Vì sao Vinsmart và các ‘ông lớn’ công nghệ thế giới đua nhau làm xe điện?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Lĩnh vực ô tô điện có khả năng trở thành một thị trường 5.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Với GM, Ford, Volkswagen… đều đầu tư sâu vào lĩnh vực này, có thể thấy rằng nhu cầu của thế giới với công nghệ ô tô điện sẽ bùng nổ trong tương lai", ông Dan Ives, nhà phân tích thuộc Wedbush Securities nhận định về tương lai của mảng kinh doanh ô tô điện.

Tháng 2 vừa qua, với việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công bố kế hoạch chi 2 nghìn tỷ USD trong vòng 4 năm nhằm gia tăng sử dụng năng lượng sạch trong các lĩnh vực giao thông vận tải, điện lực và xây dựng trong khi nhanh chóng hạn chế sử dụng than đá và dầu khí.

Một khi Mỹ đã bật đèn xanh, thì bất kể ý nghĩa của việc chống biến đổi khí hậu này có nực cười đến đâu thì tác động của Hiệp định này đến 170 quốc gia liên quan sẽ không hề nhỏ. Sự chuyển dịch từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch truyền thống sang các loại xe chạy điện chắc chắn sẽ mang đến những thay đổi không tưởng kể từ thời động cơ đốt trong ra đời.

Có nghĩa là: Xe điện sẽ trở thành “miếng bánh” lớn nhất trong thập kỷ tiếp theo.

Apple, Amazon, Huawei, Hyundai, Tesla rồi đến Foxconn, Fisker… mỗi ngày, người ta lại nghe thấy những tin tức về việc một "ông lớn" gia nhập thị trường xe điện.

Tesla - một hãng xe điện của Mỹ, đầu năm nay đã vượt qua Facebook để trở thành công ty có giá trị vốn hoá lớn thứ 5 nước Mỹ, giá cổ phiếu Tesla Motors đã tăng hơn 600% trong năm ngoái. Giá trị vốn hoá Tesla thậm chí còn vượt qua những tên tuổi như General Motors, Ford, Toyota, Honda, Fiat Chrysler và Volkswagen. NIO - một hãng startup về xe điện ít danh tiếng cũng có giá trị thị trường tăng 1.500% trong năm ngoái. Đây là những chỉ báo đầy hấp dẫn đối với những công ty đang nhòm ngó thị trường xe điện.

Nếu như 5 nghìn tỷ USD của ngành nhiên liệu vận tải được dồn cho ngành công nghiệp xe điện, thì sẽ không khó lý giải tại sao sức hút của ngành xe điện lại lớn đến thế.

"Lĩnh vực ô tô điện có khả năng trở thành một thị trường 5.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Với GM, Ford, Volkswagen… đều đầu tư sâu vào lĩnh vực này, có thể thấy rằng nhu cầu của thế giới với công nghệ ô tô điện sẽ bùng nổ trong tương lai", ông Dan Ives, nhà phân tích thuộc Wedbush Securities nhận định về tương lai của mảng kinh doanh ô tô điện.

Cuộc cạnh tranh về xe điện là cuộc đua công nghệ

Khi cạnh tranh trên thị trường xe điện, người ta không cạnh tranh về động cơ – trái tim của xe, mà là ở "khối óc" - hệ thống cảm biến phức tạp giúp xe kết nối kết nối với đường phố, kết nối với các xe xung quanh, phục vụ lái xe an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, tự vận hành trên đường,.. Những tiện ích mà chỉ thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay mới

Đó cũng là lý do các công ty công nghệ như Apple, Amazon, Google tự tin rằng mình có thể "lấn sân" và được chia phần trong chiếc bánh béo bở này.

Trong một bài phân tích đăng trên tờ CNBC của Mỹ hồi tháng 4, Giám đốc điều hành Daimler Ola Kallenius cho biết kỷ nguyên mới của ngành ô tô đang bắt đầu.

"Khi một ngành trải qua quá trình chuyển đổi, sẽ có thêm những người chơi mới và tôi nghĩ rằng đó là điều tự nhiên", ông nói. Và xe điện chính là cơ hội tạo ra lợi thế ngang bằng cho các công ty công nghệ trước các nhà sản xuất ô tô dày dạn kinh nghiệm như Ford, Toyota, Honda, Fiat Chrysler hay Volkswagen.

Hãng Amazon từ lâu đã đầu tư vào hãng startup xe điện Rivian trong khi Alphabet (công ty mẹ của Google) phát triển hẳn một công nghệ tự lái có tên Waymo.

Apple cũng sẽ cho ra mắt một mẫu ô tô tự lái chạy bằng điện với tên Apple Car hoặc iCar, giới thạo tin cho biết. Báo chí Mỹ đồn đoán rằng Apple đang tuyển quân rầm rộ cho một dự án bí mật có tên Project Titan, giống hệt cái cách họ từng làm trước khi ra mắt iPhone năm 2007.

Apple đang nắm giữ trong tay rất nhiều bằng sáng chế liên quan đến ô tô như hệ thống điều khiển chuyển động của xe tự hành hoặc tự động một phần, các phương pháp điều chỉnh độ trong hoặc mờ của cửa kính ô tô, hệ thống thực tế ảo có thể giúp hành khách làm việc trên xe mà không bị say xe,… Với lợi thế này, nhiều khả năng Apple sẽ hợp tác với một hoặc nhiều nhà sản xuất ô tô để bán hệ điều hành ô tô, phần mềm tự lái hoặc công nghệ liên quan khác, thay vì sản xuất toàn bộ chiếc xe. Tin tức gần đây cũng cho thấy hãng này đang cố gắng tìm kiếm đối tác để cung cấp các bộ phận ô tô, trong khi bản thân Apple sẽ tập trung vào pin, công nghệ tự lái và các tính năng phần cứng/phần mềm khác.

Fisker Inc đã tự sản xuất một chiếc xe thuần điện mang ten Ocean SUV và công bố hợp tác với Foxconn để sản xuất một mẫu xe điện hoàn toàn mới với số lượng khoảng 250.000 chiếc vào năm 2023. Trong bài phỏng vấn với CNN Business, CEO Henri Fisker cho biết "chiếc xe sẽ trông giống như đến từ một hãng công nghệ, thay vì từ một hãng ô tô".

Hãng Foxconn, đối tác của Fisker, với lợi thế về mối quan hệ với các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khả năng gia công sản phẩm tốt nhất thế giới đang sẵn sàng trở thành đơn vị sản xuất, cung cấp linh kiện cho mọi đối tác. Họ cũng đang muốn xây dựng một nền tảng tự lái dành cho xe điện giống như phiên bản hệ điều hành Android dành cho smartphone hiện nay.

Đương nhiên, các nhà sản xuất ô tô truyền thống như Toyota, GM, Ford, Hyundai, Nissan, BMW, Porsche… không thể bỏ qua cơ hội này. Thế mạnh của các hãng này đang khiến cuộc đua thêm phần gay cấn. Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng họ đang phải đối đầu với những đối thủ thực sự mạnh về mặt công nghệ. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng thiếu chip bán dẫn gần đây đã khiến nhiều hãng phải dừng sản xuất. Để bứt phá, họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Các hãng smartphone cũng đua nhau làm xe điện

Cũng với mong muốn chia sẻ miếng bánh xe điện, đầu năm nay, Xiaomi - công ty nắm giữ vị trí thứ 3 về thị phần smartphone trên thế giới, ra thông báo sẽ lấn sân sang làm ô tô điện. Công ty Trung Quốc này ước tính sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Alibaba, Tencent Holdings và Baidu cũng đang tìm kiếm cơ hội mới trong ngành xe điện bằng cách tận dụng lợi thế của chính họ trong deep learning và trí tuệ nhân tạo.

Tháng 4 năm nay, Huawei đã bắt tay hãng năng lượng Cyrus để trình làng mẫu ô tô chạy điện đầu tiên của mình - chiếc crossover Seres SF5.

Công nghệ radar, thu thập thông tin từ môi trường xung quanh xe là một ví dụ điển hình về khả năng ứng dụng công nghệ lên những chiếc xe điện và xe thông minh. Năm 2019, Huawei tuyên bố sẽ sử dụng công nghệ 5G của mình để phát triển radar sóng milimet và radar laser cho các dòng xe tự hành.

Ngay sau đó, họ đã thành lập một nhóm để tập trung phát triển các cảm biếm lidar đa kênh với chi phí thấp, mục tiêu là làm cho công nghệ này có giá cả phải chăng hơn để trang bị trên những mẫu xe điện.

Trường hợp của Huawei phần nào phản ánh khả năng cạnh tranh của các hãng smartphone trên thị trường xe điện. Ngoài ưu điểm có thể nghiên cứu, phát triển linh kiện dành cho ô tô điện, các hãng sản xuất smartphone còn sở hữu kinh nghiệm làm phần mềm. Và trên những mẫu ô tô hiện đại, phần mềm là thứ vũ khí mà các hãng ô tô truyền thống không có được.

Hãng sản xuất smartphone Việt Nam - VinSmart chiều 9/5 vừa qua cũng tuyên bố dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup cho biết: “"Việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này".

VinSmart sẽ phụ trách phát triển các tính năng phần mềm như thông tin - giải trí - dịch vụ (Infotainment) cho ô tô VinFast. Sắp tới, gần 150 tính năng Infotainment trên ô tô, do chính VinSmart phát triển cũng sẽ được ra mắt.

Trước đó, tháng 7/2020, VinSmart công bố đã làm chủ được các công nghệ lõi tiên tiến nhất của mạng di động 5G. Điều này sẽ giúp công ty bổ sung những công nghệ còn thiếu trên một chiếc xe VinFast thông minh.

VinSmart cũng sẽ tập trung vào việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện điện tử, các tế bào pin điện, các hệ thống pin điện hoàn chỉnh - trái tim trên mỗi chiếc ô tô điện và động cơ điện các loại, nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa và đảm bảo nguồn cung chất lượng cao cho VinFast.

Đầu năm nay, VinFast đã chính thức ra mắt 3 dòng xe SUV điện thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo được trang bị kèm những tính năng thông minh.

"Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu của VinFast. Đồng thời góp phần đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới", đại diện VinFast khi ấy cho biết.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Vinsmart và các ‘ông lớn’ công nghệ thế giới đua nhau làm xe điện?