Cách làm nước hầm xương gà giúp tăng sức đề kháng trong mùa dịch COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời điểm mà dịch COVID-19 đang khiến cả thế giới chao đảo, việc ăn gì uống gì để tăng sức đề kháng càng nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng.

Có thể có ít người biết rằng nước hầm xương gà, nước dùng phổ biến hàng ngày của người Việt là món ăn bổ dưỡng giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Dịch COVID-19 hiện nay đã lây lan ra nhiều quốc gia. Vì vậy, việc tìm được một phương thuốc hữu hiệu giúp phòng chống virus SARS-CoV-2 là vô cùng quan trọng. Nhưng thật không may, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn còn đang phải lần mò thử nghiệm rất nhiều loại thuốc.

Trong bối cảnh đó, chủ động tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân là điểm then chốt để chống lại virus. Nước hầm xương gà là một thứ nước dùng quen thuộc hàng ngày - không chỉ với người Việt mà còn với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nó còn có thể giúp cơ thể nâng cao miễn dịch để chống lại virus trong dịch COVID-19.

Nước hầm xương gà trong các nền văn hóa khác nhau

Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng nước hầm xương gà để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau phù hợp với điều kiện sinh sống và hoàn cảnh của dân tộc mình. Ví dụ:

  • Người Đan Mạch và Đức thường thích dùng gà mái lớn để nấu
  • Còn người Hy Lạp thường cho thêm trứng, chanh vào nước hầm xương gà
  • Người Hungary thường có thêm gan và tim gà trong nước hầm
  • Trong khi, người Mỹ ưu ái gà mái già trong chế biến
  • Đối với người Việt Nam và Trung Quốc, nước hầm xương gà thường được chế biến với rất nhiều món như: cháo, lẩu, súp, miến...

Còn nhắc đến nước hầm xương gà như một phương thuốc điều trị thì phải bắt đầu từ các thầy thuốc Trung Y.

Vào khoảng 2.500 năm trước, họ sử dụng nước dùng này để hỗ trợ tiêu hóa, giúp tạo máu và bổ thận cho bệnh nhân. Sau đó, bắt đầu từ thế kỷ 12 tại Ai Cập, bác sĩ Moses Maimonides, là một giáo sĩ và cũng là nhà triết học người Do Thái, đã kê đơn súp gà như một phương thuốc chữa cảm lạnh và hen suyễn.

Để rồi sau đó súp gà được biết tới với cái tên “penicillin của người Do Thái”, giúp chống viêm và làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Tương tự, ở Hy Lạp, nước xương gà hầm cũng được coi là một bài thuốc để chữa trị cảm lạnh, lạnh bụng.

Vậy hiệu quả nước hầm xương gà đến từ đâu?

Ngày nay, các nhà khoa học tìm thấy trong nước hầm xương gà chứa rất nhiều chất cần thiết cho cơ thể. Bao gồm: 17 axit amin khác nhau, collagen, glycosaminoglycans (GAGs), gelatin và các khoáng chất. Những chất này giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Món nước hầm này chứa rất nhiều collagen và GAGs, là những trợ thủ đắc lực giúp da nhanh chóng trở nên khỏe mạnh do cải thiện độ đàn hồi và độ ẩm của da. Nghĩa là nó giúp da gia tăng khả năng phòng vệ trước các mầm bệnh. Đồng thời, collagen còn giúp các vết thương nhanh lành.

Chất nhầy gelatin trong nước hầm xương gà, khi đến ruột sẽ hấp thu nước trong ruột giúp duy trì lớp nhầy phủ trên bề mặt niêm mạc ruột. Đồng thời nó kết hợp với glycine (một acid amin trong nước hầm này) giúp chống loét và duy trì sự toàn vẹn cho niêm mạc ruột và hàng rào bảo vệ ruột. Từ đó, giúp phát huy tác dụng của lợi khuẩn ruột trong việc ngăn chặn các mầm bệnh nguy hiểm tại đường tiêu hóa.

Điều lý thú được chứng minh trong phòng thí nghiệm. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Chest vào năm 2000, nước hầm xương gà còn có thể có khả năng ức chế những hóa chất có hại do bạch cầu tiết ra. Nó là những chất gây viêm, gây tổn thương phổi, thường gây ra các triệu chứng của đường hô hấp trên như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi. Điều này phần nào chứng minh được tại sao người xưa thường dùng nước hầm này để điều trị cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Với những lợi ích tuyệt vời của nước hầm xương gà, chúng tôi khuyên các bạn nên thử vào bếp tạo ra món ăn ngon này cho gia đình thân yêu của bạn. Nó là món ăn phổ biến hằng ngày của người Việt. Có rất nhiều món từ nước dùng này phù hợp cho mỗi lứa tuổi, phù hợp cho mỗi gia đình.

Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn một trong những cách hầm xương gà ngon:

Thành phần:

    • Xương gà (lọc từ một con gà)
    • Nước
    • 1 quả chanh thái lát
    • 2 muỗng canh giấm táo
    • Muối, hạt tiêu, vài lát gừng

Cách làm:

Bước 1: Cho xương gà, chanh và các loại gia vị nêm vừa đủ vào một nồi to. Thêm nước vào nồi đến khi ngập gà, sau đó cho thêm giấm táo vào. Acid có trong giấm sẽ làm vỡ các cấu trúc collagen trong xương gà và hòa tan vào nước dùng. Trong trường hợp không có giấm táo, bạn có thể sử dụng nước cốt chanh.

Bước 2: Bắc nồi lên bếp và đun cho tới khi sôi. Khi nước đã sôi bùng thì vặn nhỏ lửa, đậy nắp nồi và hầm trong khoảng từ 10 đến 12 tiếng. Đến lúc này, lượng nước dùng đã giảm xuống còn khoảng 1/3 đến 1/2 so với thể tích ban đầu. Nước dùng càng cô đặc thì hương vị càng thơm ngon.

Bước 3: Lọc bỏ xương và tạp chất vụn. Có thể dùng luôn hoặc chia nước hầm xương gà thành các phần nhỏ trữ đông ngăn đá tủ lạnh, thời gian trữ tối đa là 5 ngày. Nước hầm xương có thể được uống trực tiếp hoặc dùng làm nước dùng cho các món canh, súp, mì... tùy theo sở thích của bạn và gia đình.

Với những lợi ích mà nước hầm xương gà mang lại, bạn chỉ cần thực hiện đầy đủ các bước này thì đã có được thứ nước dùng thơm ngon, bổ dưỡng. Đồng thời còn tăng sức đề kháng hỗ trợ bạn cùng người thân bước qua mùa dịch.

Đại Hải



BÀI CHỌN LỌC

Cách làm nước hầm xương gà giúp tăng sức đề kháng trong mùa dịch COVID-19