Việt Nam vẫn thuộc nhóm ‘các quốc gia lạc quan nhất thế giới’, dù niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu dùng kém, với nhiều người dân địa phương ngần ngại đi mua sắm do lo ngại về tác động kinh tế của đại dịch. Chỉ 5% số người được hỏi mong đợi một nền kinh tế tốt hơn năm ngoái.

Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong 20 năm qua, đưa ra một bức tranh tổng thể ảm đạm về tác động dai dẳng của đại dịch, ngay cả khi nền kinh tế đang phát triển.

Trong một cuộc thăm dò từ tháng 7/2020 được công bố đầu tháng này, 5% số người được hỏi cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.

Việt Nam là quốc gia lạc quan, nhưng đại dịch khiến người dân thắt chặt tiêu dùng

Đó là sự sụt giảm mạnh so với mức niềm tin 70% từ cuộc thăm dò tương tự vào tháng 1/2020, trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, điều này đáng chú ý vì Việt Nam thường được xếp hạng là một trong những quốc gia lạc quan nhất thế giới.

Infocus Mekong Research đã thực hiện cuộc khảo sát. Ralf Matthaes, giám đốc điều hành của Infocus, cho biết rằng tỷ lệ 5% này là mức độ tin cậy thấp nhất trong hai thập kỷ qua mà ông khảo sát người Việt Nam.

“Rõ ràng là mọi người đang ra ngoài ít hơn. Điều đầu tiên là hành vi, vì vậy họ đi ra ngoài ít thường xuyên hơn, và điều thứ hai là tài chính", Matthaes nói, trích dẫn cả những lo ngại về sức khỏe và tài chính.

Việt Nam đã báo cáo 1.095 trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán và 35 trường hợp tử vong. Đó là một trong những mức thấp nhất trên toàn cầu, nhưng người dân địa phương, những người không còn phải theo lệnh phong tỏa, vẫn miễn cưỡng đi du lịch, ăn tối hoặc đi mua sắm, Infocus cho biết.

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng vào năm 2020, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 2,62% so với cùng kỳ năm trước trong quý III/2020. Nhưng sự suy thoái của thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, khiến hàng triệu người phải mất việc làm hoặc giảm giờ làm.

Chính phủ đã tăng cường chi tiêu công và hôm thứ Năm (ngày 8/10) đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5% xuống 4% và lãi suất chiết khấu từ 3% xuống 2,5%.

Ông Matthaes cho biết, nhiều người trong số khoảng 100 triệu dân của Việt Nam cũng đang thắt lưng buộc bụng, việc tiêu dùng hạ cấp xuống các thương hiệu rẻ hơn và chú trọng chi tiêu cho các nhu yếu phẩm của gia đình hơn.

Người tiêu dùng giảm chi tiêu ngoài, ưu tiên chi tiêu cho nhu yếu phẩm

Cũng như ở nhiều nước, ngày càng nhiều người Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến trong bối cảnh đại dịch. Thương mại điện tử sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Bà Phạm Quế Anh, một chuyên gia độc lập về luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho biết nhiều người tiêu dùng thiếu niềm tin vào những người bán hàng trực tuyến “vô danh tiểu tốt”.

Bà nói: “Điều này là do lượng thông tin khổng lồ có sẵn trên internet có thể làm họ bị choáng ngợp hoặc nhầm lẫn. Thứ hai, những người đã quen với thương mại truyền thống cũng sẽ ngần ngại tham gia vào các giao dịch trên internet, hoặc mua từ những người bán vô danh, như nhiều người vẫn gọi".

Bà cho biết cần có luật bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn.

“Trong lĩnh vực các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), chúng tôi biết rằng mặc dù người tiêu dùng có thể trì hoãn những chuyến du lịch hay những vé xem phim, họ vẫn tiếp tục cần những sản phẩm như giấy vệ sinh hay thức uống có gas”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao, bộ phận Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhận xét.

Tại Việt Nam, 82% người tiêu dùng cho biết sẽ giảm tiêu thụ bên ngoài, dẫn đến doanh thu tăng cao của các ngành hàng như sản phẩm sợi ăn liền (+14,1%), xúc xích tiệt trùng (+17,9%), thực phẩm chế biến món ăn (+7,4%) và mayonnaise (+31%).

Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, kênh bán hàng hiện đại ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái (+13% doanh số bán hàng so với năm ngoái) với số lượng cửa hàng gia tăng (+35% số lượng cửa hàng), dẫn đầu là hình thức siêu thị mini (+51%).

Mặc dù Covid-19 lần 2 là ‘cú đấm’ vào nền kinh tế, người Việt Nam vẫn lạc quan hơn hầu hết các quốc gia khác

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn vào tháng 6/2020, khi dịch bệnh dường như đang “thoái lui” và Việt Nam đạt 100 ngày không bị nhiễm bệnh.

Ken Duong, phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Duong Global Business Consulting Group, cho biết: “Các doanh nghiệp nghĩ rằng họ chỉ phải vượt qua một đợt COVID-19 và đã chuẩn bị để tái đầu tư. Sau đó, đến đợt thứ hai vào tháng Bảy, và họ lại bị ảnh hưởng. Nó khó hơn nhiều so với lần đầu tiên".

Bây giờ nền kinh tế đang mở cửa trở lại. Các chuyến bay quốc tế thường lệ được nối lại vào tháng 9/2020 và có thể dẫn đến sự trở lại của du lịch và thương mại với tư cách là động lực kinh tế vào năm 2021.

Mặc dù đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm ảnh hưởng đến tiêu dùng, Nielsen đã báo cáo vào tháng 8/2020 rằng người Việt Nam vẫn lạc quan hơn hầu hết các quốc gia khác. Tính đến thứ Sáu (ngày 9/10), Việt Nam đã có gần một tháng mà không có ca lây nhiễm nội địa.

"Chúng tôi gần như vượt qua virus Corona Vũ Hán", Matthaes nói. Cuộc khảo sát của Infocus cho thấy ba yếu tố sẽ khuyến khích người Việt Nam bắt đầu chi tiền cho các kỳ nghỉ, ô tô và các mặt hàng có giá trị lớn khác, đó là: đảm bảo việc làm, tăng lương, và chính phủ đảm bảo rằng mối đe dọa COVID-19 không còn nữa.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam vẫn thuộc nhóm ‘các quốc gia lạc quan nhất thế giới’, dù niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh