Vì sao các động thái quân sự của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan mang tính chất đe dọa hơn là xâm lược?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giữa hòa bình và chiến tranh, có một cách thứ ba - dùng vũ lực để ép Đài Loan phục tùng. Chiến lược đe dọa là lựa chọn phù hợp đối với Bắc Kinh, trong khi chính quyền này cần tập trung vào các vấn đề lớn hơn như phục hồi nền kinh tế và cạnh tranh với Washington.

Trung Quốc đang thúc đẩy một chiến lược mới để tăng cường áp lực quân sự đối với quyền tự trị của Đài loan, nhưng không "đủ lực" để kích động một cuộc chiến thực sự, các nhà phân tích cho biết.

Các động thái gần đây bao gồm các cuộc tập trận quân sự do Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến hành gần eo biển Đài Loan, bao gồm diễn tập xâm lược đảo trong kỳ nghỉ "Lễ Song Thập" của Đài Loan và một cuộc tập trận đổ bộ tấn công nhằm "kết nối 1km cuối cùng" để chinh phục một hòn đảo.

Tháng trước, các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, và tiến vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo này gần như mỗi ngày, theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Dằn mặt Hoa Kỳ về kế hoạch cung cấp vũ khí cho Đài Loan

Sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh diễn ra khi Đài Loan và Hoa Kỳ đang xích lại gần nhau hơn, bao gồm chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tới hòn đảo

Vào tháng 8/2020. Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong vòng 41 năm qua, và Bắc Kinh cho rằng động thái này vi phạm lợi ích cốt lõi của nước này.

Ngoài ra, vào tháng 9/2020, có tới 7 hệ thống vũ khí lớn đang “trên đường” thông qua quy trình xuất khẩu của Mỹ đến Đài Loan, khi chính quyền Trump gia tăng áp lực lên Trung Quốc.

Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh chào đón Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tới hòn đảo vào tháng 8/2020 (Ảnh của PEI CHEN / POOL / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh chào đón Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tới hòn đảo vào tháng 8/2020 (Ảnh của PEI CHEN / POOL / AFP qua Getty Images)

Tin tức về việc bán vũ khí mới được đưa ra sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ lặp lại lời kêu gọi Đài Loan chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của mình, và thực hiện cải cách quân sự để làm rõ cho Trung Quốc thấy Đài Loan đã chuẩn bị sẵn sàng trước âm mưu xâm lược của Bắc Kinh.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và phản đối mối quan hệ chính thức của Hoa Kỳ với Đài Bắc, cho rằng điều này vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức US Rand, cho biết các hoạt động quân sự leo thang của Trung Quốc phần lớn là nhằm làm mất phương hướng của các nhà lãnh đạo Đài Loan, cũng như khiến họ bối rối trong việc ra quyết định và phản ứng.

Ông Grossman nói thêm: “Sự gia tăng trong hoạt động quân sự của Trung Quốc cũng được thiết kế để khiến Đài Loan phải khuất phục và thu thập thông tin tình báo, chẳng hạn như về phản ứng của các máy bay phản lực Đài Loan nhằm đánh chặn máy bay quân sự Trung Quốc”.

‘Pha trình diễn’ với Đài Loan để che giấu 'bộ mặt thật' của nền kinh tế

Timothy Heath, nhà phân tích nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Rand, cho biết các cuộc tập trận có thể tiếp tục với nhiều hành động đe dọa, bắt nạt và nỗ lực phá hoại và gây mất ổn định hòn đảo - tất cả đều nhằm thuyết phục Đài Bắc chấp nhận thống nhất để đổi lấy an ninh và hòa bình.

Ông Heath cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm một “pha trình diễn” để lôi kéo sự chú ý của người dân đại lục vào “cuộc chiến có thể có” với Đài Loan.

Đây không phải là một năm tốt đẹp đối với Trung Quốc, thiên tai nhân họa, dịch bệnh, lũ lụt, nền kinh tế suy giảm… Đã đến lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông Tập cần thực sự lo lắng, khi mà “người dân có thể bỏ phiếu bầu dựa trên túi tiền, nhưng thông thường, họ sẽ nổi dậy với cái bụng đói”.

Nền kinh tế Trung Quốc bị suy giảm 6,8% trong quý I/2020, sau đó là mức phục hồi thấp 3,2% trong quý II/2020. Quan hệ với Hoa Kỳ vẫn căng thẳng và phức tạp. Trên hết, mưa lớn đã gây ra lũ lụt lớn, khiến quét sạch hàng tỷ USD giá trị vật chất ở Trung Quốc, cuốn trôi các nhà máy, nhà cửa và đất nông nghiệp trong một cơn thủy triều tàn phá.

Chiêu "dương Đông kích Tây" của chính quyền này là nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước, trước một thực tế là nền kinh tế nước này đang rơi vào đình trệ.

Nhà phân tích Health cho rằng "cuộc chiến" với Đài Loan là một trong những tình huống mà Bắc Kinh có thể “xây dựng” lên, trong khi tập trung vào các vấn đề lớn hơn như cải cách nền kinh tế và cạnh tranh với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Heath nói rằng Bắc Kinh không có động cơ để kích động một cuộc chiến tranh giành lấy Đài Loan do các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước - một phần là vì họ đang xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Giữa hòa bình và chiến tranh, có một cách thứ ba

Các cuộc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan là “cần thiết” khi đặc phái viên Mỹ Keith Krach đến thăm hòn đảo, Bắc Kinh tuyên bố.

Các nhà quan sát Trung Quốc đại lục cho rằng việc tăng cường áp lực quân sự có thể giúp Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo, uy hiếp hòn đảo và đáp lại “tình cảm dân tộc” trong nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan, kể cả lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự (Ảnh của Mark Schiefelbein / POOL / AFP qua Getty Images)
Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan, kể cả lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự (Ảnh của Mark Schiefelbein / POOL / AFP qua Getty Images)

"Với các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước quan trọng hơn nhiều đối với chính quyền Trung Quốc, vẫn không có động cơ nào để Bắc Kinh kích động chiến tranh đối với Đài Loan, vì chiến tranh sẽ chỉ làm cho tất cả các vấn đề của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn nhiều"

“Tình hình của Đài Loan về cơ bản đã thay đổi, và khả năng ‘một Trung Quốc’ ngày càng nhỏ… Nhưng giữa hòa bình và chiến tranh, có một cách thứ ba - dùng vũ lực để ép Đài Loan phục tùng. Điều này có thể làm giảm thương vong ở mức độ lớn và giảm thiểu chi phí”, Wang Zaixi, cựu thiếu tướng lãnh đạo một cơ quan đại lục quản lý quan hệ với Đài Loan, cho biết

Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, nói rằng những hành động gần đây của Bắc Kinh chỉ làm tăng thêm sự chán ghét của người Đài Loan đối với Bắc Kinh.

Ông nói: “Trong quá khứ, Bắc Kinh đã gia tăng cả áp lực ngoại giao và quân sự đối với Đài Loan. Nếu Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể đạt được những gì họ muốn một khi sức mạnh kinh tế của họ lớn mạnh hơn... thì họ sẽ chỉ thất bại”.

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao các động thái quân sự của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan mang tính chất đe dọa hơn là xâm lược?