Australia xác nhận ca tử vong thứ hai liên quan chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 10/6, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Australia cho biết một phụ nữ 52 tuổi ở New South Wales đã chết sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Sau ca tử vong này, Australia đã nâng độ tuổi khuyến cáo tiêm vaccine AstraZeneca từ 50 lên 60 tuổi.

Lại tử vong vì cục máu đông

Theo Theguardian, đây là trường hợp tử vong thứ hai có thể liên quan đến tình trạng hiếm gặp được gọi là huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS). Tình trạng này xảy ra đối với những người đã tiêm vaccine chủng ngừa AstraZeneca, và xảy ra khi một người có cục máu đông cũng như số lượng tiểu cầu thấp.

Trường hợp tử vong đầu tiên ở Úc xảy ra ở một phụ nữ 48 tuổi vào tháng Tư. Giám đốc Y tế Liên bang, Giáo sư Paul Kelly, cho biết cái chết của người phụ nữ được công bố ngày 10/6 là "vô cùng đáng tiếc".

Ông Paul Kelly cho biết, trong 2 tháng qua, đã có ít nhất 60 người Australia gặp phải hội chứng cục máu đông hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, bao gồm 12 trường hợp trong 2 tuần qua và 7 người trong số này ở độ tuổi từ 50 đến 59.

Giáo sư Kelly xác nhận, trong số 60 trường hợp trên, 45% vẫn đang nằm viện, vài người cần chăm sóc đặc biệt và 2 người đã tử vong.

Người tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca tại Việt Nam an toàn, nhiều ca trên thế giới bị đông máu, dị ứng, tử vong...
Ngày 7/4, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) xác nhận đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa vaccine AstraZeneca với vấn đề đông máu ở người trưởng thành sau khi tiêm chủng ngừa. (Ảnh tổng hợp)

Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Australia cũng khuyến cáo, những ai đã tiêm vaccine cần tới các cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào như: Nhức đầu dữ dội, mờ mắt, khó thở, đau ngực, phù chân hoặc đau bụng dai dẳng, phát ban, xuất hiện các vết bầm tím trên da bất thường...

Các triệu chứng cục máu đông thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 4-30 ngày sau khi tiêm chủng.

Australia nâng độ tuổi tiêm vắc-xin AstraZeneca lên 60

Theo DW, quyết định trên được Cơ quan y tế Australia đưa ra vào ngày 17/6, sau khi mũi tiêm vaccine AstraZeneca được cho là nguyên nhân khiến một phụ nữ 52 tuổi tử vong vào ngày 10/6 do chứng cục máu đông trong não.

Bộ trưởng Y tế Australia, ông Greg Hunt tuyên bố chính phủ “đặt sự an toàn lên trên hết”, đồng thời cho biết quyết định này là thận trọng, và phản ánh nguy cơ nhiễm COVID-19 ở Úc là rất thấp.

Tất cả mọi người dưới 60 tuổi ở Australia hiện được khuyến khích tiêm vaccine BioNTech-Pfizer - loại vaccine duy nhất được chấp thuận sử dụng để thay thế. Chính phủ Australia dự kiến ​​sẽ sớm phê duyệt vaccine Moderna cũng do Mỹ sản xuất.

Vắc-xin AstraZeneca bị nhiều quốc gia hạn chế

Theo AP, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng Canada (NACI) đã khuyến nghị tạm dừng vaccine AstraZeneca vì lý do an toàn, và không sử dụng cho những người dưới 55 tuổi.

Tại Đức, chính phủ nước này cũng nâng tuổi hạn chế tiêm vaccine AstraZeneca với người trên 60.

Australia xác nhận ca tử vong thứ hai liên quan chứng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca
Việc nhiều bệnh nhân bị tác dụng phụ cục máu đông sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã thúc đẩy một cuộc xem xét của cơ quan quản lý y tế của Liên minh Châu Âu vào đầu tháng 4. (Ảnh minh họa: Scott Eisen / Getty Images)

Từ tháng 4, Hàn Quốc cũng đã hạn chế việc sử dụng vaccine AstraZeneca, chỉ dành cho người trên 30 tuổi. Một số chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng nên giới hạn độ tuổi cao hơn.

Ngày càng có nhiều lo ngại đối với những người đã nhận 2 mũi tiêm vaccine của hãng AstraZeneca. Một số quốc gia đã không 'công nhận' là đã được tiêm phòng đúng cách đối với những người đã tiêm vaccine của hãng này.

Trong số đó bao gồm Mỹ, khi nước này đã có những “chỉ thị” hạn chế đối với bất kỳ ai tiêm chủng vaccine AstraZeneca.

Theo Foxnews, "những người hâm mộ nhạc rock muốn ăn mừng sự trở lại cuộc sống thường nhật bằng cách tham gia chương trình Broadway của ca sĩ Bruce Springsteen vào cuối tháng này, sẽ phải đứng ở bên ngoài xem nếu họ đã tiêm vaccine AstraZeneca - (vaccine) chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA ) phê duyệt..”.

"Theo chỉ đạo của Bang New York, (buổi biểu diễn của) Springsteen trên sân khấu Broadway và Nhà hát St. James sẽ chỉ chấp nhận chứng nhận về vaccine COVID-19 được FDA chấp thuận (gồm Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson)".

Hãng AstraZeneca đổi tên vaccine

Ngày 25/3, hãng AstraZeneca đã đổi tên vaccine COVID-19 từ CoviShield thành Vaxzevria, và đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) chấp thuận. Có ý kiến cho rằng, động thái này là do hãng AstraZeneca đang gặp khó khăn trong việc trấn an công chúng.

Theo Thenationalnews, hãng cho biết việc đổi tên không liên quan tới thay đổi vaccine. Cái tên Vaxzevria ra mắt trong bối cảnh hãng AstraZeneca phải chống đỡ với nhiều vấn đề xoay quanh các tác dụng phụ của vaccine này, đặc biệt là các ca tử vong do cục máu đông sau khi tiêm.

Covishield - loại vaccine COVID-19 dựa trên cùng công thức nhưng được phát triển theo thỏa thuận hợp tác giữa hãng AstraZeneca và Viện Huyết thanh Ấn Độ vẫn sẽ vẫn giữ nguyên tên.

Trong khu vực EU, vaccine AstraZeneca hiện có tên là Vaxzevria.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Australia xác nhận ca tử vong thứ hai liên quan chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca