Vượt mặt Mỹ? Con đường còn rất xa với Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vật đổi sao dời, các thế lực nổi lên rồi lại chìm xuống, phục hưng và suy vong, thành và bại... vốn là quy luật tuần hoàn của lịch sử. Nếu nước Mỹ có thêm những vị tổng thống như Barack Obama, Joe Biden vài nhiệm kỳ nữa thì chúng ta có thể sẽ sớm chứng kiến một vòng tuần hoàn mới của quyền lực. Nhưng liệu ngôi vương quyền lực có về tay Trung Quốc? Trung Quốc có thể rất mạnh, nhưng nó còn quá xa để vượt được Mỹ và nó có thể tự đổ vỡ, tự suy nhược trước khi chạm tới chân ghế của ngai vàng...

Trung Quốc là số một. Hầu hết mọi người đều cho là như vậy trong tương lai. Hoa Kỳ đang suy tàn, đế chế của họ đang sụp đổ dưới sức nặng của tham vọng chủ nghĩa toàn cầu, thứ làm Mỹ nhanh chóng suy yếu, trong khi dâng hiến của cải và quyền lực cho Trung Quốc. Mỹ có thể lụi tàn giống như Anh hay La Mã đã lụi tàn trong lịch sử. Mặt khác, Trung Quốc là một nước mới mạnh dạn, tràn đầy năng lượng, tập trung hơn, quyết tâm hơn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Hoặc câu chuyện sẽ không diễn ra như thế.

Sức mạnh của một cường quốc đứng đầu thế giới có thể được dự báo bởi các giả định đơn giản đến mức ngây ngô như vậy không? Để bắt kịp Mỹ, Trung Quốc cần phải đi một con đường rất xa về công nghệ, tài chính và của cải tích lũy. Các giả định về trỗi dậy của Trung Quốc đã sử dụng sự thành công trong 4 thập kỷ tự do kinh tế theo kiểu tư bản hoang dã, vốn không thể không tăng trưởng nóng để dự báo cho sức mạnh của tương lại. Sức tăng trưởng trong 4 thập kỷ của Trung Quốc không phải hoàn toàn do 'sự chỉ đạo sáng suốt' của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hay từ thể chế kinh tế khuyến khích sáng tạo, đổi mới, mà là sự giải phóng nguồn lực kinh tế quá dồi dào bị "ức chế tăng trưởng" trong nhiều năm, ở một nền tảng cực thấp, đương nhiên mang lại kết quả đó. Mặt khác, suốt 4 thập kỷ qua, với sức tăng trưởng của cải vật chất toàn cầu, thế đi lên tất yếu ấy của toàn cầu nhờ khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa, đã giúp Trung Quốc có thể nương theo mà thôi.

Vấn đề là, chính thể chế tàn bạo, sự hà khắc về tự do tư tưởng, sự bóc lột kinh hoàng với tầng lớp lao động, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, mâu thuẫn xã hội gay gắt vì đàn áp nhân quyền, tự do tín ngưỡng đang cản trở sức sáng tạo mãnh liệt của người dân Trung Quốc, cản trở người Trung Quốc tích lũy tài sản, cản trở người dân Trung Quốc tiêu dùng để tăng trưởng GDP, thậm chí việc kiểm soát khu vực kinh tế năng động nhất, mang lại nhiều giá trị nhất về công nghệ, tri thức và tăng trưởng cho Trung Quốc đang bị Bắc Kinh kiểm soát và triệt hạ gần đây cho thấy Trung Quốc đang mất dần đi hy vọng vượt qua Mỹ trong nhiều thập kỷ tới, dù Mỹ đang trên đà suy yếu.

Thứ mà Trung Quốc có thể hy vọng, không phải là soán ngôi của Mỹ mà là kéo Mỹ và thế giới này cùng suy yếu, hỗn loạn mà thôi.

Đối với nhiều người, điều đó có thể gây ngạc nhiên. Chúng ta đọc tin tức hàng ngày về sự áp đảo về công nghiệp của Trung Quốc, những tiến bộ công nghệ và các phương thức kinh doanh đáng kinh ngạc của họ. Trong khi người Trung Quốc di chuyển rất nhanh trên đường sắt cao tốc thì người Mỹ lại ì ạch trên đường sắt Amtrak. Tất cả đều đúng. Nhưng vượt qua Mỹ sẽ đòi hỏi nhiều hơn là việc xây dựng sân bay và lắp mạng 5G. Nó sẽ đòi hỏi những thay đổi cơ bản đối với nền kinh tế Trung Quốc và vai trò của nước này trên thế giới.

Chúng ta biết điều này từ lịch sử hiện đại của các nền kinh tế mới nổi. Việc đưa một đất nước thoát khỏi tình trạng khốn cùng, tuy không đơn giản nhưng ít nhất là rất chân chính. Trung Quốc và các xã hội đang phát triển siêu tăng trưởng khác, chẳng hạn như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore - đã đạt được thành công nhờ hội nhập vào nền kinh tế thế giới, cùng mạng lưới thương mại và tài chính của mình, đồng thời kết nối lực lượng lao động kém cỏi của họ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả là sự bùng nổ của năng suất đã khiến tốc độ tăng trưởng và thu nhập tăng vọt.

Sau đó đến phần thực sự khó khăn. Một khi các nền kinh tế đang phát triển đạt đến tình trạng thu nhập trung bình - nơi mà Trung Quốc đang có ngày nay - hầu hết các thành quả tăng trưởng trước kia sẽ không còn nữa. Tất cả những nhân tố như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào, thị trường tiêu dùng... đều dần bị xói mòn đi, mất đi, nó không thể là động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới. Lúc này, chu kỳ tăng trưởng mới cần một lực lượng lao động có năng suất vượt trội nhờ đổi mới công nghệ, sáng tạo và tri thức. Thứ tạo nên thành công cho giai đoạn tăng trưởng từ nền kinh tế thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao và thu nhập cao của các nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore đã thành công.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, Trung Quốc vì các hạn chế quá lớn trong chính sách cai trị hà khắc, nơi lợi ích của tầng lớp tinh hoa của ĐCSTQ được đặt cao hơn lợi ích của quốc gia, dân tộc đã khiến Trung Quốc chuẩn bị kịp động lực tăng trưởng cho chu kỳ kinh tế mới của họ. Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia bị mắc kẹt ở đây, hầu như không có lối thoát, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng này, và chúng ta không thể nói chắc chắn liệu nền kinh tế này có thể tạo ra bước tiến nhảy vọt vào câu lạc bộ các nước giàu hay không. Các chính sách từng hoạt động rất hiệu quả trước đây về lao động và vốn - không còn đạt được lợi ích như trước. Để đạt được cấp độ tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách phải xóa bỏ những thói quen xấu cũ làm cản trở đến năng suất và không khuyến khích sự đổi mới.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh đang có cách tiếp cận sai lầm đối với sự chuyển đổi khó khăn nhưng quan trọng này. Trung Quốc đã thành công cho đến nay bởi vì họ đã chấp nhận thị trường tự do. Năng lượng kinh doanh của người dân Trung Quốc được giải phóng khi các cuộc cải cách đã loại bỏ bàn tay nặng nề của nhà nước Cộng sản khỏi nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình đó đã phải dừng lại ở một mức độ lớn. Chủ tịch Tập Cận Bình đang tái khẳng định quyền lực của nhà nước và Đảng Cộng sản đối với doanh nghiệp tư nhân.

Bắc Kinh đang phải trả giá vì can thiệp thái quá vào kinh tế và nhân khẩu

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghệ cao, mới với số lượng lớn trợ cấp của nhà nước và các khoản viện trợ khác. Các khoản này cung cấp nguồn lực mà các công ty cần đầu tư nhưng không nhất thiết phải khơi dậy những ý tưởng thú vị là tạo ra các công ty và sản phẩm cạnh tranh. Sự can thiệp liên tục của nhà nước vào các thị trường tài chính và thị trường khác sẽ đưa vốn đến những nơi sai lầm, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước phình to, thay vì các đơn vị tư nhân nhỏ, nhanh nhẹn và hiệu quả hơn.

Hàng năm ở Trung Quốc luôn có hàng triệu học sinh bước vào kỳ thi cao khảo (gaokao), vốn được đánh giá là kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt bậc nhất thế giới. 
Trung Quốc đang phải trả giá cho sự can thiệp bạo lực của nhà nước vào nhân khẩu — chính sách kiểm soát dân số “một con” hà khắc của họ. Dân số đang già đi và số lượng người Trung Quốc trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại với tốc độ thu hẹp 0,5% /năm đến năm 2030. (Getty Images)

Trung Quốc cũng đang phải trả giá cho sự can thiệp bạo lực của nhà nước vào nhân khẩu — chính sách kiểm soát dân số “một con” hà khắc của họ. Dân số đang già đi và số lượng người Trung Quốc trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại với tốc độ thu hẹp 0,5% /năm đến năm 2030. Xu hướng này sẽ là lực cản đối với tăng trưởng trong nhiều thập kỷ. Ngược lại, lực lượng lao động Mỹ sẽ ngày càng mở rộng, bổ sung vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, một phần nhờ vào sự cởi mở đối với người nhập cư của đất nước này.

Đối mặt với những sóng gió như vậy, hoạt động kinh tế trong tương lai của Trung Quốc có thể không khả quan như nhiều người vẫn nhận định. Công ty nghiên cứu Capital Economics, trong một nghiên cứu hồi tháng 2, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2050, sau Mỹ (xét theo tỷ lệ thị trường đối với tiền tệ). Mặc dù nghiên cứu của công ty dự báo rằng các cá nhân Trung Quốc sẽ tiếp tục giàu hơn nhưng chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ. Ngoài ra, thu nhập trung bình của họ trong 30 năm vẫn sẽ chỉ bằng 1/5 của người Mỹ, gần tương đương với Ba Lan ngày nay.

Tất nhiên, đó chỉ là một nghiên cứu để tham chiếu. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều đó không có nghĩa là nó sẽ là nền kinh tế thống trị thế giới. Kích thước đảm bảo một lượng ảnh hưởng nhất định nhưng không phải là sự đảm bảo về quyền lực thống trị. Về quy mô, nền kinh tế Hoa Kỳ đã bị suy giảm so với các nước khác trong nhiều thập kỷ — năm 1960, Mỹ chiếm 40% sản lượng thế giới; năm 2019, chỉ 24%. Nhưng chắc chắn Mỹ vẫn là nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới.

Tổng sản lượng chỉ là một cách để so sánh các nền kinh tế. Nếu so về của cải (tích lũy tư bản) - giá trị của các tài sản như bất động sản và cổ phiếu - Hoa Kỳ giàu có hơn nhiều so với Trung Quốc. So sánh dữ liệu năm 2019 của Viện Doanh nghiệp Mỹ ước tính rằng Mỹ giàu hơn Trung Quốc ít nhất 40 nghìn tỷ USD .

Tương tự như vậy, Mỹ ngày càng trở thành đối thủ nặng ký về tài chính của thế giới. Vị thế đứng đầu của USD mang lại cho Hoa Kỳ đòn bẩy mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc không thể có được. Năm 2019, đồng bạc xanh chiếm 88% trong các giao dịch ngoại hối trên thế giới; Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ ở mức 4%.

Các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền của mình trong kinh doanh quốc tế đã không thành công do chính phủ tiếp tục kiểm soát dòng vốn ra vào trong nước và hạn chế nước ngoài tiếp cận tài sản của Trung Quốc, điều này làm hạn chế sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ trên toàn thế giới. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, dù xuất hiện trong rổ tiền tệ quyền rút vốn đặc biệt của IMF là SDR từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn không thể chuyển đổi. Sức mạnh của tiền tệ và sự tự do của nó được đảm bảo bằng nội lực của nền kinh tế. Trung Quốc chưa có nội lực đủ để cân bằng giá trị tiền nội tệ trên một thị trường toàn cầu tự do.

Lợi thế công nghệ của Mỹ

Trung Quốc cũng tụt hậu về công nghệ. Trong khi họ đang đạt được những bước tiến lớn trong viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác, nhiều ngành công nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc vẫn dựa vào Mỹ và các nước tiên tiến khác về công nghệ. Trong lĩnh vực bán dẫn, một công nghệ không thể thiếu của hầu hết các sản phẩm tiêu dùng, quân sự hiện đại, từ ô tô đến máy tính, các công ty Mỹ kiểm soát gần một nửa thị trường thế giới trong khi Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa giảm được sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu, mặc dù chính phủ đã đổ nhiều nguồn lực vào lĩnh vực này. Công ty nhà nước đang cố gắng cạnh tranh với Boeing và Airbus đơn giản là không thể đưa máy bay của họ cất cánh khỏi mặt đất nếu không có bí quyết của Mỹ và châu Âu.

Điều này khiến sự tiến bộ của Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách của Washington. Trung Quốc đã đang tích trữ chip và thiết bị để sản xuất chúng vì lo ngại chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung khi căng thẳng giữa hai cường quốc leo thang. Ông Tập và các quan chức hàng đầu của ông ta đang thực hiện sứ mệnh loại bỏ rủi ro bằng cách làm cho nền kinh tế Trung Quốc tự cung tự cấp các công nghệ quan trọng bằng hỗ trợ lớn từ nhà nước.

Nhưng tiền mặt của người đóng thuế không nhất thiết tạo ra sự đổi mới. Ví dụ, mặc dù nhà nước đã trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, nhưng chiếc xe chạy bằng pin bán chạy nhất tại thị trường Trung Quốc năm ngoái là Tesla Model 3. Những người Trung Quốc mới đến trong các lĩnh vực công nghệ thường cạnh tranh với các công ty quốc tế đã rèn giũa các kỹ năng phát minh công nghệ trong nhiều thập kỷ. Vào thời điểm Trung Quốc bắt kịp, các đối thủ nước ngoài giàu kinh nghiệm hơn của họ có thể đang chuyển sang một thứ gì đó mới rồi.

Và ngay cả khi Trung Quốc xoay sở để phù hợp với công nghệ của Mỹ, không có gì đảm bảo phần còn lại của thế giới sẽ sử dụng nó. Các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ thực sự mang tính toàn cầu — từ Apple đến Zoom — và đặt ra các tiêu chuẩn công nghệ mới cho toàn thế giới. Máy tính chạy trên Windows của Microsoft và điện thoại di động trên Android của Alphabet (thậm chí cả các thiết bị của Trung Quốc). Những gã khổng lồ của Trung Quốc, mặc dù vô cùng hùng mạnh trên sân nhà, nhưng nhìn chung đã phải vật lộn để thu hút khán giả bên ngoài Trung Quốc. Vẫn có những ngoại lệ — nhà sản xuất viễn thông Huawei và ứng dụng hoán đổi video TikTok . Nhưng họ phải chịu những lệnh cấm ở các quốc gia khác do lo lắng về bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu - một nỗi sợ hãi, do nhà nước độc tài của Trung Quốc thúc đẩy, sẽ ám ảnh công nghệ Trung Quốc. Nếu xu hướng đó tiếp tục, Trung Quốc có thể trở thành một thứ gì đó trong vũ trụ công nghệ của riêng mình, với công nghệ cây nhà lá vườn phổ biến ở quê nhà nhưng có thể không được chào đón ở thế giới như họ chờ đợi.

Cũng tương tự như công nghệ, kinh doanh của Trung Quốc cũng vậy. Mặc dù quốc gia này, với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất thế giới, có nhiều nhà xuất khẩu quan trọng, nhưng điều họ thiếu là các sản phẩm thu hút được trí tưởng tượng (và ví tiền) của người tiêu dùng thế giới. Các công ty Hoa Kỳ tự hào về một số thương hiệu được yêu thích nhất trên toàn cầu - từ Coca-Cola, Nike đến McDonald's; người Trung Quốc, được cho là không có gì (ngoại trừ TikTok).

Điều này nghe có vẻ không quan trọng nhưng việc thế giới tìm kiếm trên Google, đăng ảnh con trên Facebook, xem các bộ phim bom tấn của Hollywood và nhâm nhi ly cà phê Starbucks đã mang lại cho Mỹ một sức mạnh “mềm” mà Trung Quốc không thể đánh bại. Để đạt được điều đó có thể đòi hỏi những thay đổi ở Trung Quốc mà đơn giản là không thể xảy ra trong hệ thống chính trị độc tài của đất nước này.

Sự thiếu tự do học thuật; không có khả năng thảo luận về các vấn đề chính trị, xã hội và thậm chí cả về kinh tế một cách cởi mở; đối với hầu hết người Trung Quốc, việc tiếp cận thông tin từ nước ngoài bị hạn chế đã ảnh hưởng đến cơ hội của Trung Quốc trong việc tạo ra các sản phẩm đánh bại thế giới và nghĩ ra Điều Vĩ đại Tiếp theo. Rõ ràng, các công ty Trung Quốc đã cho thấy họ có thể đổi mới, nhưng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, các biện pháp kiểm soát mà chính phủ đặt ra đối với thông tin và giáo dục có thể khiến Trung Quốc gặp bất lợi so với các xã hội cởi mở hơn.

Không có điều nào trong số này có nghĩa là Trung Quốc vĩnh viễn bị lên án ở vị trí thứ hai. Điều đó cũng không có nghĩa là Mỹ có thể trở nên tự mãn. Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là mối đe dọa địa chính trị nguy hiểm nhất đối với Mỹ và chính nền dân chủ của chính họ.

Thủy Tiên - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Vượt mặt Mỹ? Con đường còn rất xa với Bắc Kinh