Tưởng rẻ mà không rẻ: Lợi nhuận của nhà cung ứng TQ của Apple lao dốc vì sử dụng lao động cưỡng bức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà cung cấp linh kiện cho Apple có trụ sở tại Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân đến từ việc Apple đang rút dần các hoạt động sản xuất của hãng này ra khỏi Trung Quốc. Apple thậm chí còn chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ đối tác với nhà cung ứng OFILM bởi tập đoàn này sử dụng lao động cưỡng bức giá rẻ người Duy Ngô Nhĩ.

Lợi nhuận ròng của AAC Technologies (AAC) - nhà cung cấp linh kiện hàng đầu của Apple tại Trung Quốc - đã giảm mạnh so với năm ngoái; dự báo lợi nhuận quý 3 năm 2021 ​​sẽ giảm từ 51 - 61%. AAC từng là một trong những công ty có lợi nhuận cao nhất trong chuỗi cung ứng của Apple, với tỷ suất lợi nhuận chỉ đứng sau tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC ở Đài Loan.

AAC sản xuất nhiều loại linh kiện âm thanh thu nhỏ cho iPhone và thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, theo ông Hou Anyang - chủ tịch của Frontsea Asset Management, một công ty đầu tư ở Bắc Kinh, sự sụt giảm lợi nhuận gần đây của AAC là “tồi tệ một cách nghiêm trọng”.

Ngoài AAC, nhiều nhà cung cấp khác của Apple cũng chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, Luxshare Precision, một công ty sản xuất linh kiện điện tử có trụ sở tại Trung Quốc, có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng chỉ là 21.73%, so với 69.01% của năm ngoái. Báo cáo bán niên năm 2021 của công ty này đã chỉ ra một trong những rủi ro cơ bản đó là việc “thiếu sự đa dạng trong tệp khách hàng”. Điều này có nghĩa là doanh thu của hãng phụ thuộc chủ yếu vào Apple.

Apple đã ra mắt iPhone 13 vào hôm 15/09. Cũng trong tháng 9, CCTV - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - trong một chương trình tài chính có tên “Nghiên cứu Chuỗi cung ứng của Apple”, đã kêu gọi các công ty Trung Quốc “chấm dứt sự phụ thuộc vào Apple”.

Chương trình này đề cập đến OFILM Group, một nhà sản xuất các bộ phận máy ảnh có trụ sở tại Trung Quốc. Tập đoàn này đã mất đi khoản lợi nhuận đáng kể sau khi bị Apple chấm dứt hợp đồng vào tháng 3 năm nay. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty trong nửa đầu năm 2021 giảm 49,96% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận ròng giảm 93.25% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn đặt hàng từ Apple chỉ chiếm 30% doanh thu của OFILM, tuy vậy, việc Apple chấm dứt hợp đồng với OFILM dường như khiến công ty mất nhiều thứ hơn là chỉ phần hoạt động liên quan Apple.

OFILM đã nêu 2 nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của công ty lao dốc. Thứ nhất, các lô hàng của công ty đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do Apple chấm dứt quan hệ mua hàng. Thứ hai là những thay đổi đáng kể trong môi trường thương mại quốc tế, ví dụ như việc gián đoạn nguồn cung chip.

Nguyên nhân sâu xa: OFILM sử dụng nguồn lao động cưỡng bức rẻ mạt

Apple đã chấm dứt làm việc với OFILM bởi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vào năm 2020 liên quan đến vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Theo một báo cáo được phát hành hôm 01/03/2020 bởi Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook, đã đến thăm nhà máy của OFILM ở Quảng Châu vào tháng 12/2017, đồng thời đăng một lời nhận xét trên nền tảng xã hội Weibo rằng, ông đánh giá cao nỗ lực của OFILM trong “công việc đòi hỏi sự chính xác cao độ” trong quá trình sản xuất camera trước (camera selfie) của iPhone 8 và iPhone X.

Tuy nhiên, từ ngày 28/4 - 01/05/2017, chính quyền Trung Quốc đã chuyển 700 người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương đến làm việc tại một nhà máy OFILM ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây. ASPI trích dẫn nguồn tin của một tờ báo địa phương ở Tân Cương, các công nhân Duy Ngô Nhĩ được kỳ vọng sẽ “dần dần thay đổi tư tưởng” và biến thành “những thanh niên hiện đại, có năng lực”, những người “hiểu được ơn của Đảng, cảm thấy biết ơn Đảng, từ đó đóng góp vào sự ổn định chung”.

Hôm 01/02, các quan chức Tân Cương đã tổ chức cuộc họp báo lần thứ 3 về các vấn đề liên quan đến Tân Cương. Tại hội nghị, một phóng viên của hãng tin AP đã nêu lên một vấn đề trong chuyến thăm nhà máy của anh này vào năm 2019, anh quan sát thấy nhà máy OFILM ở Nam Xương không cho phép công nhân Duy Ngô Nhĩ cầu nguyện hoặc rời khỏi nhà máy. Việc này vi phạm nghiêm trọng các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế về quyền lao động; đây cũng là biểu hiện của lao động cưỡng bức.

Đáp lại, ĐCSTQ và OFILM đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc cưỡng chế người Duy Ngô Nhĩ làm việc tại các nhà máy. Tuy nhiên, Apple vẫn chấm dứt quan hệ đối tác với OFILM. Theo một thông báo do OFILM đưa ra hôm 24/03, họ đã bán "các thiết bị sản xuất máy ảnh của mình liên quan đến các khách hàng ở nước ngoài [ám chỉ Apple]".

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tưởng rẻ mà không rẻ: Lợi nhuận của nhà cung ứng TQ của Apple lao dốc vì sử dụng lao động cưỡng bức