10 điều sẽ xảy ra với cơ thể nếu bạn ăn quá nhiều đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối với sức khỏe, ăn nhiều đường ‘hại nhiều hơn lợi’. Nó gây ra các nếp nhăn trên khuôn mặt, gây rối loạn chuyển hóa, và gây ra cả bệnh tiểu đường. Đôi khi, nó trầm trọng như nghiện ma túy vậy...

Đường có vị ngọt ngào khó cưỡng. Cùng với sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp bánh kẹo và nước ngọt giải khát, đường hấp dẫn mọi lứa tuổi với vô số sản phẩm. Bên cạnh đó, tác hại của nó nhiều khi bị giấu kín khiến con người ngày càng ăn nhiều đường.

Tại Việt Nam, vào năm 2017, báo cáo của ngành đường cho biết một người Việt mỗi ngày tiêu thụ trung bình khoảng 46,5g đường, tương đương ~17kg đường/năm. Tuy con số này thua xa Mỹ, nhưng cũng gần gấp đôi khuyến nghị từ WHO. Hơn nữa, con số này chưa được cập nhật công khai trong những năm gần đây.

Hấp thụ quá nhiều đường sẽ gây hại cho sức khỏe chúng ta theo nhiều cách, từ việc giúp phát triển các nếp nhăn trên khuôn mặt, đến gây rối loạn chuyển hóa, rồi còn dẫn đến bệnh tiểu đường, đôi khi, nó còn trầm trọng như nghiện ma túy.

Vậy, làm cách nào để chúng ta biết rằng mình đang ăn quá nhiều đường? Dưới đây là 10 dấu hiệu giúp bạn phát hiện và nhận ra: đã đến lúc mình cần kiểm soát lượng đường tiêu thụ.

1.Thường xuyên bị đói

Rất nhiều người không thể dừng khi cơn “thèm ăn đường” xuất hiện. Cơ chế hoạt động gây ra cơn thèm đường cũng giống như “thèm thuốc”.

Khi ăn đường, não gây ra cho bạn một ảo giác thoải mái. Tuy nhiên, để cảm nhận ảo tưởng đó một lần nữa, bạn phải ăn đường nhiều hơn. Bạn lại muốn có cảm giác đó một lần nữa, thì bạn sẽ phải ăn thêm nhiều đường hơn nữa. Cứ vậy, càng ăn nhiều đường bạn càng thèm và chu trình cứ tiếp tục lặp đi lặp lại.

May mắn thay, chúng ta có thể đánh bại cơn thèm đường và cả thói quen ăn vặt không lành mạnh. Bằng cách ăn những thực phẩm giúp no lâu - ví dụ như chuối, các loại đậu, yến mạch, bạn sẽ có thể cắt cơn thèm đường. Ngược lại, kem, bánh quy, và khoai tây chiên chỉ khiến bạn càng thèm đường hơn.

Chú ý: Cơ thể có một cơ chế tự nhiên “chống hảo ngọt”. Khi bạn ăn quá nhiều chuối hay sử dụng quá nhiều mật ong, cơ thể sẽ khó chịu và bạn sẽ chủ động dừng lại. Đường tinh luyện và chất làm ngọt nhân tạo sẽ phá hủy cơ chế này.

Đường tinh luyện tuy cũng ngọt ngào như đường thật, nhưng nó ẩn chứa nhiều nguy hiểm tinh vi cho sức khỏe của chúng ta... (Pixabay)
2. Thực phẩm không có vị ngọt như trước

Ăn quá nhiều đường sẽ phá hủy vị giác của bạn, làm giảm sự nhạy cảm đối với đồ ngọt của bạn. Một khi vị giác đã quen với đường (nhân tạo), các thực phẩm có đường dường như sẽ không đủ ngọt nữa. Bạn sẽ bắt đầu thèm khát một loại thực phẩm ngọt ở cấp độ cao hơn.

Điều này cũng không khó để khắc phục, bạn chỉ cần giảm bớt lượng đường tiêu thụ. Khi mới bắt đầu sẽ rất khó, nhưng một khi thành công, bạn sẽ giảm được mức dung nạp và cảm thấy hài lòng với lượng đường ở mức khuyến nghị.

3. Nhiều nếp nhăn xuất hiện

Tuổi tác không chỉ là nguyên nhân duy nhất khiến dạ bạn chảy xệ, hoặc xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn, vết chân chim. Những biểu hiện này cũng có thể là hậu quả của việc ăn nhiều đường quá mức.

Khi ăn quá nhiều đường, các phân tử đường dư thừa sẽ tự gắn vào các sợi collagen và cuối cùng khiến collagen mất đi sức mạnh và tính linh hoạt.

Chú ý: Có rất nhiều loại hoa quả dùng để dưỡng da và chỉ có chứa một lượng nhỏ đường. Bạn hãy thử tìm hiểu!

Vitamin C có trong cam là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại tác hại của ánh nắng Mặt trời. (Ảnh: Pixabay)
Hoa quả thì ngược lại, chống oxy hóa và chống lão hóa rất tốt, khác với đường nhân tạo (Pixabay)
4.Thường xuyên mệt mỏi

Bạn có từng tự hỏi: tại sao mình lại muốn chợp mắt một lúc vào buổi chiều sau khi đã ăn một món gì đó khoái khẩu? Nếu bạn muốn đi ngủ sau khi ăn một món gì đó “ngọt ngọt”, hoặc buộc phải có một tách cà phê để tiếp tục công việc sau khi thỏa mãn dạ dày, thì đó có thể là do lượng đường trong máu đã dao động.

Ăn quá nhiều đường làm giảm hoạt động của orexin, một hóa chất giúp cho não bộ tỉnh táo. Chất này có liên hệ mật thiết tới khả năng “chìm vào giấc ngủ” và “thức dậy”. Lượng đường huyết chất sẽ làm giảm khả năng hoạt động của những peptit orexin này. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và thậm chí ngủ dậy bị sai giờ.

Chú ý: Trong cà phê hòa tan ngày nay cũng có thể chứa đường tinh luyện, dù ít hay nhiều.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta không nên uống quá 3-5 tách cà phê hòa tan mỗi ngày... (Pixabay)
5.Tăng cân

Không có gì ngạc nhiên khi ăn quá nhiều đường khiến bạn tăng cân. Đường không có chất xơ và protein, do đó nó không mang lại cảm giác no nhưng lại dẫn tới trạng thái thèm đường nhiều hơn. Chúng ta càng ăn nhiều đường, chúng ta tiêu thụ càng nhiều calo.

Đường kích hoạt giải phóng insulin, chất giúp vận chuyển đường tới các cơ quan nội tạng để được sử dụng làm năng lượng. Do đó, tiêu thụ quá nhiều đường gửi một thông điệp tới cơ thể để sản xuất nhiều insulin hơn, điều này lấn át tuyến tụy và gây ra tình trạng kháng insulin theo thời gian. Đề kháng insulin liên quan tới tăng cân, tiểu đường cũng như béo phì.

Chú ý: Đường tự nhiên có trong mía và nhiều loại hoa quả đều có chứa rất nhiều chất xơ và khoáng chất - vừa giúp bổ sung khoáng và chất xơ, vừa cân bằng lượng đường được tiêu thụ.

6.Dễ bị khát nước

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao ăn kem lại khiến chúng ta cảm thấy khát hơn, muốn ăn kem hơn, kem phần lớn là nước cơ mà?

Nguyên nhân là do khi ăn quá nhiều đường, hoặc các thực phẩm chứa lượng đường cao như kem, nó sẽ khiến lượng đường trong máu bị bão hòa. Theo đó, cơ thể sẽ gửi thông điệp tới não bộ để yêu cầu bổ sung thêm nước. Hiển nhiên, bạn sẽ khát hơn. Vì vậy, thay và uống đồ ngọt, tốt nhất hãy chọn nước trắng hoặc trà không có đường.

Đồ uống có chứa đường nhân tạo có thể đem đến nhiều tác hại cho sức khỏe của chúng ta về lâu dài... (Pixabay)
7.Thường xuyên đi vệ sinh

Khi có quá nhiều đường trong máu, thận sẽ phải làm việc vất vả hơn để thải đường ra khỏi cơ thể. Nếu thận không thể thải được hết đường, cơ thể buộc phải pha loãng máu để điều chỉnh lượng đường huyết - bằng cách lấy nước từ các mô cơ thể. Sau đó, đường theo nước sẽ bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.

Điều này khiến cơ thể mất nước, gây cảm giác khát cũng như đi vệ sinh nhiều hơn, một vòng lặp luẩn quẩn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ thích ăn đường.

Chú ý: Đường tự nhiên vốn là nguồn bổ sung nước cho cơ thể. Hầu hết các loại hoa quả đều chứa vô cùng nhiều nước, kể cả mật ong cũng chứa một lượng nước rất phù hợp.

Đường nhân tạo có thể khiến bạn uống nhiều nước và mắc kẹt trong nhà vệ sinh khi về già... (Pixabay)
8. Bạn không thể tập trung

Ăn quá nhiều đường thực sự có thể gây ra tác động tiêu cực đến tâm trí và cảm xúc. Đường tạo ra các gốc tự do trong màng não, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của các tế bào thần kinh với nhau. Điều này thường xuyên tạo cho não cảm giác lú lẫn hoặc khiến tâm trí bị trống rỗng.

Một cách khác mà đường ảnh hưởng tới khả năng tập trung là do khả năng gây nghiện. Khi ăn quá nhiều đường, não tạo cho chúng ta ảo giác thoải mái, đòi hỏi ăn nhiều đường hơn nữa trong những lần sau. Khi cố gắng chống lại cơn nghiện đường, dòng suy nghĩ bị ngắt quãng, và bạn thật khó khăn để toàn tâm toàn trí nghĩ đến công việc.

9.Tâm trạng lâng lâng

Những người ăn quá nhiều đường dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn của việc ăn uống vô độ, dopamine tăng đột biến, suy sụp tinh thần mạnh mẽ, và sau đó là cảm giác thèm ăn và cai nghiện.

Kết quả là, chúng ta có tính nóng nảy hơn, ít kiên nhẫn hơn và thậm chí cảm thấy bị trầm cảm. Thật tồi tệ là, đường có thể làm suy giảm khả năng của cơ thể phản ứng lại với căng thẳng, thứ có thể gây ra lo lắng và ngăn cản bạn giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nó.

Chú ý: Đường tinh luyện hoặc chất làm ngọt nhân tạo rất sẵn có và là thủ phạm của vấn đề này. Các thứ đường trong tự nhiên thì ngược lại.

Đôi khi, hay than phiền có thể là hậu quả của việc sử dụng quá nhiều đường... (PR Image Factory/Shutterstock)
10.Đau cơ và khớp

Tiêu thụ lượng đường lớn có thể góp phần gây đau khớp và cứng khớp. Khi đó, đây không còn là chuyện có thể đùa cợt được nữa. Nó xảy ra khi đường liên kết với protein để hình thành các sản phẩm glycat hóa bền vững (đôi khi còn gọi là glycosyl hóa không nhờ enzyme) (AGEs). Những hoạt chất này phá hủy tế bào trong cơ thể bằng cách tăng tốc quá trình oxy hóa và làm rối loạn hoạt động bình thường của tế bào.

AGEs được tin rằng đóng một vai trò chủ chốt trong lão hóa cũng như gây ra các bệnh mãn tính liên quan đến quá trình lão hóa. AGEs hình thành trong các mô khớp gây ra sự thay đổi trong sụn khớp, khiến sụn dễ bị tổn thương hơn và phát triển thành thoái hóa khớp.

Hà Thành
- Theo ET tiếng Anh.



BÀI CHỌN LỌC

10 điều sẽ xảy ra với cơ thể nếu bạn ăn quá nhiều đường