Ý kiến chuyên gia: Đại dịch có thể làm 'chao đảo' mối quan hệ đối tác giữa Phố Wall và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự nghi ngờ ngày càng gia tăng đối với việc chính quyền Trung Quốc xử lý đại dịch có thể sẽ thúc đẩy Phố Wall phải suy nghĩ lại về các giao dịch với Trung Quốc, theo ông Kyle Bass, một nhà quản lý quỹ phòng hộ.

Việc Bắc Kinh che giấu dịch bệnh ở Trung Quốc, báo cáo thấp số ca lây nhiễm và tử vong, cũng như chiến dịch bóp méo thông tin nhằm đánh lạc hướng dư luận về đại dịch đã làm dấy lên sự tức giận ở tất cả các giai tầng của xã hội.

Những người dân Mỹ bình thường bắt đầu hiểu rằng “chính phủ Trung Quốc không đáng tin cậy, họ không phải là bạn của chúng ta, và họ có thể được coi là kẻ thù không đội trời chung của chúng ta”, ông Bass, người sáng lập công ty quản lý tài sản Hayman Capital Management có trụ sở tại Dallas, gần đây đã nói với The Epoch Times như vậy trong chương trình Tư tưởng của những nhà lãnh đạo Mỹ”.

Và sắp tới, mối quan hệ của Phố Wall với Trung Quốc “cũng sẽ phải thay đổi. Và tôi nghĩ rằng nó đang xảy ra ngay từ bây giờ rồi”, ông nói.

Tách rời về tài chính?

Khi đại dịch tiếp tục làm gia tăng thiệt hại về nhân mạng và kinh tế trên toàn thế giới, thì ngày càng nhiều quốc gia và khu vực đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với chế độ cộng sản Trung Quốc.

Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã buộc các công ty phải xem xét giảm sự phụ thuộc vào “công xưởng” Trung Quốc, và đẩy nhanh quá trình “thoát” Trung.

Khi mà virus corona Vũ Hán đang gây ra sự tàn phá đặc biệt nghiêm trọng trên khắp các vùng đông bắc Hoa Kỳ - với New York và New Jersey là hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ - thì người dân, các tổ chức và chính phủ ở các khu vực đó nên nhận ra một sự thật rằng sự lây lan trên toàn cầu của virus chính là do chính quyền Trung Quốc đã che đậy dịch bệnh, theo ông Heng He, một nhà bình luận về Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

“Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không nói dối, và báo cáo một cách trung thực tình hình dịch bệnh... thì có lẽ nó đã được ngăn chặn ngay trong nước Trung Quốc”, ông Heng nói với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các tổ chức tài chính của Mỹ có sẵn sàng tách rời khỏi chính quyền Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng hay không.

“Phố Wall đã luôn luôn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, bơm máu cho nền kinh tế Trung Quốc”, ông Frank Xie, phó giáo sư tại Trường Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina, nói với The Epoch Times.

Ông Xie nói rằng những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm mở cửa ngành tài chính trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng kể từ cuộc chiến thương mại 2018 có nghĩa là Phố Wall sẽ không muốn rời Trung Quốc quá sớm. Morgan Stanley và Goldman Sachs vào tháng 3 đã trở thành các ngân hàng nước ngoài mới nhất nhận được sự chấp thuận theo quy định của Trung Quốc để có cổ phần đa số trong công ty liên doanh chứng khoán của họ tại Trung Quốc.

Miếng bánh của thị trường Trung Quốc

Trước đó, mặc dù chính quyền Trung Quốc đã không thực hiện cam kết mở cửa ngành ngân hàng khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, nhưng các ngân hàng nước ngoài “vẫn làm việc chăm chỉ để giành được một miếng bánh của thị trường Trung Quốc”, ông Xie nói.

Ông lưu ý rằng các ngân hàng Phố Wall đã giúp nhiều công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Tính đến tháng 9 năm 2019, đã có 172 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch lớn của Mỹ với vốn hóa thị trường hơn 1 nghìn tỷ USD, theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung.

Đồng thời, một số công ty phương Tây đã tuyển dụng người thân của các quan chức Trung Quốc trong nỗ lực giành chiến thắng trong kinh doanh tại quốc gia này, giáo sư Xie cũng lưu ý. JPMorgan Chase năm 2016 đã đồng ý nộp phạt 264 triệu USD sau khi tuyển dụng người thân và bạn bè của các quan chức cấp cao Trung Quốc để có quyền tiếp cận với các giao dịch ngân hàng - một hành vi vi phạm luật hối lộ của Mỹ. Credit Suisse và Deutsche Bank cũng đã phải trả khoản tiền phạt lớn cho các cơ quan quản lý của Mỹ cho các hoạt động tương tự.

Các vụ gian lận kế toán tại các công ty Trung Quốc, với vụ bê bối cao cấp mới đây nhất của công ty Luckin Coffee được niêm yết tại Mỹ, cũng không ngăn cản được các công ty đầu tư, ông Xie cho biết.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng họ biết rất nhiều công ty [Trung Quốc] là lừa đảo, rằng rất nhiều công ty không tuân thủ các quy tắc tài chính, quy tắc báo cáo và quy tắc kế toán. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư trừ khi có những công ty như Muddy Waters tiết lộ những hành động sai trái của họ”.

Đầu tháng 4, cổ phiếu của Luckin Coffee đã sụp đổ sau khi thương hiệu đồ uống Trung Quốc này nói rằng một cuộc điều tra nội bộ cho thấy giám đốc điều hành của công ty đã làm sai lệch doanh thu năm 2019 khoảng 310 triệu USD. Vào tháng 1, người bán ngắn Muddy Waters Research cho biết họ sẽ đặt cược vào cổ phiếu, dựa trên một báo cáo rằng công ty Luckin Coffee đang phạm tội lừa đảo.

Trang web phát trực tuyến video Trung Quốc iQiyi gần đây cũng bị công ty nghiên cứu tài chính Wolfpack Research cáo buộc đã “thổi phồng” doanh thu năm 2019 thêm 1,1 tỷ USD lên thành 1,9 tỷ USD.

Mắt nhắm mắt mở

Ông Bass đã lên án các công ty tài chính và các doanh nghiệp Mỹ về việc họ đã phớt lờ các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc khi theo đuổi thị trường của đất nước này.

“Bạn có thể tưởng tượng nếu bạn giải thích với ai đó rằng bạn đang kinh doanh với một chế độ có hơn một triệu tù nhân lương tâm bị giam giữ, và đang thực hiện việc mổ cướp nội tạng trực tiếp trên quần thể tù nhân chính trị này hàng ngày?” ông đưa ra câu hỏi, đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn cho hành vi giết hại các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, để thu hoạch nội tạng của họ và bán trên thị trường cấy ghép.

“Thế mà những công ty như Blackstone lại không thể chờ đợi được để đầu tư thêm một đô-la nữa vào Trung Quốc”, ông Bass nói tiếp.

"Bạn biết tại sao không? Bởi vì họ đã để đồng tiền làm họ mù quáng... trước những vi phạm nhân quyền trắng trợn của một trong những chế độ độc tài nhất từng tồn tại. Thật là điên rồ”.

Hành động của Mỹ

Bước đầu tiên để khắc phục tình trạng này là làm cho các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phải mở sổ kiểm toán của họ cho các cơ quan quản lý của Mỹ, ông Bass nói. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đang ngăn chặn SEC (Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ) hoặc các cơ quan quản lý của Mỹ kiểm tra các giấy tờ làm việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc, nói rằng chúng có chứa “bí mật nhà nước”.

“Bất kỳ công ty nào muốn niêm yết tại Mỹ - dù là từ Trung Quốc hoặc từ bất kỳ nơi nào khác trên thế giới - bạn phải tuân thủ kiểm toán thực tế giống như các công ty Mỹ đang làm, bạn phải tuân thủ các tiêu chuẩn giống như các công ty được niêm yết ở Mỹ”.

“Hãy san bằng sân chơi - chỉ có như vậy mới không bị trừng phạt”.

Tháng 6 năm ngoái, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã giới thiệu các dự luật cho Thượng viện và Hạ viện để buộc các công ty Trung Quốc và các công ty nước ngoài niêm yết tại Mỹ cần phải tuân thủ các quy định công khai tài chính của Mỹ, hoặc nếu không thì sẽ không được niêm yết nữa.

Các quỹ hưu trí công của Hoa Kỳ cũng đang được tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các quỹ đang hỗ trợ cho quân đội, gián điệp và vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Một nhóm các nhà lập pháp được đưa tin là đang vận động chính quyền Trump cấm Hội đồng Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang, quỹ hưu trí chủ yếu của các nhân viên chính phủ liên bang, không được theo dõi một chỉ số do MSCI điều hành có bao gồm các cổ phiếu có trụ sở tại Trung Quốc, do những cổ phiếu này đang bị Washington điều tra.

Trong những năm gần đây, các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu như MSCI và FTSE đã thêm chứng khoán Trung Quốc vào các chỉ số thị trường toàn cầu và mới nổi của họ, cho phép hàng tỷ đô la đầu tư của Hoa Kỳ chảy vào các cổ phiếu Trung Quốc.

Một trong số các công ty có trong chỉ số của MSCI là nhà sản xuất thiết bị giám sát Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision của Trung Quốc, được đưa vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ năm ngoái vì công nghệ của nó đã được sử dụng để đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương nằm ở phía tây Trung Quốc.

Chỉ số này cũng bao gồm Công ty TNHH Công nghệ và Công nghiệp AviChina được niêm yết tại Hồng Kông. Đây là công ty niêm yết của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. AVIC và các công ty con của nó phát triển hệ thống máy bay và vũ khí cho quân đội Trung Quốc.

“Thật là điên rồ khi các nhân viên quân đội và liên bang của chúng ta lại đang gián tiếp đóng góp cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc - và điều tồi tệ hơn là gần như tất cả họ hoàn toàn chẳng biết gì về tình huống này”, đại biểu Mike Waltz (R-Fla.) cho biết trong một tuyên bố vào ngày 24 tháng 4.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ý kiến chuyên gia: Đại dịch có thể làm 'chao đảo' mối quan hệ đối tác giữa Phố Wall và Trung Quốc