Bà bầu thời COVID-19 và những lo lắng cần được giải đáp

Giúp NTDVN sửa lỗi

COVID-19, căn bệnh gây ra bởi một loại Coronavirus mới, đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã coi COVID-19 là đại dịch. Rất nhiều phụ nữ đang mang thai đã bày tỏ sự lo lắng về tác động của COVID-19 đối với bản thân và em bé trong bụng mẹ...

Để trả lời các câu hỏi thường gặp về việc mang thai và virus mới này, chúng tôi đã tham khảo các dữ liệu cung cấp từ các Hiệp hội Y khoa uy tín trên toàn thế giới để thông tin đến các bạn. Tuy nhiên, những dữ liệu này còn hạn chế do tỷ lệ bà bầu mắc bệnh COVID-19 không cao.

Mang thai và sự lây lan COVID-19

Đường lây nhiễm virus Corona trên bà bầu giống như các đối tượng khác trong cộng đồng. Virus chủ yếu lây lan qua các giọt bắn lơ lửng trong không khí khi người ta ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, virus cũng có thể lây lan trực tiếp qua nước bọt, chất nhầy từ người bệnh rơi xuống ghế ngồi trên xe buýt, tàu lửa hay bàn ghế ở trường học v.v làm người tiếp xúc với nó cũng bị lây nhiễm. Con đường lây nhiễm này còn phụ thuộc vào thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường.

Đối với em bé trong bụng mẹ, sự lây truyền virus từ mẹ qua nhau thai hoặc từ sữa mẹ qua em bé là chưa được ghi nhận. Lây nhiễm từ mẹ sang con có thể xảy ra khi sau sinh, người mẹ tiếp xúc gần với con. Lúc này, virus có thể truyền qua giọt bắn nếu mẹ và con không được cách ly.

tôi thì lại quá sợ hãi những hệ quả của việc thay đổi thói quen ngủ của cả nhà, sợ con sẽ phản ứng mạnh mẽ, sợ phải căng thẳng mệt mỏi.
Con đường lây nhiễm này còn phụ thuộc vào thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường... (Ảnh: Shutterstock).

Khi nhiễm COVID-19, thai phụ có bị rơi vào tình trạng nguy hiểm hay không?

Theo CDC Hoa Kỳ, chưa có số liệu chính thức công bố về việc phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao hơn so với người không mang thai hay không và liệu bệnh của họ có dễ diễn tiến nghiêm trọng hay không?

Trước đó, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ năm 2004, về “Kết quả trước, trong và sau sinh của thai phụ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS)” nhóm tác giả Wong SF và cộng sự cho thấy những phụ nữ nhiễm SARS trong thời kỳ mang thai có liên quan đến tỷ lệ sảy thai tự nhiên cao, sinh non và thai chậm tăng trưởng trong tử cung [1]. Nguy cơ bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bà bầu nhiễm virus SARS hay cúm trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần 28 của thai kỳ) [2]. Do đó, CDC Hoa Kỳ cho rằng: “Điều quan trọng là phụ nữ mang thai nên ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm virus” [3].

Ngoài ra, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng Gia Anh cho biết Chính phủ đã đưa phụ nữ mang thai vào đối tượng dễ bị tổn thương. Điều này giúp phụ nữ mang thai cẩn trọng hơn trong suốt thai kỳ; và đặc biệt, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ do giai đoạn này nếu mắc bệnh thì có nguy cơ bệnh trở nên nghiêm trọng hơn [5].

COVID-19 có ảnh hưởng đến em bé khi sinh hay không?

Theo CDC Hoa Kỳ: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi không biết liệu COVID-19 có gây ra ảnh hưởng bất lợi cho phụ nữ trong khi mang thai hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sau khi sinh hay không”. Họ nói thêm: “Rất ít báo cáo về những vấn đề bất lợi xảy ra trong thai kỳ và khi sinh (ví dụ như sanh non) ở những bà mẹ có xét nghiệm COVID-19 dương tính. Tuy nhiên, những bất lợi này nếu có xảy ra cũng không chắc chắn có liên quan đến nhiễm virus hay không [4] (vì có nhiều nguyên nhân gây sinh non khác trong thai kỳ - ghi chú của người viết bài).

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi không biết liệu COVID-19 có gây ra ảnh hưởng bất lợi cho phụ nữ trong khi mang thai hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sau khi sinh hay không”... (Pixabay)

Nếu bị nghi nhiễm COVID-19, mẹ bầu nên làm gì?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh bao gồm: sốt, ho và khó thở, tiêu chảy hoặc các triệu chứng ở đường hô hấp trên (ví dụ như hắt hơi, sổ mũi, đau họng). Bước đầu tiên, bạn nên gọi cho bác sĩ của bạn để thông báo cho họ về các triệu chứng, việc đi lại hoặc tiếp xúc với người được xác nhận là đã nhiễm COVID-19. Bạn không nên đến phòng mạch của bác sĩ, điều này rất quan trọng vì giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh hạn chế được sự lây lan của virus. Tóm lại, cách tốt nhất là bạn nên gọi bác sĩ của bạn hay gọi đến các bệnh viện chuyên về sản phụ khoa trước để có những hướng dẫn cụ thể.

Các bà mẹ nên bảo vệ bản thân khỏi bị nhiễm Coronavirus mới như thế nào?

Phụ nữ có thai cần thực hiện kỹ lưỡng các biện pháp phòng ngừa chuẩn được khuyến cáo chung trong cộng đồng như:

    • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ít nhất là 30 giây.
    • Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng.
    • Tránh các cuộc tụ họp lớn > 10 người.
    • Giữ khoảng cách với người khác > 2m
    • Hãy ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác nếu bạn bị ho hay hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người khác.
    • Hắt hơi và ho vào khăn giấy hoặc vào khuỷu tay của bạn và vứt bỏ ngay lập tức (luôn mang theo khăn giấy bên mình).
Virus Corona lây lan qua các giọt nhỏ lơ lửng trong không khí khi người ta ho hoặc hắt hơi. Chúng xâm nhập thông qua đường mũi rồi tiến vào cổ họng, những gai mọc ra trên bề mặt của chúng có thể gắn vào một thụ thể nào đó trong các tế bào, và chúng bắt đầu sinh sôi từ đó.
Virus Corona lây lan qua các giọt nhỏ lơ lửng trong không khí khi người ta ho hoặc hắt hơi... (Shutterstock)

Bà bầu nên sinh hoạt như thế nào để hạn chế nhiễm bệnh?

    • Tăng cường dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung đa dạng thực phẩm, nhất là các thực phẩm giàu vitamin C (bưởi, cam, quýt…), vitamin D (sữa, phô mai, cá hồi…), vitamin E, kẽm v.v. có tác dụng tăng lượng bạch cầu trong máu, củng cố khả năng đề kháng cho cả mẹ và thai nhi.
    • Hãy mở cửa thông thoáng, lau chùi bề mặt và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ tạo luồng không khí tự nhiên lưu thông quanh nhà để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn hay virus Corona nếu có.
    • Ngủ đủ giấc.
    • Giữ cho tinh thần được thư giãn, thoải mái, tích cực bằng cách đọc sách, nghe nhạc nhẹ, nấu ăn v.v.
    • Tập luyện thể dục nhẹ nhàng (đi bộ nhẹ, yoga hay thiền định v.v.) cũng là một liệu pháp nâng cao hệ miễn dịch.

Trong khi bùng phát dịch, mẹ bầu có được các bác sĩ chuyên khoa sản chăm sóc hay không?

Bạn yên tâm! Khi bạn sinh, chắc chắn các bác sĩ sản khoa sẽ giúp bạn vượt cạn. Bởi vì các bệnh viện đều đã có sẵn các phương án ứng phó để giúp bà mẹ có cuộc sinh an toàn, thậm chí cả khi bệnh dịch bùng phát mạnh nhất.

Nuôi con bằng sữa mẹ và nguy cơ lây nhiễm virus

CDC Hoa Kỳ đã xây dựng “Hướng dẫn tạm thời về nuôi con bằng sữa mẹ đối với người mẹ được xác nhận hoặc đang nghi nhiễm COVID-19”. Khuyến cáo cho biết: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho hầu hết trẻ sơ sinh. Rất hiếm trường hợp ngoại lệ không được cho con bú hoặc không được khuyến khích con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa biết về COVID-19 do đó, việc bắt đầu hay tiếp tục cho con bú mẹ nên được có sự đồng thuận từ người mẹ, gia đình và các chuyên gia y tế [3],[4].

Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy virus Corona trong sữa của phụ nữ bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, do số liệu về các trường hợp mang thai trong vụ dịch này còn rất hữu hạn nên các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra kết luận liệu virus mới này có thể lây truyền qua sữa mẹ hay không.

Do đó, mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia không phải là liệu virus có thể lây truyền qua sữa mẹ hay không, mà là liệu người mẹ bị nhiễm bệnh có thể truyền virus cho con qua các giọt bắn trong thời kỳ cho con bú hay không?

(Minh họa) Khi cho con bú nên áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa nhất có thể để tránh lây truyền virus cho con... (Pixabay)

Một người mẹ nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19, khi cho con bú nên áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa nhất có thể để tránh lây truyền virus cho con, bao gồm rửa tay 6 bước, thời gian rửa tay ít nhất 30 giây trước khi chạm vào con và đeo khẩu trang trong khi cho con bú.

Nếu phải vắt sữa bằng máy hút sữa, mẹ bầu nên rửa tay trước khi chạm vào bất kỳ bộ phận nào của máy và làm theo các khuyến nghị để vệ sinh máy đúng cách sau mỗi lần sử dụng. Nếu chưa có sữa mẹ, có thể cân nhắc việc xin sữa từ ngân hàng sữa mẹ.

Có nên sử dụng dịch vụ tắm cho bé hay không?

Hạn chế tiếp xúc gần với người khác là điều quan trọng giúp bạn và bé tránh nguy cơ phơi nhiễm và bị nhiễm vì tỷ lệ có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc người nhiễm là khá cao. Do đó, các chuyên gia y tế khuyên các mẹ bầu nên hạn chế các cuộc tụ họp nơi đông người trong xã hội tại thời điểm này, bao gồm cả việc nhờ tắm cho em bé. Các mẹ có thể tự học cách tắm bé bằng cách quan sát và nhờ các nữ hộ sinh chỉ khi còn ở trong bệnh viện, sau đó thực hành tại nhà.

Mỹ Tâm

Tài liệu tham khảo:

  1. Pregnancy and perinatal outcomes of women with severe acute respiratory syndrome;
  2. Clinical manifestations and outcome of SARS-CoV-2 infection during pregnancy. - Liu Y, Chen H, Tang K, et al;
  3. Pregnancy & Breastfeeding;
  4. Novel Coronavirus 2019 (COVID-19);
  5. Coronavirus (COVID-19) infection and pregnancy;
  6. Khuyến cáo dinh dưỡng của bệnh viện Phổi Trung ương trong phòng ngừa COVID-19.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Bà bầu thời COVID-19 và những lo lắng cần được giải đáp