Vì sao Ericsson đối thủ Châu Âu lớn nhất của Huawei lại vận động ủng hộ cho nó?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có rất ít công ty thu được nhiều lợi nhuận từ chiến dịch chống lại Huawei do Hoa Kỳ dẫn đầu hơn Ericsson AB. Doanh nghiệp Thụy Điển hiện tại đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất cách đây vài năm và vượt qua Huawei về doanh số bán thiết bị di động ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Giám đốc điều hành Ericsson Börje Ekholm đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang thay mặt cho Huawei.

Ông Ekholm đã gặp các chính trị gia Thụy Điển để phản đối cách nước này cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Thậm chí, ông còn tìm kiếm các công ty luật để giúp Huawei chống lại lệnh cấm.

Ông Ekholm nói rằng trong một thế giới ngày càng đan xen này, tất cả những việc ông làm là chỉ nhằm chăm lo cho lợi ích của công ty mình. Sau lệnh cấm 5G của Thụy Điển, Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa hoạt động kinh doanh của Ericsson tại Trung Quốc. Trong khi đó Ericsson hiện đang vận hành một nhà máy lớn ở đại lục và thu được 8% doanh thu, so với 1% từ Thụy Điển.

“Chúng tôi phụ thuộc vào thương mại tự do”, ông Ekholm nói trong một cuộc phỏng vấn. "Đó là việc tiếp cận thị trường và đó là trung tâm của những gì chúng tôi đang có".

Ngoài ra, lệnh cấm của Trung Quốc cũng có thể gây hậu quả đối với Wallenbergs, một gia đình được gọi là Rockefellers của Thụy Điển. Công ty đầu tư của họ là cổ đông lớn của Ericsson và một số đại gia châu Âu khác, đồng thời là chủ sở hữu lớn nhất của cổ phiếu được giao dịch trên sàn giao dịch của Thụy Điển.

Châu Âu đã nổi lên như một chiến trường trong Chiến tranh Lạnh công nghệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Các thủ đô châu Âu ngày càng sát cánh với Washington. Một số công ty lớn nhất châu lục đang bảo vệ Bắc Kinh. Chính quyền mới của Biden đang báo hiệu lập trường diều hâu chống Trung Quốc của chính mình, khiến các nhà điều hành mất dần hy vọng về một sự thay đổi lớn so với chính sách “chống Trung” trước đây của ông Trump.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu coi Úc là một tấm gương tiêu biểu về việc “dám” chống lại Bắc Kinh. Sau khi chính phủ Úc cấm thiết bị Huawei 5G và sau đó kêu gọi điều tra về việc Bắc Kinh xử lý đại dịch năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu rượu vang, thịt bò, đồng và một loạt các hàng hóa khác của Úc.

Những ngày gần đây, các ứng dụng bản đồ và thương mại điện tử của Trung Quốc đã xóa tất cả liên kết đến gã khổng lồ thời trang Thụy Điển H&M Hennes và Mauritz AB. Đồng thời, một làn sóng điên cuồng trên mạng xã hội của Trung Quốc phản ứng quyết định ngừng nhập bông từ khu vực bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc của các công ty này.

Tại Anh, lệnh cấm đối với thiết bị Huawei đã gây ra phản đối từ các giám đốc điều hành. Tập đoàn Vodafone cho biết việc loại bỏ thiết bị Huawei vốn đã có trong mạng lưới Internet của họ sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD. Ông Sherard Cowper-Coles, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-Anh, đại diện cho khoảng 500 tổ chức của Anh có quan hệ thương mại với Trung Quốc, bao gồm BP PLC, Jaguar Land Rover và một số trường đại học, cho biết nhóm của ông đang thúc ép chính phủ Anh duy trì sự có mặt của Huawei trong thị trường nước này.

“Nếu chúng tôi định xuất khẩu sang các quốc gia khác ngoài Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, và có thể là New Zealand, Úc và Canada, chúng tôi sẽ hoạt động ở những quốc gia mà nhân quyền - hoặc các điều kiện xã hội khác kém lý tưởng hơn”, ông Cowper-Coles cho biết.

Nhiều công ty Mỹ cũng đã đứng ra bảo vệ Trung Quốc khi nhận thấy chính sách đối với Trung Quốc của Washington đe dọa hoạt động kinh doanh của họ. Qualcomm Inc. và Microsoft Corp. đều đã chỉ trích những hạn chế của chính quyền Trump trong việc hợp tác với các công ty Trung Quốc.

Trong số họ, có rất ít doanh nghiệp bị mắc kẹt trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc như Ericsson. Mỹ đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp cả doanh nghiệp này và một công ty cũng đang mắc kẹt khác của Phần Lan là Nokia Corp. Hoa Kỳ đang cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển để mua thiết bị của các công ty này, một cựu quan chức trong chính quyền Trump thậm chí còn đưa ra ý tưởng chính phủ Mỹ mua cổ phần của họ. Hiện Mỹ không có nhiều công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực này, vì vậy Washington ưu tiên sử dụng dữ liệu điện thoại và Internet trên thiết bị do các công ty Bắc Âu này sản xuất hơn là Huawei.

Một màn hình hiển thị logo của Huawei phía sau Ngoại trưởng Mike Pompeo khi ông phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC vào ngày 15 tháng 7 năm 2020 (Ảnh của ANDREW HARNIK / POOL / AFP qua Getty Images)
Một màn hình hiển thị logo của Huawei phía sau Ngoại trưởng Mike Pompeo khi ông phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở Washington, DC vào ngày 15 tháng 7 năm 2020 (Ảnh của ANDREW HARNIK / POOL / AFP qua Getty Images)

Ericsson rất “cao tay” - họ một mặt định vị mình để hưởng lợi từ phản ứng dữ dội của phương Tây đối với Huawei, một mặt vận động hành lang để bảo vệ doanh số và sản xuất của mình tại Trung Quốc.

Hiện Huawei vẫn là nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu thế giới tính theo thị phần vào năm 2020, theo công ty nghiên cứu Dell'Oro Group. Công ty cho biết Ericsson sẽ là số 1 khi thị trường Trung Quốc bị loại trừ, họ đang chiếm khoảng 35% thị phần thiết bị di động và trên đường giành “đánh bại” Huawei.

Người dân Thụy Điển đã có quan điểm cứng rắn hơn về Trung Quốc, sau khi người bán sách Gui Minhai, người sinh ra ở Trung Quốc và có quốc tịch Thụy Điển, bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp. Con gái của ông Gui cho biết ông là một nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị.

Ông Ekholm đã mong đợi Thụy Điển thông qua các khuyến nghị về an ninh mạng của Liên minh châu Âu nhằm cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của Thụy Điển một cách hiệu quả, nhưng không nêu tên Huawei hoặc Trung Quốc. Các quốc gia bao gồm Pháp, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã áp dụng các chiến thuật tương tự, điều này sẽ khiến Trung Quốc khó trả đũa hơn.

Vào tháng 10, cơ quan quản lý viễn thông của Thụy Điển đã tiến một bước xa hơn và loại bỏ Huawei và ZTE. “Trong một phần nghìn giây sau khi nhận được thông cáo báo chí, tôi nhận ra điều này là không tốt”, ông Ekholm nói.

Ngày hôm sau, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thụy Điển nên “sửa chữa sai lầm của mình và tránh tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế Trung Quốc-Thụy Điển và các doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động tại Trung Quốc”. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển cho biết Ericsson có thể phải đối mặt với hậu quả, trong khi ít nhất 3 hãng truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đề xuất, mà không có bằng chứng, rằng Wallenbergs đã thúc đẩy chính phủ Thụy Điển cấm Huawei.

Các bài báo của họ chỉ ra rằng Wallenbergs có cổ phần lớn trong một số doanh nghiệp làm ăn lớn ở Trung Quốc, bao gồm tập đoàn công nghiệp khổng lồ ABB của Thụy Sĩ, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Thụy Điển Electrolux AB và nhà sản xuất dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca PLC. Một số nhà quan sát nhận định rằng Wallenbergs sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu Thụy Điển không đảo ngược lệnh cấm Huawei.

Ông Ekholm cho biết ông đã phản ứng với lệnh cấm Huawei của Thụy Điển và những lời đe dọa của Bắc Kinh thay mặt cho Ericsson, chứ không phải Wallenbergs. Trong các cuộc phỏng vấn với các nhà báo ở cả châu Âu và Trung Quốc, ông gọi lệnh cấm của Thụy Điển đối với Huawei và ZTE là không công bằng. Ông Ekholm cũng đã lên lịch một cuộc họp với các nhà lập pháp Thụy Điển để chỉ trích điều mà ông cho là cách xử lý thô bạo trong quyết định đối với Huawei.

Suốt từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12 năm ngoái, ông Ekholm đã gửi cho Bộ trưởng Ngoại thương Thụy Điển, Anna Hallberg, một loạt thông điệp, gửi cho bà này liên kết đến một bài báo tiêu đề: "Đại sứ Trung Quốc: Chúng tôi có thể trừng phạt Ericsson". Ông nói: “Quyết định của chính phủ đã hỗ trợ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc của chúng tôi theo cách mà chưa quốc gia EU nào khác làm được”, ông viết.

“Tôi thực sự đang cố gắng làm tất cả những gì có thể, Börje”, bà Hallberg trả lời, đồng thời cho biết bà không có biện pháp nào tác động đến quyết định của cơ quan quản lý và rằng Thụy Điển đang nỗ lực để tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Huawei đã yêu cầu ông Ekholm giúp tìm cố vấn pháp lý ở Thụy Điển, theo một người quen thuộc với vấn đề này, nhưng ông Ekholm nói trong một văn bản với bà Hallberg rằng ông không thể tìm thấy một luật sư thật sự có thể giúp đỡ Huawei. “Thật không may, có rất nhiều kẻ hèn nhát”, ông viết.

Một số nhân viên Ericsson, trong khi đó, cảm thấy CEO của họ đã vượt qua giới hạn khi tích cực giúp đỡ một đối thủ, đặc biệt là khi xem xét những hạn chế riêng của Trung Quốc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Ekholm nói rằng ông đã rất ngạc nhiên khi chính trị đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của mình. “Tôi đã không mảy may nghĩ về đó khi nhận công việc này”, “Chúng tôi thấy mình đang ở trong tâm chấn của các đòn trừng phạt, về mặt địa chính trị, điều mà tôi nghĩ chắc chắn không phải là lý do chính khiến tôi nhận công việc này và tôi không có kiến ​​thức nền tảng thực sự (về địa chính trị)”.

Thiện Nhân

Theo WSJ

 

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Ericsson đối thủ Châu Âu lớn nhất của Huawei lại vận động ủng hộ cho nó?