Biến thể Ấn Độ của Covid-19 nguy hiểm thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới nâng cấp cảnh báo virus B.1.617 từ "biến thể được quan tâm" thành "biến thể đáng lo ngại" cấp độ toàn cầu. Vậy biến thể Ấn Độ này nguy hiểm thế nào?

Biến thể Ấn Độ (B.1.617) có đột biến kép, khả năng lây lan nhanh chóng và làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19, theo WHO.

Biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu vào tháng 10/2020, là yếu tố khiến số ca nhiễm ở Ấn Độ tăng nhanh. Khoảng 40% ca mắc mới và 55% trường hợp tử vong liên quan đến biến thể này. Làn sóng lây nhiễm và tử vong ở bang Gujarat, Ấn Độ, thời gian qua chủ yếu do biến thể B.1.617.

William A. Haseltine, cựu giáo sư tại Đại học Y Harvard, viết trên báo Forbes ngày 12/4: "Biến thể B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ có tất cả các dấu hiệu của một loại virus rất nguy hiểm. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để xác định sự lây lan của nó và kiềm chế nó".

Biến thể Ấn Độ mang đột biến kép

Biến thể Ấn Độ mang đột biến kép là L452R và E484Q. Đột biến L452R từng xuất hiện trong biến chủng tại California, Mỹ. Đột biến E484Q tìm thấy trong chủng ở Nam Phi. Đột biến có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể với virus.

Hôm 10/5, WHO đã nâng mức cảnh báo B 1.617 từ mức "biến thể được quan tâm" lên thành "biến thể đáng lo ngại" cấp độ toàn cầu.

Ông Soumya Swaminathan từ WHO nói: "B 1.617 là một ‘biến thể đáng lo ngại’ vì nó chứa một số đột biến làm tăng khả năng lây truyền và né tránh được kháng thể tạo ra bởi vaccine hoặc nhiễm bệnh tự nhiên", theo Times of India.

"Biến thể đáng lo ngại" chỉ loại biến thể nguy hiểm hơn chủng virus gốc vì lây lan nhanh, gây tử vong cao hơn hoặc có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine.

Các chuyên gia cho rằng những người hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc những người đã được tiêm chủng, có thể không có khả năng chống lại biến thể Ấn Độ như họ có thể chống lại các dạng khác của virus.

Nghiên cứu đến nay cho thấy vaccine Covid-19 tuy vẫn còn tác dụng chống biến thể, nhưng kém hiệu quả hơn.

Biến thể Ấn Độ xuất hiện ở Việt Nam

Biến thể Ấn Độ được ghi nhận tại Việt Nam lần đầu hôm 30/4, với kết quả giải trình tự gene của nhân viên khách sạn ở Yên Bái. Nhân viên này lây nhiễm bởi nhóm chuyên gia Ấn Độ.

Hôm 9/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus 8 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình. Kết quả cho thấy các bệnh nhân đều nhiễm biến thể từ Ấn Độ.

Chính vì vậy, chỉ trong vòng hai tuần, Việt Nam đã ghi nhận 458 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và dịch lan nhanh ra 26 tỉnh thành.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết biến chủng virus corona của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt là khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí.

Còn Chủ tịch Hà Nội dẫn chứng cảnh báo của các nhà khoa học và Bộ Y tế về hầu hết lây nhiễm của biến thể Ấn Độ, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn còn khoảng 3 - 4 ngày. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng tối đa 48 giờ "vàng" để truy vết, khống chế dịch lây lan.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết: "Chủng virus đột biến kép, bình thường virus biến thể đã khác rồi, nhưng giờ virus lại có 2 gene khác nhau đều có sự đột biến".

Virus corona có những loại biến thể nào?

Hiện có hàng ngàn loại biến thể khác nhau của Covid đang lây lan trên toàn cầu. Trong đó, các "biến thể đáng lo ngại" bao gồm:

  • Biến thể Anh, hay còn gọi là biến thể Kent (cũng được biết đến với ký hiệu B.1.1.7), là loại hoành hành mạnh ở Anh, với hơn 200.000 ca đã được xác định, và đã lan ra hơn 50 quốc gia. Biến thế này có vẻ như đang lại tiếp tục thay đổi.
  • Biến thể Nam Phi (B.1.351), được xác định đã có tại ít nhất 20 quốc gia, trong đó có Anh Quốc
  • Biến thể Brazil (P.1), đã lan ra hơn 10 quốc gia, trong đó có Anh Quốc
  • Một loại biến thể Ấn Độ (B.1.617.2), với hơn 500 trường hợp đã được xác nhận ở Anh, trong đó có một số trường hợp không hề có có liên hệ gì tới việc đi lại ra nước ngoài.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Biến thể Ấn Độ của Covid-19 nguy hiểm thế nào?