Bị uốn ván với vết thương nhỏ do cây đâm, người đàn ông ở Cần Thơ gặp nguy hiểm tính mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vết thương nhỏ thường ít được chú ý đến và dễ dàng lành lại chỉ trong vài ngày, nhưng một số trường hợp chủ quan thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Một người đàn ông ở Cần Thơ bị cây đâm tạo thành vết thương nhỏ. Sau 7 ngày, ông xuất hiện triệu chứng của bệnh uốn ván.

Ngày 1-7, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Khoa Bệnh nhiệt đới vừa cứu sống nhiều bệnh nhân bị uốn ván nặng. Đặc biệt, đây đều là các ca bệnh mà trước đó chỉ dính những vết thương nhỏ.

Một trong số trường hợp đó là ông T.V.B (75 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ với tình trạng cứng hàm, bụng gồng cứng, co giật toàn thân, nuốt sặc và co thắt thanh quản.

Trước đó 7 ngày, ông B. bị cây đâm vào cẳng chân trái tạo thành vết thương nhỏ, nhưng do chủ quan nên đã không tiêm ngừa uốn ván. Vào thời điểm nhập viện cấp cứu, vết thương đã lành da.

Sau 2 ngày nhập viện, ông B. xuất hiện dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật. Tuy nhiên sau 18 ngày, tình trạng bệnh nhân đã trở về trạng thái ổn định và vẫn đang trong quá trình cai thở máy.

Ai dễ mắc bệnh uốn ván?

Vi khuẩn Clostridium tetani có mặt khắp nơi trên thế giới, từ đất, phân, cát bụi cho đến dụng cụ y tế không được sát trùng kỹ… Chúng thường xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết thương, vết trầy xước dù rất nhỏ.

Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao dao động từ 25 - 90%. Đối với trẻ sơ sinh, nếu không may bị uốn ván rốn (xảy ra khi sử dụng dụng cụ y tế không được khử trùng sạch để cắt dây rốn), thì tỷ lệ tử vong đạt tới 95%.

Những người lao động, làm việc trong môi trường xây dựng, trang trại và cả những người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại đều nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn uốn ván.

Dấu hiệu nhận biết một người bị uốn ván

Cứng hàm là triệu chứng thường thấy đầu tiên của các bệnh nhân uốn ván. Thời kỳ ủ bệnh của người nhiễm khuẩn C.telani có thể kéo dài từ 3 - 21 ngày. Đặc biệt, thời gian ủ bệnh càng ngắn dưới 7 ngày thì bệnh càng nặng.

Theo Vietnam Vaccine JSC, biểu hiện cứng cơ và đau dữ dội sẽ bắt đầu ở hàm, sau đó dần lan tới phần còn lại của cơ thể trong vài phút. Các biểu hiện dễ nhận thấy gồm:

  • Co cứng cơ hàm và cơ mặt.
  • Cơ gáy, cơ lưng và cơ bụng bị co cứng; đôi khi vùng bị thương cũng co cứng lại.
  • Bệnh nhân cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong sang một bên hoặc gập người ra phía trước.
  • Co giật toàn thân.
  • Đối với trẻ sơ sinh bị uốn ván, thường có biểu hiện bỏ bú, quấy khóc, miệng chúm chím. Sau đó xuất hiện trạng thái co giật, co cứng, uốn cong thân, đầu ngả ra sau, tay khép chặt kèm sốt, rối loạn tiêu hoá.

Biểu hiện bệnh thậm chí có thể nghiêm trọng đến nỗi khiến trẻ co gồng đến gãy xương. Một số trẻ cũng có triệu chứng khác như sốt, đổ mồ hôi, nhức đầu, khó nuốt, huyết áp tăng kèm nhịp tim nhanh, gấp gáp.

Có thể thấy bệnh uốn ván nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những triệu chứng cực kỳ nguy hiểm. Tình trạng của bệnh nhân B. nói trên cũng là lời cảnh tỉnh bởi một vết trầy xước nhỏ thường không được nhiều người chú ý.

Do đó, nếu không may gặp chấn thương hoặc bị trầy xước ở những môi trường thiếu vệ sinh như công trường xây dựng, chuồng trại súc vật, cống rãnh... bạn nên nhanh chóng để cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm ngừa uốn ván nếu cần.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Bị uốn ván với vết thương nhỏ do cây đâm, người đàn ông ở Cần Thơ gặp nguy hiểm tính mạng