2 ứng dụng hướng dẫn sơ cấp cứu hữu ích khi đi du lịch - Nhất trong là dịp Tết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những chấn thương nhỏ nếu không được sơ cứu đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên kiến thức về sơ cấp cứu thì không phải ai cũng biết...

Có lần tôi trượt chân khi bước hụt xuống thang bộ, bàn chân tôi nhanh chóng trở nên bầm tím, đau nhức và không nhấc nổi. Tôi phân vân liệu mình có nên chườm đá? Hay nên xoa dầu nóng? Hay nên mua thuốc giảm đau? Vì chẳng biết làm gì, tôi đã đi về nhà và chân trở nên sưng hơn. Ngày hôm sau, tôi mới đi khám bác sĩ. Hậu quả là phải sau hơn 2 tuần điều trị, chân tôi mới khỏi khập khiễng.

Lần đó tôi tự trách mình đã rất thờ ơ lúc được học một lớp sơ cấp cứu tai nạn khi còn là sinh viên, tôi đã quên mọi thứ thầy cô dạy. Tôi bắt đầu quan tâm đến vấn đề này nhưng nhận thấy các lớp sơ cấp cứu ngắn ngày không thể bao quát tất cả các tai nạn đơn giản diễn ra hàng ngày như côn trùng cắn, bong gân, các vết chảy máu,…

Gần đây tôi phát hiện ra rất nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh hướng dẫn về sơ cấp cứu đã có tại Việt Nam. Nếu sớm biết các ứng dụng này, chân tôi sẽ không tệ như vậy. Chẳng hạn đối với chấn thương của tôi, ứng dụng sơ cấp cứu - SSVN hướng dẫn rất đơn giản: chỉ cần nghỉ ngơi, nâng cao chân, chườm đá và dùng băng thun quấn là có thể giúp hồi phục.

1. Sơ cấp cứu – SSVN phiên bản 2.0

Hình 1: Ứng dụng sơ cấp cứu-SSVN phiên bản mới nhất tháng 12/2019 (Minh họa)

Ứng dụng này có rất nhiều ưu điểm:

  1. Đây là ứng dụng hướng dẫn SCC hoàn toàn tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam có phiên bản dùng cho cả Android và IOS.
  2. Gồm 12 tình huống thường gặp nhất trong cuộc sống như: bất tỉnh, chảy máu, bỏng, gãy xương, đột quỵ, đuối nước, nhồi máu cơ tim, điện giật, hóc, vết cắn/chích, nhiễm độc và các vấn đề liên quan đến gân, cơ hay bầm tím.
  3. Từ nhận diện các dấu hiệu, phân loại tình huống, đến cách sơ cứu trong từng trường hợp đều rất rõ ràng và ngắn gọn.
  4. Video đẹp mắt, kèm hướng dẫn bằng âm thanh là điểm đắt giá nhất của ứng dụng này. Trong tình huống người cứu nạn chỉ có một mình, hay không đủ tự tin về kiến thức, kỹ năng mà mình có thì hình ảnh và âm thanh này có tác dụng trấn an rất lớn, giúp người sơ cứu có thể bình tĩnh và thực hiện chính xác hướng dẫn.
  5. Ứng dụng có liên kết với số điện thoại 115, người dùng chỉ cần bấm gọi và thông báo chi tiết vụ tai nạn đã được hướng dẫn phía trên như: “mô tả tình trạng nạn nhân”, “địa điểm chính xác nơi xảy ra tai nạn”, số điện thoại người cứu nạn. Điều này hết sức quan trọng vì trong đa số các trường hợp nguy hiểm người SCC sẽ căng thẳng hay hoảng loạn do đó khó nghĩ ra các nội dung thông báo phù hợp.
  6. Nội dung được cập nhật mới từ hướng dẫn của Hội đồng hồi sức Châu Á (Resuscitation Council of Asia) và được phát triển bởi một nhóm các chuyên gia về SCC thuộc công ty Survival Skills Việt Nam (SSVN), đứng đầu là chuyên gia người Úc Tony Coffey, giám đốc Survivor Emergency Care (Úc).
  7. Ngoài phần “Hướng dẫn cấp tốc”, ứng dụng có phần giới thiệu các lớp học SCC do trung tâm SSVN đào tạo.

Phiên bản này hoàn toàn miễn phí, video có thể sử dụng offline. Tuy nhiên, ứng dụng không cung cấp thêm các thông tin chi tiết về bệnh hay tai nạn như định nghĩa, phân loại, cách xử trí…để người dùng có thể tìm hiểu thêm trước hay sau khi tai nạn.

2. Sơ cứu – IFRC

Ứng dụng Sơ cứu - IFRC là ứng dụng chính thức của Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - là một tổ chức có uy tín trên thế giới ra đời từ năm 1863.

Hình 2: ứng dụng Sơ cứu - IFRC (Minh họa)
Ưu điểm:
  1. Nội dung ứng dụng được hoàn thiện dựa trên chương trình “Everyday First Aid” được phát triển bởi Hội chữ thập đỏ Anh Quốc.
  2. Cung cấp kiến thức cơ bản về tai nạn hay bệnh lý thông thường trong cuộc sống như dị ứng, côn trùng cắn/đốt, thở khó, bỏng, co giật/ động kinh, bong gân/căng cơ, dị vật đường thở, suyễn, ngộ độc, đột quỵ, bất tỉnh, chảy máu, hạ thân nhiệt, chấn thương đầu, nhồi máu cơ tim, sốc nhiệt, chấn thương tâm lý, viêm màng não (Phần “Learn”).
  3. Hướng dẫn xử trí trong tình huống cấp cứu có kèm video khiến việc học hay áp dụng vào các tình huống sơ cấp cứu trở nên dễ dàng hơn (Phần “Emergency”).
  4. Hướng dẫn cách phòng ngừa và ứng phó với các tình huống nguy hiểm xảy ra do con người hay thiên tai như cháy, lũ lụt, dịch cúm, vấn đề an toàn thực phẩm, đợt nắng nóng, lốc xoáy, sóng thần… (Phần “Prepare” ). Những hướng dẫn này rất cụ thể và đơn giản. Ví dụ khi đang có dịch cúm bạn nên ở nhà, theo dõi thông tin cập nhật về vụ dịch từ chính quyền và những nhân viên y tế. Để phòng ngừa dịch cúm bạn nên rửa với xà phòng và nước/ rửa tay nhanh bằng cồn, tránh tiếp xúc với người bệnh, che miệng và mũi khi ho hay hắt xì...
  5. Tính năng kiểm tra những thông tin mà người dùng đạt được sau đào tạo bằng checklist (Phần “Test”) làm người dùng hứng thú hơn trong việc học tập.
  6. Ứng dụng cung cấp các số điện thoại cấp cứu của các quốc gia trên toàn cầu giúp ích cho người du lịch thuận tiện sử dụng khi ra nước ngoài (Phần “More”). Ví dụ ở Việt Nam số điện thoại cấp cứu là 115, ở Afghanistan là 112, ở Canada, Mỹ đều là 911…
  7. Có thể cài đặt trên cả điện thoại có hệ điều hành Android và IOS.

Hạn chế:
  • Được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh dù đa số các thuật ngữ y khoa được dùng là thông dụng đối với các gia đình có cha hay mẹ là người nước ngoài, các bạn sinh viên, giới trí thức, các bác sĩ làm ở lĩnh vực không có chuyên môn sơ cấp cứu…
  • Có một số thuật ngữ y khoa ít thông dụng.
  • Một điểm trừ nữa của ứng dụng là nếu không có mạng di động (Wifi/4G), người dùng chỉ có thể đọc các hướng dẫn mà không thể xem video.

Ngoài 2 ứng dụng kể trên, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều ứng dụng SSC khác trên CH Play hay Apple Store. Thêm vào đó, các hướng dẫn trên Youtube cũng là một kênh thông tin cung cấp nhiều kiến thức hữu ích về SCC.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tất cả các ứng dụng chỉ có tính chất tham khảo trước, trong và sau tình huống nguy hiểm chứ không thay thế các lớp học SCC chính thức và điều trị y tế chuyên nghiệp cũng như kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp từ các Trung tâm cấp cứu trong hệ thống quốc gia.

Thiện Đức (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:



BÀI CHỌN LỌC

2 ứng dụng hướng dẫn sơ cấp cứu hữu ích khi đi du lịch - Nhất trong là dịp Tết