Vũ khí hóa tư bản vốn: Cách mà Bắc Kinh tự bắn vào chân mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với tư cách là một nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Anh, Trung Quốc cho thấy họ có thể đâm thanh kiếm kinh tế của mình qua bất kỳ lá chắn an ninh quốc gia có vẻ vững chắc nào của phương Tây.

Truyện kể rằng ngày xưa, tại một cửa hàng bán vũ khí nọ, có một ông khách đến tìm mua một cái giáo và một cái khiên. Đầu tiên ông khách hỏi mua giáo, người bán hàng liền khoe: “Giáo nhà tôi bán là cái giáo sắc nhọn nhất, khiên nào bị nó đâm phải ắt sẽ rách”. Phân vân một hồi, ông liền hỏi mua khiên, người bán hàng lại khoe “Khiên nhà tôi là cái khiên chắc chắn nhất, không cái giáo nào đâm thủng được”. Ông khách ngạc nhiên thắc mắc: “Thế nếu cho cái giáo sắc nhất đâm vào cái khiên chắc nhất thì cái nào thắng?”. Người bán hàng bèn im lặng không trả lời.

Kể từ đó người ta dùng từ “mâu thuẫn” để chỉ những cái trái ngược, xung đột, phủ định lẫn nhau.

Từ “mâu thuẫn” có lịch sử lâu đời trong tư tưởng của chủ nghĩa Mác Trung Quốc, và dường như ý nghĩa của nó không chỉ đề cập đến “sự mâu thuẫn” giữa một ngọn giáo có thể xuyên thủng bất cứ thứ gì và một tấm khiên không bao giờ có thể xuyên thủng: lực bất khả kháng gặp vật thể bất động.

Ông Rana Mitter, Giáo sư Lịch sử và Chính trị của Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford và là tác giả của Cuộc cách mạng cay đắng: Cuộc đấu tranh của Trung Quốc với thế giới hiện đại, nói rằng ông đã được nhắc nhở về câu chuyện ngụ ngôn trên khi mới đây, một công ty được Trung Quốc hậu thuẫn, Nexperia, đã nỗ lực mua một nhà máy sản xuất chip máy tính ở xứ Wales.

Chính phủ Anh ban đầu từ chối can thiệp, nhưng một làn sóng phản đối chính trị đã buộc Thủ tướng Boris Johnson phải ra lệnh xem xét lại theo Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới ra đời của Anh.

Những người phản đối thỏa thuận cho rằng Nước Anh không nên bán một công ty sản xuất chất bán dẫn, một trong những mặt hàng có giá trị nhất trên thế giới hiện tại, cho một công ty được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Những người ủng hộ thỏa thuận chỉ ra rằng nhà máy Newport Wafer Fab không thể sản xuất được loại chip tinh vi nhất hiện nay và nó bị bán lại chỉ vì các chủ sở hữu trước đây làm ăn không có lãi.

Dù cho điều gì sẽ xảy ra với nhà máy, thì có một câu hỏi lớn hơn vẫn đang được đặt ra. Nước Anh cũng giống như hầu hết các nước phương Tây, họ ngày càng lo ngại về tác động an ninh của bất kỳ giao dịch nào với Trung Quốc.

Ông Rana Mitter cho rằng, về mặt truyền thuyết, “lá chắn” an ninh ngày càng trở nên khó thể xuyên thủng đối với các quốc gia bị coi là có vấn đề; Trung Quốc và Nga thường được cho là những ví dụ nổi bật nhất.

Nhưng Trung Quốc cũng muốn nhấn mạnh rằng những quốc gia nào không đón nhận vốn của Trung Quốc mà đối xử với chế độ này bằng sự nghi ngờ, sẽ bị bị kề gươm sắc vào cổ - không phải là một thanh kiếm quân sự, mà là sức mạnh của số lượng vốn đầu tư khổng lồ mà Trung Quốc đang triển khai trên khắp thế giới và tập trung vào các khu vực quan trọng như Vùng Vịnh Lớn.

Cả 2 quốc gia đều đang theo đuổi những con đường có thể dẫn đến loại kết quả xung đột mà phép ẩn dụ “thanh kiếm/ lá chắn” đang mô phỏng một cách sống động.

Nước Anh, giống như nhiều nền kinh tế mở quy mô trung bình khác, đã trở nên phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn quốc tế đầy biến động, cũng như sự phát triển của thị trường xuất khẩu cho dịch vụ và hàng hóa của mình.

Một người đàn ông đứng trước màn hình hiển thị FTSE-100 của London Exchange khi nó đã giảm gần 10% vào buổi chiều sau khi giảm vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, tại London, cùng với các sàn giao dịch châu Âu khác lao dốc hai con số. (Ảnh của DANIEL SORABJI / AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông đứng trước màn hình hiển thị FTSE-100 của London Exchange khi nó đã giảm gần 10% vào buổi chiều sau khi giảm vào ngày 12 tháng 3 năm 2020, tại London, cùng với các sàn giao dịch châu Âu khác lao dốc hai con số. (Ảnh của DANIEL SORABJI / AFP qua Getty Images)

Tháng 5 vừa qua, tờ Sunday Times đưa tin, các nhà đầu tư Trung Quốc được Bắc Kinh hậu thuẫn đã chi 134 tỷ GBP để “mua lại” nước Anh. Số tiền này đã được dùng để thâu tóm các tài sản quan trọng của Vương quốc Anh như các cơ sở hạ tầng, trường học tư thục và các công ty trong danh sách chứng khoán FTSE 100 (100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London).

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc hoặc Hồng Kông hiện sở hữu cổ phần trong các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng quan trọng như Thames Water, Sân bay Heathrow và Mạng lưới Điện của Vương quốc Anh.

Các cuộc tranh luận về tương lai của khoản đầu tư này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với London. Do Brexit, Anh đã chọn cách gỡ bỏ các rào cản chống lại mạng lưới kinh tế trực tiếp của mình; ngay cả người ủng hộ Brexit hăng hái nhất cũng không thể chứng minh được rằng rời khỏi khối thương mại châu Âu giúp nước này làm ăn dễ dàng hơn với Liên minh Châu Âu.

Thỏa thuận thương mại mà Anh mong muốn với Mỹ có thể không sớm diễn ra và ngay cả khi nó có diễn ra, sự kết nối của hai nền kinh tế trưởng thành, tương đối cởi mở có vẻ không làm gia tăng đáng kể quy mô thương mại hoặc tăng trưởng.

Theo Đánh giá tổng hợp gần đây của chính phủ về chính sách đối ngoại và quốc phòng, điều đó khiến Anh phải nghiêng về Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng trong khi Anh tìm kiếm những người bạn mới trong khu vực, thì một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ là một chặng đường rất dài, và sắp tới Thỏa thuận CPTPP (Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) có thể sẽ quan trọng về mặt chính trị hơn là kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường đang phát triển với người tiêu dùng trung lưu mua hàng xa xỉ của Anh, và có nguồn vốn dồi dào để mua lại các nhà máy sản xuất chip của xứ Wales.

Điều này dường như mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Và với tư cách là một nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều so với Anh, Trung Quốc cho thấy họ có thể đâm thanh kiếm kinh tế của mình qua bất kỳ lá chắn an ninh quốc gia có vẻ vững chắc nào của phương Tây.

Nhưng lập luận này có thể là thiếu sót về lâu dài. Rốt cuộc, vốn đầu tư của Trung Quốc đang thúc đẩy nền kinh tế Anh không phải là một món quà. Các công ty Trung Quốc không đầu tư vào bất kỳ công ty nào mà không mang lại lợi nhuận tài chính hoặc không có liên quan gì đến các mục tiêu quốc gia. Từ chối đầu tư vì lý do chính trị vào các thị trường có khả năng sinh lời không phải là một chiến lược để chiến thắng.

Trên hết, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản của mình với tư cách là một tác nhân thương mại toàn cầu: họ muốn hiện diện trong các nền kinh tế và xã hội tự do nhưng không thể tìm thấy một cuộc đối thoại hiệu quả với các lĩnh vực công cộng của họ.

Bắc Kinh thường xuyên chứng minh rằng họ không thích bị chỉ bảo phải làm gì; vì thế không nên ngạc nhiên khi các nước khác sẽ phản ứng tương tự.

Anh cần phải thực tế về việc liệu lá chắn quốc gia của họ có phải hoàn toàn không thể xuyên thủng bởi đầu tư của Trung Quốc hay không. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục thể hiện các nguồn vốn của mình như một thanh kiếm, họ sẽ tự gây thiệt hại lâu dài tại các thị trường mà họ có thể đã phát triển mạnh.

Lê Minh

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Vũ khí hóa tư bản vốn: Cách mà Bắc Kinh tự bắn vào chân mình