Ánh sáng xanh không phải là nguyên nhân chính gây ra chứng mỏi mắt và mất ngủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ánh sáng xanh đã bị công kích tệ hại, bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ và tổn thương mắt. Có đúng như vậy không?...

Ánh sáng xanh đã bị công kích tệ hại, bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ và tổn thương mắt. Các thiết bị điện tử cá nhân phát ra ánh sáng màu xanh nhiều hơn bất kỳ màu sắc nào khác. Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn, có nghĩa là nó có mức năng lượng cao và có thể gây tổn thương các kết cấu mắt mỏng manh. Ánh sáng xanh cũng có thể đi qua mắt đến võng mạc vốn là nơi tập hợp các neuron thần kinh chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu, cũng là nền tảng của thị giác.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc kéo dài với ánh sáng xanh cường độ cao gây hư hỏng các tế bào võng mạc ở loài chuột. Tuy vậy nghiên cứu dịch tễ học trên người thật lại đem đến một câu chuyện khác.

Tôi là giáo sư trợ lý tại Khoa Khúc xạ - Nhãn khoa, thuộc Đại học bang Ohio, tham gia giảng dạy và tiến hành nghiên cứu về thị lực, gồm cả nghiên cứu các tế bào võng mạc, và tôi cũng khám bệnh tại các phòng khám của trường. Thông thường, các bệnh nhân của tôi muốn biết cách nào để giữ cho đôi mắt luôn khỏe mạnh cho dù phải nhìn vào màn hình máy tính cả ngày. Họ thường hỏi thăm về các loại kính thuốc có tác dụng chắn ánh sáng xanh mà họ thấy quảng cáo trên internet.

Nhưng, ánh sáng xanh không còn là mối quan tâm lớn nhất khi đề cập đến việc bảo vệ thị giác và giữ gìn đôi mắt khỏe mạnh.

Cơ chế bảo vệ tự nhiên từ cơ thể

Mặt trời là một khía cạnh quan trọng liên quan đến ánh sáng xanh và khả năng tổn thương võng mạc vì ánh sáng mặt trời chủ yếu là ánh sáng xanh. Ánh sáng mặt trời ở thời điểm buổi chiều đầy nắng sáng hơn so với màn hình máy tính gần 100.000 lần. Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu ở người tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sự thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác - là bệnh võng mạc dẫn đến mất thị lực trung tâm.

Nếu ở ngoài trời vào buổi chiều nắng gắt mà võng mạc của con người vẫn không bị thương tổn, thì máy tính bảng - nếu so sánh với nắng trời là quá mờ nhạt - lại càng không thể tác động được. Một nghiên cứu lý thuyết gần đây cũng đưa đến kết luận tương tự.

Vậy thì, tại sao lại không có liên hệ giữa sự ảnh hưởng của ánh sáng xanh trên mắt của loài gặm nhấm và mắt người?

Nếu một người chạm vào nó và sau đó đưa tay lên mũi, miệng và mặt, lúc đó họ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
(Minh họa) Nếu ở ngoài trời vào buổi chiều nắng gắt mà võng mạc của con người vẫn không bị thương tổn... (Ảnh: Shutterstock)

Mắt người khác với mắt của loài gặm nhấm. Chúng ta có các nhân tố bảo vệ, chẳng hạn như sắc tố điểm vàng và khả năng tự nhiên có thể ngăn chặn ánh sáng xanh của thủy tinh thể. Những cấu trúc này đã hấp thụ ánh sáng xanh trước khi nó tiến đến võng mạc mỏng manh.

Như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể thoải mái quăng các cặp kính râm đi; chúng không chỉ có ích trong việc bảo vệ đôi mắt khỏi ánh sáng xanh của mặt trời. Ví dụ, đeo kính râm làm chậm sự tiến triển của chứng đục thủy tinh thể, vốn che mờ thị giác.

Cảm nhận màu xanh

Ánh sáng xanh không làm hại võng mạc của bạn không có nghĩa là các thiết bị điện tử trở nên vô hại hoặc ánh sáng xanh đó không ảnh hưởng đến mắt. Do bước sóng ngắn, ánh sáng xanh có khả năng làm gián đoạn sinh lý giấc ngủ. Các tế bào nhạy cảm với ánh sáng xanh, còn gọi là các tế bào hạch võng mạc nhạy sáng bên trong (intrinsically photosensitive retinal ganglion cells - ipRGC), đóng vai trò quan trọng cho đồng hồ chủ đạo của bộ não, chúng cho biết mức độ ánh sáng của môi trường. Điều đó có nghĩa là, khi bạn nhìn vào một màn hình sáng, các tế bào này giúp điều chỉnh đồng hồ bên trong cơ thể bạn sang chế độ ánh sáng ban ngày.

Nhưng những tế bào này nhạy cảm với tất cả các màu sắc chứ không chỉ màu xanh vì chúng cũng nhận được thông tin từ các tế bào thần kinh võng mạc khác nhạy cảm với toàn bộ phổ màu.

Vì thế, loại bỏ một mình ánh sáng xanh không cải thiện được giấc ngủ mà cần phải giảm toàn bộ các màu sắc.

Tôi cũng nghe những bệnh nhân phàn nàn thường xuyên mỏi mắt khi phải dán mắt vào máy tính sau cả ngày dài, thì ánh sáng màu xanh cũng không phải chịu trách nhiệm một mình cho điều đó. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng khi chặn một mình ánh sáng xanh không hề giúp cải thiện cảm giác của mọi người hơn so với việc làm mờ màn hình máy tính khi phải làm việc lâu trên máy.

Vậy ngăn chặn ánh sáng xanh có tác dụng gì không?

Nhiều bệnh nhân muốn biết liệu họ có nên mua một số sản phẩm nào đó mà họ thấy quảng cáo có thể chặn ánh sáng xanh hay không. Dựa trên nghiên cứu, câu trả lời ngắn gọn là “Không”.

Trước hết, sự thật là gần giờ ngủ thì bất kỳ nguồn ánh sáng mạnh nào cũng đều tác động đến giấc ngủ.

Các bằng chứng liên quan cho thấy rằng, so với việc đọc một cuốn sách in, thời gian lướt màn hình trước khi đi ngủ làm tăng thời gian bình thường để dần buồn ngủ. Nó cũng cướp mất của bạn giấc ngủ mà có thể phục hồi các chuyển động nhanh của mắt, trì trệ khả năng tập trung và làm giảm hoạt động não vào ngày hôm sau. Cầm điện thoại gần mắt khi đèn sáng có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Thứ hai, những sản phẩm mà bệnh nhân của tôi hay hỏi thực ra cũng không có khả năng chặn nhiều ánh sáng xanh cho lắm. Thí dụ, lớp phủ chống chói và chặn màu xanh tốt nhất cũng chỉ chặn khoảng 15 phần trăm ánh sáng xanh mà màn hình phát ra.

(Minh họa) Những sản phẩm mà bệnh nhân của tôi hay hỏi thực ra cũng không có khả năng chặn nhiều ánh sáng xanh cho lắm... (Lionel Bonavoji / AFP qua Getty Images)

Và chỉ cần cầm điện thoại xa ra thêm 1 inch nữa (2.54 cm) thì đã có hiệu quả tương tự rồi. Hãy thử ngay đi và xem có nhận thấy sự khác biệt nào không. Không ư? Sau đó, đáng ngạc nhiên hơn nữa là phân tích tổng hợp gần đây đã kết luận rằng các loại kính và lớp phủ chặn ánh sáng xanh không có ảnh hưởng đáng kể lắm đến chất lượng giấc ngủ, hay sự thoải mái khi làm việc trên máy tính, hay sức khỏe võng mạc.

Điều gì thực sự có hiệu quả?

Có nhiều cách có thể làm với máy tính để chúng ta cảm thấy dễ chịu và dễ ngủ hơn.

Đầu tiên, hãy tắt các thiết bị điện tử của bạn trước khi đi ngủ. Tất cả chúng ta nên chú ý tới lời khuyên của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, khuyến cáo rằng phòng ngủ dành cho trẻ em là khu vực “cấm màn hình”. Nếu ở bên ngoài phòng ngủ, Bạn cần giảm độ sáng khi bạn nhìn vào màn hình.

Đối với chứng mỏi mắt, hãy chắc chắn rằng mình có kính thuốc hoặc kính áp tròng phù hợp theo toa, chỉ định bởi kỹ thuật viên đo thị lực hoặc bác sĩ nhãn khoa.

Bạn cũng cần quan tâm chăm sóc mặt ngoài của mắt. Chúng ta không chỉ nhìn vào màn hình máy tính mà dán mắt vào đó. Trên thực tế, tốc độ chớp mắt của chúng ta giảm mạnh từ khoảng 12 lần chớp mắt xuống còn 6 lần. Kết quả là, nước mắt bốc hơi khỏi mắt, và chúng không còn tích tụ nữa cho đến khi chúng ta rời khỏi màn hình và bắt đầu chớp mắt. Điều này gây ra các viêm nhiễm trên bề mặt nhãn cầu. Đó là lý do tại sao đôi mắt của bạn cảm thấy rất khô và mệt mỏi sau một ngày làm việc trên máy tính. Tôi thường khuyên bệnh nhân của mình thực hiện hai bước để đảm bảo mắt được giữ ẩm khi phải làm việc lâu trên máy.

Thứ nhất là tuân theo quy tắc “20-20-20”. Hiệp hội đo thị lực Hoa Kỳ định nghĩa quy tắc này là cứ sau 20 phút làm việc cần cho mắt nghỉ 20 giây để nhìn vào vật gì đó ở xa 20 feet (khoảng hơn 6 mét) so với bạn. Điều này sẽ cho phép đôi mắt của bạn được chớp mắt và thư giãn. Có rất nhiều ứng dụng có sẵn để giúp nhắc nhở bạn tuân theo quy tắc này.

Thứ hai, sử dụng thuốc nhỏ mắt có tác dụng bôi trơn trước khi sử dụng máy tính. Thủ thuật này sẽ tăng cường những giọt nước mắt tự nhiên của cơ thể và giữ cho bề mặt nhãn cầu ngậm nước. Nhưng hãy coi chừng những loại thuốc nhỏ mắt “tránh đỏ mắt”, vì chúng có chứa các loại thuốc gây đỏ mắt về lâu dài và những chất bảo quản có thể gây tổn thương các lớp cấu tạo bên ngoài của nhãn cầu. Tôi nhận ra tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm nước mắt nhân tạo có dán nhãn “không có chất bảo quản”.

Dựa trên các nghiên cứu cá nhân, lời khuyên của tôi là đừng tin vào những thông tin cường điệu về ánh sáng xanh và lãng phí tiền bạc cho các sản phẩm mà bạn lẽ ra không cần. Thay vào đó, hãy chuyển các sản phẩm có màn hình ra khỏi phòng ngủ của bạn và giảm độ sáng của chúng khi gần tới giờ ngủ, và giữ cho mắt bạn luôn được bôi trơn. Và, đừng quên chớp mắt nhé!

Phillip Yuhas là giáo sư trợ lý nhãn khoa tại Đại học bang Ohio. Bài viết này được xuất bản lần đầu trên The Conversation (Trang tin Đối Thoại).

Tịnh Liên
- Theo The Epoch Times.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Ánh sáng xanh không phải là nguyên nhân chính gây ra chứng mỏi mắt và mất ngủ