5 nguy cơ sức khỏe có thể tránh được nếu uống đủ nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Duy trì thói quen chỉ lúc khát mới uống nước có thể gây ra rất nhiều tác hại cho cơ thể, đặc biệt trong những tháng hè nóng nực...

#5. Gây táo bón

Táo bón nỗi lo của nhiều người. Nhiều khi không phải là vấn đề bệnh tật mà chỉ đơn giản là do cơ thể quá thiếu nước. Khi thức ăn di chuyển xuống ruột, nước trong thức ăn được hấp thụ lại, nếu thiếu nước, phân sẽ bị khô cứng và gây ra táo bón. Nếu cơ thể được cung cấp đầy đủ nước, phân sẽ thường xuyên được làm mềm phân và cải thiện tình trạng táo bón.

Nếu chúng ta không may bị táo bón, hãy cố gắng uống nước nhiều hơn, ăn nhiều hoa quả, rau xanh và tăng cường tập thể dục. Những cách này an toàn và hầu như không bị tác dụng phụ như uống thuốc.

Nhiều khi không phải là vấn đề bệnh tật mà chỉ đơn giản là do cơ thể quá thiếu nước... (Pixabay)
#4. Ảnh hưởng tới da

Nước giống như chất dưỡng da tự nhiên của cơ thể. Nó vừa giúp da giữ ẩm, vừa dưỡng da, từ đó duy trì làn da khỏe mạnh và trì hoãn lão hóa da tốt hơn nhiều so với các loại mỹ phẩm. Nếu chúng ta uống nước quá ít, khiến cơ thể thiếu nước, thì cũng tác động không tốt đến các tế bào da, khiến da khô, xỉn màu và lão hóa.

Do đó, để duy trì vẻ đẹp và nét thanh xuân cho da, ngoài việc chăm sóc da từ bên ngoài bằng các loại mỹ phẩm, chúng ta cũng nên chăm sóc da từ bên trong bằng cách uống đủ nước.

Thêm một cốc nước có thể giúp da của chúng ta được chăm sóc tốt hơn...(Pixabay)

#3. Bệnh Gout

Uống quá ít nước là một nhân tố quan trọng dẫn tới nguy cơ mắc bệnh Gout. Hàm lượng acid uric trong máu cao có thể dẫn đến bệnh Gout. Thận có vai trò lọc, tái hấp thu và bài tiết acid uric dư qua nước tiểu. Nếu chúng ta có thể duy trì thói quen tốt, uống nước nhiều hơn, thì sẽ rất tốt để giúp thận lọc và thải lượng acid dư thừa ra khỏi cơ thể.

Thiếu nước không chỉ khiến thận không thải được hết acid uric ra khỏi cơ thể, nó còn làm cho suy yếu chức năng thận. Điều này khiến bệnh Gout thêm trầm trọng với các nốt Tophi. Và đối với những ai đã từng bị Gout nặng, thì nốt Tophi là một nỗi khiếp đảm. Nó gây ra những cơn đau dữ dội ở vùng khớp.

Nhìn bên ngoài, nốt Tophi giống những cục u nhỏ có màu trắng. Chúng thường xuất hiện ở dưới da, chủ yếu ở các khớp ngón tay hay ngón chân. Tình trạng thừa acid uric nặng sẽ dẫn đến sự lắng đọng muối urat và tạo thành các nốt Tophi.

Mặc dù uống ít nước không phải là thủ phạm khiến tăng acid uric, nhưng nó thật sự là yếu tố nguy cơ then chốt có thể dẫn đến bệnh Gout. Nếu chúng ta có acid uric máu cao, thì nên chú ý thay đổi thói quen uống nước, cố gắng uống nhiều nước hơn để gia tăng bài tiết acid uric. Điều này giúp cơ thể tăng cường kiểm soát tốt lượng acid uric dư thừa trong máu.

Bàn chân bị Gout và những nốt Tophi... (Pixabay)

#2. Tổn thương thận

Một vài người có tình trạng suy giảm chức năng thận, biểu hiện như tiểu microalbumin niệu, có các trị số chức năng thận bất thường, tăng creatinin, giảm độ lọc cầu thận và một số vấn đề khác về thận.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, có thể là do tình trạng bệnh mạn tính kéo dài như cao huyết áp hay tiểu đường. Tuy nhiên, không thể bỏ qua những thói quen không tốt gây ảnh hưởng đến thận. Uống ít nước hoặc không đủ nước là một trong những thói quen đó.

Có người nghĩ uống ít nước sẽ làm giảm gánh nặng cho thận, nhưng thực tế thì nên làm ngược lại. Thận là có thể phân loại các chất ở trong máu, giúp cơ thể giữ lại những chất có lợi đồng thời bài tiết chất có hại thông qua nước tiểu. Uống nhiều nước sẽ giúp pha loãng các chất độc, giảm gánh nặng chuyển hóa cho cơ thể.

#1. Làm suy yếu hệ tiết niệu

Uống quá ít nước sẽ ảnh hưởng tới hệ tiết niệu, dĩ nhiên là bao gồm cả thận. Nhưng uống quá ít nước sẽ không chỉ tác động tới thận mà còn gây nguy hiểm cho những bộ phận khác của hệ tiết niệu như bàng quang, niệu quản hay niệu đạo.

Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường sẽ giúp tăng bài tiết qua nước tiểu. Đó là thói quen tốt giúp ngăn ngừa và giảm nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu (đường tiểu).

Đây cũng là lời khuyên thường xuyên của bác sĩ khi chúng ta bị nhiễm trùng tiết niệu. Uống nhiều nước giống như một cơn lũ trong niệu quản, nó cuốn trôi vi trùng và những chất có hại ra ngoài qua nước tiểu.

(Pixabay)

Những lời khuyên của bác sĩ về việc uống nước

Nếu không có vấn đề gì về thận, thì chúng ta nên duy trì từ 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày, tương đương với khoảng từ 1 lít rưỡi đến 2 lít nước. Để cung cấp nước tốt hơn cho cơ thể, chúng ta không nên uống cùng một lúc quá nhiều nước, nên chia ra nhỏ uống nhiều lần trong ngày.

Nước đun sôi là lựa chọn tốt nhất. Nếu không quen hoặc thấy việc uống nước đun sôi đơn điệu hay nhàm chán, bạn có thể chọn nước trà loãng hay cà phê loãng để dưỡng ẩm cho cơ thể, tùy theo khẩu vị và tình trạng của mỗi người.

Lưu ý không nên sử dụng nước có nhiều đường hay muối như nước hoa quả, nước có gas, đặc biệt không nên sử dụng đồ uống có cồn như bia để cấp nước hàng ngày cho cơ thể.

Một cách khác có thể giúp người bị táo bón là tạo lập thói quen đi cầu thường xuyên. Trước khi đi đại tiện, bạn có thể uống một cốc nước mát. Sự bổ sung này giúp kích thích và tăng cường nhu động ruột.

Ngược lại, với những người mắc chứng tiểu đêm, chúng ta không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, một cốc nước sau khi thức giấc vào buổi sáng sẽ giúp bạn bổ sung lượng nước bị mất trong đêm.

Hi vọng chúng ta có thể thay đổi thói quen uống nước theo một cách tốt hơn cho sức khỏe.

Hà Thành
- Theo NTDTV Hoa Ngữ.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

5 nguy cơ sức khỏe có thể tránh được nếu uống đủ nước