Ăn nhiều loại gia vị không thể thiếu này trong bếp người Việt, tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn mặn là một thói quen không tốt mà người Việt đã duy trì một thời gian khá dài, đặc biệt trong những năm tháng đất nước gian khó. Trước đây, người ta chưa biết đến hậu quả tai hại của việc sử dụng quá mức muối ăn đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học gần đây đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày.

Cách đây khoảng 20 năm, ở phương Tây bắt đầu có những cảnh báo đầu tiên của giới khoa học về chuyện này, nhưng các chủ doanh nghiệp chế biến thực phẩm luôn tìm cách đối phó và chối bỏ. Đơn giản vì vấn đề lợi nhuận.

Muối ăn (NaCl) là chất giữ ẩm trong sản phẩm, càng nhiều muối trọng lượng của sản phẩm cũng tăng theo. Muối còn được coi như một chất "gây nghiện" làm cho người sử dụng trở nên “quen miệng” mà gắn bó với thực phẩm hơn. Đó là chưa kể đến doanh thu của thương hiệu sản xuất nước đóng chai. Chỉ cần giảm 30% lượng muối trong thực phẩm thì ngành kinh doanh nước giải khát thế giới sẽ thất thu khoảng 20 tỷ Euro mỗi năm.

Theo urologyofva.net, trong ngắn hạn, tác động của việc ăn quá nhiều muối trong một bữa ăn hoặc trong một ngày có thể gây ra một số hậu quả như đầy hơi hoặc bị giữ nước, đặc biệt ở chân và tay. Ăn mặn khiến tuần hoàn máu tăng đến cầu thận buộc thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận.

Một bữa ăn nhiều muối sẽ khiến bạn phải uống nhiều nước hơn, do đó sẽ làm tăng lượng máu tuần hoàn lớn hơn, có thể dẫn đến tăng huyết áp tạm thời, buộc tim phải làm việc nhiều hơn, và lâu ngày tim thất trái to lên rồi dẫn đến bị suy tim.

Nói tóm lại nếu bạn tiêu thụ lượng muối cao trong thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng giữ nước, tăng huyết áp tạm thời, gây khát quá mức và trong trường hợp nghiêm trọng là tăng natri huyết. Các triệu chứng khác của tăng natri huyết bao gồm bồn chồn, khó thở và giảm đi tiểu.

Ảnh hưởng lâu dài của việc ăn quá nhiều muối có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một nghiên cứu với 268.000 tình nguyện viên tham gia cho thấy, những người ăn trung bình 3 gam muối mỗi ngày có thể có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn 68% so với những người ăn trung bình 1 gam muối mỗi ngày.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng, những người ăn nhiều muối có thể có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn hai lần so với những người ăn ít muối. Các chuyên gia tin rằng chế độ ăn nhiều muối có thể khiến một người dễ bị ung thư dạ dày hơn do gây loét hoặc viêm niêm mạc dạ dày.

Khoảng 70% bệnh nhân ung thư dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Khi ăn nhiều muối, muối sẽ khiến vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Một nghiên cứu khác kéo dài 20 năm ghi nhận rằng, những tình nguyện viên tiêu thụ ít hơn 5,8 gam muối mỗi ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, trong khi những người tiêu thụ hơn 15 gam muối mỗi ngày có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Những kết quả nghiên cứu khác nhau này có thể được giải thích bởi sự khác biệt trong quá trình nghiên cứu, phương pháp được sử dụng để ước tính lượng natri tiêu thụ cũng như các yếu tố thể chất của các tình nguyện viên (cân nặng, độ nhạy cảm với muối và các vấn đề sức khỏe khác).

Tiêu thụ muối “quá liều” hiếm khi gây tử vong ngay trừ khi bạn tiêu thụ lượng muối từ 0,5–1 gam mỗi kg tương ứng với trọng lượng cơ thể, tương đương 50 gam muối nếu người đó nặng 50 kg.

Nghiên cứu cho thấy rằng mỗi người trung bình hiện đang tiêu thụ khoảng 9–12 gam muối mỗi ngày, trong đó thực phẩm chế biến là đóng góp cao nhất. Trong khi đó, các cơ quan y tế thường khuyến nghị mọi người hạn chế lượng muối từ 3,8–5,8 gam mỗi ngày.

Theo khuyến cáo của WHO thì mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 5 gam muối/ngày. Tuy nhiên Bộ Y tế cho biết, người Việt đang sử dụng gần gấp đôi lượng muối khuyến cáo (9,4 gam muối/ngày).

Được biết, 81% lượng muối tiêu thụ hằng ngày tại nước ta từ muối tinh, bột canh, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn; và chỉ có 7% từ thực phẩm tự nhiên.

Theo số liệu của WHO, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện khi bệnh khi đã ở giai đoạn cuối.

Quốc Hưng

 



BÀI CHỌN LỌC

Ăn nhiều loại gia vị không thể thiếu này trong bếp người Việt, tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày