Bệnh nhân Hoa Kỳ đầu tiên thử nghiệm truyền huyết tương để điều trị virus Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bệnh viện ở Texas đã tuyên bố tiến hành lần điều trị thử nghiệm đầu tiên cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng huyết tương, huyết tương này được lấy từ người bệnh đã hồi phục...

Huyết tương lấy từ người bệnh đã hồi phục, sau đó truyền cho người nhiễm bệnh nặng - Liệu pháp này đã xuất hiện từ khi đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918, nó đã được sử dụng trong dịch SARS, và hiện đang được thử nghiệm trên bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Bệnh viêm phổi Vũ Hán hiện nay chưa có thuốc đặc trị, còn các phương pháp đang thử nghiệm thì được chia làm 3 nhóm chính:

    1. Dùng thuốc Kháng virus - như Remdesivir đang thử nghiệm tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc.
    2. Thuốc điều hòa miễn dịch - sarilumab (Kevzara), Hydroxychloroquine (kết hợp azithromycin), Chloroquine, Corticosteroids...
    3. Liệu pháp truyền huyết tương từ người khỏi bệnh.

Các quan chức y tế hàng đầu của Hoa Kỳ đang yêu cầu các nhà nghiên cứu nhanh chóng triển khai kiểm nghiệm phương pháp truyền huyết tương này. Đây cũng có thể được coi là một trong những cách điều trị căn bệnh mới được gây ra bởi virus Vũ Hán, thường được gọi là Coronavirus mới.

Ngày 24/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép thử nghiệm liệu pháp truyền huyết tương, và Houston Methodist đã trở thành bệnh viện đầu tiên của Mỹ thử nghiệm phương pháp này cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Theo bệnh viện cho biết, người bệnh đầu tiên được điều trị truyền huyết tương là vào ngày 27/3, và người bệnh thứ hai sử dụng liệu pháp này là vào ngày 28/3, chỉ một ngày sau đó.

Theo bác sĩ Eric Salazar, nhà khoa học của Viện nghiên cứu Houston Methodist, thì trong huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục có thể tồn tại kháng thể chống virus Vũ Hán, nên nó có tiềm năng giúp các bệnh nhân nặng hồi phục.

Bác sĩ Salazar và nhóm của ông đã lấy huyết tương hiến tặng từ những người đã khỏi bệnh hoàn toàn trên 2 tuần. Mỗi người sẽ hiến khoảng 1 quart (946 ml) huyết tương, và nhân viên y tế sẽ truyền huyết tương cho hai bệnh nhân nguy kịch.

Một bác sĩ Vũ Hán đã hiến huyết tương sau khi khỏi bệnh COVID-19 trong một bức ảnh chụp. (STR / AFP qua hình ảnh Getty)

Bác sĩ Salazar cho biết, việc sử dụng các biện pháp điều trị hiện nay rất quan trọng, vì số ca nhiễm virus Vũ Hán ở Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng.

Ông nói: “Liệu pháp truyền huyết tương từ người khỏi bệnh có thể là một phương pháp điều trị quan trọng, bởi vì thật không may là có tương đối ít sự lựa chọn cho bệnh nhân, ngoại trừ điều trị hỗ trợ. Các thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành lại tốn nhiều thời gian. Còn chúng ta thì không có nhiều thời gian”.

Các bác sĩ, nhà khoa học tại Houston Methodist đang đợi sự chấp thuận từ phía FDA cho thực hiện những nghiên cứu thử nghiệm tiếp theo, và họ hy vọng sẽ khởi động được một thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm trên toàn quốc để đánh giá hiệu quả của liệu pháp này.

Trả lời báo giới vào thứ Hai (30/03), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết, liệu pháp truyền huyết tương cho những kết quả ban đầu “đầy hứa hẹn”.

Ông Trump cũng nói thêm: “Sau nhiều nghiên cứu phải hoàn thành, chúng ta vẫn còn rất nhiều nghiên cứu nữa phải làm. Nhưng rõ ràng, việc điều trị bằng liệu pháp này cho thấy kết quả đầy hứa hẹn ở các quốc gia khác”.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã sử dụng liệu pháp truyền huyết tương trên 5 bệnh nhân. Tuy phát hiện ban đầu cho thấy kết quả khả quan, nhưng các nhà khoa học vẫn nhấn mạnh cần phải đánh giá thêm từ các thử nghiệm lâm sàng.

Các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đang xem xét hiệu quả của các loại thuốc hiện có, bao gồm Hydroxychloroquine (thuốc trị sốt rét) và Kevzara (sarilumab - thuốc kháng viêm và điều hòa miễn dịch) cũng như những phương pháp khác để điều trị COVID-19.

Thiện Đức

Tài liệu tham khảo:


Bệnh nhân Hoa Kỳ đầu tiên thử nghiệm truyền huyết tương để điều trị virus Vũ Hán