Việt Nam có cần nhận viện trợ khẩu trang của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 6/8, trang fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã đăng một thông báo: "Đêm ngày 2 tháng 8, Lô hàng khẩu trang N95 và khẩu trang y tế của Chính phủ Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đã được vận chuyển đến sân bay Nội Bài, Hà Nội".

Bài đăng này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng Việt Nam với hơn 1400 bình luận. Tuy nhiên, hành động này của chính phủ Trung Quốc chỉ nhận được một số ít lời cảm ơn từ cư dân mạng, còn hầu hết là những kiến nghị về việc nên trả lại hoặc tiêu hủy lô hàng này vì hiện nay Việt Nam đã dư thừa năng lực sản xuất khẩu trang, cũng như người dân lo ngại rằng lô hàng viện trợ của Trung Quốc ... là hàng rởm !

Đêm ngày 2 tháng 8, Lô hàng khẩu trang N95 và khẩu trang y tế của Chính phủ Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đã được vận chuyển đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. 8月2日深夜,中国政府向越南援助的N95口罩和医用外科口罩顺利运抵河内内排机场。

Người đăng: 中国驻越南大使馆-Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội-Chinese Embassy in Hanoi vào Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

Việt Nam hiện đang dư thừa năng lực sản xuất khẩu trang

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, khả năng sản xuất khẩu trang vải của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu.

Sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.

Thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với năng lực của 50 doanh nghiệp báo cáo với Bộ Công Thương có thể sản xuất 8 triệu chiếc khẩu trang/ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.

Nhìn chung, khẩu trang là một sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều, về cơ bản nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang. Vì thế, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu.

Trên thực tế, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 (số liệu mới được thống kê tới ngày 19/4), tổng lượng khẩu trang mà các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD.

Trong đó, theo khai báo hải quan thì chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton.

Các hồ sơ khai báo cho biết, khẩu trang của các doanh nghiệp Việt Nam đang được xuất đi một số thị trường lớn như Nhật Bản 32,7 triệu chiếc; Hàn Quốc 17,1 triệu chiếc; Đức 11,1 triệu chiếc; Mỹ 10,4 triệu chiếc; Hồng Kông (Trung Quốc) 4,1 triệu chiếc; Singapore 1,8 triệu chiếc; Ba Lan 1,5 triệu chiếc; Australia 1,5 triệu chiếc; Trung Quốc 1,5 triệu chiếc; Lào 1,2 triệu chiếc; Nam Phi 1,1 triệu chiếc...

Nếu tính luỹ tiến từ ngày 1/1 đến ngày 19/4 thì tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD.

Làn sóng virus viêm phổi Vũ Hán thứ hai xuất hiện tại Việt Nam với mức độ lan dịch và đe dọa sinh mệnh lớn hơn làn sóng thứ nhất. Nhưng sau 3 tháng không có nhiễm dịch trong cộng đồng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đã thúc đẩy năng lực sản xuất khẩu trang cũng như nhiều sản phẩm phòng hộ y tế trong nước tăng mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Trong khi đó, tâm lý của người dân khi đối diện với làn sóng virus viêm phổi Vũ Hán thứ hai đã bình tĩnh, lý trí hơn nhiều. Việc này giúp Việt Nam vừa cẩn trọng trong cách ly, giãn cách xã hội, vừa không bị sức ép tâm lý hoảng loạn đám đông trong việc mua tích trữ khẩu trang, đồ bảo hộ y tế hay thực phẩm như lần đầu tiên đối diện với dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc.

Rủi ro rình rập

Cùng nhìn lại những sự kiện đã xảy ra, chúng ta có thể nhận thấy rằng chính quyền Trung Quốc đã che đậy sự bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, trong khi dấu hiệu sớm nhất của bệnh viêm phổi bí ẩn có thể đã bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Vào tháng 12, các nhà chức trách đã khiển trách 8 bác sĩ y khoa vì đã lan truyền “tin đồn” sau khi họ cố gắng cảnh báo cho cộng đồng về sự bùng phát của một chủng virus “giống SARS”. Thay vì chú ý đến các cảnh báo, chính quyền lại vẫn cho phép 5 triệu người rời khỏi thành phố trước Tết Nguyên đán. Chính điều này đã góp phần không nhỏ làm cho bệnh dịch lan truyền ra phạm vi toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News vào hôm 3/5, Tổng thống Trump đã phê phán Trung Quốc có vẻ cố ý để virus lây ra toàn cầu khi nói rằng lệnh phong tỏa của Trung Quốc không cho phép người dân từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, nhưng lại cho phép họ bay đến tất cả mọi nơi trên thế giới.

Chính quyền đã không thông báo cho công chúng rằng virus này có thể lây nhiễm từ người sang người mãi cho đến ngày 20/1, và họ đã phong tỏa chặt chẽ Vũ Hán bốn ngày sau đó. Để tiếp tục che đậy tình hình thực sự ở trong nước, ĐCSTQ đã bịa đặt dữ liệu nhằm hạ thấp quy mô của vụ dịch trong khi từ chối các chuyên gia quốc tế tiếp cận Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ thông tin rò rỉ trên mạng xã hội. Thêm vào đó, sự ủng hộ “vô điều kiện” của WHO với chính quyền Trung Quốc về các thông tin liên quan đến dịch bệnh, “sự thiếu hiểu biết” (giả sử là vậy) và thái độ lấp lửng của WHO về dịch bệnh đã khiến phần lớn thế giới chủ quan, coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Và khi dịch bệnh bùng phát ở khắp mọi nơi trên thế giới, Trung Quốc đã hành xử như thể là một "nhà lãnh đạo toàn cầu" khi "hào phóng" viện trợ khẩu trang cùng vật tư y tế cho các nước bạn đang gặp khó khăn.

"Trung Quốc đã tạo ra chất độc và đang bán thuốc giải cho thế giới", chuyên gia đối ngoại Gordon Chang nói với Fox News như vậy. Và một tin không vui với Bắc Kinh là rất nhiều trong số “thuốc giải” mà họ cung cấp là hàng lỗi.

Ngày 29/3, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này không sử dụng một số bộ xét nghiệm Covid-19 do Trung Quốc tặng vì thiếu chính xác, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết các bộ xét nghiệm chỉ có độ chính xác khoảng 40% so với các bộ xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tương tự khi nhận thấy rằng bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc được quảng cáo độ chính xác 80%, nhưng kết quả thực tế chỉ đạt 30%. Do vậy, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng các bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được phát triển bởi một công ty Trung Quốc. Đồng thời, Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng yêu cầu thay thế bộ kit xét nghiệm này sau khi phát hiện có nhiều sai sót, theo báo SCMP.

Trước đó, Cộng hòa Séc cũng cho biết, khoảng 80% bộ xét nghiệm COVID-19 từ Trung Quốc cho kết quả sai. Do đó, các bác sĩ nước này phải dựa vào phương pháp xét nghiệm truyền thống, trang iROZHLAS của Đài phát thanh Séc hôm 23/3 đưa tin.

Ngày 28/3, Bộ Y tế Hà Lan cũng thu hồi 600.000 chiếc trong số 1,3 triệu khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo AFP, Bộ Y tế Hà Lan phát hiện khẩu trang có tấm lọc khí bị lỗi và không che kín vùng cần bảo vệ trên mặt.

Và kết quả là, nhiều nước đã quyết định trả lại những lô hàng vật tư y tế của Trung Quốc. Điều này khiến nhiều cư dân mạng đưa ra phỏng đoán rằng số khẩu trang mà Trung Quốc "viện trợ" cho Việt Nam thực ra chính là những lô hàng lỗi này. Ngay cả khi khẩu trang viện trợ bởi Trung Quốc không phải là hàng lỗi nhưng không thể khiến người Việt Nam yên tâm khi chúng được sản xuất trong bối cảnh làn sóng virus viêm phổi Vũ Hán tiếp tục bùng phát nhiều nơi tại Trung Quốc. Nhiều nhà máy sản xuất khẩu trang Trung Quốc hoạt động với chuẩn mực an toàn y tế thấp khó có thể đảm bảo khẩu trang không mang theo mầm bệnh bởi những người lao động Trung Quốc buộc phải làm việc khi chưa khỏi bệnh hoàn toàn hoặc phơi nhiễm mà không được xét nghiệm đầy đủ.

Hành động này của Trung Quốc rất có thể là vì để thúc đẩy "tiêu thụ" đống vật tư y tế không đạt chuẩn, đồng thời cũng nhằm "lôi kéo" Việt Nam về phía Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang bị bạn bè quốc tế xa lánh vì những hành xử hung hăng của mình trong thời gian vừa qua, cũng như căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang gay gắt.

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam có cần nhận viện trợ khẩu trang của Trung Quốc?