Biến thể Lambda Covid-19 nguy hiểm tới mức nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn 18 tháng trong đại dịch, thế giới đã quen với tin tức về các biến thể mới của virus, đặc biệt biến thể Lambda là một phiên bản mới của căn bệnh này.

Một số đột biến của virus, như biến thể alpha và biến thể delta, được phát hiện lần đầu tiên ở Anh và Ấn Độ, có khả năng lây truyền cao hơn các lần trước đó của virus và tiếp tục thống trị trên toàn cầu. Bất cứ khi nào một biến thể mới của coronavirus xuất hiện, các nhà khoa học sẽ theo dõi nó một cách rất chặt chẽ.

Trong khi thế giới vẫn đang tranh cãi về sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta, đã soán ngôi alpha về khả năng lây truyền và khả năng gây nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng, thì hiện nay đã có một biến thể mới mà các chuyên gia đang theo dõi: Biến thể lambda.

Biến thể lambda là gì?

Biến thể lambda, hay “C.37” đã lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru, nơi các mẫu virus được phát hiện sớm nhất là từ tháng 8 năm 2020.

Tuy nhiên, nó chỉ được Tổ chức Y tế Thế giới gắn nhãn là một "biến thể cần lưu ý" vào ngày 14 tháng 6 năm nay, khi các trường hợp nhiễm bệnh lan rộng được cho là do biến thể này gây ra.

Trong báo cáo của mình vào giữa tháng 6, WHO đã cho biết rằng "lambda có liên quan đến tỷ lệ lây truyền trong cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây lan gia tăng theo thời gian đồng thời với tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 gia tăng", nhiều nhà khoa học đã tiến hành các cuộc điều tra nghiên cứu về biến thể này.

Chính xác thì nó ở đâu?

WHO đã lưu ý trong báo cáo ngày 15 tháng 6 rằng biến thể lambda đã được phát hiện ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc trong năm khu vực của WHO, mặc dù nó có mặt nhiều hơn ở Nam Mỹ.

Biến thể lambda đã được phát hiện trong các ca bệnh ở 26 quốc gia, theo dữ liệu của Bộ Y tế Công cộng Anh. Ảnh minh hoạ: Pixabay
Biến thể lambda đã được phát hiện trong các ca bệnh ở 26 quốc gia, theo dữ liệu của Bộ Y tế Công cộng Anh. Ảnh minh hoạ: Pixabay

“Các nhà chức trách ở Peru báo cáo rằng 81% trường hợp Covid-19 được ghi nhận từ tháng 4 năm 2021 có liên quan đến Lambda. Argentina đã báo cáo tỷ lệ nhiễm Lambda ngày càng tăng lên kể từ tuần thứ ba của tháng 2 năm 2021 và trong khoảng thời gian từ ngày 2 tháng 4 đến ngày 19 tháng 5 năm 2021, biến thể này chiếm 37% trong số các trường hợp Covid-19.

Trong khi đó, ở Chile, tỷ lệ nhiễm lambda đã tăng lên theo thời gian, chiếm 32% các trường hợp mắc bệnh theo trình tự được báo cáo trong 60 ngày qua. WHO cho biết rằng nó đang đồng hành với tỷ lệ tương tự như biến thể gamma, cạnh tranh với biến thể alpha trong cùng một khoảng thời gian.

Vào ngày 24 tháng 6, biến thể lambda đã được phát hiện trong các ca bệnh ở 26 quốc gia, theo dữ liệu của Bộ Y tế Công cộng Anh. Bao gồm Chile, Argentina, Peru, Ecuador, Brazil và Colombia; cũng như Mỹ, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Pháp, Anh và Zimbabwe, cùng những nước khác.

Nó có nguy hiểm hơn không?

WHO và các cơ quan y tế công cộng khác đang cố gắng tìm hiểu xem biến thể này so với các chủng virus khác như thế nào, bao gồm cả việc liệu nó có thể lây truyền nhiều hơn và có khả năng kháng vaccine cao hơn hay không?

Vào giữa tháng 6, WHO cho biết "lambda mang một số đột biến có kiểu hình đáng ngờ, chẳng hạn như tăng khả năng lây truyền hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa".

Những đột biến cụ thể trong protein, một số trong số đó đã được các chuyên gia mô tả là bất thường. WHO cho biết: “Hiện tại bằng chứng về mức độ đầy đủ của tác động liên quan đến những thay đổi bộ gen này còn hạn chế và cần có các nghiên cứu sâu để hiểu rõ hơn về tác động đối với các biện pháp đối phó [chống lại Covid-19] và kiểm soát sự lây lan".

Điều quan trọng cần lưu ý là biến thể lambda vẫn còn chưa được chỉ định là "biến thể đáng lo ngại" giống như đột biến alpha hoặc delta. Trong một cuộc họp báo tuần trước về Covid-19, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO là Maria Van Kerkhove, đã được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu họ thay đổi định nghĩa về biến thể lambda.

Bà nói: “Nó sẽ trở thành một biến thể đáng lo ngại nếu nó chứng minh được các con đường làm tăng khả năng lây truyền, nếu nó làm tăng mức độ nghiêm trọng hoặc nếu nó có một số loại tác động đến các biện pháp đối phó của chúng tôi”.

Vaccine có thể chống lại nó không?

Một lần nữa, cần có thêm các nghiên cứu về ảnh hưởng của biến thể lambda đối với hiệu quả của vaccine, đặc biệt là đối với các vaccine được bán rộng rãi ở phương Tây. Chẳng hạn như các loại của Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc Oxford-AstraZeneca.

Các loại vaccine của Trung Quốc đang phải đối mặt với những nghi ngờ ngày càng tăng về hiệu quả của chúng. Tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn đang gia tăng ở các quốc gia và chủ yếu dùng vaccine từ Trung quốc.
Các loại vaccine của Trung Quốc đang phải đối mặt với những nghi ngờ ngày càng tăng về hiệu quả của chúng. Tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn đang gia tăng ở các quốc gia chủ yếu dùng vaccine từ Trung quốc. Ảnh minh hoạ: Pixabay

Nhưng các câu hỏi đã được đặt ra ở các vùng Nam Mỹ về hiệu quả của vaccine Trung Quốc, vốn được triển khai chủ yếu trong khu vực này, khi các trường hợp liên quan đến sự lây lan của biến thể lambda và tỷ lệ lây nhiễm tăng lên cùng với các chương trình tiêm chủng. Brazil, Chile và Peru đều phụ thuộc rất nhiều vào vaccine Covid của Trung Quốc là Sinovac hoặc Sinopharm, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng rất khác nhau ở Nam Mỹ.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Chile ở Santiago, xem xét các nhân viên y tế đã tiêm hai liều vaccine là CoronaVac (hoặc Sinovac) của Trung Quốc cho thấy rằng các đột biến xuất hiện trong protein đột biến của biến thể lambda “làm tăng khả năng lây nhiễm và chống lại miễn dịch khỏi các kháng thể trung hòa”. Nghiên cứu được công bố vào ngày 1 tháng 7 vẫn chưa được bình duyệt.

Các loại vaccine của Trung Quốc đang phải đối mặt với những nghi ngờ ngày càng tăng về hiệu quả của chúng, cùng với việc thiếu dữ liệu về khả năng bảo vệ của vaccine chống lại biến thể delta. Ở 6 quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới, tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn đang gia tăng và 5 trong số quốc gia này dùng vaccine chủ yếu từ Trung quốc.

Không có loại vaccine nào hiện có được coi là hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid -19, thậm chí vaccine của Trung Quốc cho đến nay còn tệ hơn trong các thử nghiệm lâm sàng. Sinovac được xem là có hiệu quả 50,4% trong một thử nghiệm ở Brazil có kết quả được công bố vào tháng Giêng. Một nghiên cứu ở UAE được công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy vaccine Sinopharm có hiệu quả tới 86%.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang không ngừng bảo vệ vaccine của họ bằng cách không ngừng tuyên truyền rằng các nước không nên ngừng sử dụng vaccine Covid của Trung Quốc với lý luận là trong bối cảnh thiếu nguồn cung ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Lãnh đạo các nước như Anh, Mỹ, Canada… đều đã công khai tiêm ngừa COVID-19 để gia tăng sự tin tưởng của người dân vào tác dụng phòng ngừa dịch bệnh của việc tiêm vaccine.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc tới nay vẫn chưa công khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do nước này nghiên cứu phát triển. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc thẳng thắn nói rằng tác dụng của vaccine Trung Quốc "không quá lý tưởng". Theo ông Cao Phúc, việc WHO trước đây không chấp thuận vaccine Trung Quốc là điều dễ hiểu vì vaccineTrung Quốc thiếu dữ liệu thử nghiệm giai đoạn ba. Có người cho rằng việc không thể cung cấp dữ liệu đợt ba là do dữ liệu xấu, nên không dám công bố. Thiếu minh bạch đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tính an toàn của vaccine Trung Quốc.

Ngọc Mai



BÀI CHỌN LỌC

Biến thể Lambda Covid-19 nguy hiểm tới mức nào?