Ủy ban Quốc hội Australia đề nghị thu hồi hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo SCMP, ngày 17 tháng 3 vừa qua, Ủy ban Quốc hội Australia về tăng trưởng thương mại và đầu tư khuyến nghị chính phủ nước này xem xét xem hợp đồng cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm có vi phạm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại mới hay không và sớm thu hồi hợp đồng này vì lợi ích quốc gia.

Chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia đã cho công ty Landbridge của tỉ phú Trung Quốc Ye Cheng thuê Cảng Darwin với giá 506 triệu AUD hồi năm 2015. Ngoài vai trò là một cảng thương mại, Cảng Darwin còn được dùng như là căn cứ phục vụ lực lượng quốc phòng Úc và Mỹ.

Theo hợp đồng, Landbridge, công ty được cho là có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc, nắm giữ 80% cổ phần tại khu đất này và có toàn quyền kiểm soát hoạt động của Cảng Darwin trong 99 năm.

Đạo luật Quan hệ Đối ngoại mới, được thông qua hồi tháng 12 năm 2020, cho phép chính phủ liên bang chặn các thỏa thuận quốc tế của các trường đại học, hội đồng thành phố và chính quyền bang vì lý do an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia.

Báo cáo của Uỷ ban nêu rõ: “Có nhiều mối lo ngại nghiêm trọng liên quan đến việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và công ty được Bắc Kinh tài trợ hợp tác kinh doanh, sở hữu hoặc thuê cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm Cảng Darwin. Trước những căng thẳng với Trung Quốc, việc cho phép công ty Trung Quốc hợp tác với các trường đại học Úc, bao gồm cả Viện Khổng Tử, và thuê cơ sở hạ tầng chiến lược là mối đe dọa an ninh quốc gia không thể chấp nhận được”.

Trước đó, Australia đã chặn nhiều thỏa thuận lớn liên quan đến các công ty Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận công ty Trung Quốc mua lại chi nhánh Úc Châu của công ty sữa, đồ uống Lion Dairy & Drinks (Nhật Bản) với giá 600 triệu AUD vào tháng 8 năm 2020. Tuy nhiên, một số thương vụ tương tự liên quan đến các công ty Trung Quốc đã được bật đèn xanh.

Khuyến nghị được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng trong năm qua. Canberra khiến Bắc Kinh tức giận khi kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vào tháng 4 năm ngoái. Đáp lại, Trung Quốc áp đặt hạn chế thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia và khơi mào cho cuộc chiến thương mại Úc-Trung.

Mặc dù là bên khiêu chiến, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng nhận “quá đắng” khi lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của họ phản tác dụng, cho thấy quốc gia phát động chiến tranh thương mại này rất có thể lại là bên thua cuộc.

Ngọc Minh

Theo SCMP

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Ủy ban Quốc hội Australia đề nghị thu hồi hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm