Bác sĩ và Bệnh nhân: Liệu đơn giản chỉ là mối quan hệ giao dịch, kinh doanh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi đã gặp một vài người bạn trước đây, họ thường kể với tôi về cách hành nghề chữa bệnh của thế hệ tổ tiên. Để nói rằng, người xưa và người hiện đại khác nhau một trời một vực. Thay vì báo đáp ân nghĩa, con người ngày nay xem mọi mối quan hệ đều dựa trên sự thoả mãn lợi ích, nếu cảm thấy bị tổn hại, họ sẵn sàng chống lại lẫn nhau, từ đó đánh mất đi sự tin tưởng.

Tôi có một người bạn nhà ở Sơn Đông (Trung Quốc), ông nội của anh là một bác sĩ nổi tiếng.

Thời ấy, những tên cướp thường đến ngôi làng nơi ông nội của anh sống. Cứ đến nửa đêm, mỗi khi đoàn ngựa của nhóm cướp đi qua, thì cổng nhà ai nấy đều đóng chặt, không dám ho he lên tiếng.

Những tên cướp hoành hành năm này qua tháng khác, mùa màng thường bị phá hoại, hễ thấy ngựa trong nhà dân thì chúng liền dùng thanh sắt nung đỏ, in dấu trên thân ngựa rồi dắt đi, coi như đó là tài sản riêng.

Một ngày nọ, thủ lĩnh băng cướp bị thương và buộc phải nhờ ông nội bạn tôi chữa trị. Ông nội ra điều kiện và yêu cầu người này hứa rằng, tuyệt đối không bao giờ được quay lại làng để cướp bóc nữa. Thủ lĩnh băng cướp nhận lời và đã được cứu sống.

Từ đó về sau, mỗi khi đoàn ngựa của nhóm cướp đi qua khu vực này đều không bao giờ vào làng nữa mà phải đi đường vòng. Thỉnh thoảng nửa đêm đi ngang qua làng, họ để lại ít thức ăn trước cửa nhà của ông, người thủ lĩnh nọ chưa bao giờ quên ơn cứu mạng của ân nhân.

Trước đây, mỗi khi người bệnh được cứu sống, được lương y “cho giọt nước, thì lập tức trả ơn bằng suối”, thường làm hết sức mình để mang đồ về thăm và báo ân như người thân. Những tên cướp ngày xưa thậm chí cũng có thể làm được điều đó. Một số bệnh nhân rất nghèo, khi khỏi bệnh, họ sẽ hái nấm hầu thủ hay nấm hương trên núi để đem đi biếu.

Xã hội hiện đại đã khác xưa rất nhiều. Sau khi đến Hoa Kỳ, tôi đã từng sống trong nhà của một bác sĩ địa phương. Ông là một bác sĩ già với y thuật siêu việt, ông có thể thực hiện tất cả các loại phẫu thuật từ nội khoa đến ngoại khoa, hầu hết tất cả những thanh niên dưới 30 tuổi ở thị trấn đó đều do một tay ông đỡ đẻ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ông ngày càng cẩn thận và miệt mài hơn trong việc hành nghề chữa bệnh, ngay cả khi các triệu chứng chỉ nhìn thoáng qua là đoán được bệnh gì, ông cũng phải yêu cầu bệnh nhân làm nhiều xét nghiệm khác nhau, số tiền kiếm được đều chuyển cho vợ con, chủ yếu vì sợ bệnh nhân kiện mình ra tòa. Trước đó, một người bạn của ông là bác sĩ phụ khoa xuất sắc, người này đã bị bệnh nhân kiện 9 lần trong cùng một năm, kết quả khiến ông trở nên thận trọng và căng thẳng hơn rất nhiều.

Trong xã hội hiện đại, mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ đã trở thành mối quan hệ kinh doanh. Người bệnh trả tiền cho một lần điều trị, nếu không hài lòng sẽ tìm nhiều lý do khác nhau để kiện bác sĩ.

Các bác sĩ ngày nay sử dụng nhiều công cụ khác nhau để yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm. Với kết quả trên tay, họ cảm thấy phần nào an tâm khi đã có bằng chứng trên giấy cho việc kê đơn thuốc, một cách không tự biết họ đã xem đó là bảo chứng cho sự an toàn của bản thân. Kết quả là chi phí y tế ngày càng đắt đỏ đối với bệnh nhân; đối với bác sĩ, tiền bảo hiểm cũng đắt đỏ và luật sư cũng kiếm được lợi nhuận từ đó. Một vòng luẩn quẩn được hình thành, và chi phí y tế trở thành gánh nặng cho toàn xã hội.

Thực ra, cuộc gặp gỡ giữa bác sĩ và bệnh nhân là do duyên số, không phải ngẫu nhiên mà bệnh nhân tìm gặp bác sĩ nào. Người ta thường nói: “Tu 10 năm mới được chung thuyền”. Số phận và nhân duyên như một chuyến đò, hai người có thể gặp nhau thực ra đều là có nguyên nhân sâu xa phía sau, chưa nói đến việc quan trọng là bác sĩ khám cho bệnh nhân.

Một câu chuyện được một bác sĩ tâm thần viết trong hồ sơ lâm sàng, có tiêu đề “Tiền kiếp và kiếp này”, mô tả một trong những bệnh nhân của ông nhớ lại quá khứ và phát hiện rằng, ông (vị bác sĩ) là thầy của cô trong một trong những kiếp sống nào đó. Vì vậy, mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân là điều hiển nhiên.

Thực ra, con người khi còn sống thì sẽ tạo nghiệp và trả nghiệp, quan hệ giữa người với người chính là loại báo ứng này. Bác sĩ và bệnh nhân cũng vậy.

Bác sĩ chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, có lẽ ông đã tích đức, trả nghiệp, giải quyết phần nào món nợ kiếp trước. Nếu bác sĩ làm sai điều gì đó, nhổ nhầm răng, cắt nhầm chân, hoặc hỏi giá một cách ngông cuồng, thì sẽ phải gánh thêm một món nợ nghiệp chướng, sẽ phải trả trong tương lai.

Đối với bệnh nhân, đau khổ là trả nghiệp, đau đớn về thể xác, đau khổ về tinh thần và chi phí điều trị đều là trả nghiệp. Bạn sẽ khỏe mạnh và cuộc sống sẽ suôn sẻ nếu bạn trả được nghiệp báo, nếu bạn chỉ muốn được lương y chữa trị mà không chịu trả tiền thì bệnh tật sẽ không dễ lành.

Dù là bác sĩ hay bệnh nhân, mọi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, mọi việc họ làm trong cuộc đời đều được ghi lại, từng thứ một sẽ tuỳ theo phúc đức hay nghiệp báo mà nhận được kết quả tương ứng trong tương lai.

Người xưa hiểu rõ chân lý này, tích đức hành thiện, biết báo ân, báo đáp. Hành vi của con người hiện đại tạo ra rất nhiều nghiệp chướng, nếu bạn không hiểu nhân quả, nếu bạn cứ tiếp tục làm những điều trái với đạo lý, tính mạng của bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Bảo Vy
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ và Bệnh nhân: Liệu đơn giản chỉ là mối quan hệ giao dịch, kinh doanh?