Số liệu dân số là 'giả mạo' - Trung Quốc đang dần ‘thu hẹp’ lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số và nguồn lực lao động đang bị thu hẹp lại, trong khi lao động và vốn lại là “hai bánh xe” của tiến bộ kinh tế. Xem ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khó có thể duy trì được “giấc mơ bành trướng”.

Vào ngày 17/1/2020, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra những thống kê sau: vào cuối năm 2019, dân số Trung Quốc ở mức 1,4 tỷ người; với tỷ lệ nam-nữ là 104,5 đến 100; với mức dân số tăng khoảng 4,67 triệu người. Nghe có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế, mỗi một con số này đều là một “ảo ảnh”.

Để làm sáng tỏ bí ẩn, chúng ta phải quay ngược lại gần 40 năm. Một khái niệm quan trọng trong nhân khẩu học là Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) hoặc số trẻ em trai trên một trăm trẻ em gái. Năm 1982, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cứ 100 bé gái thì có 108 bé trai được sinh ra, với SRB là 108. Chính sách một con chính thức được thực thi vào khoảng thời gian đó, cho nên việc lựa chọn giới tính (nam) có hệ thống đã trở nên tràn lan.

ĐCSTQ điều gì cũng ‘làm giả’ được, kể cả tỷ lệ dân số

SRB tăng đều đặn trong vài thập kỷ tiếp theo, đạt mức cao là 121 vào năm 2009. Sau đó, trong 35 năm, tỷ số này nằm trong khoảng từ 110 đến 120, đây là mức SRB tồi tệ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong tất cả các số liệu thống kê chính thức đến năm 2019, tỷ số này được thể hiện là 104,45.

Sự phi lý của tình huống này là hiển nhiên, khi không thể bắt đầu vào năm 1982 với tổng số nam nhiều hơn 8% so với nữ, và trong gần 40 năm sau (với thêm 10% đến 20% nam giới được sinh ra mỗi năm) đến năm 2019, Trung Quốc lại chỉ có 4,5% tỷ lệ nam nhiều hơn nữ.

Nếu đi sâu hơn, chúng ta thấy rằng điều tra dân số Trung Quốc năm 2000 cho thấy có 90,15 triệu người Trung Quốc trong độ tuổi 5-10. Thay vì dân số trong nhóm này giảm vì tỷ lệ tử vong bình thường, thì đến năm 2018, con số đó đã tăng lên 113,38 triệu; nghĩa là có thêm 23,23 triệu “người ảo”.

Trung Quốc là một siêu cường quốc về sản xuất. Nhưng để duy trì "viễn tưởng" về sự cân bằng giới tính bình thường và đường lối của ĐCSTQ về số lượng dân số, Trung Quốc đã làm giả số liệu. Rất có thể dân số Trung Quốc đã bị phóng đại lên ít nhất 100 triệu người để duy trì giả thuyết rằng Trung Quốc là quốc gia lớn nhất thế giới chứ không phải Ấn Độ.

Nếu chúng ta nhìn vào lực lượng lao động Trung Quốc, tức là dân số trong độ tuổi 15-59, thì ngay cả số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cũng cho thấy mức đỉnh vào năm 2011 là 940,4 triệu người. Kể từ đó, nó đã giảm hàng năm và vào năm 2019 là 896,4 triệu người, giảm gần 5% so với mức đỉnh của nó, cũng cho thấy sự sụt giảm dân số nói chung.

Năm ngoái, giáo sư Yi Fuxian từ Trường Y của Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ, và Su Jian - giáo sư Kinh tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc dân tại Đại học Bắc Kinh, đã xuất bản một bài báo bằng tiếng Trung Quốc “2018: Một bước ngoặt lịch sử”. Bài nghiên cứu của họ kể từ đó đã bị xóa khỏi Internet và bị cấm. Kết luận nổi bật của họ là vào năm 2018, Trung Quốc có 10,31 triệu ca sinh và 11,58 triệu ca tử vong; dân số giảm 1,27 triệu người.

Bài học ‘đau thương’ về nhân khẩu học của Nhật Bản là tấm gương cho Trung Quốc

Ở đây, kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1980 có thể mang tính chỉ dẫn. Các chính trị gia Nhật Bản và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tự tin dự đoán một thời kỳ thống trị của Nhật Bản. Họ lập luận về tính ưu việt bẩm sinh của người Nhật, của xã hội và các doanh nghiệp của họ, và việc sử dụng công nghệ Nhật Bản như một vũ khí để đẩy lùi Mỹ.

Nhưng sau đó có hai điều đã xảy ra làm thay đổi tình hình địa chính trị một cách đáng kể. Đầu tiên, dân số Nhật Bản bắt đầu giảm dần sau đó. Thứ hai, Mỹ, với tư cách là thị trường lớn nhất của Nhật Bản vào thời điểm đó, đã quay lưng với Nhật.

Tuy nhiên, cú sốc nhân khẩu học để lại hậu quả nhiều hơn. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đòi hỏi sự mở rộng cả lao động và vốn, đây là hai bánh xe của tiến bộ kinh tế. Nếu một trong hai yếu tố này giảm, thì tăng trưởng kinh tế cũng vậy.

Do đó, việc ĐCSTQ làm giả số liệu dân số, chỉ là đang che dấu thực trạng cho một “nền kinh tế trên đà đi xuống”.

ĐCSTQ tin rằng định mệnh của họ là trở thành cường quốc thống trị trên thế giới. Họ mong muốn chiếm lĩnh Biển Đông, và chứng minh cho Mỹ và Ấn Độ thấy vị trí của mình. Họ mong muốn xâm lược và chiếm đóng Đài Loan. Hành vi này không khác mấy so với hình mẫu tư tưởng của họ, Đảng Cộng sản Liên Xô, dưới thời Stalin và Lysenko trong những năm 1930 và 40.

ĐCSTQ đã tiến thêm một bước bằng cách hủy bỏ các “quy luật số học”, vì phép cộng đơn giản không áp dụng cho thống kê dân số của chính quyền này. Sau gần 40 năm, số liệu thống kê dân số Trung Quốc phải xếp hạng là kém tin cậy nhất trên thế giới.

Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số. Kết quả của nó có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều so với Nhật Bản, có lẽ không phải ngay lập tức, nhưng chắc chắn trong thập kỷ tới. Và với dân số bị thu hẹp, ĐCSTQ không thể nào duy trì “giấc mơ bành trướng” của mình.

Tác giả: Shailendra Raj Mehta - Chủ tịch và Giám đốc MICA, Ahmedabad.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Số liệu dân số là 'giả mạo' - Trung Quốc đang dần ‘thu hẹp’ lại?