Virus Corona làm bộc lộ rủi ro vỡ nợ trái phiếu đô la của các công ty Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại dịch virus Corona đang làm tê liệt ngành sản xuất, làm tăng rủi ro vỡ nợ tiềm tàng đối với các tập đoàn Trung Quốc mà đã vay 1,6 nghìn tỷ USD bằng trái phiếu đô la.

Tổng số nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên tới 303% GDP trong quý đầu tiên của năm 2019, từ mức 297% cùng kỳ năm ngoái, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), một Hiệp hội tài chính toàn cầu tư nhân có trụ sở tại Washington.

Chuyên gia phân tích kinh tế trưởng của Moody là Mark Zandi đã cảnh báo vào tháng 12 rằng khoản nợ doanh nghiệp lên tới 13 nghìn tỷ đô la, tương đương khoảng 100% GDP của Trung Quốc, đã trở thành mối đe dọa đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung.

Các công ty Trung Quốc đã phát hành 1,4 nghìn tỷ đô la trái phiếu doanh nghiệp mới vào năm 2019, với 90,5% tiền mặt được huy động bởi các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Do nhà đầu tư quốc tế tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ cứu trợ các doanh nghiệp nhà nước của mình, một lượng trái phiếu Trung Quốc ngày càng tăng đã được phát hành ra nước ngoài và có mệnh giá bằng đô la Mỹ để được hưởng lãi suất thấp hơn.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ cùng với việc Enodo Economics báo cáo rằng Trung Quốc đã phải chịu đựng dòng vốn ròng tháo chạy lên tới 748 tỷ USD, 4,9% doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc (POEs) đã vỡ nợ trái phiếu trong năm 2019. Nhưng một cú sốc thực sự đối với các nhà đầu tư là 2,9 tỷ USD trong số 18,6 tỷ USD vỡ nợ là “trái phiếu đô la”.

Vụ vỡ nợ đình đám nhất là sự sụp đổ vào cuối tháng 11 năm ngoái của Tập đoàn Tewoo được hậu thuẫn bởi chính quyền thành phố Thiên Tân. Công ty này đã vỡ nợ 2,05 tỷ USD, bao gồm 300 triệu USD trái phiếu đô la được bán chủ yếu cho các nhà đầu tư quốc tế.

South China Morning Post báo cáo rằng sự lây lan nhanh chóng của virus Corona trên khắp Trung Quốc đã gia tăng áp lực cho các nhà phát hành “trái phiếu đô la” của Trung Quốc, khiến cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều rất khó khăn trong việc huy động tiền mặt mới hoặc thuyết phục các trái chủ chuyển đổi khoản nợ bằng đô la Mỹ của họ.

Nhà phân tích Chang Li của S&P Ratings nhận xét rằng ngay cả khi chính quyền Trung Quốc kiểm soát thành công COVID-19, thì sự lây lan virus trên toàn cầu vẫn có thể có tác động thứ yếu đến các công ty Trung Quốc. Ông cảnh báo: “Sự bùng phát dịch bệnh có thể đặt ra một thách thức đối với dòng tiền và thanh khoản [của các công ty Trung Quốc] ít nhất là trong nửa đầu năm nay”.

Trung Quốc đã có thặng dư tài khoản vãng lai lớn trong 20 năm qua. Nhưng trước khi bùng phát COVID-19, thặng dư đã giảm từ 10,12% GDP vào năm 2007 xuống còn 1,26% vào năm ngoái. Trung Quốc đã thâm hụt thương mại 7,1 tỷ đô la trong tháng 1 và tháng 2 - đây là thâm hụt hàng tháng đầu tiên kể từ năm 2012. Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều vật tư y tế và nguyên liệu thô để làm khẩu trang an toàn và giường bệnh, nhưng xuất khẩu bị thu hẹp với các nhà máy đóng cửa và hàng chục triệu người bị cách ly.

Andrew Collier, giám đốc điều hành của Hong Kong’s Orient Capital Research, cho biết: “Nếu virus tồn tại lâu hơn dự kiến, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và Bắc Kinh sẽ ở vào thế khó xử khi phải tìm cách ‘bơm’ các kích thích lớn hơn vào nền kinh tế mà không dẫn đến nhiều vấn đề nợ nần trong tương lai”.

Bloomberg báo cáo rằng 8,6 tỷ USD trái phiếu đô la trên thị trường nước ngoài của các công ty đang bị khủng hoảng nhất Trung Quốc sẽ đáo hạn vào năm 2020, với khoảng 2,1 tỷ USD đến hạn vào tháng 3. Với việc thị trường chứng khoán thế giới và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chất lượng thấp sụp đổ vào ngày 12/3, có vẻ như rất ít hy vọng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc giải cứu vào phút chót.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Virus Corona làm bộc lộ rủi ro vỡ nợ trái phiếu đô la của các công ty Trung Quốc