Cacao - Từ vị thuốc cổ xưa đến cơn sốt tiêu dùng thời hiện đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xa xưa, cacao đã là hoạt chất có dược tính mạnh với những lợi ích cho sức khỏe. Kể cả ngày nay, công dụng cả nó vẫn đang tiếp tục được kiểm chứng bởi hệ thống nghiên cứu đang không ngừng phát triển...

Bột cacao nguyên chất chỉ mới nổi gần đây trong giới chuộng “thực phẩm sức khỏe”, tuy nhiên từ khoảng 600 năm trước Công Nguyên, cacao bào chế đã được người xưa sử dụng như là phương thuốc phòng chống đối với nhiều loại dịch bệnh.

Bởi đặc tính quý giá, trước đây dụng phẩm cacao từng chỉ được dành cho những ai cực kỳ giàu có hoặc người mắc trọng bệnh. Thậm chí suốt nhiều thế kỷ, cacao còn được mệnh danh là: “Thức ăn của Thần”.

Trải thăng qua trầm, các nhà khoa học hiện đại mãi đến gần đây mới bắt đầu thực sự cân nhắc việc sử dụng “Thức ăn của Thần” như một loại dược phẩm tuyệt vời đã qua kiểm chứng. Cho tới nay, lại ngày càng nhiều bằng chứng đã xuất hiện, chứng minh cacao truyền thống đem lại thật nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Suốt nhiều thế kỷ, cacao được mệnh danh là: “Thức ăn của Thần”... (StockSnap/Pixabay)

Chế phẩm và công dụng

Người ta dễ nhầm lẫn giữa "Cacao" và "Cocoa". Cacao được tạo ra bằng cách ép lạnh các hạt cacao sống từ cây Cacao Theobroma; còn bột cocoa thì được làm bằng cách lên men và rang cacao sống. Cả hai đều có những công dụng sức khỏe tương tự nhau, đều có hàm lượng cao “cocoa flavanols" - một loại chất bổ trong thực vật mang tới nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình nung để tạo ra bột cocoa có thể sẽ làm mất đi một lượng đáng kể flavanols, do vậy tính năng bồi bổ sức khỏe của bột cocoa cũng suy giảm. Có lẽ, cho đến khi các phương pháp chế biến được tối ưu để có thể giữ lại hàm lượng dinh dưỡng tối đa, thì bột cacao nguyên chất so với bột cocoa vẫn là bổ dưỡng hơn.

Dưới đây là sáu lý do - đã được kiểm chứng - tại sao bạn nên tăng lượng bột cacao hoặc cocoa vào thực đơn hàng ngày của mình:

1. Giảm nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa

Các thí nghiệm đưa cocoa flavanols - có trong cacao sống và sô-cô-la đen - can thiệp vào chế độ ăn uống cho thấy nó tác động mạnh mẽ đến huyết mạch, bao gồm cải thiện huyết áp và các chức năng tiểu cầu. Những kết quả này cho thấy mối tương quan thường xuyên khi sử dụng sản phẩm cacao hoặc sô-cô-la có chứa flavanols có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc suy tim.

2. Giàu chất chống oxy hóa

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “những sản phẩm từ cocoa đóng góp phần tỷ trọng phenol - chất chống oxy hóa tự nhiên, trong khẩu phần dinh dưỡng, cao hơn so với trà xanh, rượu vang, hạt đậu nành, và việt quất... vốn là các loại thực phẩm và đồ uống được biết đến là giàu chất chống oxy hóa.”

Mặc dù chất chống oxy hóa bị thất thoát qua quá trình nung và lên men, nhưng trong mỗi gram bột cocoa vẫn chứa tới 50 miligram polyphenols, một hàm lượng cao hơn hẳn so với mức chống oxy hóa ở hầu hết loại thực phẩm khác.

Các thí nghiệm đưa cocoa flavanols - có trong cacao sống và sô-cô-la đen - can thiệp vào chế độ ăn uống cho thấy nó tác động mạnh mẽ đến huyết mạch... (AlexanderStein / Pixabay)
3. Giảm viêm nhiễm

Nhiều nghiên cứu về mối tương quan giữa việc sử dụng cocoa trong các vấn đề liên quan đến động mạch vành, tiểu đường tuýp II, cao huyết áp, và các bệnh mạn tính đã chỉ ra:

“Hấp thụ cocoa chứa nhiều flavanols có thể làm giảm viêm nhiễm, có khả năng là do giảm hoạt động của bạch cầu và bạch cầu trung tính. Điều này có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí giảm viêm nhiễm huyết mạch”.

Tương tự, các nghiên cứu khác cũng nhận thấy flavanol trong cocoa có thể sử dụng như một phương thuốc phòng ngừa các bệnh tật liên quan đến viêm nhiễm và y học cũng đang hướng tới nghiên cứu các liệu pháp chống viêm nhiễm bằng cacao.

4. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn

Trong một bài nghiên cứu đăng trên tờ Nutrients, các tác giả có lưu ý: “Ngoài việc giàu chất chống oxy hóa, chống viêm nhiễm và các tác động hypolipidemic diễn ra bởi flavanol trong cacao... các công bố cũng nhấn mạnh những lợi ích tiềm ẩn trong việc giảm đường huyết, kháng insulin, và tiểu đường”.

Những nghiên cứu sâu hơn cũng chỉ ra việc thường xuyên bổ sung cacao làm giảm đường huyết cũng như cải thiện độ nhạy của insulin và dung nạp glucose, giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp II.

5. Cải thiện chức năng nhận thức

Các nghiên cứu cũng cho thấy việc hấp thụ cocoa flavanol có liên quan tới khả năng trí tuệ được cải thiện. Ngoài thúc đẩy khả năng tăng cường máu lên não, flavanols trong cacao còn có thể đóng vai trò điều tiết kích ứng ô-xy, bảo vệ các nơ-ron thần kinh khỏi hoại tử do oxy hóa - một trong những nguyên nhân chính gây nên suy giảm chức năng nhận thức. Ở một nghiên cứu khác về tuổi tác, khả năng này còn giúp giảm nguy cơ đột quỵ và mắc Alzheimer.

6. Tiềm ẩn khả năng chống ung thư

Hạt cacao có thể chứa các chất chống ung thư cũng nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh. Ung thư có đặc điểm là sự phân tách không thể kiểm soát ở các tế bào dị biến, chúng xâm nhập và cản trở hoạt động của các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Cacao đã được kiểm chứng là có tác động antimitotic - ngăn ngừa sự phân chia của tế bào, kể cả tế bào dị biến. Hơn nữa, sự xuất hiện của flavonoids “còn có thể ngăn ngừa tế bào phát triển, gây rụng tế bào [lập trình tế bào chết]... và rất có thể mang lại hiệu quả với vai trò thuốc kháng ung thư.”

Cái gì "quá" cũng đều có thể không tốt

Cacao là một hợp chất tuyệt vời có thể dùng tại nhà, tuy nhiên có những điều quan trọng cần lưu ý:

Hầu hết các sản phẩm sô-cô-la đều chứa nguyên liệu phụ có thể triệt tiêu bất kỳ lợi ích sức khỏe nào, và sử dụng quá mức các sản phẩm này thì còn có thể gây hại. Trong một nghiên cứu đăng trên tờ Antioxid Redox Signal năm 2011, các tác giả có cảnh báo: “Việc thêm sữa, đường, và các chất phụ gia vào bột cocoa hay cocoa dạng lỏng trong sản xuất thương mại các loại đồ uống và kẹo sô cô la có thể ảnh hưởng đến tính khả dụng sinh học của flavanols trong cocoa, nếu không thì là nồng độ của chúng”.

Sữa, đường, và các chất phụ gia thêm vào bột cocoa hay cocoa trong sản xuất thương mại như các loại đồ uống và kẹo sô cô la có thể ảnh hưởng đến tính khả dụng sinh học của flavanols... (Sabrina / Pixabay)

Một nghiên cứu khác kết luận: sử dụng quá nhiều các loại đồ uống cacao có đường và các sản phẩm sô cô la có hàm lượng calorie cao có khả năng dẫn đến tăng cân, phản tác dụng với những lợi ích cho hệ nội tiết mà cacao mang lại. Điều quan trọng là các sản phẩm từ cacao có chứa đường và calo cần được sử dụng cân đối và hợp lý.

Thêm Cacao vào khẩu phần ăn ra sao cho hiệu quả?

Để có thể thêm cacao vào khẩu phần ăn của bạn một cách an toàn, hãy dùng loại bột cacao nguyên chất và hữu cơ. Nếu như bột cacao nguyên chất quá khó kiếm, thì bột cocoa hoặc sô-cô-la đen với ít nhất 70% cocoa cũng vẫn giữ được tính chống oxy hóa của cacao và có thể được sử dụng an toàn theo lượng nhỏ mà không phải lo về việc chất phụ gia ảnh hưởng đến công dụng của flavanols. Sô cô la sữa cũng đem lại một số lợi ích sức khỏe nhưng công dụng thì không thể bằng, và thường lại có lượng đường và những chất có khả năng gây hại khác cao hơn so với sản phẩm sô cô la đen.

Bột cacao sống có thể được sử dụng thay thế 1:1 cho bột cocoa trong các công thức nướng bánh và pha chế, hay trong công thức pha sô-cô-la nóng thay cho hỗn hợp đồ uống chứa đường. Và đối với tất cả các loại thực phẩm, thì điều quan trọng vẫn là điều độ khi sử dụng cacao. Hãy luôn lắng nghe cơ thể của chính mình để lựa chọn thực phẩm phù hợp với bản thân.

Trọng Nguyên (biên dịch)
- Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cacao - Từ vị thuốc cổ xưa đến cơn sốt tiêu dùng thời hiện đại