối với những người bị thiếu hụt vitamin này thì có thể sẽ cần nhiều hơn, 5.000 IU mỗi ngày. Chúng ta cũng nên bổ sung thêm kẽm và vitamin C cùng lúc để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch”.

Tiến sĩ Malkin cũng lưu ý: “Những người có mức vitamin D cao tự nhiên không nên dùng thực phẩm bổ sung. Điều này sẽ được xác định bằng xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin D".

Mặc dù hiếm gặp, nhưng ngộ độc vitamin D có thể xảy ra và dẫn đến làm tăng nồng độ canxi trong máu. Các triệu chứng bao gồm “buồn nôn, nôn mửa, suy nhược, các vấn đề về thận và đau xương”. Trường hợp này thường xảy ra khi tiêu thụ quá nhiều vitamin D - thường là ở dạng thực phẩm bổ sung trong một thời gian dài.

Còn Tiến sĩ Gaither thì cho biết thêm: “Cùng với việc bổ sung vitamin D, chúng ta cần phơi nắng đầy đủ, đặc biệt là nếu bị nám da hay có làn da sẫm màu. Bởi vì melanin - chất làm da sẫm màu, ức chế sản xuất vitamin D ở da". Điều này giải thích tại sao người da màu tại Mỹ có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn các nhóm khác.

Một số quốc gia đã hành động

Ở một số quốc gia, chính phủ hoặc các tổ chức y tế đã bắt đầu khuyến cáo người dân bổ sung vitamin D và phơi nắng.

Chính phủ Scotland đã cập nhật hướng dẫn về vitamin D vào ngày 29/7, trong đó nêu rõ: “điều quan trọng là mọi người phải duy trì đủ lượng vitamin D” và những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên “bổ sung vitamin D hàng ngày”.

Tại Pháp, Học viện Y khoa Quốc gia từ tháng Năm đã bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của vitamin D để chống lại COVID-19. Học viện khuyến nghị người dưới 60 tuổi nhiễm COVID-19 nên bổ sung từ 800 đến 1.000 IU vitamin D mỗi ngày. Nếu bệnh nhân là trên 60 tuổi, họ nên đi xét nghiệm nồng độ vitamin D để có chỉ dẫn cụ thể.

Minh Sang
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Cách nhận biết và điều trị thiếu hụt vitamin D trong mùa COVID-19