Ý có thể là mắt xích đổ vỡ đầu tiên trong EU do khủng hoảng từ Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khối nợ công ngày một lớn, hệ thống ngân hàng thương mại yếu kém, thất nghiệp cao, tăng trưởng âm… đã khiến Ý trở thành “bóng ma” kinh tế ám ảnh cộng đồng chung châu Âu (EC). Lần này dịch Covid-19 lan rộng tại nền kinh tế đang đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc khiến lo ngại vỡ nợ công có thể trở thành hiện thực.

Theo quy mô GDP năm 2019 (số liệu ước tính của IMF), Ý là nền kinh tế lớn thứ 8 của thế giới và thứ 3 châu Âu.

Hơn 10 năm sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008-2009, nền kinh tế Ý dường như chưa bao giờ thoát khỏi bóng ma khủng hoảng, GDP tăng trưởng âm trong nhiều năm, các ngân hàng cần tới hàng chục tỷ EURO để giải cứu, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2 con số, chính trị bất ổn và các chính sách “dân túy” làm nợ công gia tăng chóng mặt mà không mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể… Ý sớm trở thành “bóng ma” kinh tế ám ảnh cả khối EU trong 3 năm qua. Khác với các thành viên còn lại của G7, Ý xoay trục niềm tin hướng vào Trung Quốc với nhiều kỳ vọng từ dự án Vành đai - Con đường (BRI)...

Nợ công của Ý có thể gây rủi ro cho cả khu vực EU: nợ công phình to trong khi GDP tăng trưởng tệ hại, tỷ lệ thất nghiệp cao 9,8-12%

Từ năm 2017 tới nay, các nhà lãnh đạo trong khối cộng đồng chung châu Âu cũng như các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) liên tiếp cảnh báo rủi ro đổ vỡ nợ công của Ý.

Nợ công năm 2019 của Ý đã lên tới 134,8% GDP, gấp đôi mức trần nợ công theo quy định của EU là 60%. Không chỉ rủi ro ở tỷ lệ, nợ công của Ý rủi ro ở khối lượng nợ và chất lượng nợ tồi tệ. Xét về con số tuyệt đối, nợ công của Ý hiện ở mức 2,4 nghìn tỷ euro tương đương với tổng nợ công của cả Pháp và Đức, cao hơn cả tổng nợ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland – 4 nước từng phải nhận giải cứu. So với quy mô GDP, nợ công của Ý luôn ở mức cao trên 100% (những năm 2000) và 120% trong thập kỷ 90. Tuy nhiên, giai đoạn đó GDP của Ý tăng trưởng tốt, thâm hụt ngân sách ở mức hợp lý nên có khả năng trả nợ.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm và tỷ lệ nợ công/GDP của Ý (Nguồn: Trading Economics)

Hình trên cho thấy kể từ sau khủng hoảng cho tới nay, GDP của Ý nhiều năm tăng trưởng âm trong khi khối nợ công không ngừng mở rộng. Tỷ lệ thất nghiệp của Ý trong thập kỷ qua duy trì ở mức 9,8-12%, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đặc biệt cao, hiện ở mức 28%.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thậm chí còn đề xuất biện pháp phạt những nước thành viên của EU đang ngập trong nợ nần, nhấn mạnh vào tình trạng kinh tế tiêu cực của Ý. Ông Kurz ngày 6/5/2019 đã nói với tờ La Stampa của Ý rằng các biện pháp như vậy sẽ ngăn chặn việc Ý trở thành một "Hy Lạp thứ hai" do các chính sách thiếu trách nhiệm về nợ. Ông cho rằng đó là cách duy nhất để Ý không đặt toàn bộ khu vực đồng tiền chung trước rủi ro.

Thâm hụt ngân sách của nước này tăng mạnh năm 2018 kể từ khi liên minh cầm quyền lên nắm quyền vào tháng Sáu năm 2018, vì thực hiện các cam kết bầu cử về việc chi tiêu "mạnh tay", bao gồm cắt giảm thuế và các khoản hỗ trợ thu nhập hào phóng. Năm 2019, GDP tăng trưởng dương trở lại, dù rất thấp ở mức 0,3% đã làm giảm mức thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách giảm còn nhờ Chính phủ Ý nhiệt liệt chào đón dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc thay vì tăng vay nợ chính phủ qua dự án Vành đai - Con đường nhiều tranh cãi.

Trước dịch Covid-19, Chính phủ Ý đã chi hàng chục tỷ EUR để giải cứu nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) trong hệ thống

Gần đây nhất, cuối năm 2019, để giải cứu ngân hàng thương mại Popolare di Bari, chính phủ Ý đã phải chi tới 900 triệu euro. Kể từ năm 2015, chính phủ Ý, với sự hỗ trợ từ các ngân hàng khỏe hơn trong hệ thống, đã chi tới 20 tỷ euro để cứu trợ và ổn định hệ thống ngân hàng nhiều rủi ro. Trong hầu hết các đợt giải cứu, các chính trị gia đổ lỗi cho sự điều tiết yếu kém của Ngân hàng Trung ương Ý và Thống đống Ignazio Visco. Cả hai luôn từ chối trách nhiệm (theo Reuters).

Đáng lưu ý là, khủng hoảng ngân hàng Popolare di Bari diễn ra bởi ngân hàng này đã phải mua lại đối thủ gặp khó khăn là ngân hàng thương mại mang tên Tercas vào năm 2014. Việc tiếp quản ngân hàng yếu kém hơn được ủy quyền bởi ngân hàng trung ương nhưng tiếp tục làm suy yếu Pop Bari do gánh nặng nợ xấu gia tăng. Thực tế, nợ xấu được chứng khoán hóa và Popolare đã mua lại (theo Financial Times). Đổi lại, Popolare được hưởng lợi từ bảo lãnh của chính phủ đối với một số chứng khoán. Thực tế, bảo lãnh chính phủ được tính vào nợ công. Đây cũng là lý do Ý khó có thể giảm nợ công.

Bằng cách này, nợ xấu của ngân hàng Tercas trở thành vốn cổ phần của ngân hàng Popolare di Bari. Nhìn tổng quan, nợ xấu biến mất khỏi bảng cân đối chỉ bằng một thủ thuật chính sách nhỏ. Nhưng thực tế, nợ xấu vẫn nằm đó, trở thành cục máu đông của hệ thống tài chính, làm tăng giá vốn cho nền kinh tế, làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp do chi phí tăng… Cách làm này giống hệt với cách xử lý nợ xấu của của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) năm 2015-2016: chứng khoán hóa nợ xấu và buộc các NHTM lớn mua lại.

Bari là một phần của làn sóng can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng Ý năm 2019, thời điểm mà chính phủ các cường quốc châu Âu đã cố gắng loại bỏ các gói cứu trợ. Không chỉ Popolare, năm 2019, chính phủ Ý cho biết họ sẵn sàng cam kết tiền để giải cứu một ngân hàng khác nữa trong hệ thống là Banca Carige; chứng khoán hóa của ngân hàng này đáo hạn vào năm 2037 đã liên tiếp bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro gia tăng.

Ý tha thiết tham gia Vành đai - Con đường: công cụ để Trung Quốc tạo bẫy nợ và lan tỏa “kinh tế tham nhũng” toàn cầu

Trong bối cảnh chật vật với tăng trưởng, nợ công phình to do giải cứu NHTM và chạy theo chính sách “dân túy”, khả năng vay nợ của chính phủ Ý hiển nhiên bị suy giảm trên thị trường quốc tế. Gần đây nhất, 2 hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm lớn nhất toàn cầu là S&P và Fitch Rating đã đánh giá Ý với triển vòng tiêu cực và chưa có thay đổi đánh giá này kể từ năm 2018, Moody’s đánh giá ở mức cần theo dõi thêm.

Dễ hiểu tại sao Ý, khác với các nước G7, lại tha thiết gia nhập chương trình Vành đai - Con đường (BRI) nhiều tranh cãi của Trung Quốc. Tình hình kinh tế và chính trị của Ý là nguyên nhân châm ngòi cho việc nước này đi ngược lại quan điểm chung với các nước G7 và châu Âu. Các quốc gia này đều giữ quan điểm nghi ngờ về BRI trong bối cảnh lo ngại về sự minh bạch cũng như việc Trung Quốc kiểm soát các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Andrea Colli, giáo sư kinh tế tại Đại học Bocconi, cho biết, xét về thời điểm chính trị thì việc Ý tham gia BRI là "khá phù hợp" bởi "thái độ mơ hồ và quan điểm đối nghịch của họ đối với EU".

Theo một phân tích của Cafef năm 2019, những nguồn vốn dù rủi ro trong dài hạn với Ý nhưng trước mắt vẫn hấp dẫn đối với một nền kinh tế vẫn chưa hồi phục đến giai đoạn tiền khủng hoảng từ hơn 1 thập kỷ trước và thậm chí quá trình này còn bị đình trệ. Đầu tư cơ sở hạ tầng của Ý vẫn là 40%, dưới mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính và một nửa các thành phố đều báo cáo về sự chênh lệch giữa các khoản đầu tư trong 5 năm, trong đó khoảng chênh lệch lớn nhất là về giao thông đô thị.

Chưa kịp trám lại những kẽ nứt đầy rủi ro trong hệ thống NHTM cũng như mô hình tăng trưởng, ngay đầu năm 2020 Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và sau đó đã nhanh chóng lan rộng tại Ý.

Với 45 di sản văn hóa thế giới (chiếm 10% số lượng di sản văn hóa của châu Âu và 5% di sản văn hóa của thế giới), Ý là quốc gia nổi tiếng thế giới về du lịch, có nhiều công trình lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo có giá trị nổi bật. Ý là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số lượng khách du lịch nhưng hiện đang hoang vắng khi nước này trở thành một trong những trung tâm lây nhiễm virus Corona trên toàn cầu với gần 6.000 người nhiễm và 233 người đã tử vong (số liệu ngày 8/3/2020).

Rất có thể, virus Corona sẽ trở thành “thiên nga đen” không chỉ với Ý mà với cả châu Âu nếu mắt xích kinh tế yếu nhất này của EU sụp đổ.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Ý có thể là mắt xích đổ vỡ đầu tiên trong EU do khủng hoảng từ Covid-19