7 tác dụng của kẽm đối với sức khỏe con người - Ăn gì để bổ sung nhiều kẽm cho cơ thể?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ sắt, kẽm cũng là một yếu tố cần được bổ sung thường xuyên cho cơ thể. Hấp thụ đầy đủ kẽm có thể giúp bạn nhanh khỏi vết thương, kiểm soát lượng đường trong máu, thậm chí làm giảm tỷ lệ rủi ro đối với phụ nữ mang thai. Bài viết này sẽ liệt kê 7 tác dụng của kẽm đối với sức khỏe, đồng thời cung cấp cho bạn một số thực phẩm giàu kẽm để bạn có thể lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày.

Kẽm có 7 lợi ích sức khỏe đối với cơ thể con người

Bảo vệ não bộ

Một nghiên cứu của Đại học Wisconsin - Madison phát hiện ra rằng, protein cần duy trì hình thức chính xác trong cơ thể để hoạt động trơn tru. Trong khi đó, kẽm đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì dạng protein.

Thiếu kẽm có thể khiến protein trở thành protein bất thường, dẫn đến các bệnh như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

Bảo vệ tim

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kẽm có thể tăng cường sức khỏe của hệ tim mạch. Kẽm có nhiệm vụ điều hòa huyết áp động mạch, những người thiếu kẽm sẽ dễ bị cao huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngoài ra, tác dụng chống oxy hóa của kẽm giúp ổn định các màng sinh học khác nhau, lượng kẽm thấp có thể dẫn đến thay đổi độ ổn định của màng sinh học và làm trầm trọng thêm tổn thương cơ tim.

Bảo vệ gan

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thiếu kẽm làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan do rượu và các bệnh gan mãn tính khác.

Tuy nhiên, tạp chí "Lancet" của Anh đã công bố một nghiên cứu được Tiến sĩ James Phillips, giáo sư bệnh lý học tại Đại học Toronto ở Canada và một chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Toronto Sick, hoàn thành và phát hiện ra rằng quá nhiều kẽm trong cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan mãn tính nặng.

Khả năng sinh sản

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngay cả sự thiếu hụt kẽm nhẹ trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp, chẳng hạn như tăng tỷ lệ mắc bệnh ở mẹ, vị giác bất thường, kéo dài thai kỳ, đẻ khó, chảy máu cam và tăng tỷ lệ rủi ro đối với thai nhi.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2013 đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai làm suy giảm sự phát triển bình thường của thai nhi.

Kiểm soát lượng đường

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Michigan (Hoa Kỳ) cho thấy kẽm có thể kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 một cách hiệu quả. Nguyên tố vi lượng kẽm có thể ổn định lượng đường trong máu.

Tăng cường chức năng miễn dịch

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tình trạng thiếu kẽm rất phổ biến ở bệnh nhân cao tuổi.

Thiếu kẽm có thể gây teo tuyến ức, giảm hormone tuyến ức, từ đó làm giảm đáp ứng với vắc xin và giảm khả năng miễn dịch.

Bổ sung kẽm có thể nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ và làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng như tiêu chảy.

Tăng tốc độ chữa lành vết thương

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy bổ sung kẽm có thể làm vết thương nhanh lành hơn và đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày giai đoạn đầu.

Kẽm sulfat uống có thể làm tăng tốc độ chữa lành vết thương phẫu thuật từ 3 đến 4 lần.

Thực phẩm giàu kẽm

Thực phẩm giàu kẽm bao gồm thịt bò nạc, thịt lợn, thịt cừu, lòng gà, cá, hàu, lòng đỏ trứng, sữa bột tách kem, mầm lúa mì, vừng, quả óc chó, đậu, lạc, kê và củ cải. Trong số đó, hàu có hàm lượng kẽm cao nhất.

Theo các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thực phẩm động vật thường chứa nhiều kẽm hơn, khoảng 3 đến 5mg kẽm trên 100g thực phẩm động vật, và các axit amin được tạo ra từ sự phân hủy của protein động vật cũng có thể thúc đẩy sự hấp thụ kẽm.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa ít kẽm hơn. Khoảng 1 mg kẽm có trong mỗi 100g thức ăn thực vật. Đậu, lạc, kê, củ cải, cải thảo... là những thực phẩm thực vật có hàm lượng kẽm tương đối cao.

Hàm lượng kẽm trên 100g thực phẩm xấp xỉ: thịt nạc lợn 3.8mg, gan lợn 4mg, gan gà 5mg, lòng đỏ trứng 3.4mg, tảo bẹ 3.2mg, tôm cá 8mg.

Thận trọng khi bổ sung kẽm ở trẻ em

Sự hấp thụ kẽm phần lớn phụ thuộc vào sự hiện diện của sắt, canxi và phốt pho. Để ngăn ngừa thiếu kẽm, cần khuyến khích trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm như thịt nạc, gan lợn, cá, lòng đỏ trứng, sò, mực, thịt đỏ, gan động vật... và hình thành thói quen ăn uống tốt.

Cố gắng tránh ăn thức ăn tinh chế trong thời gian dài, và chú ý đến trọng lượng của chế độ ăn. Gạo, ngô, mì trắng, rau và hoa quả có hàm lượng kẽm thấp (dưới 5mg), khi ăn những thực phẩm này cần chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu kẽm.

(*) Ảnh chủ đề: Army Medicine Flickr - CC BY 2.0

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

7 tác dụng của kẽm đối với sức khỏe con người - Ăn gì để bổ sung nhiều kẽm cho cơ thể?