4 nhóm máu: A, B, O và AB, nhóm máu nào khỏe mạnh hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước đây từng có một bài báo viết rằng, trong số 4 nhóm máu gồm: nhóm A, B, O và AB; những người thuộc nhóm máu O có thể sống lâu nhất, trong khi những người nhóm máu A lại có tuổi thọ ngắn nhất. Liệu điều đó đúng hay không?

Tất nhiên là không, các nhóm máu khác nhau có ưu và nhược điểm khác nhau, không có nhóm máu nào hoàn hảo hơn. Vì vậy, không quá lời khi nói rằng dù bạn thuộc nhóm máu nào thì bạn cũng đều khỏe mạnh nếu biết cách giữ gìn sức khỏe và đảm bảo một lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên, một số người nói rằng nhóm máu A không tốt vì dễ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, do đó những ai thuộc nhóm này hiếm khi sống lâu hơn. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Người nhóm máu A ở Nhật Bản khá đông, mặc dù ở quốc gia này không ít người vẫn cho rằng tuổi thọ của nhóm máu A không tốt, nhưng Nhật bản lại là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.

Một quan điểm khác liên quan đến những người thuộc nhóm máu B, theo đó, những ai mang nhóm máu này được coi là đối tượng dễ mắc bệnh béo phì và tiểu đường nhất.

Nhưng thực ra, đối với bất kỳ ai và thuộc nhóm máu nào, nếu không chú ý tuân thủ một lối sống lành mạnh, thì họ đều có thể mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, cũng có những niềm tin cho rằng, những người thuộc nhóm máu AB có cả những ưu điểm của loại A và loại B, cũng như những khuyết điểm tương ứng của họ.

Đồng thời, người thuộc nhóm máu O được coi là những người có tuổi thọ cao nhất; nhưng đổi lại, họ lại thuộc đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về hệ máu lớn nhất.

Cũng theo nhận định này, trong 4 nhóm máu, nhóm máu A có nguy cơ mắc bệnh ung thư hàng đầu trong khi nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp nhất.

Mặc dù có một số bài báo viết về mối liên hệ giữa nhóm máu và ung thư, nhưng nhìn chung, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy sự xuất hiện của ung thư có liên quan đến nhóm máu.

Tạp chí "ELife" đã công bố một nghiên cứu từ Viện Karolinska ở Thụy Điển vào tháng 4 năm 2021. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 5.1 triệu người và hơn 1.200 bệnh, nhưng những dữ liệu này cho thấy ung thư và nhóm máu không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa chúng.

Tại sao lại có các nhóm máu khác nhau?

Một người trưởng thành có khoảng 4 - 6 lít máu trong cơ thể. Máu gồm nhiều loại tế bào trôi nổi trong một dịch lỏng gọi là huyết tương.

Vào năm 1901, sau khi trộn hai nhóm máu không tương thích với nhau và xảy ra phản ứng đông kết, nhà bác học người Áo Karl Landsteiner phát hiện ra rằng nhóm máu trong cơ thể có sự khác biệt.

Khi trộn lẫn hai nhóm máu khác nhau lại, các tế bào hồng cầu bị đông kết sẽ vỡ và gây ra những phản ứng độc, từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong đối với người nhận máu.

Phát hiện của Karl Landsteiner đã mở đường cho việc tìm kiếm và lựa chọn nhóm máu phù hợp giữa người cho và người nhận; nhờ vậy, việc truyền máu từ đó được tiến hành một cách an toàn và không gây ra những rủi ro.

Vậy vì sao lại có sự khác biệt giữa các nhóm máu?

Thực tế, sự khác nhau giữa các nhóm máu phụ thuộc và sự tồn tại của các phân tử protein (các kháng nguyên và các kháng thể).

Theo đó, các kháng nguyên nằm trên bề mặt của tế bào hồng cầu, còn các kháng thể lại nằm trong huyết tương. Sự kết hợp khác nhau giữa những phân tử này hình thành nên các nhóm máu khác nhau.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

4 nhóm máu: A, B, O và AB, nhóm máu nào khỏe mạnh hơn?