Báo động: Bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lối sống của giới trẻ hiện nay đóng vai trò nhất định khi càng ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ, gây ra những mất mát và gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội...

Đúng là nguy cơ đột quỵ của bạn tăng lên theo tuổi tác, nhưng đột quỵ ở người trẻ - ngay cả trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên - vẫn đang xảy ra. Nói chung, hầu hết các chuyên gia coi độ tuổi đột quỵ trẻ là dưới 45. Trên thực tế, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2020 trên Tạp chí Stroke, những ca đột quỵ xảy ra ở những người từ 18 đến 50 tuổi là chiếm tới 10-15%.

Nguyên nhân

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến đột quỵ có rất nhiều, nhưng người bị rối loạn lipid máu (máu nhiễm mỡ), mắc các bệnh tim mạch, người nghiện thuốc lá, là thuộc nhóm nguy cơ cao nhất. Điều này đã được chứng minh trên thực tế qua số liệu đột quỵ của nhiều bệnh viện. Các tổ chức đột quỵ trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khẳng định các yếu tố nguy cơ này.

Bệnh tăng huyết áp cũng gây hại tương tự, nhưng nghiêm trọng hơn. Khi huyết áp tăng, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết. Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết não.

Trả lời báo Vnexpress, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết: “Người trẻ cũng là 'con mồi' của đột quỵ. Trừ bệnh lý dị dạng mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu, thì lối sống thành thị với thức ăn nhanh, bia rượu, thuốc lá, lười vận động... là con đường đến đột quỵ”.

GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng có đồng quan điểm: “Tỷ lệ đột quỵ tăng lên ở người trẻ, ngoài do dị dạng mạch máu bẩm sinh, thì còn do thay đổi lối sống không tốt. Giới trẻ hiện nay uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, sinh hoạt không lành mạnh... Lối sống đó khiến tỷ lệ xơ vữa mạch máu tăng rất nhanh, sớm, là nguyên nhân quan trọng gây tổn thương mạch máu não”.

Theo phân tích của Andrew Russman, một nhà thần kinh học và là giám đốc y tế của Trung tâm Đột quỵ Toàn diện tại Phòng khám Cleveland ở Ohio (Mỹ): “Nếu chúng ta chấp nhận rằng đột quỵ đang gia tăng ở những người dưới 45 tuổi, một lý do chính có thể là do béo phì. Nó làm tăng nguy cơ cao huyết áp, cholesterol và bệnh tiểu đường. Đây là tất cả các yếu tố nguy cơ quan trọng gây nên đột quỵ ở mọi lứa tuổi”. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn 42% người lớn và hơn 18% trẻ em Mỹ bị béo phì.

Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên theo Fitch Solutions Macro Research, từ năm 2010 đến 2014, Việt Nam có tỷ lệ người béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI>25) tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, tăng 38%. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã kéo theo những chế độ ăn uống kém lành mạnh hơn. Giới trẻ ngày càng thích ngồi trước màn hình máy tính hoặc ôm điện thoại di động hơn là tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.

Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi. Theo nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ - giai đoạn 1990-2017, mức tiêu thụ rượu trên đầu người của Việt Nam đã tăng 90,2%, cao thứ 5 trên thế giới.

Cụ thể hơn, chúng ta tiêu thụ 8,9 lít cồn nguyên chất/người trong năm 2017 và gần 4 tỷ lít bia trong cùng năm. Theo dữ liệu chính thức, Việt Nam chi trung bình 3,4 tỷ USD cho rượu mỗi năm, tương đương với 3% ngân sách của chính phủ. Theo Bộ Y tế, con số này tương đương với 300 USD/người, trong khi đó, chi tiêu trung bình cho y tế là 113 USD/người.

Ăn thực phẩm lành mạnh, tươi, chưa qua chế biến và không uống đồ uống có đường đều làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nhưng theo Russman, điều chỉnh chế độ ăn quan trọng nhất cần tính đến là hạn chế ăn mặn.

Ông nói: “Nếu bạn dễ bị cao huyết áp và ăn nhiều muối, bạn sẽ rất khó kiểm soát huyết áp cao, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ”.

Theo CDC, 90% trẻ em Mỹ ăn quá nhiều muối, trung bình nhiều hơn 1.000mg so với giới hạn khuyến nghị hàng (2.300mg).

Tại hội thảo truyền thông giảm muối do Cục Y tế dự phòng của Việt Nam tổ chức - vào chiều 30/9/2020, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết:

Hầu hết người Việt Nam đều ăn mặn quá mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam là một trong nước ăn mặn nhất trên thế giới. Theo điều tra năm 2015, mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày của người Việt Nam là 9,4g, gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (5g/ngày).

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2018 trên Tạp chí Stroke đã phát hiện ra mối tương quan chặt chẽ giữa số lượng thuốc lá mà nam giới dưới 50 tuổi hút và nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ của họ. Theo đó, thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide.

Bên trong cơ thể, những chất độc này - sau khi đi vào phổi và được hấp thu vào máu - sẽ thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này sẽ làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.

Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức và hành vi hút thuốc của người trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Những nghiên cứu này đang gióng thêm một hồi chuông cảnh báo cho những người đã và đang có thú vui độc hại này.

Thực trạng

Theo báo Sức khỏe Đời sống, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, với con số khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm; tức trung bình mỗi 6 giây có một ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới, có hơn 17 triệu ca bệnh mỗi năm. Trung bình, cứ 6 người có 1 người bị đột quỵ, nếu như không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 ca đột quỵ, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam - với tỷ lệ từ 10-20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại.

Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần.

Cách phòng tránh

Từ các nguyên nhân trên, ta thấy rằng đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể được đẩy lùi nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối… Đó là những điều mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, người trẻ không nên chủ quan cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà bỏ qua việc thăm khám sớm tại các cơ sở y tế khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ (yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó …), đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Hãy nhớ rằng đột quỵ não là căn bệnh không chừa một ai và dù ở độ tuổi thấp người trẻ cũng hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ.

Minh Nhật (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Báo động: Bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa