Phần 5: Vì sao nói thế giới đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lần này sẽ trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới, cái giá phải trả sẽ đắt đỏ hơn nhiều so cuộc khủng hoảng trước, bởi nó cùng một lúc hội tụ 3 hiện tượng không mong muốn trong kinh tế học: bong bóng nợ - “Voi trắng”, suy giảm tăng trưởng do yếu tố chu kỳ - “Tê giác xám” và dịch bệnh - “Thiên nga đen”...

Chúng ta không thể không thừa nhận một sự thật là cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), các công ty tài chính (CTTC), thị trường vốn, tiền tệ ngày một hiện đại thì các cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và sau đó là khủng hoảng kinh tế diễn ra theo một chu kỳ nhất định với cường độ ngày một dày hơn, quy mô ngày một lớn hơn, chi phí đắt đỏ hơn và khả năng chống đỡ của chính phủ yếu ớt hơn.

Điều này có nghĩa, không cần sự xuất hiện tồi tệ của dịch bệnh hay thiên tai như virus Corona Trung Quốc, khủng hoảng đã luôn là bóng ma hiện hữu. Lần này, bóng ma khủng hoảng lớn hơn nhiều và chúng ta khó có thể đo lường được tổn thất cũng như dự đoán được thời gian kết thúc của nó bởi ngoài các nguyên nhân nội sinh như bong bóng nợ, suy giảm kinh tế do chu kỳ trước đó thì còn nguyên nhân ngoại sinh là đại dịch virus corona Vũ Hán đang lan rộng toàn cầu và nạn châu chấu sa mạc. Lần này, cùng với yếu tố chu kỳ và bong bóng nợ của thế giới, cũng như bong bóng bất động sản và khối nợ xấu khổng lồ tại Trung Quốc, còn có sự xuất hiện của thảm họa nhân sinh phi tài chính, phi kinh tế là virus Corona Vũ Hán. Không những vậy, sai lầm chính sách sau khủng hoảng lần trước cũng tạo thêm “gánh nặng” cho khủng hoảng lần này.

Sai lầm chính sách sau khủng hoảng 2008-09 sẽ khiến khủng hoảng lần này trầm trọng hơn vì không còn nhiều dư địa chính sách

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09 (GFC 2008) xuất phát từ vỡ bong bóng nợ nhà ở do tiêu chuẩn cho vay dễ dãi (dưới chuẩn an toàn) của hệ thống NHTM tại Mỹ. Làn sóng vỡ nợ nhanh chóng lan khắp thị trường tài chính toàn cầu. Cũng giống các cuộc khủng hoảng khác, sau GFC 2008 là giai đoạn suy thoái kinh tế trầm trọng.

Các chính phủ và chính trị gia - dưới áp lực chính trị cần thành tích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm - đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa quá mức trong suốt 1 thập kỷ qua sau GFC 2008. Một xu hướng điển hình của giai đoạn này là NHTW đua nhau áp mức chính sách lãi suất điều hành 0% hoặc âm (ECB, Nhật, Úc...), nới lỏng định lượng, giảm thuế và chạy đua đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặc dù vậy, kinh tế vẫn tăng trưởng thấp, lạm phát thấp. Điều này phản ánh tổng cầu thế giới thấp, giá cả hàng hóa không tăng nổi khi không có cầu. Dòng tiền bơm ra hiển nhiên sẽ “tràn” ra khỏi khu vực sản xuất thực, “ngấm” vào các thị trường tài sản đầu cơ đầy rủi ro trong khi dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa không còn.

Trong cuộc khủng hoảng lần này, NHTW không thể tiếp tục giảm tiếp lãi suất khi lãi suất điều hành không còn dư địa để hạ, hiện đã là 0%, thậm chí là âm. Chính phủ khó khăn hơn trong vay nợ khi bội chi kéo dài quá lâu và quá lớn, các chỉ số giám sát rủi ro nợ tại nhiều quốc gia đã liên tiếp nháy cảnh báo đỏ. Đây là điều mà trước GFC 2008 không tồn tại. Đó là chưa kể, nếu tiếp tục bơm tiền ồ ạt, nền kinh tế thực có thể hấp thụ nổi khối lượng tiền này hay không vẫn là một câu hỏi khó.

“Voi trắng” bong bóng nợ, bong bóng giá tài sản trên khắp thế giới đã tạo ra các mắt xích kinh tế có rủi ro tích tụ cao như Trung Quốc, Ý...

Dòng vốn giá rẻ đã ồ ạt đẩy vào thị trường trên toàn cầu trong một thập kỷ qua. Khi nền kinh tế thực không hấp thụ hết, phần dư thừa sẽ trở thành tiền đầu cơ vào thị trường tài sản có rủi ro cao như thị trường bất động sản (BĐS), thị trường cổ phiếu… Không chỉ vậy, dòng vốn giá rẻ và dễ dãi còn khuyến khích các chính phủ tăng vay để chi tiêu kích thích tăng trưởng.

Kết quả là, nợ công tăng mạnh, vay nợ nước ngoài quốc gia công và tư trên khắp toàn cầu… Rủi ro đổ vỡ nợ công tại Ý, Hy Lạp chưa tới hồi kết mà bong bóng đã phình to tại các thị trường rủi ro cao như thị trường BĐS tại các nền kinh tế đang phát triển (đặc biệt là Trung Quốc), quỹ đầu tư chứng khoán ETFs,...

Khối nợ toàn cầu ngày một mở rộng và liên tiếp đạt kỷ lục: nợ gấp 3,22 lần số của cải làm ra trong 1 năm (công bố của Viện Tài chính quốc tế IIF). Trung Quốc và Mỹ là hai con nợ lớn nhất của thế giới, chiếm hơn 60% mức tăng trưởng nợ toàn cầu năm 2019. Nợ của các nền kinh tế đang phát triển đạt mức cao nhất mọi thời đại, chiếm tới 168% GDP, tương đương khoảng 55 nghìn tỷ USD, do chi phí vay cực kỳ thấp.

Hình: khối nợ toàn cầu tăng mạnh sau khủng hoảng tài chính 2009 (nguồn: IIF)

IMF cảnh báo gần 40% nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha (tương đương khoảng 19 nghìn tỷ đô la) có nguy cơ vỡ nợ trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

Ngoài việc tình hình chung trên toàn cầu không mấy khả quan, bong bóng nợ BĐS của Trung Quốc và hệ thống tài chính “cực kỳ liều lĩnh” của nền kinh tế này mới là ẩn số đáng lo ngại nhất. Nếu bong bóng BĐS của quốc gia này phát nổ, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, NHTM mất thanh khoản thì hệ thống tài chính thế giới sẽ chịu tiếp một cơn địa chấn lớn hơn nhiều so với GFC 2008. Nguyên nhân vì quy mô nợ của cả Trung Quốc và thế giới lớn hơn 30% so với cuộc khủng hoảng lần trước, mối quan hệ tín dụng của Trung Quốc trên thị trường vốn quốc tế chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng hơn nhiều so với GFC 2008. Trong khi đó, các rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc là một ẩn số, các biện pháp phòng ngừa rủi ro cũng là ẩn số với phần còn lại của thế giới. Quý đọc giả có thể tìm hiểu thêm về rủi ro nợ rất lớn của Trung Quốc qua chuyên đề "Mổ xẻ nợ Trung Quốc" của NTDVN tại đây.

Không chỉ Trung Quốc, tại Châu Âu, Ý cũng là mối lo ngại lớn nhất về rủi ro đổ vỡ nợ công. Hơn 10 năm sau GFC 2008, nền kinh tế Ý dường như chưa bao giờ thoát khỏi bóng ma khủng hoảng, GDP tăng trưởng âm trong nhiều năm, các ngân hàng cần tới hàng chục tỷ EURO để giải cứu, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2 con số, chính trị bất ổn và các chính sách “dân túy” làm nợ công gia tăng chóng mặt mà không mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể… Ý sớm trở thành “bóng ma” kinh tế ám ảnh cả khối EU trong 3 năm qua. Khác với các thành viên còn lại của G7, Ý xoay trục niềm tin hướng vào Trung Quốc với nhiều kỳ vọng từ dự án Vành đai - Con đường (BRI)... Mời các bạn xem thêm tại đây.

Chính những mắt xích kinh tế yếu nhất này lại “tình cờ” là trung tâm của đại dịch, nơi hứng chịu tổn thất lớn nhất về kinh tế - xã hội do virus Corona Vũ Hán mang lại và chưa nhìn thấy điểm dừng…

Cả 3 hiện tượng kinh tế không mong muốn cùng xuất hiện: Bong bóng nợ - “Voi trắng”, Suy giảm tăng trưởng do yếu tố chu kỳ - “Tê giác xám” và Dịch bệnh - “Thiên nga đen”

Không chỉ bong bóng nợ, kinh tế thế giới vừa vặn bước vào giai đoạn suy thoái mang tính chu kỳ. Tức là, ngay cả khi không có virus Corona Vũ hán, nguy cơ suy thoái hoặc khủng hoảng đã có thể xảy ra với xác suất ngày một lớn. Bởi vậy, với sự xuất hiện của dại dịch trong lúc rủi ro suy thoái cao nhất khiến cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lần này - không nghi ngờ gì nữa - sẽ trở thành cuộc khủng hoảng mất mát lớn nhất và kinh hoàng nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại.

Các sự cố, thiên tai khác như động đất, sóng thần, lũ lụt… xảy ra trong một thời gian ngắn, có thể nhìn thấy sự kết thúc và có thể ước lượng tổn thất một vài tuần sau đó. Bởi vậy, các chính phủ, chính trị gia có thể dễ dàng khoanh vùng tổn thất và đề ra giải pháp. Đại dịch virus Corona Vũ Hán trầm trọng hơn nhiều khi chưa ai chắc chắn về thời điểm nó kết thúc, không ai đo lường được quy mô tổn thất nếu đại dịch tiếp tục lan rộng, kéo dài thêm… Nó thực sự là hiện tượng kinh tế “thiên nga đen” đáng sợ nhất của thế kỷ.

Một đại dịch như cúm Tây Ban Nha, đã giết chết khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 1918-1920. Theo tính toán của chuyên gia, đại dịch đó làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu ngày nay khoảng 3.000 tỷ USD. Ngay cả dịch bệnh tương đối nhẹ cũng có thể gây thiệt hại lên tới hơn 2% GDP.

Hiện nay, trên khắp thế giới, mất mát trên thị trường chứng khoán liên tiếp đạt kỷ lục, tại nhiều thời điểm đã có dấu hiệu hoảng loạn. Trong một tháng qua (tính đến ngày 20/03/2020): thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 lần lượt mất tới 29,15% và 26,24%; chỉ số chứng khoán của Anh và Đức còn tệ hơn, tương ứng giảm 30,7% và 37%; chỉ số NIKKEI của Nhật mất mát gần 30%, Shang Hai của Trung Quốc giảm khoảng 10%.

Trong khi đó, toàn cầu hóa cao làm tăng rủi ro đến mức khi một mắt xích lớn bị vỡ, phần còn lại của thế giới lúng túng và khó tìm giải pháp thay thế

Trung Quốc xuất khẩu hơn 80% sản phẩm - bao gồm hàng công nghiệp (linh kiện, phụ kiện đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp khắp nơi trên thế giới) và tiêu dùng, nguyên liệu thô và thực phẩm - bằng đường biển. Nếu các cảng bị đóng cửa, điều này sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu, tương tự việc nguồn cung dầu từ Ả Rập Xê Út bị gián đoạn. Ở mức độ nhất định, Trung Quốc có "năng lực làm đảo chiều" trong ngành sản xuất. Sự gián đoạn trong sản xuất có thể khiến phần lớn nền kinh tế toàn cầu rơi vào bế tắc. Hiện sản xuất toàn cầu đang thực sự bế tắc dù Trung Quốc đã tuyên bố doanh nghiệp nước này quay trở lại sản xuất, song đây vẫn là một tuyên bố chưa chắc chắn. Nhiều thông tin cho thấy dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn còn là mối đe dọa lớn, và việc doanh nghiệp chưa sẵn sàng quay trở lại sản xuất, cung ứng dịch vụ tại các thành phố vẫn còn là điểm nóng.

Chưa kể, các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải vốn phát triển chóng mặt nhờ toàn cầu hóa hiện đang tê liệt vì hàng chục quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới, cấm xuất nhập cảnh để ngăn ngừa virus Corona Vũ Hán.

Khi “thiên nga đen” virus Corona Vũ Hán, “voi trắng” nợ toàn cầu, “tê giác xám” suy thoái kinh tế cùng hội tụ thì sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lần này sẽ trở thành một dấu mốc lịch sử khó quên dù không ai muốn nhớ.

Trà Nguyễn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. IMF, Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1/2020, www.imf.org
  2. Viện tài chính quốc tế, Global Debt Monitor, Sustainability matter, 01/2020
  3. Financial Crisis Inquiry Commission, The Financial Ciris Inquiry Report, 01/2011



BÀI CHỌN LỌC

Phần 5: Vì sao nói thế giới đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử?