Virus nhỏ chặn đứng tham vọng lớn: Trung Quốc quá nhanh, quá nguy hiểm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc, nơi dường như là “vườn ươm” virus phát tán ra toàn cầu với các dịch bệnh trong quá khứ, thì nay khi chủng virus Corona bắt đầu lan rộng, Trung Quốc đã “lãng phí” nguồn tài nguyên quan trọng nhất để chống lại nó: Niềm tin. Và nếu bạn không thể tin vào số liệu thống kê số ca nhiễm và tử vong vì virus Corona mà chính quyền Trung Quốc cung cấp, thì liệu bạn có thể tin về con số tăng trưởng GDP của họ?

Con số ảm đạm

Tháng 10/2019, Trung Quốc tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 70 năm cai trị của ĐCSTQ với một tâm trạng ảm đạm khi tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất (6,1%) sau ba thập kỷ “hoàng kim”. Dù vậy, người ta vẫn đặt nghi ngờ con số thống kê này đã được giới chức Bắc Kinh “hư cấu”.

Năm 2019, Trung Quốc phải đối mặt với thách thức chính trị gia tăng từ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, cũng như căng thẳng kinh tế từ cuộc chiến thương mại leo thang kéo dài với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm 2020 mới thực sự mang lại thách thức gấp bội cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà “thủ phạm” chỉ là con virus Corona bé nhỏ.

Người ta nói rằng, chỉ có phép lạ mới có thể giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vào đầu năm 2020. Với xấp xỉ 24 triệu tấn thép đang nằm im lìm trong các kho dự trữ chưa bán được, doanh số ô tô giảm 8%, doanh số điện thoại di động giảm 7% và chỉ xuất khẩu 0,5% (2019)..., các nhà kinh tế phương Tây nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ từ 3,0 đến 3,5%.

GDP vẫn giữ mức tăng ổn định?

Chỉ tính riêng tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của virus Corona (chiếm hơn 4% GDP của Trung Quốc) đã hoàn toàn “bại trận” trong hơn hai tháng qua. Hồ Bắc là nhà sản xuất phosphorus lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là đại bản doanh của ngành công nghiệp chế tạo ôtô và phụ tùng tại nước này. Trong nhóm 20 nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới chế tạo phụ tùng thì chiếm già nửa đặt tại thành phố Vũ Hán. Tất nhiên, Hồ Bắc không phải là tỉnh duy nhất bị ảnh hưởng kinh tế trầm trọng.

Tỉnh Quảng Đông - đứng đầu số dân đông nhất và là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc (chiếm 11% GDP) cũng chịu tổn thất lớn về kinh tế. Điều đó có nghĩa là chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc (chiếm 4% GDP) có thể làm “bốc hơi” một nửa điểm tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc, thì dĩ nhiên tỉnh Quảng Đông sẽ còn mất điểm lớn hơn nhiều. Michael Pettis, Giáo sư Tài chính tại Đại học Bắc Kinh gần đây trả lời với ABC rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu GDP 2020 là 6%.

Số liệu sụt giảm đáng ngờ

Ngày 26/2, 6 tỉnh của Trung Quốc báo cáo có hơn 900 trường hợp nhiễm virus Corona, trong đó có tỉnh Quảng Đông và tỉnh Chiết Giang. Dữ liệu chính thức cho thấy virus đang “bế tắc” ở 6 tỉnh này khi không có thêm ca nhiễm mới nào trong tuần qua, ngoại trừ Quảng Đông phát hiện thêm 5 trường hợp nhiễm mới.

Đây là số liệu “thực tế” mà chính quyền Trung Quốc cung cấp khi tuyên bố số ca mắc virus Corona mới đang giảm “thần kỳ” ở nước này. Ngoài ra, truyền thông nhà nước cũng cho biết, ngoại trừ Hồ Bắc thì các tỉnh khác chỉ lác đác có 1-2 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Thậm chí nhiều nơi trong suốt tuần cuối tháng 2 không có thêm ca nhiễm mới nào, khiến nhiều khu vực tại Trung Quốc đã “mạnh dạn” nới lỏng các hạn chế đi lại, và dần trở lại làm việc như bình thường.

Có lẽ số liệu này khó tin hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc, và hoàn toàn mâu thuẫn với tình hình an ninh biên giới đang được nâng lên mức báo động tại Hồng Kông. Giới chức Hương Cảng tiếp tục chính sách siết chặt các cửa ngõ thông với Đại lục, mà Quảng Đông là tỉnh liền kề - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh chỉ đứng sau tỉnh Hồ Bắc.

Tuy nhiên tỉnh Quảng Đông vào cuối tuần qua đã hạ mức độ cảnh báo chính thức trong nỗ lực nhằm trấn an mọi người làm việc trở lại. Nhưng các nhà máy lắp ráp đặt tại tỉnh này không thể hoạt động được bởi hàng triệu lao động đang bị mắc kẹt ở các tỉnh khác chưa thể quay lại làm việc. Nhà máy lắp ráp Apple - Foxconn còn phải thưởng tiền để thu hút nhân công.

Liêu Ninh là tỉnh đầu tiên hạ cấp cảnh báo về virus corona từ cấp 1 (cấp cao nhất) xuống cấp 3, tiếp theo là tỉnh Sơn Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Cam Túc và Quý Châu. Một trong những trung tâm mua bán hàng dệt may lớn nhất của Trung Quốc là tỉnh Chiết Giang nay cũng đã mở cửa trở lại từ cuối tháng 2.

Ngày 2/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận có 31 người tử vong và 125 ca nhiễm mới - một con số thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu vào cuối tháng 1. Có điều lạ, trong khi số ca bệnh Covid-19 giảm kỷ lục tại Trung Quốc thì tại một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc cùng ngày hôm đó đã ghi nhận thêm 600 ca nhiễm mới, cao gấp 5 lần so với Trung Quốc.

Niềm tin về tỷ lệ giảm số ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đồng thuận với việc chính quyền Bắc Kinh đang khuyến khích mọi người quay trở lại làm việc. Liệu động lực kinh tế có phải là nguyên nhân dẫn đến những số liệu sụt giảm đáng nghi này?

Chao đảo

Không ai có thể ngờ rằng con virus nhỏ bé Corona lại có sức công phá nền kinh tế Trung Quốc dữ dội đến vậy. Cộng thêm những biện pháp ngăn chặn virus “quá chớn” như phong tỏa hàng chục thành phố, “nhốt” hàng trăm triệu người tại chỗ đã khiến nền kinh tế Trung Quốc gần như “đóng băng” hoàn toàn.

Ngành công nghiệp du lịch trị giá hàng chục tỷ USD liêu xiêu khi chính quyền Bắc Kinh ra lệnh phong tỏa các thành phố lớn như một nỗ lực ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. Các hãng lữ hành, khách sạn và hãng hàng không lớn phải hoàn tiền cho khách, trong khi một số hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Các rạp chiếu phim, chùa chiền và các địa điểm tham quan du lịch đều ngừng hoạt động do lệnh cấm tụ tập đông người, kéo theo ngành dịch vụ ăn uống chịu tổn thất khoảng 500 tỷ nhân dân tệ vì người dân lo sợ dịch bệnh. Báo cáo của Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc cho biết có tới 93% các nhà hàng trên toàn quốc ngừng hoạt động.

Giao thông bị phong tỏa khiến nông dân Trung Quốc không thể bán được nông sản đi các tỉnh thành khác. Ngoài nông sản thì ngành chăn nuôi gia cầm cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường gia cầm sống đã bị đóng cửa. Chỉ riêng tỉnh An Huy, một trong năm tỉnh chăn nuôi gia cầm hàng đầu của Trung Quốc đã thiệt hại khoảng 900 triệu nhân dân tệ.

Cùng với số tiền 12,6 tỷ USD chính quyền Bắc Kinh đã chi cho điều trị y tế và mua sắm các thiết bị chống dịch Covid-19, tóm lại thật khó để tưởng tượng một kịch bản nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong năm nay. Việc chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc nhanh chóng đưa cuộc sống, sản xuất trở lại bình thường đã cho thấy áp lực khôi phục hoạt động kinh tế sau các tác động từ dịch bệnh của nước này, bất chấp nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Trung Quốc có thể thay đổi số liệu về người nhiễm Covid-19 hay số liệu tăng trưởng GDP, nhưng không thể thay đổi được “bản chất” của virus. Việc sử dụng dữ liệu giả mạo để “khuyến khích” hoặc “cưỡng ép” các doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại, cùng lúc “động viên”, “trấn an” người dân đi làm và du lịch sẽ chỉ dẫn đến một làn sóng dịch bệnh nối tiếp.

Lệ thuộc vào Trung Quốc: Quá nhanh, quá nguy hiểm…

Tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc trong suốt hơn ba thập kỷ qua đã biến đất nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chìa khóa cho sự tăng trưởng này chính là thương mại toàn cầu. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất thế giới, mà còn là trung tâm của vô số chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu thô đến linh kiện dùng trong điện tử.

Nhưng virus corona cho thấy uy lực khủng khiếp của nó, có thể dễ dàng biến cỗ máy kinh tế khổng lồ đang vận hành trơn tru bỗng dưng “chết lâm sàng”, kéo theo chuỗi cung ứng của thế giới bị gián đoạn vì mắt xích Trung Quốc bị virus Corona “đục khoét”. Kết quả là mức tăng trưởng toàn cầu bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi.

Khu vực đầu tiên chịu tác động chính là ngành du lịch. Năm 2017, Tổ chức Du lịch Thế giới cho biết Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất cho thị trường du lịch toàn cầu, với mức chi tiêu xấp xỉ 258 tỷ đô la. Khách du lịch Trung Quốc là những người chi tiêu lớn nhất, vì vậy lệnh cấm du lịch sẽ làm tổn thương đến các điểm du lịch yêu thích của họ trên khắp thế giới. Đừng quên rằng, 35 % thị trường các mặt hàng thương hiệu xa xỉ chỉ để dành phục vụ cho các “thượng đế” đến từ Trung Quốc.

Virus Corona cũng gây tê liệt cho chuỗi cung ứng của hầu hết các tập đoàn đa quốc gia đang lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng đối với ngành công nghiệp ô tô, vì tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch bệnh lại là trung tâm lớn của các nhà sản xuất cung ứng ô tô.

Theo DHL, việc phong tỏa đã cản trở nghiêm trọng các hoạt động hậu cần, dựa vào việc tiếp cận đường cao tốc để vận chuyển hàng hóa vào-ra khu vực. Người ta ước tính rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng này sẽ khiến khoảng 1,7 triệu chiếc xe không thể xuất xưởng, đồng nghĩa với việc sản lượng xe sẽ bị giảm 15% trong quý đầu tiên. Các ông lớn như Toyota, Volkswagen VOW và General Motors chịu tác động lớn nhất.

Apple cũng không ngoại lệ. Chuỗi sản xuất của Foxconn đang thiếu nhân công trầm trọng, khiến số iPhone được Apple đem ra thị trường bán sẽ giảm 5-10% trong quý đầu năm. Ngành công nghiệp thực phẩm cũng chịu “nạn” vì các trục giao thông bị bế quan tỏa cảng. Hãng Foxconn của Đài Loan cùng nhiều nhà máy đặt tại Trung Quốc chứng kiến giá trị cổ phiếu giảm 10% ngay sau khi thông báo ngưng hoạt động cho tới giữa tháng 2/2020.

Nhà máy sản xuất Penicillin cuối cùng của Mỹ bị đóng cửa vào năm 2004. Các công ty Trung Quốc được chọn làm nơi thay thế, và vì thế đã vô tình trao cho quốc gia này sự “độc quyền” sản xuất các hoạt chất dược phẩm (API) quan trọng trong thuốc.

Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành dược phẩm đã gây quan ngại mà nhiều quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng đặt câu hỏi: Liệu điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc ngưng cung cấp những loại thuốc không thể thay thế dành cho quân đội, bệnh than là một ví dụ.

Điều này cho thấy một thực tế, đối với một số mặt hàng thiết yếu, sự lệ thuộc vào một quốc gia duy nhất là quá nguy hiểm. Bài học nhãn tiền cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dùng sự “độc quyền” đó để trừng phạt các nước có bất đồng chính trị, như đã từng từ chối xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2012.

Việc kinh tế Trung Quốc tê liệt quá nhanh đã tạo nên hiện tượng domino kinh tế toàn cầu. Từ tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đến hãng xe điện Tesla, hay tập đoàn Apple của Mỹ đều buộc phải giảm nhịp độ sản xuất. Các hãng hàng không thế giới hủy hàng chục ngàn chuyến bay đến và xuất phát từ Trung Quốc dẫn đến việc sa thải hàng loạt nhân viên dịch vụ hàng không. OPEC (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa) phải họp khẩn vì thị trường lớn nhất là Trung Quốc tạm thời "đóng băng"....

Câu hỏi bây giờ là: Trung Quốc sẽ mất bao lâu để loại bỏ mối đe dọa virus Corona, và các công ty toàn cầu làm thế nào để có thể tự mình thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, cũng như phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc?

Nhiều khả năng sẽ xảy ra là: Các cơ chế cung-cầu quốc tế sẽ thích nghi và tìm ra các lộ trình thực hiện thay thế, loại bỏ đối tác Trung Quốc ngay cả khi điều đó sẽ khiến tình hình kinh doanh của họ trở nên bất lợi.

Nhìn vào cách Trung Quốc đối phó với khủng hoảng y tế lần này, hẳn sức hấp dẫn của Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư quốc tế phần nào bị phai nhạt ít nhiều. Nhưng khi cuộc khủng hoảng được đẩy lùi, liệu các tuyến thương mại cũ sẽ tái xuất hiện, và việc kinh doanh với Trung Quốc sẽ tiếp tục như bình thường, ngay cả khi thế giới đã nhận ra sự nguy hiểm phải lệ thuộc vào quốc gia này?

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

 Virus nhỏ chặn đứng tham vọng lớn: Trung Quốc quá nhanh, quá nguy hiểm?