Bác sĩ không có y đức mà nhổ một lúc 20 cái răng? Sự thật từ nha sĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự việc một người phụ nữ đã tử vong sau khi bị nhổ 20 chiếc răng đã khiến dư luận xôn xao những ngày gần đây. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những người có chuyên môn, tình huống này cần phải xem xét kỹ...

Cách đây vài ngày tại Đài Loan, một phụ nữ họ Zheng - khuyết tật cả về thể chất và tinh thần, đã được bác sĩ nhổ 20 chiếc răng cùng một lúc do đã bị sâu toàn bộ khoang miệng. Cô sau đó bị hôn mê và 9 ngày sau thì tử vong.

Theo bệnh viện xác định, nguyên nhân tử vong là do viêm phổi, tuy nhiên, gia đình cô nghi ngờ cái chết có liên quan đến nhiễm trùng nhổ răng. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được làm rõ, nhưng sự việc này đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người hoang mang trước cách hành xử của bác sĩ: Tại sao lại quyết định nhổ cùng lúc 20 chiếc răng như vậy?

Những góc nhìn khác biệt

Cùng một tin tức, cùng một tiêu đề, nhưng ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác nhau giữa nhìn nhận của số đông và trong mắt của bác sĩ

Khi nhìn thấy tiêu đề “Gây mê toàn thân, nhổ 20 răng một lúc”, có lẽ dư luận cảm thấy khó hiểu. Họ nghĩ: “Nhổ một cái răng thì đã rất đau. Tại sao lại nhổ tận 20 cái một lúc? Bác sĩ này đúng là không có y đức".

Tuy nhiên, nếu là một nha sĩ, “anh ấy sẽ nghĩ rằng trường hợp này phải là một ca bất thường." - bác sĩ Cai Zhongting cho biết.

Nói chung, những người bình thường khi đến bác sĩ nhổ răng thì chỉ cần gây tê cục bộ là có thể tiến hành thủ thuật ngay tại phòng khám. Đáng tiếc, ca bệnh của cô Zheng không đơn giản như vậy: vì cô mắc chứng thiểu năng trí tuệ nên không thể tự chăm sóc tốt cho bản thân, kết quả bị sâu toàn bộ khoang miệng.

Sau khi cân nhắc, nha sĩ đã quyết định gây mê toàn toàn thân cho cô Zheng trước khi thực hiện nhổ răng. Việc buộc phải từ bỏ phương pháp gây tê cục bộ, và phải gây mê toàn thân, đồng nghĩa với việc có nguy cơ rủi ro đến từ bệnh nhân.

Cụ thể hơn, các bác sĩ đôi khi rất khó nhổ răng cho những bệnh nhân bị khiếm khuyết về thể chất và tinh thần. Họ có thể bất tỉnh, nhưng cũng có thể mất kiểm soát và không chịu nằm im, thậm chí là có thể có các phản ứng hung hăng.

Nếu chỉ gây tê cục bộ, thì khi thực hiện thủ thuật, kim có thể đâm lạc sang các bộ phận khác, hoặc kim có thể bị gãy, dụng cụ nhổ răng có thể đâm vào mặt, lưỡi, cổ họng của bệnh nhân. Thậm chí bệnh nhân có thể nuốt phải các vật lạ như răng hoặc mảnh răng vỡ, cục máu đông, kết quả bị sặc nước hoặc viêm phổi, nặng hơn thì có thể bị ngạt thở.

Vì vậy, bác sĩ trong tình huống này thường quyết định gây mê toàn thân sau khi cân nhắc các rủi ro. Tuy nhiên, nếu mỗi lần muốn nhổ răng lại gây mê toàn thân thì nó sẽ đem lại nhiều rủi ro khác.

Bác sĩ Yang Sihuan là tác giả của cuốn sách Life Guide, cho biết: “Cứ thêm vài lần gây mê thì bạn sẽ phải chịu nhiều lần rủi ro hơn. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu chiếc răng sâu không được loại bỏ kịp thời thì nguy cơ nhiễm trùng sẽ nặng hơn”.

Bác sĩ Cai Zhongting cho biết: “Trước khi vụ việc được làm sáng tỏ, tôi rất không vui khi thấy giật tít như vậy từ các phương tiện truyền thông. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa (hệ thống) y tế và việc khám chữa bệnh”.

Bác sĩ Cai cho biết thêm rằng ông mong rằng công chúng có thể hiểu được thực trạng của việc điều trị nha khoa để không gây ra hiểu lầm giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Phẫu thuật răng miệng cho người bị khuyết tật về thể chất và tinh thần là đặc biệt khó để giải quyết. Vì vậy, những người tham gia vào công việc này đều là những bác sĩ đã được đào tạo lâu năm và giàu kinh nghiệm. Nha sĩ ở các phòng khám nha khoa thường không thể xử lý được những trường hợp như thế này.

4 tình huống phổ biến cần phải nhổ nhiều răng cùng lúc

Nói chung, việc loại bỏ nhiều răng cùng một lúc có thể cần phải tiến hành trong 4 trường hợp sau:

    1. Khuyết tật.
    2. Bệnh nhân sa sút trí tuệ.
    3. Người già nằm liệt giường lâu bị sốt do các bệnh răng miệng.
    4. Bệnh nhân ung thư ở đầu, cổ cần xạ trị hoặc hóa trị.

Minh Nhật
- Theo NTD tiếng Trung.



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ không có y đức mà nhổ một lúc 20 cái răng? Sự thật từ nha sĩ