‘Vỡ mộng’ lan đột biến và những cú lừa ‘tiền tỷ’ ngoạn mục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vỡ mộng lan đột biến... nhiều đại gia mất nhiều tỷ đồng... một đại gia bị tố ôm trăm tỷ biến mất… Phải chăng người chơi lan đột biến đã đến hồi “tỉnh mộng”?

Vào khoảng giữa năm 2016, thị trường lan đột biến rộ lên những phi vụ mua bán tiền tỷ, và đầu năm 2018 là thời kỳ đỉnh điểm nhất. Thị trường này có “hạ nhiệt” đôi chút vào đầu năm 2019, tuy nhiên, sau đợt giãn cách xã hội vì dịch viêm phổi Vũ Hán vừa qua, lĩnh vực này lại được “hâm nóng”.

Lan đột biến đến từ đâu ?

Theo những người chơi lan đột biến sành sỏi thì những giống lan đột biến đang "sốt" ở miền Bắc hiện nay là các loại 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, Hồng Tam Bảo... Loài hoa cảnh xa xỉ này là ở Cổ Tiết (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), hoa cũng có ở Hòa Bình, Lai Châu… những nơi được thiên nhiên ưu đãi khá nhiều về cây cối, nhất là lan rừng.

“Trong những năm trước, chủ yếu người ta đi khai thác lan từ rừng về, mua theo “cân” rồi chọn lọc từng cây. Đến khi lan đã sổ mặt hoa đẹp, họ nhân giống để có số lượng lớn rồi mới công bố ra thị trường. “Để ý sẽ thấy, cứ 1– 2 năm, trong giới lại xuất hiện vài mặt hoa cực kỳ đỉnh cao”, một người chơi lan đột biến ở Hòa Bình cho biết.

Giá trị bị thổi phồng

Cơn sốt lan đột biến bắt đầu thu hút được sự chú ý của người chơi vào giữa năm 2018 khi có vụ giao dịch thành công 700 triệu đồng giữa người bán ở Thừa Thiên Huế và một dân chơi lan Hải Phòng.

Trong những năm trước, chủ yếu người ta đi khai thác lan từ rừng về, mua theo “cân” rồi chọn lọc từng cây.
Trong những năm trước, chủ yếu người ta đi khai thác lan từ rừng về, mua theo “cân” rồi chọn lọc từng cây. (Ảnh chụp video)

Tiếp đó, giới chơi lan được một phen sốc khi xem clip phát trực tiếp cuộc giao dịch, chuyển giao cây lan đặc biệt có tên "Bướm đại ngàn" cho một chủ khác với số tiền lên tới 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, cây lan này chỉ có độ dài hơn 20 cm.

Sau đó, các thương vụ mua bán lan đột biến bùng nổ với giá bạc tỷ. Một cây lan phi điệp 5 cánh trắng Bảo Duy được bán thành công với giá 2,7 tỷ đồng; gốc Giã Hạc đột biến 5 cánh trắng gần 7 tỷ đồng… Những cuộc giao dịch tiếp đó được thổi lên hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Bong bóng lan đột biến đã vỡ?

Tuy nhiên phải lưu ý rằng dòng lan đột biến cũng giống như nhiều mặt hàng khác, thị trường cần cái gì nhiều thì tự khắc nó sẽ được đôn giá lên. Còn khi bị bão hòa thì sẽ lại trở về giá trị thật.

Theo một số chuyên gia và những người chơi lan lâu năm cho biết, trên thực tế, có những giao dịch lan đột biến lên tới hàng tỷ đồng là chuyện thường. Nhưng để thị trường lan đột biến tăng giá đến vài trăm, vài nghìn tỷ đồng thì phải xem xét lại. Bởi đây có thể là chiêu trò của các nhà vườn muốn lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi.

‘Tán gia bại sản’ với những chiêu lừa tinh vi

Do siêu lợi nhuận kinh tế mà lan đột biến mang lại nên hiện nay thị trường xuất hiện khá nhiều cơ sở nuôi, trồng lan giả mạo. Họ cũng xây dựng cơ sở, thuê đất, làm vườn và xây dựng thương hiệu khá tốt để lấy lòng tin của người mới chơi. Sau đó, họ bán ra toàn sản phẩm “lan giả” để kiếm lợi rồi... biến mất.

Chính vì sự hiếm có và đắt tiền của loại lan phi điệp đột biến mà đã khiến một bộ phận người chơi lan ham làm giàu nhanh chóng dẫn đến ngập trong nợ nần.

Theo một người chơi cây cảnh tại thành phố Hồ Chí Minh, giới chơi lan có máu mặt không nhiều và thường biết rất rõ nhau, họ sẽ lên kế hoạch để đẩy giá một loại lan nào đó. Sau khi thỏa thuận với nhau, họ sẽ tiến hành mua bán hoặc cho người của mình đứng ra mua.

Địa điểm tổ chức là tại nhà vườn có cây lan muốn "làm thị trường", hoặc thuê một khách sạn 3-4 sao tại các thành phố lớn để làm sự kiện hoành tráng, mời rất đông khách và cả báo chí đến tham gia. Họ đặt tiền mặt mệnh giá lớn đầy trên bàn, rồi livestream, chụp hình, quay phim để đưa lên mạng.

Ông Đoàn Văn Nam (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã chơi lan cả chục năm, nhưng cũng tán gia bại sản vì điều này.
Ông Đoàn Văn Nam (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã chơi lan cả chục năm, nhưng cũng tán gia bại sản vì điều này. (Ảnh qua vietnamnet.vn)

Ông Đoàn Văn Nam (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã bị tán gia bại sản vì những chiêu lừa này. Ông Nam nói: "Tôi đã tìm đến Facebook Nguyễn Văn Lộc và đặt mua cây lan đột biến đầu tiên với giá 95 triệu đồng, trong đó phải ứng trước 65 triệu đồng và được chủ Facebook gợi ý cho thanh toán nốt 30 triệu đồng sau khi bán được lan.

Chỉ một ngày sau, đã có người từ Hải Phòng gọi cho tôi, bảo muốn mua lại giò lan trên với giá 115 triệu đồng. Thấy giá quá hời nên tôi đồng ý ngay và gọi cho Facebook Nguyễn Văn Lộc để thanh toán phần còn lại và giao lan", ông Nam cho biết.

Cho đến cuối tháng 7 vừa qua, sau nhiều lần giao dịch lướt sóng, ông Nam cho biết: "Trong vòng 1 tuần sau, hàng loạt người mua lan đột biến của tôi đồng loạt thông báo, họ nghi ngờ cây tôi bán là giả và yêu cầu tôi hoàn trả tiền. Tôi đã gọi ngay cho Facebook Nguyễn Văn Lộc nhưng bị chặn số. Sau khi đăng câu chuyện lên mạng, tôi mới biết có rất nhiều trường hợp như tôi, mua ở nhiều Facebook tên khác nhau nhưng đều giao dịch qua tài khoản ngân hàng Bùi Thị Huệ. Lúc đó vì quá lo sợ, hoang mang nên tôi đã cắm giấy tờ nhà, mượn tiền anh em, họ hàng để trả cho khách hàng tổng số tiền là 2 tỷ 80 triệu đồng và ôm về những giò lan "rởm".

Gần đây, một đoạn clip gây xôn xao mạng xã hội với đoạn ghi lại cảnh mâu thuẫn giữa hai người đàn ông xung quanh chuyện mua - bán giò lan 5 cánh trắng Phú Thọ. Người mua đề nghị người bán viết giấy cam kết khẳng định không phải cây giả nhưng không được chấp thuận, vị khách này nói : "Thế chú đi lừa à? Cháu mua bằng tiền thật, 96 triệu đồng, không phải số tiền nhỏ. Bây giờ chú lại không viết giấy cam kết đảm bảo đây là cây thật", vị khách bức xúc.

Cuối cùng, người bán và vợ mới phân bua rằng họ cũng đi mua từ một bên khác và cũng bị lừa. Đôi vợ chồng không muốn chịu trách nhiệm.

Lời khuyên của những người chơi lan đột biến

Giới đam mê chơi lan khẳng định: "Không ai tự dưng bỏ ra một số tiền lớn chỉ để mua một cây lan về ngắm trong khi ăn chẳng được mà làm dược liệu thì chưa có nhà khoa học nào chứng minh nó có tác dụng”.

"Bỏ ra hàng trăm, hàng tỷ đồng để mua cây thì cũng phải tính toán lâu dài để làm sao vừa có khả năng đảm bảo được nguồn kinh tế vừa nuôi dưỡng đam mê được. Mà thực chất, trồng lan đột biến là làm nông nghiệp thời 4.0 và giờ sắp là 5.0 chứ có phải thú chơi bình thường đâu”.

Anh Biên ở Hà Nội tiết lộ: “Để chơi lan được lâu dài, nhiều người thường cố gắng để có các chậu ‘không đồng’. Ví dụ như năm nay tôi mua một chậu lan đột biến Phú Thọ với giá 50 triệu đồng, sang năm cây lớn hơn, tôi bán các kie của cây ấy và thu được 60 -70 triệu đồng. Lúc đó chậu lan đó sẽ thành chậu ‘không đồng’ bởi vì đã hồi vốn. Chơi như thế thì kinh tế mới bền và có điều kiện để mình sưu tầm những mặt bông khác. Nếu cứ chơi lan đơn thuần, bỏ tiền ra chỉ để ngắm thì lấy gì mà sống".

Mới đây, công an nhiều tỉnh thành đã vào cuộc theo dõi, điều tra chiêu trò thổi giá lan đột biến trong thời gian qua. Không chỉ có những cuộc giao dịch tiền tỷ "ảo" như thật mà còn có cả quá trình "tạo phốt" trên mạng xã hội để khiến người dân sập bẫy.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

‘Vỡ mộng’ lan đột biến và những cú lừa ‘tiền tỷ’ ngoạn mục