Vay nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc vừa thiết lập kỷ lục mới - Trung ương đang thiếu tiền?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ 10 tháng năm 2021, phát hành nợ mới của chính quyền địa phương Trung Quốc đã vượt nợ cả năm 2020, thiết lập kỷ lục mới. ĐCSTQ đã tạo ra một nền tảng pháp luật để đảm bảo trái phiếu đặc biệt của địa phương nằm ngoài thống kê nợ quốc gia, một kiểu ‘đánh tráo khái niệm’ để làm đẹp số liệu vĩ mô và dễ dàng hơn cho trung ương huy động nợ trong dân cư và quốc tế khi thiếu tiền.

Lại thêm kỷ lục mới về nợ

Trong 10 tháng năm 2021, quy mô phát hành nợ mới của các chính quyền địa phương đã vượt qua 6,48 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY), cao hơn mức 6,44 nghìn tỷ CNY phát hành nợ trong cả năm 2020. Vay nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã chính thức thiết lập một kỷ lục lịch sử mới, theo Secret China.

Trang China Finance Bu ngày 22/10 đưa tin, các chính quyền địa phương đang trong cuộc đua phát hành trái phiếu đặc biệt (càng nhiều càng tốt, không giới hạn) trước thời hạn cuối tháng 11/2021.

Đây là lý do trong tháng 10/2021, các chính quyền địa phương đã tăng tốc tiến độ phát hành nợ qua trái phiếu đặc biệt, vượt quá 640 tỷ CNY chỉ trong tháng 10, đạt mức cao nhất với quy mô phát hành nợ hàng tháng trong năm. Tính tới thời điểm này, nợ trái phiếu đặc biệt chiếm tới hơn 60% tổng quy mô nợ của chính quyền địa phương.

Bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên vào năm 2020 đã từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) hàng năm, đồng thời tăng đáng kể bội chi ngân sách, chấp nhận bội chi ở mức trên 3,6% so với GDP. Một nghìn tỷ CNY đã được đưa vào khoản chi đột xuất ngoài kế hoạch chống dịch.

Tuy nhiên, trong năm 2021, chính quyền Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6% trở lên, bội chi ngân sách khoảng 3,2% GDP và CPI duy trì ở mức khoảng 3%.

Theo tính toán của Reuters, lãi suất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bình quân trong tháng 10 là 3,36%, tăng 12 điểm cơ bản (bp) so với tháng trước; kỳ hạn phát hành bình quân là 13,55 năm, về cơ bản bằng tháng trước; bình quân số đợt phát hành giảm nhẹ.

Trong ngân sách năm nay được chính quyền Bắc Kinh thông qua “hai kỳ họp”, hạn mức nợ mới của chính quyền địa phương vào năm 2021 là 4,47 nghìn tỷ CNY, trong đó hạn mức trái phiếu thông thường là 820 tỷ CNY và hạn mức trái phiếu đặc biệt là 3,65 nghìn tỷ CNY.

Theo một báo cáo do Goldman Sachs công bố hồi tháng 10, tổng nợ địa phương của Trung Quốc đã tăng từ 16 nghìn tỷ CNY năm 2013 lên 53 nghìn tỷ CNY vào cuối năm 2020. Con số này tương đương 52% GDP của Trung Quốc và cao hơn mức nợ chính phủ.

Nợ từ phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương không phải hạch toán vào nợ trung ương

Trung Quốc tạo ra một nền tảng luật pháp mà nợ (từ phát hành trái phiếu đặc biệt) của chính quyền địa phương tăng thoải mái mà không tính vào nợ chính phủ dù bản chất rằng các khoản nợ chính quyền địa phương chính là nợ chính phủ.

Theo Luật Ngân sách (2014) của Trung Quốc, trái phiếu chính quyền địa phương phát hành vì mục đích đặc biệt không cần hạch toán vào ngân sách chính thức của trung ương, không tính vào nợ chính phủ (Nguồn: IMF country report, People's Republic of China: Selected Issues, 17/248).

Như thông tin ở trên, có hơn 60% nợ chính quyền địa phương hiện nay là nhờ phát hành trái phiếu đặc biệt. Điều này có nghĩa có 60% của khối nợ địa phương (ước tính theo GDP từ số liệu của Goldman Sachs thì vào khoảng 4.680 tỷ USD) không được hạch toán vào nợ quốc gia Trung Quốc, con số này tương đương 31,2% GDP của nước này.

Như vậy, Luật Ngân sách của Trung Quốc đã để ra “dư địa” chính sách đảm bảo khi thiếu tiền, trung ương có thể ra lệnh cho chính quyền địa phương các tỉnh phát hành trái phiếu đặc biệt để có tiền chi tiêu trong khi khoản nợ gia tăng thêm không được trung ương ghi nhận như một khoản nợ quốc gia. Các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế vẫn có thể xem Trung Quốc là nơi “an toàn” và “lý tưởng” cho dòng tiền trú ngụ và tìm kiếm lợi nhuận kếch xù từ thị trường 1,4 tỷ dân này.

Với số liệu trái phiếu đặc biệt phát hành kỷ lục ở trên, rất có thể chính quyền trung ương, chứ không chỉ chính quyền địa phương, đang rất thiếu tiền.

Tại sao Trung Quốc cần phải làm đẹp các số liệu nợ?

Nợ chính quyền Trung Quốc và hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, luôn được báo cáo với con số rất đẹp, luôn ở ngưỡng an toàn hơn nhiều so với bất kể nền kinh tế lớn nhỏ nào khác trên thế giới. Nhưng nếu nhìn sâu vào cách hạch toán nợ “không giống ai”, đặc biệt khác xa với chuẩn tính nợ công thế giới, chúng ta mới hiểu được tại sao Trung Quốc luôn có thể báo cáo ra thế giới các thông số kinh tế vĩ mô “đẹp” đến vậy.

Trung Quốc là một quốc gia có nguồn tiền khổng lồ trong vài thập kỷ nhờ trở thành công xưởng lớn nhất thế giới trong làn sóng toàn cầu hóa. Nhưng cũng vì thế, Trung Quốc khát tiền hơn do phát triển các kế hoạch đầu tư kiểu thống trị, ví dụ như dự án Vành đai - Con đường, họ cần vươn vòi bạch tuộc ra khắp thế giới để hút tiền về. Để thực hiện được chiến lược đó, họ cần các thành tích tuyệt đẹp về kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ luôn duy trì ở mức tốt và triển vọng kinh tế luôn tích cực. Các xếp hạng này đảm bảo Trung Quốc có thể huy động vốn với khối lượng lớn trên toàn cầu với mức lãi suất thấp.

Nếu các thành tích đó không thể đến một cách chân chính, tự nhiên, thì đơn giản là chính quyền thiết kế ra các “chuẩn mực kế toán, luật pháp” khác biệt với phần còn lại của thế giới. Ví dụ, việc loại bỏ nợ từ trái phiếu đặc biệt do địa phương phát hành khỏi nợ quốc gia đã giúp chính quyền trung ương nước này vừa thoải mái tăng nợ, vừa che giấu số liệu thực về nợ, vừa được đánh giá là an toàn về nợ để có thể vay nợ lớn hơn nữa.

Nền kinh tế của Trung Quốc có rất nhiều 'lỗ hổng' được chủ động tạo ra bởi luật pháp như thế. Ví dụ như cách Trung Quốc cho phép các ngân hàng thương mại của họ hạch toán nợ xấu “có 1 - 0 - 2”, thực chất là che giấu nợ xấu hay cách chính quyền Trung Quốc hạch toán nợ công hoàn toàn khác biệt với thế giới, thậm chí là cách mà chính quyền Trung Quốc che giấu tình trạng tài chính thực của các công ty Trung Quốc muốn niêm yết và thu hút vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán của Mỹ, EU, hay Hong Kong,… Việc này có thể vô tình hay hữu ý “tiếp tay” cho các công ty Trung Quốc lừa đảo vốn trên thị trường quốc tế.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Vay nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc vừa thiết lập kỷ lục mới - Trung ương đang thiếu tiền?