5 lý do "hợp lý" khi phá thai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lựa chọn phá thai là một quyền và lựa chọn sinh con cũng là một quyền. Nếu thực hiện quyền này thì phải từ bỏ quyền còn lại. Đâu là lựa chọn đúng cho cả mẹ và con?

Đối với mỗi người phụ nữ, phá thai không phải là một chuyện dễ dàng, thậm chí vô cùng đau đớn và khó khăn. Phá thai có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như vỡ tử cung, chảy máu nhiều, tắc vòi trứng, và đau đớn nhất là vô sinh.

Ngay khi cảm nhận được bào thai, giữa người mẹ và mầm sống nhỏ cùng hình thành một sợi dây liên kết vô hình không thể nào buông bỏ. Sợi dây này nuôi dưỡng bản năng bảo vệ bào thai và bất kể những sinh mệnh nào không có khả năng tự vệ, bất chấp cả mạng sống.

Do đó, việc phá thai sẽ gây ra những tổn thương nặng nề về thể chất và thậm chí cả sang chấn tâm lý cho thai phụ. Nó ảnh hưởng theo vô số cách đến cuộc sống sau này. Hơn nữa, trực tiếp cướp đi mạng sống của một sinh linh vô tội thì luôn luôn là một điều sai trái. Vậy tại sao vẫn có người phá thai?

1. Ðể cứu sống người mẹ?

Phá thai được cho là “hợp pháp” trong trường hợp mạng sống của người mẹ bị “đe dọa”. Theo đó, bào thai không có khả năng tự vệ trở thành yếu tố tấn công mạng sống của người mang thai. Do đó, phá thai lúc này là hành vi nhằm bảo tồn mạng sống. Thực tế cho thấy, tỷ lệ trường hợp này là cực kỳ thấp, chỉ chiếm có khoảng 1/1.000 số ca phá thai - theo số liệu của Báo cáo phá thai toàn cầu.

Tình mẹ con vô cùng thiêng liêng và có thể cải biến mọi thứ. Ngay cả khi người mẹ thật sự gặp nguy hiểm, nhưng tình thương con vô bờ bến vẫn có thể cải nguy thành an. Thực tế đã có nhiều trường hợp như vậy. Điển hình như trường hợp của Tim Tebow, một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp nổi tiếng của đội bóng chày New York “Mets of Major League”.

Tim Tebow chia sẻ: “Mẹ tôi, 32 năm trước, các bác sĩ đều nói rằng bà cần phải phá cái thai trong bụng vì nếu bà không làm điều đó, bà sẽ phải trả giá bằng mạng sống của bà. Họ nghĩ đứa trẻ là một khối u. Đó là một hành trình dài và gian nan khi mẹ tôi kiên quyết không nghe lời bác sĩ và cứ cố sinh đứa trẻ ra. Khi khoảnh khắc đó tới, họ đã phát hiện ra nhau thai không bám vào thành tử cung. Vì vậy, bác sĩ đã nhìn mẹ tôi và nói: “Sau 37 năm làm bác sĩ, đây là phép màu lớn nhất tôi từng thấy”.

Những người bảo vệ sự sống cho rằng mọi sự sống đều quý giá. Không thể vì sự sống của mình mà tước đi sinh mạng của người khác, huống chi đó là con mình. Vì thế họ cho rằng dù lý do là gì đi nữa thì phá thai cũng là một hành động không thể được khuyến khích.

Sự sống còn của con trẻ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cha mẹ, gia đình và xã hội. 
Sự sống còn của con trẻ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cha mẹ, gia đình và xã hội. (lunar caustic Flickr - CC BY 2.0)

2. Tránh cho đứa bé khỏi phải chịu khổ trong tương lai?

Với lý do này, có 2 trường hợp mà thực tế xảy ra:

Trường hợp thứ nhất: nếu bác sĩ chẩn đoán đứa bé mắc một căn bệnh vô phương cứu chữa, hoặc bị dị dạng, hoặc gặp bệnh suy thoái... và căn bệnh này sẽ bộc phát ra khi đứa bé được 2-3 tuổi. Lúc này, nhiều ba mẹ có thể chọn giải pháp phá thai để đứa bé khỏi phải đau khổ trong tương lai.

Tuy nhiên, một khi việc phá thai trong trường hợp thai bị dị dạng nặng được cho phép, thì việc phá đi những bào thai dị dạng tương đối cũng sẽ có tiền lệ để “biện minh”. Dần dần, sẽ chẳng còn rào cản nào, kể cả đối với những bào thai chỉ bị dị dạng nhẹ. Đây có lẽ là câu hỏi mà chúng ta cần hỏi chính mình trước khi đưa ra quyết định.

Những bào thai bị bệnh Down thường xuyên là những đối tương ưu tiên bị chọn lọc
Những bào thai bị bệnh Down thường xuyên là những đối tương ưu tiên bị chọn lọc... (Nicole Louise Photography)

Trường hợp thứ hai: đứa bé phải sinh ra trong cảnh nghèo đói khổ sở. Nếu chắc chắn đứa bé sẽ phải chịu cảnh đói khát hoặc thiếu sự chăm sóc sức khỏe, một số người đã chọn đến giải pháp phá thai.

Nhưng thực tế, có nhiều tấm gương thành công, những vĩ nhân đều có xuất thân trong gia đình nghèo khổ. Nghèo khổ là môi trường để tôi luyện, giúp người ta vươn lên trong cuộc sống. Nếu phá thai, ngay cả cơ hội được sống trong nghèo khổ cũng không có, thì có phải là quá tàn nhẫn hay không?

Chẳng hạn như Châu Phi, nơi còn lạc hậu và nghèo đói nhưng người dân ở đây lại rất trân quý và bảo vệ sinh mệnh con người từ trong bào thai mẹ. Cô Obianuju Ekeocha là người sáng lập đồng chủ tịch của tổ chức Văn hóa Đời sống Châu Phi nói:

“Là một xã hội, chúng tôi yêu thương và chào đón các em bé. Giữa bao khó khăn và phiền não trong cuộc sống, những đứa trẻ chào đời luôn là một dấu hiệu vững chắc của niềm hy vọng”.

Hay như một ví dụ khác, cậu bé Tedros Adhanom lớn lên giữa những đồng bào châu Phi đang phải chịu cảnh khổ sở và chết chóc bởi dịch bệnh sốt rét. Cậu đã nỗ lực học hành và hiện nay đang là người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, tổ chức này cùng Liên Hiệp Quốc hiện nay đang thúc đẩy nạo phá thai trên toàn cầu.

3. Giải quyết trường hợp bị lạm dụng hoặc loạn luân?

Khi người phụ nữ bị lạm dụng tình dục hoặc có quan hệ loạn luân thì về mặt luân lý, họ không buộc phải mang cái thai đó. Đa số họ sẽ chọn giải pháp phá thai như là một biện pháp duy nhất cho trường hợp này.

Nhưng xét trên một góc độ khác, khi tiến hành phá thai - trong trường hợp người phụ nữ bị hiếp dâm - chúng ta đã trừng phạt lầm đối tượng. Thủ phạm đáng bị trừng phạt chính là kẻ hiếp dâm và chỉ một mình anh ta mà thôi. Người phụ nữ hoàn toàn vô tội và bào thai cô ta đang mang trong mình cũng hoàn toàn vô tội.

Trừng phạt bất cứ ai trong hai người, bà mẹ và bào thai, đều thật là phi luân. Trong trường hợp này, kẻ thủ ác vừa có thể xóa đi “bằng chứng thép”, vừa có thể “nhẹ gánh” trước những điều đúng đắn phải làm - đó là chăm sóc người mẹ cùng đứa con cả đời, tối thiểu là về mặt tài chính.

Nổi cộm hiện nay là tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em và ấu dâm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những nạn nhân nào phải gánh chịu hậu quả gì khi phá thai lúc quá trẻ? Phá thai tuy được được xem là giải pháp tốt nhất cho đứa trẻ bị lạm dụng, nhưng thực tế, chúng mang lại ảnh hưởng khổng lồ về sức khỏe sinh sản cũng như tinh thần về sau.

Lấy cớ để bảo vệ cho những người phụ nữ bị hãm hiếp chỉ là một lý lẽ ngụy biện của những người ủng hộ nạo phá thai. Bởi thực tế tỷ lệ nạo phá thai do hãm hiếp chỉ chiếm 1% trong tổng số các trường hợp.
Lấy cớ để bảo vệ cho những người phụ nữ bị hãm hiếp chỉ là một lý lẽ ngụy biện của những người ủng hộ nạo phá thai. Bởi thực tế tỷ lệ nạo phá thai do hãm hiếp chỉ chiếm 1% trong tổng số các trường hợp. (Pxhere)

4. Nhằm tránh dư luận xã hội?

Rất nhiều người quyết định phá thai vì không vượt qua được định kiến xã hội. Những lý do thường gặp là mang thai trước khi kết hôn, mang thai khi đang còn đang đi học, mang thai khi đã có quá nhiều con cái, vì kinh tế gia đình quá eo hẹp, nghèo túng... Dù vậy, nếu vì những nguyên nhân này thì bạn nên cố gắng khắc phục để không phải đau khổ về sau.

Cô Susan Carpenter-Mcmillan, California, từng phá thai để tránh dư luận xã hội, cô tâm sự:

Tôi biết có hàng triệu người phụ nữ dọc khắp đất nước này đồng cảm với tôi về chuyện phá thai. Tất cả chúng tôi bằng cách nào đó đều hiểu rất sâu sắc bên trong vấn đề này rằng: chúng tôi phải cô đơn khi đi đến một quyết định kinh khủng. Không có câu nói đầu môi chót lưỡi nào về việc được lựa chọn, hoặc về quyền của phụ nữ, hoặc là việc phủ nhận một ‘phôi thai sinh học’, có thể xóa tan sự thật này. Vì là những người mẹ, trong những giây phút cô đơn ấy, bằng một cách bản năng chúng tôi biết rằng chúng tôi vừa kết liễu sự sống của một con người đang lớn lên từng ngày bên trong mình”.

Việc "vá trinh tiết" có thể khiến phụ nữ cảm thấy không an toàn, đồng thời làm gia tăng nạn nạo phá thai... (Pixabay)

5. Ðể kiểm soát dân số?

Kế hoạch hóa gia đình (Planned Parenthood) là chính sách dân số nhằm kiểm soát dân số của các chính phủ. Việc lập kế hoạch khi nào nên sinh em bé được cho là mang lại lợi ích thiết thực, giúp việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được tốt hơn.

Tuy nhiên, những chính sách này sử dụng các biện pháp thậm chí đi ngược lại truyền thống và quy tắc đạo đức của nhiều dân tộc trên thế giới.

Ví dụ: tại Châu Phi có vấn đề kế hoạch hóa gia đình và việc hợp pháp hóa chính sách phá thai đang được xem xét và cân nhắc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, người dân đã có lời khẳng định mạnh mẽ:

Chúng tôi nhìn vào đứa con của mình, một đứa bé, không phải là sự gia tăng dân số, mà là một thành viên có giá trị trong cộng đồng tình yêu của chúng tôi. Phá thai là một cuộc tấn công trực tiếp vào cuộc sống và phẩm giá con người. Đây là lý do tại sao châu Phi từ chối nó”.

Logo của tổ chức Planned Parenthood bên ngoài Trung tâm Dịch vụ Sức khỏe Sinh sản ở St. Louis, Missouri, vào ngày 30/5/2019. (Nguồn ảnh: Saul Loeb / AFP / Getty Images)

Phá thai là một quyết định liên quan đến cả sức khỏe và cả đạo đức, vì thế nên cần được xem xét kỹ lưỡng ở nhiều góc độ. Dù xuất phát điểm là gì đi chăng nữa, thì phá thai vẫn là một hành động tước đoạt đi quyền sống của một sinh mệnh. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định!

Minh Sang

Tài liệu tham khảo:
[1] Abortion trong Where do you stand? của Gregory C.Higgins
[2]
Báo cáo phá thai toàn cầu



BÀI CHỌN LỌC

5 lý do "hợp lý" khi phá thai