Từ sự kiện ‘ông trùm hàng hải Trung Quốc mất tất cả‘: Lịch sử tước đoạt tài sản tư nhân đang lặp lại ở Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát các nguồn tài nguyên của quốc gia, nên khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc luôn hoạt động dưới “ân huệ của ĐCSTQ”. Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra kế hoạch cho một 'kỷ nguyên mới', cùng với việc nắm quyền kiểm soát đối với cả hoạt động kinh doanh tư nhân.

Từ xóa sổ, đến tái xuất, rồi kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân

Thực tế là, vào những năm 1950, ĐCSTQ đã xóa sổ khu vực tư nhân, nhưng đến cuối những năm 1970 lại để nó tái xuất hiện.

Sau gần 4 thập kỷ gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phương Tây đã tin rằng rằng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đang nghiêng nhiều về việc mở cửa nền kinh tế hơn nữa.

Đầu tiên, chính sách “lưu thông nội bộ” - giải pháp của Ủy ban Trung ương cho các tranh chấp thương mại toàn cầu là thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng nội địa trong số 1,4 tỷ dân của mình. Trong khi theo nhiều chuyên gia, gần 1 tỷ người dân Trung Quốc không có quyền tiêu dùng, không biết rằng ĐCSTQ sẽ "xoay sở" ra sao với kế hoạch này?

Từ chiến dịch “hướng nội” theo cách “lưu thông nội bộ”. ĐCSTQ mở rộng “Vạn lý Trường thành” kinh tế hơn. Trong vài năm qua, ĐCSTQ đã thực thi các chính sách để giành lại quyền kiểm soát khu vực tư nhân, mà lời kêu gọi gần đây về một cuộc “cải cách quan hệ đối tác công-tư”, nhằm mục đích tăng cổ phần của chính phủ trong các công ty tư nhân.

Đây là câu chuyện hàng đầu trên CCTV Evening News vào ngày 15/9 - Chủ tịch Tập ban hành "chỉ thị quan trọng", với một tiêu đề dài dòng: "Ý kiến ​​về Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của Kinh tế Tư nhân trong Kỷ nguyên Mới".

Mục đích cuối cùng đơn giản là để ĐCSTQ có thể thâm nhập, can thiệp và kiểm soát tư tưởng lãnh đạo của khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN).

Tại một hội nghị gần đây với các chủ doanh nghiệp tư nhân, ông Tập đã khuyên họ nên học hỏi từ các hình mẫu “doanh nhân yêu nước” hạn như ông Lô Tác Phu, Vương Quang Anh và Vinh Nghị Nhân, những người đã nghe theo ĐCSTQ và chia sẻ quyền sở hữu công ty của họ với chính phủ.

Bi kịch của Lô Tác Phu

Tuy nhiên, câu chuyện của ông Lô Tác Phu lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại, khi đó là câu chuyện về một doanh nhân đã bị ĐCSTQ lừa dối, sau đó là bị tiêu diệt.

Từ những năm 1920 đến những năm 1940, ông Lô Tác Phu là vua hàng hải của Trung Quốc. Năm 1925, ông thành lập Tập đoàn Công nghiệp Dân Sinh và thống trị hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy trên sông Dương Tử.

Năm 1938, ông Lô đã tổ chức “Cuộc di tản Dunkirk của Trung Quốc”: Khi quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc và đang tiến đến thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, công ty của ông đã vận chuyển 1,5 triệu người và hơn một triệu tấn vật liệu từ thành phố Nghi Xương xuôi sông Dương Tử đến Trùng Khánh. Sự rút lui này đã cứu các ngành công nghiệp chính của Trung Quốc trong trận chiến của Trung Quốc chống Nhật Bản vào Thế chiến thứ II.

Ông Lô đã được chính phủ ca ngợi là anh hùng dân tộc. Đồng thời, cuộc chiến đã khiến công ty của ông thiệt hại 16 tàu và 116 sinh mạng, cùng 61 nhân viên bị tàn phế.

Sau Thế Chiến II, ĐCSTQ đã có một cuộc nội chiến với Quốc Dân Đảng, đảng cầm quyền vào thời điểm đó, và tiếp quản đại lục vào năm 1949. Ông Lô, lúc đó đang chỉ huy các con tàu của mình ra khỏi Hong Kong, có bốn lựa chọn:

  • Đi với ĐCSTQ;
  • Đi cùng Quốc Dân Đảng sang Đài Loan;
  • Sang Mỹ để viết hồi ký;
  • Hoặc ở lại Hong Kong và tiếp tục điều hành công việc kinh doanh vận tải biển của mình.

Ông Lô đã chọn đi với ĐCSTQ và sang Bắc Kinh. Ngày 10/6/1950, ông đã cho tàu đi sang phía bờ biển của đại lục. Ban đầu, ĐCSTQ còn đối xử tốt với ông: ĐCSTQ đã phong ông là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc toàn quốc, và sau khi ông trở về Trùng Khánh, ĐCSTQ đã bổ nhiệm ông làm ủy viên của Ủy ban Chính trị và Quân sự Khu vực Tây Nam.

Tuy nhiên, ông Lô đã mất quyền kiểm soát công ty của mình. ĐCSTQ đã “kìm kẹp” công việc kinh doanh của ông bằng cách kiểm soát nguyên liệu, vốn và các kênh bán hàng. Công ty của ông phải gửi tiền trong các ngân hàng quốc doanh và không được phép vay từ các ngân hàng hay tổ chức tư nhân.

Khi công ty của ông cạn tiền, ông Lô không còn lựa chọn nào khác, đành phải đồng ý “liên doanh nhà nước – tư nhân” để vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh. Sau đó, ông đã bị loại bỏ dần dần.

Ngay cả trước khi chính phủ nắm quyền sở hữu chung, các đại diện của ĐCSTQ đã bắt đầu đưa ra các quyết định về nhân viên của công ty Dân Sinh, bao gồm bắt giữ, cách chức và chấm dứt hợp đồng. Ông Lô chỉ có thể đứng nhìn những nhân viên bậc cao và bậc trung của mình, những người đã cùng ông tạo nên kỳ tích Dân Sinh năm xưa, bị tấn công hoặc thanh trừng.

Tháng 1 năm 1952, ĐCSTQ đã phát động một phong trào chính trị nhắm vào các nhà tư bản trong ngành công nghiệp và kinh doanh. Ngày 8 tháng 2, đại diện của ĐCSTQ tại công ty Dân Sinh tuyên bố rằng ông Lô đã cố tình “làm hỏng” anh ta bằng cách đưa anh ta đi nhà hàng và rạp hát. Trợ lý của ông Lô xác nhận rằng ông Lô đã trả tiền ăn tối, xem Kinh kịch và cắt tóc cho người đại diện ĐCSTQ. Tuy nhiên, anh ta đã không đề cập đến việc ông Lô dùng tiền riêng của mình để trả cho những thứ đó.

Đêm đó, ông Lô đã uống một liều thuốc ngủ tự tử. Ông để lại một bức thư cho vợ, bảo bà giao hết tài sản của ông cho nhà nước. Cuối cùng, ông cũng hiểu rằng ĐCSTQ đã toan chiếm đoạt tài sản kinh doanh của ông bằng bất cứ giá nào và ông phải từ bỏ tài sản để cứu mạng vợ con mình.

Từ lịch sử ‘chiếm đoạt các công ty tư nhân’, đến hiện tại ‘kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân’

Chỉ trong gần 3 tháng từ ngày 25/1 đến ngày 1/4/1952, có ít nhất 876 người đã tự sát ở Thượng Hải. Có nguồn tin rằng Trần Nghị, khi đó là thị trưởng Thượng Hải, ngày nào cũng hỏi phụ tá hôm nay có bao nhiêu “lính dù” hạ cánh, ám chỉ những người tự sát bằng cách nhảy lầu từ các tòa nhà cao tầng.

ĐCSTQ đã coi việc sở hữu của cải là một tội ác, tịch thu của cải là điều đúng đắn nên làm. Sau khi tiêu diệt địa chủ và các nhà tư bản, thì nông dân, thương gia và lao động lành nghề là các đối tượng “bị nhắm đến”.

Năm 1956, ĐCSTQ đã biến toàn bộ quyền sở hữu tư nhân thành “liên doanh nhà nước – tư nhân”, và chỉ trả lãi suất 5% mỗi năm cho các chủ sở hữu ban đầu, bất kể công ty kiếm được bao nhiêu lợi nhuận.

Sau đó, tháng 9/1966, các chủ sở hữu không được trả lãi nữa. Đến lúc đó, không còn loại hình sở hữu tư nhân nữa — ĐCSTQ đã tiếp quản mọi công ty.

Nền kinh tế dựa trên các công ty quốc doanh của ĐCSTQ đã cho thấy sự thất bại. Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc buộc phải “mở cửa và cải cách”, đưa khu vực kinh tế tư nhân trở lại.

Ngày nay, các doanh nghiệp tư nhân là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. Các công ty tư nhân đóng góp 2/3 GDP của Trung Quốc, 300 triệu việc làm và hơn 50% thuế. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mặc dù có tài sản và thu nhập lớn nhưng mang lại lợi nhuận thấp.

Tuy nhiên, giờ đây chính quyền này lại tìm cách tiếp quản tài sản tư nhân lần nữa. Chủ tịch Tập Cận Bình đang gây dựng lại nền kinh tế nhà nước kiểu “tự cô lập” như những năm 1950. Nhiều người cho rằng điều này thật điên rồ, làm thế nào Bắc Kinh lại bắt đầu “quay ngược thời gian” theo cách đó?

Nhưng đó chính xác là điều mà ĐCSTQ vừa làm đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân.

‘Vạn lý Trường thành’ về kinh tế - Phải chăng lịch sử đang lặp lại?

Giương cao ngọn cờ yêu nước và chủ nghĩa xã hội, tăng cường chỉ đạo chính trị, tư tưởng, tiếp tục xây dựng nền tảng cho công tác chính trị tư tưởng của những người làm kinh tế tư nhân”, chỉ đạo nêu rõ.

Nhưng phải “báo trước” là, “vị trí thống trị của sở hữu công không thể bị lung lay; và vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh cũng không thể bị lung lay”, ông Tập tuyên bố.

Carl Minzner, giáo sư luật và chính trị Trung Quốc tại Trường Luật Fordham ở New York, giải thích về kế hoạch rằng: “Điều này hoàn toàn rõ ràng: khu vực tư nhân cần phải tuân theo đường lối của ĐCSTQ. Điều đó có cảm giác như chúng ta đang quay trở lại đầu những năm 1950. Doanh nghiệp tư nhân tồn tại, nhưng chỉ cho đến khi họ có thể tự biến mình thành những người trung thành".

Một luật sư đã chỉ ra rằng Luật Hình sự Trung Quốc quy định chi tiết hơn 450 tội danh, trong đó, hơn 110 tội danh là tội phạm kinh tế. ĐCSTQ có thể dễ dàng tiêu diệt một chủ doanh nghiệp tư nhân mà chẳng mất công gì khi buộc tội anh ta là “tội phạm kinh tế”.

Một cách khác mà ĐCSTQ lấn sân sang khu vực tư nhân là buộc các công ty tư nhân thành lập các chi bộ Đảng. Hội nghị Xây dựng Đảng ở các Công ty Internet tại Bắc Kinh ngày 25 tháng 8 năm 2017 đã tiết lộ rằng 34 công ty Internet, trong đó có Baidu và Sina, đã thành lập chi bộ Đảng ở các công ty.

Thật vậy, ĐCSTQ được thành lập để “lãnh đạo toàn diện”, và yêu cầu tất cả các công ty thành lập một đảng ủy. Gã khổng lồ viễn thông Huawei cũng nằm trong diện này. Ngày nay, người ta vẫn chưa biết cấu trúc chính xác của Huawei. Trong nội bộ công ty ở Thâm Quyến, có hơn 56 chi ủy ĐCSTQ, với tổng cộng 12.000 đảng viên.

Liệu trụ sở Huawei ở các nước có một chi bộ như thế ở đó không? Vì vậy, thách thức an ninh là vấn đề cốt yếu ở đây. Liệu bản chất thật của Huawei là một công ty nhà nước, công ty liên doanh hay công ty tư nhân?

Đó cũng chính là nguyên nhân tại sao vấn đề của Huawei lại dẫn đến “một cuộc xung đột trên tất cả các mặt trận” của ĐCSTQ với chính quyền các nước phương Tây. Khi mà có bằng chứng rõ ràng về “sự thông đồng" giữa Huawei và ĐCSTQ, với việc ĐCSTQ "đã tài trợ cho sự phát triển của Huawei với khoảng 75 tỷ USD trong ba năm qua", theo một cuộc điều tra của quốc hội Anh đã đưa ra kết luận.

ĐCSTQ cũng thiết kế một loại cổ phiếu đặc biệt có tên là “Cổ phiếu Quản lý Đặc biệt” để ĐCSTQ có thể sở hữu một tỷ lệ nhỏ cổ phiếu, nhưng vẫn có quyền phủ quyết đối với các công việc của công ty, từ đó sử dụng ảnh hưởng của nó đối với các quyết định của công ty.

Chạy trốn khỏi Trung Quốc?

Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã nhận ra rằng số phận của họ sẽ sớm giống ông Lô Tác Phu và cố gắng trốn thoát.

Báo cáo “Đánh giá về tình hình di cư của người giàu toàn cầu năm 2019”, do AfrAsia BankNew World Wealth công bố cho thấy Trung Quốc có số người giàu nhập cư ở nước ngoài cao nhất trong năm 2019, gấp đôi số người rời khỏi Nga, đứng ở vị trí thứ hai.

Tổng cộng, vào năm 2017 có 10.000 người giàu Trung Quốc nhập cư và đến năm 2018 có 15.000 người giàu nhập cư, tăng 50%.

Năm 2018, hơn 15 doanh nhân từ Trung Quốc đại lục có các công ty được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong được cho là đã lập quỹ tín thác ở nước ngoài để chuyển 28,5 tỷ USD tài sản ra nước ngoài.

Theo tin tức của Al Jazeera – kênh truyền thông của Qatar đã tiết lộ nội dung “Tài liệu Síp”, nói rằng Cộng hòa Síp (Cyprus) - một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã phê duyệt 1.400 cuốn “Hộ chiếu Vàng” từ năm 2017 - 2019, trong đó hơn 500 hộ chiếu được cấp cho người Trung Quốc.

Những người giàu nhất Trung Quốc lặng lẽ ra đi. Trong số khoảng 500 người nhập tịch gốc Trung Quốc, Al Jazeera đã công bố thông tin của 8 người, trong đó có bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), cổ đông lớn của công ty bất động sản Country Garden, là một trong những tỷ phú trẻ và giàu nhất châu Á.

Theo bảng xếp hạng những phụ nữ giàu nhất thế giới năm 2020 của Forbes, bà Dương đứng thứ 6 với tài sản ước tính 20,3 tỷ USD. Tài sản của bà Dương chủ yếu đến từ người cha là ông Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang) - người sáng lập Country Garden và là Chủ tịch hội đồng quản trị.

Những người Trung Quốc đã được Al Jazeera công khai quốc tịch Síp cũng bao gồm các đại biểu của đại hội nhân dân của một số tỉnh, thành phố. Tờ South China Morning Post chỉ ra rằng một khi những người này bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài, họ sẽ bị tước tư cách đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Đây chưa phải là làn sóng “tháo chạy khỏi ĐCSTQ”, nhưng nhiều người đã chuẩn bị cho mình con đường lui, một khi họ nhận ra bản chất thật của chính quyền này.

Liệu các chủ doanh nghiệp Trung Quốc ngày nay có kết cục giống ông Lô Tác Phu không? Có lẽ đó là điều khó tránh khỏi với những gì ĐCSTQ đang làm cho người dân và các doanh nghiệp của họ.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Từ sự kiện ‘ông trùm hàng hải Trung Quốc mất tất cả‘: Lịch sử tước đoạt tài sản tư nhân đang lặp lại ở Trung Quốc?