4 đặc điểm về trường hợp tử vong của bệnh nhân 4807

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh nhân 4807 tử vong hôm nay là một trường hợp còn trẻ, không có bệnh nền và diễn biến bệnh rất nhanh chóng. Phải chăng dịch Covid-19 đang trở lên nguy hiểm hơn?

Chiều 24/5, Việt Nam ghi nhận thêm ca bệnh tử vong do mắc COVID-19: chị Đ.T.M. (SN 1983) - bệnh nhân 4807.

Trường hợp tử vong này có những đặc điểm nổi bật gì?

1. Ca tử vong thứ 8 trong 9 ngày qua

Bệnh nhân 4807 là ca bệnh Covid-19 thứ 44 bị tử vong ở Việt Nam và là ca tử vong thứ 8 trong đợt dịch lần thứ 4 (tính từ 27/4).

Như vậy trong 9 ngày qua, Việt Nam đã ghi nhận 8 bệnh nhân tử vong sau khi nhiễm Covid-19. Bệnh nhân đầu tiên tử vong trong đợt dịch lần thứ 4 là ca bệnh 3839, tử vong vào ngày 15/5.

Trong đợt dịch này, các ca bệnh trở nặng nhanh, rồi diễn tiến nặng dần trở thành nguy kịch, có không ít bệnh nhân là người trẻ tuổi.

2. Bệnh nhân 4807 không có bệnh nền

Khác với đa số các ca tử vong khác đều có bệnh nền, bệnh nhân 4807 không có bệnh nền.

Chị là công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, một trong những tâm dịch ở Bắc Giang.

Báo Vnexpress cho biết:

Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ thở ôxy mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm. Khoảng 12h ngày 23/5, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở ôxy dòng cao.

Đến 22h cùng ngày, bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn. Sau hội chẩn với Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn (ngừng tim ngừng thở), cấp cứu không có kết quả.

Bệnh nhân tử vong lúc 4h30 ngày 24/5. Chẩn đoán tử vong là sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do nCoV, biến chứng suy hô hấp tiến triển.

3. Bệnh nhân 4807 diễn biến nặng rất nhanh

Chỉ sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân 4897 đã có dấu hiệu suy hô hấp. Bệnh nhân đã tử vong chỉ sau 1 tuần điều trị (từ 17/5-24/5)

Bệnh nhân 4807 vốn không nằm trong danh sách bệnh nhân được đánh giá là "rất nặng" và "tiên lượng tử vong".

"Chị M. đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Sáng sớm nay trên đường chuyển ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị thì chị M. tử vong", Chủ tịch tỉnh Bắc Giang nói với báo giới hôm 24/5.

4. Bệnh nhân 4807 tử vong khi còn trẻ

Bệnh nhân 4807 tên Đ.T.M. sinh năm 1983, còn khá trẻ, hiện 38 tuổi. Trong đợt dịch lần thứ 4, Việt Nam từng ghi nhận một ca tử vong trẻ hơn là bệnh nhân 3055 (34 tuổi, chấn thương sọ não).

Chị M. quê ở Lạng Sơn, lặn lội xuống Bắc Giang xin làm công nhân suốt 4 năm qua. Chị là mẹ đơn thân, có con trai duy nhất đang học lớp 1.

Báo Tuổi trẻ viết:

Chiều 24-5, nhận thông tin con gái vừa qua đời vì COVID-19, bà T. (60 tuổi, mẹ của chị M.) không khỏi xót xa vì không thể gặp được con lần cuối.

Bà chia sẻ chị M. đã ly hôn, một mình nuôi con nhỏ đến năm bé 2 tuổi thì gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc để lặn lội từ Lạng Sơn đến Bắc Giang xin làm công nhân suốt 4 năm qua.

Người mẹ nhớ ngày 8-5 vừa qua, chị thăm nhà còn mua tặng bố mẹ mỗi người một bộ quần áo mới trước khi trở lại Bắc Giang làm việc.

Người mẹ kể lại với báo Thanh niên thêm về câu chuyện trước khi bệnh nhân 4807 qua đời.

Trước đó một ngày, bà gọi vào số chị M. liên tục nhưng không ai bắt máy nên sốt ruột vô cùng. Bởi lúc mới nhập viện, ngày nào chị cũng gọi về hỏi thăm sức khỏe của gia đình.

Đến 7 giờ tối, thấy con gái gọi về, người mẹ thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng trách “sao mẹ gọi cả ngày cho con không được”. Chị liền giải thích: “Bác sĩ bảo phổi yếu, cần đeo máy thở và truyền nước nên để lúc nào khỏe thì con lại gọi về”.

Người mẹ hồi tưởng: “Tôi hỏi con đeo máy có dễ thở hơn không, con gật đầu. Con bảo mẹ ơi đeo máy này phải thanh toán 1 triệu vì nằm ngoài bảo hiểm. Tôi mới nói 1 triệu thì 1 triệu chứ biết làm sao, rồi hỏi con còn tiền không, nếu không thì để mẹ nhờ người bắn tiền vào thẻ cho. Con trả lời có và cười thật tươi, vậy mà…”.

Hiện tại, gia đình bà đang cách ly tại nhà do có con gái qua đời vì Covid-19. “Con gái mất nhưng không có ai ở cạnh, ngày hỏa táng con cũng chỉ có bố được tới”, mẹ của bệnh nhân 4807 xót xa nói.

Nhiều chuyên gia y tế đều nhận định đợt dịch này nguy hiểm hơn nhiều so với các lần trước. Với sự xuất hiện của biến chủng virus mới, Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.000 bệnh nhân mới chỉ trong vòng một tuần. Đồng thời các bệnh nhân có diễn biến tăng nặng, nhiều bệnh nhân nguy kịch.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

4 đặc điểm về trường hợp tử vong của bệnh nhân 4807